THƯ NGỎ GỬI NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
THƯ NGỎ GỬI NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC
THƯ NGỎ GỬI NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC
Tôi viết thư ngỏ này gửi tới ông: Tại cuộc hội thảo khoa học “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)” tổ chức tại Hà Nội, khi kết thúc hội thảo GS Vũ Khiêu đã nói rất rõ ràng rằng: “Thân phụ của Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ là ai, vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài, mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Thế nhưng vì sao trong tập kỷ yếu hội thảo được in năm 2006, do ông đứng đầu Ban biên tập lại không đưa một dòng nào trong bản kết luận của GS Vũ Khiêu? vậy nó có giá trị gì không, thưa ông?

 

THƯ NGỎ

GỬI NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC

                                                                 Vũ Hữu Sự

Kính thưa nhà sử học trứ danh, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Năm 2006, có mặt tại cuộc hội thảo khoa học “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình)” do UBND tỉnh Thái Bình và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tôi thấy ông xuất hiện khá nhiều trên diễn đàn, lăng xăng điều hành hội thảo. Và ông cũng là người đứng đầu trong Ban biên tập kỷ yếu của hội thảo. Tại hội thảo đó, hẳn ông chưa quên tham luận của PGS-TS Nguyễn Minh Tường, có nội dung “Thân thế, sự nghiệp Hoằng Nghị Đại vương, thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ”. Trong tham luận này, sau khi lập luận lòng vòng, khập khiễng kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, ông Tường đưa ra hai kết luận:

Thứ nhất, Trần Thủ Độ sinh ở bến Trấn (nay là làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thân sinh ông là Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương. Căn cứ của ông Tường trong lập luận này là: Ở làng Phương La hiện nay còn một ngôi miếu nhỏ, được gọi là “miếu Nhà Ông”. Theo ông Tường, chữ “ông” ở đây là chỉ một người có quyền thế, có danh vọng. Và người đó là Trần Hoằng Nghị.

Thứ hai, đình làng Xuân La (cùng xã Thái Phương) thờ “Trang Nghị Đại vương”. Cũng theo ông Tường thì Trang Nghị Đại vương hay Cương Nghị Đại vương là một mỹ tự khác mà triều đình dùng để gọi Hoằng Nghị Đại vương, và “Có thể khẳng định Trang Nghị Đại vương được thờ làm thần Thành hoàng ở đình làng Xuân La, không thể là ai khác, ngoài Hoằng Nghị Đại vương”.

Tôi viết thư ngỏ này gửi tới ông, để bày tỏ mấy vấn đề như sau: Tại cuộc hội thảo nói trên, tôi ngồi cạnh GS Vũ Khiêu, và được cụ cho tham khảo bản kết luận hội thảo, sau đó được cụ đọc khi kết thúc hội thảo. Trong bản kết luận đó, GS Vũ Khiêu đã nói rất rõ ràng rằng: “Thân phụ của Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ là ai, vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài, mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Thế nhưng vì sao trong tập kỷ yếu hội thảo được in năm 2006, do ông đứng đầu Ban biên tập lại không đưa một dòng nào trong bản kết luận của GS Vũ Khiêu? Một tập kỷ yếu hội thảo quan trọng, có bài đề dẫn, có các bài tham luận (đã được biên tập), nhưng lại không có bài kết luận, thì có giá trị gì không, thưa ông? Bản kết luận hội thảo của GS Vũ Khiêu như một chiếc chìa khóa giải mã mọi khúc mắc của bạn đọc bị bỏ ra ngoài, do sơ suất, hay do cố ý, hay vì một ý đồ nào khác? Phải chăng vì lời khẳng định “thân phụ Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ vẫn còn là một tồn nghi” của GS Vũ Khiêu thay cho sự phủ nhận đối với nhân vật Hoằng Nghị đại vương- thân sinh ra Trần Thủ Độ?

Trở lại những lời khẳng định về người sinh ra Trần Thủ Độ của PGS-TS Nguyễn Minh Tường. Về danh xưng “ông” trong cái “miếu Nhà Ông” ở làng Phương La, thì tại một số làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ có một cái gò đất cao. Đó là nơi một người ăn mày hay một lữ khách qua đó, chẳng may đột tử, không có người thân mai táng. Thấy vậy, dân làng đã chôn làm phúc. Và từ đó, mỗi người đi qua lại nhặt một hòn đất ném vào cái mồ vô chủ đó, như là một sự giúp đỡ, an ủi người chết đường, lâu ngày thành gò. Sau khi chôn rồi, nếu chẳng may trong làng bị dịch bệnh hay hỏa hoạn... thì dân làng lập miếu thờ trên cái gò đó để thờ cúng người xấu số, vì cho rằng dịch bệnh, hỏa hoạn... có lẽ do người chết chết phải giờ xấu, linh hồn hiện lên quấy nhiễu dân làng, phải thờ cúng mới yên. Vì không biết người chết tên họ là gì, nên những cái gò đó được dân làng gọi là “mộ Ông” hay “nhà ông”. Và nếu có miếu, thì cái miếu đó cũng được gọi là “miếu Ông” hay “miếu Nhà Ông”. Cái “miếu Nhà Ông” ở làng Phương La có từ bao giờ? Nó được lập nên để thờ một người chết đường? Đến nay chưa có ai trả lời được. Nhưng cũng chưa có người dân nào sinh sống tại đây nói rằng, cái miếu đó thờ Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương- người sinh ra Trần Thủ Độ. Sinh thời, Trần Thủ Độ giữ chức Thống Quốc Thái sư, tước phong Trung Vũ Đại vương, tức là chỉ dưới một người (vua) nhưng đứng trên cả nước. Về địa vị, ông còn là bề trên của vua. Vậy thì thân phụ ông, lúc sống phải được trọng thị, lúc mất, phải được sử chép, và phải được mai táng trong một cái lăng bề thế, và được phụng thờ trong một hoặc nhiều ngôi đền lộng lẫy, hoành tráng, được vua cấp ruộng, giao cho dân để thờ cúng. Nếu ông không muốn, thì nhà vua cũng làm thế, chứ sao lại chỉ lập một ngôi miếu nhỏ, cô quạnh ở đầu làng? Có câu “bút sử như sắt”, làm thế, liệu các sử quan đời sau có tha cho nhà vua cái tội bạc đãi công thần kiểu “chim hết, cung tên bỏ xó; thú hết, chó săn bị mổ thịt” không?

Tóm lại là, nếu Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương, người sinh ra Trần Thủ Độ, là người ở bến Trấn, tức làng Phương La ngày nay, thì tại sao ở chính quê hương ông, lại không có bất cứ một đền miếu nào thờ ông? Và trên cả nước cũng chưa nghe nói có đền miếu nào thờ ông? Chúng tôi đã thử đi tìm, thấy có mấy nơi thờ Hoằng Nghị Đại vương, nhưng toàn là người có tên họ khác, như xã Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thờ Hoằng Nghị Đại vương Lại Thế Mỹ. Làng Cổ Phúc (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thờ “Quách Hoằng Nghị Đại vương”, tức là vị được tôn là Hoằng Nghị Đại vương này họ Quách. Thôn Trung Lệ (xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) có đền thờ “Lý Hoằng Nghị Đại vương”, tương truyền là một vị thủy thần (Lý, chữ hán, nghĩa là con cá chép)...

Về nhân vật Trang Nghị Đại vương được thờ ở đình làng Xuân La, mà PGS-TS Nguyễn Minh Tường khẳng định rằng “Không thể là ai khác ngoài Hoằng Nghị Đại vương Trần Hoằng Nghị, người sinh ra Trần Thủ Độ”, thì sách “Địa chí Thái Bình” tập II, do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2007, đã chỉ rõ: Trang Nghị Đại vương là thiên thần chứ không phải nhân thần. Vị thiên thần này vì đã “có công” âm phù cho một thằng giặc Tàu từng xâm lược, đô hộ nước ta là Cao Biền, giúp Cao Biền đánh thắng quân Nam Chiếu. Nhờ được Cao Biền báo công, nên Trang Nghị Đại vương được vua Đường Ý Tông phong cho là “Thượng đẳng Phúc thần”.

Đến đây, có hai vấn đề cần đặt ra: Thứ nhất, kẻ đã giúp giặc, thì đương nhiên cũng là giặc của dân, của nước. Thứ hai, vua Đường Ý Tông sinh năm 833, mất năm 873. Đã được Đường Ý Tông phong thần, thì Trang Nghị Đại vương ít ra cũng phải sinh cùng thời với Đường Ý Tông. Còn Trần Thủ Độ sinh năm 1194, mất năm 1264, sau Trang Nghị Đại vương gần 400 năm. Vậy Trang Nghị làm sao lại là Hoằng Nghị, lại sinh ra Trần Thủ Độ được? Trần Thủ Độ là người kiên quyết chống giặc phương Bắc đến mức “Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo”. Lẽ nào ông lại nhận giặc làm cha? Trước đây, tôi chỉ nghĩ Nguyễn Minh Tường nói nhăng nói càn trong hội thảo, cốt để kiếm mấy đồng tiền và mấy lon bia ĐạiViệt (vì có thông tin là ông chủ hãng bia Đại Việt tài trợ cho cuộc hội thảo đó), nên tôi bỏ qua. Chấp làm gì cái anh “sử nô”, “sử bia” đó. Nhưng nay, anh ta dám cả gan tự ý đưa vào chính sử của dân tộc (Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3, từ thế kỷ X đến năm 1593 do anh ta làm chủ biên), rằng “Trần Thủ Độ sinh ở bến Trấn (nay là làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), thân sinh ông là Trần Hoằng Nghị, tước phong Hoằng Nghị Đại vương”, khiến tôi không thể nhịn được nữa. Cái tên “sử nô” láo xược này đã coi trời bằng vung, dám xúc phạm, dám xỉ nhục Thống Quốc Thái sư- Trung Vũ Đại vương Trần Thủ Độ, một danh nhân triều Trần lừng lẫy tiếng tăm, có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, dám bôi bẩn vào lịch sử nước nhà.

Điều tôi lấy làm lạ là, trước sự xuyên tạc, bóp méo lịch sử của PGS- TS Nguyễn Minh Tường khiến dư luận sôi sục, NXB đã phải công bố dừng phát hành cuốn sách, thế nhưng, bản thân Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc, với tư cách là Đại biểu Quốc hội (là Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay) vẫn cứ dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra (?). Sự im lặng của ông khiến tôi phải đặt câu hỏi: Phải chăng ông cũng như PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã uống quá nhiều bia Đại Việt, nên say quá mà không thể cất thành lời?

           Trân Trọng.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 156
Tổng truy cập: 1367912
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ