BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TẬP 3 LSVNPT NĂM 2018 VÀ “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” TRẦN HOẰNG NGHỊ | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TẬP 3 LSVNPT NĂM 2018 VÀ “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” TRẦN HOẰNG NGHỊ
BÁO CÁO MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TẬP 3 LSVNPT NĂM 2018 VÀ “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” TRẦN HOẰNG NGHỊ
Ngày 21- 9 - 2018, tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng, số 43 đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội Hội đồng Trần tộc Việt Nam và Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam tổ chức cuộc gặp mặt một số cơ quan báo chí ,các nhà văn cùng các nhà sử học, nhà nghiên cứu lịch sử để thông báo và làm rõ một số sai sót nghiêm trọng trong tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông năm 2018 do Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) biên soạn; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật in ấn, phát hành; PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên.

                                                                                           BÁO CÁO

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TẬP 3 LSVNPT NĂM 2018

VÀ “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” TRẦN HOẰNG NGHỊ

                            Hà Nội, Ngày  21 tháng 9 năm 2018

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa các nhà báo thân mến!

 

Thay mặt Hội đồng Trần tộc Việt Nam và Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu, khách quý đã đến dự buổi gặp mặt báo chí hôm nay. Xin chúc các quý vị dồi dào sức khỏe, thành đạt, gia đình hạnh phúc. Sự có mặt của các bác, các anh chị là các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn và các nhà báo thể hiện tình cảm, tấm lòng nồng hậu đối với dòng họ và sự quyết tâm trong việc cùng chung tay, góp sức bảo vệ lịch sử dân tộc.

          Năm 2018, ngành sử học nước ta có một sự kiện đáng lưu tâm. Tháng 5 năm 2018, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” gồm 9 tập, do Viện Sử học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) biên soạn. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật in ấn, phát hành. Bộ sách sau khi xuất bản đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận xã hội bởi những sai sót đáng tiếc. Trong đó, tập 3 từ thế kỷ X đến năm 1593 do PGS - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần viết về Nhà Trần (1225 – 1400) đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch, không chính xác, không trung thực, gây bất bình, phản ứng mạnh mẽ của các nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo chân chính, và cả các con cháu hậu duệ họ Trần cũng vô cùng bức xúc.

1- Trong phần đầu cuốn sử, phần giới thiệu về Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, trang 194, tác giả viết: “Trần Thủ Độ sinh ra ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)”không đúng. Thực tế Bến Trấn thuộc hương Tinh Cương xưa, sau là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở đây có thôn Tam Đường là nơi có đền thờ Tổ họ Trần, có lăng mộ của Thái Tổ Trần Thừa, lăng mộ của ba vị vua Trần có nhiều công lao với nước, với dân: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và mộ các Hoàng Hậu. Xưa kia, Bến Trấn nằm cạnh sông Hồng, thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức. Tại sách “Hoằng Nghị Đại vương” do nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2007,tái bản năm 2015, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đưa ra dẫn chứng câu thơ cổ “Bến Trấn Tinh Cương lưới với chài”. Câu này có nghĩa là Bến Trấn ở hương Tinh Cương là một làng chài. Hương Tinh Cương xưa chính là xã Tiến Đức ngày nay. Còn xã Thái Phương ở cách xa sông Hồng hơn 10 km, chủ yếu là đồng ruộng canh tác, không có sông lớn dành cho thuyền bè đi lại.

Tiếp đến, trong phần nội dung viết về Trần Thủ Độ, tác giả viết: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên Tổ của nhà Trần là Trần Lý...”  Ở đây, xuất hiện một “nhân vật lịch sử” mới lạ “Trần Hong Nghị”, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần. Một người không có tên tuổi và công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần nay bỗng được tác giả “phong” vương, ngang hàng với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thế kỷ thứ XIII. Không những thế, tác giả còn gán ghép cho Trần Hoằng Nghị là em trai cụ Trần Lý, là thân sinh ra Trần Thủ Độ, để rồi quy cho đây là tổ tiên họ Trần.

Các sách sử Việt Nam chưa bao giờ nói Trần Lý có em trai, cũng chưa bao giờ nói đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị được phong vương. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu lịch sử của dân tộc như Đại Việt sử ký toàn thư; Khâm định Việt sử Thông giám cương mục; An Nam chí lược… đều nói rất rõ Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với bác ruột là Trần Lý, được Trần Lý coi như con. Gia phả dòng họ Trần Ích Tắc, con vua Trần Thái Tông viết được phát hiện vào những năm gần đây cũng ghi rõ Trần Lý không có em trai.

2- Qua nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu và con cháu hậu duệ họ Trần theo nhiều hướng khác nhau nhưng đều đạt đến một kết quả là không có Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Ngoài các tư liệu chính sử từ thời Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn sau này, ngay các tài liệu của tỉnh Thái Bình như Tự điển Thái Bình xuất bản năm 2010, dày khoảng 500 trang, trong đó có 36 trang nói về những người họ Trần quê hương Thái Bình nhưng không có nhân vật nào có tên là Trần Hoằng Nghị. Trước đó, cuốn sách “Danh nhân Thái Bình” xuất bản năm 2002, có độ dày gần 450 trang, tập hợp các nhân vật nổi tiếng quê Thái Bình trong các thời kỳ lịch sử, trong đó có Lý Bí, Bùi Quang Dũng, Trần Thủ Độ, Vũ Thị Thục nương, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Lê Quý Đôn… nhưng cũng không có tên Trần Hoằng Nghị. Điều đó chứng tỏ những tài liệu của ông Nguyễn Minh Tường viết ra là hoàn toàn ngụy tạo. Không những thế, phần viết về nhà Trần của tác giả rất mờ nhạt, không tương xứng với công lao và sự hy sinh to lớn của các danh nhân lịch sử triều Trần. Viết về triều đại nhà Trần mà không viết về vị vua đầu triều Trần là vua Trần Thái Tông, một ông vua anh hùng, xuất sắc của Việt Nam và thế giới mà chỉ nhấn là ông vua trẻ con, ông vua 8 tuổi, hầu như không có công lao gì trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên- Mông, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi. Trong mục Chế độ điền trang, thái ấp, mở đầu tác giả đưa ra các chuyện “gọi là cướp vợ” của nhau trong nhà Trần không liên quan gì đến chế độ điền trang, thái ấp. Điều đó khiến cho người đọc cảm thấy khó chịu, không thể chấp nhận được, bởi phương pháp chuyển tải thông tin không phù hợp, thiếu logic của tác giả. Hành trang vua Trần Nhân Tông viết sau các danh tướng Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải,  đề mục “Cuộc chuyển giao quyền lực từ nhà Trần sang nhà Hồ” trong khi nội dung thể hiện rõ là Hồ Quý Ly cướp ngôi và còn  nhiều  sai sót khác.  

  Chính vì thế, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan chức năng đề nghị cho thu hồi Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông để chỉnh lý, biên soạn lại, khắc phục những sai sót nghiêm trọng của tập sách, với mong muốn bảo vệ sự trong sáng của lịch sử nước nhà, bảo vệ uy tín của quốc gia. Chúng tôi cũng đề nghị thay chủ biên để bảo đảm tính khách quan. Kiến nghị của dòng họ đã được các báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Điện tử bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh... thông báo và đăng tải. Một số nhà báo đã viết bài đăng tải trên các báo như báo Nông nghiệp Việt Nam, báo Truyền thống và Phát triển, Tuần báo Văn nghệ Công an thành phố Hồ Chí Minh v.v. . . Chúng tôi vô cùng cảm động, biết ơn về sự phối hợp, đồng hành với dòng họ của các nhà báo và cơ quan báo chí.

3- Hiện tượng Trần Hoằng Nghị bắt nguồn từ ngôi từ đường của gia đình ông Trần Văn Sen, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen. Theo chúng tôi được biết, năm 1984 - 1985, ông Trần Văn Sen đã mua lại trọn vẹn ngôi nhà thờ cổ của người khác rồi dựng làm từ đường của gia đình, nhưng nói với các nhà sử học là nhà của tổ tiên để lại… (xin nói thêm, từ đường này vốn là của một gia đình danh gia vọng tộc, tổ là cụ cử Hoàng Nhân. Cải cách ruộng đất năm 1955, 1956 gia đình cụ bị quy là địa chủ, nhà bị chia cho 2 ông nông dân. Hai nông dân bán cho ông Đặng Văn Kiện ở làng Kỳ Trọng, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Năm 1980, ông Sen mua lại của ông Kiện với  giá 20 cây vàng).

Ông Sen lại làm 2 chiếc bài vị giống nhau, 1 chiếc đặt ở nhà thờ gia đình, một chiếc đặt ở ngôi miếu gốc đa ngoài cánh đồng Phương La và cũng nói với các nhà sử học là của tổ tiên để lại. Hai bài vị có nội dung như sau: “Phụng Đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân”, có nghĩa là “Phụng thờ vị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ” “Trần Hoàng Nghị đại vương thượng đẳng phúc thần linh vị, Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị: Tiên Dung hoa nương hiệu Hoàng Đức Mây, Tô thị hoa nương, Quế thị hoa nương”. Các tên húy này thường được gia đình ông Sen và người thân truyền khẩu là “Tô thị nàng, Quế huê nàng, Dong huê nàng, Hoàng Đức Mây” (đây là theo cách nói của một số người dân địa phương ở nam Trung bộ từ Huế đến Phan Rang). Nếu theo bài vị này thì Trần Hoàng Nghị là tên húy của một người có bố là người họ Trần, mẹ là người họ Hoàng, con là Trần Hoàng Nghị. Trần Hoàng Nghị lại lấy người vợ họ mẹ tên là Hoàng Đức Mây ...

Năm 1995, tức 10 năm sau, ông Sen tổ chức họp đại diện 12 chi họ Trần trong thôn Phương La. Các chi họ này không cùng một gốc, từ bốn phương rải rác về cư trú, lập nghiệp tại Phương La. Có chi họ về được 10 đời, có chi họ ít hơn, có chi họ mới tách ra thành 2, 3 chi họ. Bản thân ông Trần Văn Sen cũng mới được ông Trưởng chi họ Trần Văn cho tách ra thành chi họ mới vì ông Sen một mực đòi đổi tên chi họ là Trần Hoàng (có thể vì thế bài vị ông khắc tên ông tổ của ông là Trần Hoàng Nghị). Đặc biệt trong số 12 chi họ đó có một chi họ vốn là họ Trần gốc họ Chế người Chiêm Thành. Đại diện các chi họ bàn bạc đi đến hợp nhất thành một họ. Ông Trần Văn Sen được bầu là tộc trưởng rồi nghiễm nhiên gọi từ đường của nhà ông là từ đường họ Trần thôn Phương La.

4-  Người đầu tiên tiếp xúc sự việc này là cụ Dương Quảng Châu, nhưng thấy bài vị có nhiều điều bất ổn, không hợp lý nên phải vận dụng phương pháp lấy chứng tích điền dã để minh chứng. Tuy nhiên, chứng tích thực tế không có nên cụ phải tạo ra chứng tích mới.

Năm 1995, Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo: “Trần Thủ Độ, con người thời Trần” tại Thái Bình, lần đầu tiên “công bố thân sinh của Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghị Đại vương”. Trong bài “Trần Thủ Độ với Thái Bình”, tác giả Dương Quảng Châu viết: “Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Trần Hoàng Nghị. Trần Hoàng Nghị sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang tức Trần Thủ Độ”.

Để thể hiện đây là tư liệu điền dã, cụ Dương Quảng Châu viết: “…Các bô lão ở Trực Nội, (tổng Trực Nội nay thuộc hai xã Đông Quang – Đông Xuân, huyện Đông Hưng – Thái Bình) vào vùng Động Núi, được các bô lão ở địa phương cho biết: ở vùng này có nhiều nơi thờ An Hạ Vương. Theo thần phả ghi An Hạ Vương là con thứ hai Trần Hoàng Nghị Đại Vương, em An Quốc Đại Vương, là anh Trần Thủ Độ”…

 “...Trong một trận chiến đấu, Trần Hoàng Nghị và một số chỉ huy đã chết trận cùng với một số chiến sĩ, được nhân dân Hạ Liệt (nay là xã Thái Hà, Thái Thụy), lập đền thờ ở cánh đồng Hạ Liệt, coi như thờ Bách Linh trận vong chiến sĩ, ngôi duệ hiệu cao nhất là “Trần triều Hoàng Nghị Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần”. Các cố lão ở Hạ Liệt cũng cho biết về văn tế đọc đầu tiên là nguyên tổ Hoàng Nghị Đại Vương trước rồi mới đến bách linh chư vị, thần quan, thần tướng, trận vong chiến sĩ vong linh.

Sự diễn giải của cụ Châu như vậy nên được một số nhà sử học đồng tình với đề xuất của cụ. Tuy nhiên, sau hội thảo, một đoàn gồm ba nhà sử học của Thái Bình (Đặng Hùng, Nguyễn Tiến Đoàn, Vũ Công Hoan) đã thực hiện một chuyến đi điền dã đến đúng các địa danh do cụ Châu nêu trong bài viết của mình để khảo sát, tìm hiểu thực tiễn, thì phát hiện những điều cụ viết đều không có. Ở Động Núi, tại đền thờ An Hạ Vương ở làng Miễu, các “Thần tích, thần phả, văn bia” đều không hề ghi An Hạ Vương là con của Trần Hoàng Nghị. Người từng trông nom di tích lịch sử đình làng Miễu suốt mấy chục năm là cụ Nguyễn Lại Tô và các cụ cao niên ở địa phương khẳng định bài viết của tác giả Dương Quảng Châu là không đúng sự thật.

          Ở xã Thái Hà, huyện Thái Thụy không có thôn Hạ Liệt và cũng không có đền thờ nào thờ Trần Hoàng Nghị.

          Những điều trên chứng tỏ, các tư liệu được đề cập trong bài tham luận của cụ Dương Quảng Châu chỉ là sự sáng tác của riêng cụ, không có trong thực tế.

          Trong đoạn kết của bài “Trần Thủ Độ với Thái Bình”, cụ Dương Quảng Châuviết: “Do có nhiều khó khăn, hạn chế về tư liệu, trên đây là mấy suy nghĩ bước đầu”, mong được các nhà khảo cổ, văn hóa, lịch sử tiếp thêm công sức làm sáng tỏ hơn về quê hương, gia đình, con người và sự nghiệp của Trần Thủ Độ. Như vậy là cụ Dương Quảng Châu chưa khẳng định gì về Trần Hoàng Nghị, mà đây chỉ là “mấy suy nghĩ bước đầu”.

Để tạo cơ sở mang tính pháp lý và làm căn cứ mang tính thực tiễn lịch sử, năm 2007, một số nhà sử học có danh vị với danh nghĩa Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục tổ chức cuộc hội thảo khoa học tại Hà Nội với chủ đề: “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”. Tại cuộc hội thảo, hai ông Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc và Đinh Xuân Lâm đọc lời giới thiệu và báo cáo đề dẫn. PGS-TS Nguyễn Minh Tường, cán bộ Viện Sử học đọc bài tham luận trung tâm với tiêu đề: “Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị Đại vương- thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”. Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Minh Tường tiếp thu toàn bộ công trình của cụ Dương Quảng Châu và tìm mọi cách để biện bạch, chứng minh Trần Hoằng Nghị là có thật.

Ông viết: “hai làng bên cạnh là Xuân La và Trác Dương đều thờ cụ làm thần thành hoàng. Trong sắc phong của hai thôn, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho Ngài” và “khẳng định rằng Trang Nghị đại vương không thể là ai khác ngoài Hoằng Nghị đại vương”. Thế nhưng, sách Địa chí Thái Bình, tập 2 do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử- văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2007 nêu rõ: Trang Nghị đại vương là thiên thần không phải là nhân thần. Vị thiên thần này do có công “âm phù” cho tên tướng giặc là Cao Biền sang xâm lược, đô hộ nước ta nên được vua Đường Ý Tông (833-873) phong cho là “Thượng đẳng Phúc thần” rồi cho lập đền thờ ở làng Xuân La, cách Trần Thủ Độ (1194-1264) khoảng 400 năm. .

Ông Nguyễn Minh Tường còn bác bỏ cả những điều đã có trong Đại Việt sử ký toàn thư, bác bỏ cả văn bia, hoành phi câu đối, sắc phong của đền thờ An Hạ đại vương, biến An Hạ đại vương là người họ Lý thành người họ Trần, rồi ghép làm con của Trần Hoằng Nghị.

Cũng tại cuộc hội thảo, cụ Vũ Khiêu nói: gọi tên Trần Hoàng Nghị là không hợp lý vì Trần Hoàng là chỉ vua Trần, gọi là Trần Hoằng Nghị thì hợp lý hơn. Thế là cái tên Trần Hoàng Nghị được đổi thành Trần Hoằng Nghị từ ngày ấy. Con người ta khi sinh ra đã có tên gọi do cha mẹ đặt cho, thế nhưng, với “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị phải chờ đến hơn 800 năm sau mới có một cuộc hội thảo và được các nhà sử học đặt lại tên. Chỉ một chi tiết nhỏ này có thể hiểu được nhân vật Trần Hoằng Nghị là thực hay giả.

Tổng kết hội thảo, GS Vũ Khiêu kết luận: Thân phụ của Thống quốc Thái sư- Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài, mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Câu kết luận này của GS Vũ Khiêu cũng có thể thay cho lời phủ nhận có nhân vật Trần Hoằng Nghị. Đáng chú ý là, khi biên tập đăng trong sách kỷ yếu “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa Phương la, Ban biên tập đã cắt xén mất phần đầu của kết luận nên làm giảm giá trị khoa học và lịch sử.

5- Ngay sau cuộc hội thảo, ông Trần Văn Sen, người tài trợ cho cuộc hội thảo liền gập rút xây dựng đền thờ “nhà Ông”. Đơn xin phép do ông Trần Văn Sen thay mặt Hội đồng gia tộc họ Trần thôn Phương La đồng thời là trưởng tộc làm trưởng ban Kiến thiết đầu tư xây dựng xin được phục dựng lại ngôi đền thở tổ của dòng họ. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định cho phép phục hồi đền “nhà ông” trên nền móng cũ (tức là chỉ trong phạm vi diện tích khoảng 100m2). Thế nhưng, diện tích ngôi đền sau khi xây dựng lên đến hơn 200m2 trên tổng diện tích 50.000m2. Ngôi đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc của một nhà trưng bày thật đồ sộ, quy mô hoành tráng, tựa như một lâu đài, lúc đầu có tên gọi là đền “nhà Ông”, rồi từng bước đổi thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Có một điều lạ là, đền thờ một danh nhân lịch sử có tước là Đại vương, là Thượng đẳng thần Trần Hoằng Nghị mà không có thần phả, thần tích cũng không có một sắc phong nào. Ông chủ ngôi đền còn dùng ấn giả của một gia đình họ Chu người Trung Quốc xưa để phát “Trần triều khai ấn” thu về nhiều tỷ đồng. (chiếc ấn ngay sau đó đã bị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch thu hồi và cấm phát “Trần triều khai ấn”).

Ông Trần Văn Sen tự nhận là hậu duệ của Thái sư Trần Thủ Độ (cành thứ của họ Trần) nhưng lại tự xưng là “Tộc trưởng họ Trần Việt Nam”, không rõ đấy là họ Trần Việt Nam nào?

Nhân đây, xin nêu một điều nên biết để các vị tham khảo thêm là ở Việt Nam hiện nay có 3 họ Trần:

- Một là họ Trần của người Hoa, phát âm tiếng Anh là “Chen”, tiếng Việt là “Sẩn”, chữ Hán viết là , phiên âm chữ Trung quốc là “Zhen”

- Hai là họ Trần của người Việt, phát âm tiếng Việt là Trần, chữ viết của người Việt xưa thời vua Hùng, Trung Quốc gọi là “chữ Khoa đẩu”. Thời nghìn năm Bắc thuộc, bị người Hán thu hết sách vở của người Việt, bắt học chữ Hán, đọc theo âm Hán để đồng hóa, nhưng người Việt không đọc theo âm Hán mà đọc theo tiếng Việt gọi là Trần, chữ viết ngày nay là “Trần”. Chữ Hán gọi là chữ “Hán Việt”.

- Ba là họ Trần gốc họ Chế, người Chiêm Thành. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành vì vua Chiêm Thành vu cáo với nhà Minh là nước Việt huy động quân đội chuẩn bị đánh chiếm bờ cõi Trung Quốc và cướp mất lễ cống của Chiêm Thành dâng sang Trung Quốc. Vua Chiêm mong Trung quốc đánh nước Việt để Chiêm Thành phối hợp đánh ra đèo Ngang của nước Việt. Vua Lê Thánh Tông lệnh đánh chiếm cảng Thị Nại, chiếm thành Chà Bàn của Chiêm Thành (Qui Nhơn ngày nay) bắt tù binh (là người hoàng gia Chiêm Thành) đem về cho ở đất Đống Cương sinh sống (cùng vùng đất với nhà Trần), nay là thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Thôn Việt Thắng giáp liền thôn Phương La ở phía Bắc. Đến đời vua Lê Thế Tông cho đổi từ họ Chế thành họ Trần gọi là Trần Hữu. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hữu ở thôn Việt Thắng, xã Hồng An là người giữ gia phả cho biết: theo gia phả và các cụ trong họ kể lại, cách nay 7 – 8 đời, họ này có ba người bỏ làng ra đi trong đó có một người đi về làng Mẹo (tức thôn Phương La) làm nghề chăn vịt. Người này lấy vợ ở nơi sinh sống. Con cháu sau này vẫn giữ họ Trần nhưng bỏ chữ đệm là Hữu... và nghe nói thay chữ đệm là Văn (tức Trần Văn)...

 Qua nhiều biểu hiện, có thể thấy rằng Trần Hoàng Nghị chỉ là một cái tên công khai đội lốt bề ngoài, ẩn dấu một cái tên thực khác của một người không thuộc họ Trần có gốc tổ là Trần Kinh.

6- Sau khi có “Kiến nghị thu hồi chỉnh sửa tập 3 lịch sử Việt Nam phổ thông, ông Nguyễn Minh Tường gửi thư ngỏ nói: “... Chép thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cui cùng. Nếu như ai đó có những chứng cứ mới, tư liệu mới đủ sức thuyết phục, khi Lịch sử phổ thông tập 3 được tái bản sẽ chỉnh sửa”. Có lẽ không có nhà khoa học nào lại ngạo mạn, khinh thường độc giả đến thế. Phải chăng Lịch sử nước nhà là nơi để đăng “Giả thuyết của ông Nguyễn Minh Tường?”. Viện Sử học đồng quan điểm với ông Nguyễn Minh Tường. Những người được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trọng trách về lĩnh vực lịch sử dân tộc, nhưng lại coi thường bạn đọc và lẩn trốn trách nhiệm của mình trước nhân dân!

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Lịch sử là việc lớn của quốc gia. Chúng tôi nghĩ “Lịch sử phổ thông” là lịch sử phổ biến cho toàn dân và là tài liệu cơ bản phổ cập lâu dài trong các nhà trường, vì thế bộ sách này phải trở thành bộ sách kinh điển tiêu biểu của lịch sử Việt Nam, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc cho các thế hệ trẻ Việt nam.  Sách phải được nghiên cứu đảm bảo tính chân thực, chính xác cao. Lịch sử không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân và uy tín của  quốc gia. Những việc làm thiếu trung thực, vụ lợi cá nhân, coi đồng tiền hơn chân lý, xuyên tạc, bóp méo lịch sử nước nhà là những điều không thể chấp nhận được.

Mấy lời chân thành báo cáo tại cuộc gặp mặt, cám ơn các đại biểu đã chú ý lắng nghe. Chắc chắn trong bản báo cáo này không thể đề cập được hết các nội dung mà các nhà báo quan tâm, vì thế nếu các nhà báo có yêu cầu cần làm rõ vấn đề gì, các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử có mặt tại đây và chúng tôi sẽ trao đổi thêm để  đáp ứng yêu cầu của các nhà báo, làm cho cuộc gặp mặt báo chí thêm phong phú, sinh động hơn. Chúng tôi rất mong các nhà báo và các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử tiếp tục có nhiều tác phẩm mới tiêu biểu làm rạng danh cho đất nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và uy tín quốc gia.

Thay mặt Hội đồng Trần tộc và Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, tôi xin kính chúc các quý vị đại biểu có mặt hôm nay luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị công tác của mình. 

                                                                                              Đào (Trần) Quang Cát                             

                                                                                          Thiếu tướng - Phó Giáo sư

                                                              Trưởng ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 158
Tổng truy cập: 1335505
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ