TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ
TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ
Ngày 21/9, tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng (43 đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội), Hội đồng Trần tộc Việt Nam và Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt nam đã tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để thông báo một số sai sót nghiêm trọng trong tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông năm 2018 do Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) biên soạn; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia -Sự thật in ấn, phát hành; PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên.

 

TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ

                                                                  Trung Nguyên

Ngày 21/9, tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng (43 đường Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội), Hội đồng Trần tộc Việt Nam và Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt nam đã tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương để thông báo một số sai sót nghiêm trọng trong tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông năm 2018 do Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) biên soạn; Nhà xuất bản Chính trị quốc gia -Sự thật in ấn, phát hành; PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên.

Thiếu tướng- PGS Đào Trần Quang Cát chủ trì buổi gặp mặt. Tới dự có hơn 30 đại biểu đại diện cho các cơ quan báo chí, các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn và đại diện con cháu hậu duệ họ Trần. Thời gian làm việc chậm hơn hơn so với dự kiến 15 phút do phải chờ đợi sự có mặt của đại diện lãnh đạo 2 cơ quan liên quan là Viện Sử học và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật cùng 2 vị khách mời là ông Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội và PGS-TS Nguyễn Minh Tường, chủ biên. (Tuy nhiên, cả 4 đại biểu khách mời này đều vắng mặt, không tham dự).

Trong bản báo cáo trung tâm, Thiếu tướng- PGS Đào Trần Quang Cát nêu bật ý nghĩa cuộc gặp mặt một số cơ quan báo chí của dòng họ là để làm rõ những thông tin sai lệch, không trung thực trong tập 3 LSVNPT năm 2018, phần viết về nhà Trần (1225-1400); về nhân vật hư cấu Trần Hoằng Nghị đang được tôn thờ trong cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; qua đó kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc. Sau khi chỉ ra những “sai sót đáng tiếc” trong tập 3 LSVNPT do tác giả chủ biên sử dụng các tư liệu không chính thống đưa vào chính sử, báo cáo cũng nêu rõ: “Qua nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử chân chính và con cháu hậu duệ họ Trần theo nhiều hướng khác nhau nhưng đều đạt đến một kết quả là không có (nhân vật) Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam. Trong tất cả các tài liệu lịch sử chính thống, từ thời nhà Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn đều không hề nhắc đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị. Ngay các tài liệu của tỉnh Thái Bình như Tự điển Thái Bình xuất bản năm 2010, dày khoảng 500 trang, trong đó có 36 trang nói về những người họ Trần quê hương Thái Bình nhưng không có tên Trần Hoằng Nghị. Trước đó , cuốn sách “Danh nhân Thái Bình” xuất bản năm 2002, có độ dày gần 450 trang, tập hợp các nhân vật nổi tiếng quê Thái Bình trong các thời kỳ lịch sử, trong đó có Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Lê Quý Đôn… nhưng cũng không có Trần Hoằng Nghị. Điều đó chứng tỏ những tài liệu của PGS-TS Nguyễn Minh Tường viết ra là hoàn toàn ngụy tạo, bịa đặt.”

Báo cáo còn chỉ ra rất nhiều hạn chế của cuốn sách viết về nhà Trần của tác giả chủ biên, tỏ ra nghi ngờ về năng lực viết sử của ông Nguyễn Minh Tường: “Phần viết về nhà Trần của tác giả rất mờ nhạt, không tương xứng với công lao và sự hy sinh to lớn của các danh nhân lịch sử triều Trần. Viết về triều đại nhà Trần mà không hề nhắc đến các vị vua Trần, trong đó có vị vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông, một ông vua anh hùng, xuất sắc của Việt Nam và thế giới, mà chỉ nói là ông vua trẻ con, ông vua 8 tuổi, hầu như không có công lao gì trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống giặc Nguyên- Mông. Phần viết về chế độ điền trang –thái ấp, mở đầu tác giả đưa ra những chuyện giật gân như tranh cướp vợ của nhau ngay trong nội bộ Hoàng tộc triều Trần, như một sự bêu riếu, xỉ nhục, không có liên quan gì đến chế độ điền trang- thái ấp, khiến cho người đọc cảm thấy khó chịu, không thể chấp nhận được … và còn rất nhiều sai sót khác”.

Báo cáo nhấn mạnh, do những lỗi phạm nghiêm trọng của tác giả phần viết về nhà Trần nên dòng họ “tiếp tục kiến nghị thu hồi tập 3 LSVNPT để chỉnh lý, biên soạn lại, khắc phục những hạn chế, sai sót của tập sách, với mong muốn bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc, bảo vệ uy tín của quốc gia. Dòng họ cũng đề nghị thay chủ biên để bảo đảm tính khách quan và chất lượng của tập sách”. Ý kiến của các đại biểu tại cuộc gặp mặt báo chí cho rằng, việc đưa một nhân vật hư cấu, không có thực vào chính sử là một việc làm tùy tiện, không trong sáng, đây cũng là một hiện tượng “đặc biệt” rất hiếm gặp, vì để “lọt qua” những “cửa ải” như Viện sử học, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật là điều không hề dễ dàng. Thế nhưng “con voi” vẫn chui lọt lỗ kim, khiến dư luận đặt câu hỏi: phía sau câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là cái gì? Điều này chỉ có PGS-TS Nguyễn Minh Tường và các cộng sự của ông ta mới trả lời được.

Tại cuộc gặp mặt báo chí, nhà sử học Đặng Hùng, quê Thái Bình chia sẻ rất nhiều tâm tư. Ông thừa nhận ông là người thẳng thắn, không chịu sự tác động, chi phối bởi bất cứ thế lực nào, kể cả sự cám dỗ của đồng tiền. Ông kiên quyết phản đối và không thể nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi xuyên tạc lịch sử dân tộc vì mục đích cá nhân. Trong bài phát biểu của mình, ông đưa ra rất nhiều tư liệu, chứng lý lịch sử hàng chục năm nghiên cứu qua các triều đại nhà Trần ở ngay trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình để khẳng định không hề có nhân vật Trần Hoằng Nghị. Ông cho biết thêm, tại cuộc hội thảo “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ở Hà Nội năm 2007, bài tham luận phản biện của ông xuýt bị Ban tổ chức “bỏ sót”, nhưng cuối cùng cũng được trình bày tại hội thảo và đã gây được tiếng vang và sự chú ý của dư luận. Ông phàn nàn rằng , khi đó ông ngồi cạnh GS Vũ Khiêu, ghi chép đầy đủ bài tổng kết hội thảo của cụ, trong đó có đoạn: “Thân phụ của Thống quốc Thái sư- Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Câu kết luận này của cụ Vũ Khiêu có thể thay cho lời phủ nhận về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Thế nhưng, khi đưa vào tập sách kỷ yếu hội thảo “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La”, Ban biên tập sách đã cố tình cắt xén phần đầu, khiến cho bài tổng kết giảm giá trị khoa học và lịch sử.

Thưa nhà sử học Đặng Hùng, xin ông đừng buồn nữa, không phải chỉ có riêng bài tổng kết của GS Vũ Khiêu, còn có rất nhiều bài tham luận khác cũng bị sửa chữa, thay đổi câu từ, tít bài cho phù hợp với “kịch bản” có sẵn, khiến cho các nhà sử học hết sức bất bình, tỏ thái độ phản ứng do việc làm tùy tiện, thiếu tôn trọng tác giả của Ban biên tập. Như PGS- TS Tạ Ngọc Liễn, PGS- TS Đinh Khắc Thuân, PGS- TS Lê Đình Sỹ, TS Nguyễn Thị Phương Chi…

Một số câu hỏi của các nhà báo liên quan đến việc đề nghị Nhà nước công nhận di tích lịch sử cho cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” mới xây dựng (năm 2011) ở làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà cũng đã được ông Đào Hồng, nguyên Trưởng phòng Di tích lịch sử tỉnh Thái Bình, có thâm niên hơn 30 năm trong nghề đã cung cấp nhiều thông tin thiết thực, có giá trị, kết hợp đưa ra dẫn chứng là bảng thống kê khá chi tiết sau hai đợt khảo sát (từ 1958-1962 và năm 1996) về các di tích lịch sử tỉnh Thái Bình đều khẳng định: thôn Phương La không có di tích đền “Nhà Ông” và tại đây cũng không có đền thờ nào thờ Trần Hoằng Nghị.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, được mệnh danh là “ Nhà văn của họ Trần”, vì ông viết rất nhiều tác phẩm về nhà Trần. Các tác phẩm của ông được thể hiện theo lối kết cấu mở, uyển chuyển, sinh động dựa trên các tài liệu lịch sử có thật để làm sáng rõ chủ đề, không hề bịa đặt, hư cấu. Vì thế, được đông đảo bạn đọc trong nước và con cháu hậu duệ họ Trần đón nhận với sự trân trọng, quý mến. Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng về những việc làm thiếu chuyên nghiệp, vô trách nhiệm của một số nhà sử học, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và uy tín quốc gia. Ông nói: “Sự giả dối chỉ có thể đánh lừa được một số người nhưng không thể đánh lừa được cả một dân tộc”. Nhà văn bày tỏ tin tưởng: “Sự thật, chân lý sẽ chiến thắng, đó là tất yếu của lịch sử, không thể khác được, có chăng chỉ sớm hay muộn mà thôi”. Hầu hết các đại biểu có mặt đều chăm chú lắng nghe và đồng tình với suy nghĩ và quan điểm đúng đắn, mang đậm tính nhân văn và hướng thiện của nhà văn.

Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Ân cho rằng, việc đưa một nhân vật hư cấu vào chính sử là trái với lương tâm, đạo đức, nghề nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của Viện Sử học và đội ngũ những người viết sử. Ông nói : “Quốc sử quán mà viết bậy như thế thì người dân biết tin vào đâu?”.

Các nhà báo Ngô Vương Anh (báo Nhân Dân), Kiều Mai Sơn (báo Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, sự việc này diễn ra từ nhiều năm nay, một số cơ quan báo chí đã chủ động vào cuộc, nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết, đưa ra kết luận cụ thể. Có nhiều thông tin trái chiều khiến cho các cơ quan báo chí chỉ vào cuộc cầm chừng, có tính chất trao đổi thông tin, không dứt điểm được. Các nhà báo mong rằng, trong thời gian tới, cần có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan bộ, ban, ngành có liên quan, đưa ra kết luận cụ thể mới có thể sớm kết thúc vụ việc, không để ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc và tránh gây bức xúc trong con cháu hậu duệ họ Trần…

Kết luận buổi gặp mặt báo chí, Thiếu tướng- PGS Đào Trần Quang Cát cho rằng: Lịch sử là việc lớn của quốc gia, dân tộc. Bộ sách lịch sử Việt Nam phổ thông phải là một bộ sách kinh điển, tiêu biểu của LSVN để truyền bá trong nhân dân và phổ cập trong các nhà trường, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc cho các thế hệ trẻ Việt Nam. Sách phải được nghiên cứu bảo đảm tính chân thực, chính xác cao. Lịch sử không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân và uy tín quốc gia. Những việc làm thiếu trung thực, vụ lợi cá nhân, coi đồng tiền hơn chân lý, xuyên tạc, bóp méo lịch sử nước nhà là không thể chấp nhận được. Thiếu tướng mong các nhà báo và các nhà sử học, các nhà nghiên cứu lịch sử tiếp tục cống hiến, có nhiều tác phẩm mới tiêu biểu, làm rạng danh cho đất nước, đồng thời kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và uy tín quốc gia./.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 156
Tổng truy cập: 1276472
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ