THƯ PHÚC ĐÁP gửi Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
THƯ PHÚC ĐÁP gửi Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải
THƯ PHÚC ĐÁP gửi Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải
Về đơn kiến nghị con cháu hậu duệ họ Trần về việc thu hồi tập 3 LSVNPT, ông Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Minh Tường, chủ biên tập 3 LSVNPT và đã có báo cáo giải trình gửi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và cho cá nhân ông Đào (Trần) Quang Cát- Trưởng BLL dòng họ Trần Nguyên Hãn VN. Ông Cát đã có thư phúc đáp ông Viện trưởng Viện sử học trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc một số vấn đề liên quan đến tập 3 LSVNPT, phần tác giả viết về nhà Trần (1225- 1400).

 

     Về việc kiến nghị                   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  thu hồi Tập 3 LSVNPT                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                             ----------------------

                                                                 Hà Nội, ngày 20  tháng  7  năm  2018

 

THƯ PHÚC ĐÁP

                           Kính gửi: Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải

 

Thay mặt đại diện con cháu hậu duệ họ Trần có đơn kiến nghị về việc thu hồi tập 3 LSVNPT, tôi rất cám ơn ông Viện trưởng đã thông báo cho tôi biết lãnh đạo Viện Sử học đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Minh Tường, chủ biên tập 3 LSVNPT và đã có báo cáo giải trình gửi Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và cho cá nhân tôi. Trong thư phúc đáp này, tôi xin được trao đổi thẳng thắn và nghiêm túc với ông Viện trưởng một số vấn đề liên quan đến tập 3 LSVNPT, phần tác giả viết về nhà Trần (1225- 1400).

 

1- Trước hết, tôi và đại diện con cháu hậu duệ họ Trần xin gửi tới ông Viện trưởng lời chàò trân trọng. Trong báo cáo giải trình của Viện Sử học cũng đã khẳng định rõ Trần Thủ Độ là một danh nhân lịch sử có vị trí, vai trò quan trọng trong việc hình thành triều đại nhà Trần, là người có công lao to lớn đối với nước Đại Việt thế kỷ thứ XIII. Đây cũng là một nhân vật lịch sử được giới sử học, các nhà nghiên cứu và con cháu họ Trần hết sức quan tâm, đặc biệt về thân phụ, thân mẫu là ai, vì các tài liệu lịch sử còn lưu giữ hầu như rất ít. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, việc tìm hiểu lai lịch của một nhân vật lịch sử cách đây 800 năm trong điều kiện tài liệu, thư tịch rất thiếu thốn là một khó khăn rất lớn đối với các nhà sử học. Tuy nhiên, khi đưa ra một kết luận về thân phụ, thân mẫu của các danh nhân lịch sử nói chung, nhân vật Trần Thủ Độ nói riêng đều phải hết sức thận trọng, khi có đầy đủ cơ sở khoa học và lịch sử. Đặc biệt, khi đưa vào chính sử phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ của các nhà sử học chân chính và các cơ quan quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm tính khoa học và lịch sử.

Trong báo cáo giải trình của Viện Sử học có nêu, việc đưa ra kết luận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Trần Thủ Độ chỉ là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng, điều đó có nghĩa đây cũng chỉ là một giả thuyết chưa thể tiệm cận với chân lý lịch sử. Mà đã là giả thuyết, tại sao Viện Sử học vẫn đưa vào Quốc sử để phổ biến rộng rãi trong nhân dân và làm tài liệu giáo dục trong các nhà trường? Tại cuộc hội thảo do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội khoa học lịch sử Viêt Nam tổ chức năm 2007 về nhân vật Trần Hoằng Nghị (thân phụ Trần Thủ Độ), GS Vũ Khiêu cũng đã kết luận rõ ràng rằng: Còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vấn đề còn nghi vấn cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ… qua đó có thể khẳng định nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Chính vì vậy, việc đưa một nhân vật không rõ tông tích rồi gán ghép là thân sinh Trần Thủ Độ đưa vào chính sử là một việc làm tùy tiện, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và uy tín quốc gia.

Không những thế, trong phần viết về nhà Trần, tác giả không hề nhắc tới các vua Trần có nhiều công lao với nước, như Trần Thái Tông - vị vua  đầu tiên của triều đại nhà Trần, là một ông vua sáng trực tiếp cầm quân đánh thắng giặc Nguyên- Mông ngay từ cuộc chiến tranh lần thứ nhất, có tác dụng làm đà cho các cuộc chiến về sau. Ngoài ra, sách sử còn có rất nhiều sai sót liên quan đến địa danh, phần nói về chế độ điền trang- thái ấp của nhà Trần còn mờ nhạt, không rõ ràng, đưa các tư liệu không thuộc chế độ điền trang để nói xấu các danh nhân nhà Trần…Thể hiện công tác quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng của Nhà nước về lịch sử dân tộc. Dưới góc độ của một người làm công tác nghiên cứu khoa học, tôi có cảm nghĩ, báo cáo giải trình của Viện sử học chưa tập trung đi sâu giải quyết những vấn đề trọng tâm của đơn kiến nghị đã nêu, thậm chí còn né tránh trách nhiệm, bảo vệ cho những quan điểm sai trái, phi lịch sử của tác giả tập 3 LSVNPT.

 

2- Về bức thư ngỏ của ông Nguyễn Minh Tường, chủ biên tập 3 LSVNPT: Bất cứ ai có hiểu biết về lịch sử chỉ cần nhìn vào bảng thống kê tài liệu tham khảo đều có thể nhận ra, đây chỉ là cái cớ để tác giả tìm cách ngụy biện, che đậy cho một việc làm không trong sáng vì một mục đích khác, không phải vì chân lý lịch sử, vì quốc gia, dân tộc. Bởi tác giả chủ biên tập sách từng là một sử gia có học hàm, học vị cao của Viện Sử học, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực viết sử, ông không dại gì dựa vào mấy thứ tài liệu không chính thống, không đủ độ tin cậy (chúng tôi thường gọi là những thứ hàng chợ, rẻ tiền) làm tư liệu đưa vào chính sử để bị dư luận “ném đá”, nếu không có sự cổ súy, thỏa thuận ngầm nào đó với một người khác mà chúng tôi không tiện nói ra đây.

Cái sai lầm lớn nhất của tác giả và một số cộng sự là chỉ dựa vào các tư liệu điền dã và những cuốn sách, bài viết mang tính nghiên cứu hiếu hỷ, giá trị lịch sử thấp để nặn ra nhân vật Trần Hoằng Nghị rồi gán ghép là thân phụ Trần Thủ Độ. Công bằng mà nói, nhân vật Trần Hoằng Nghị là phát kiến của cụ Dương Quảng Châu trước đây, được ông Nguyễn Minh Tường kế thừa. Những tài liệu mà cụ Dương Quảng Châu đưa ra chứa đầy mâu thuẫn, không đáng tin cậy, bị các nhà sử học và dư luận lên án, bác bỏ, bởi nó không đáp ứng được kỳ vọng của độc giả cả về tính khoa học và lịch sử. (mặc dù vậy cũng có một số người dựa vào đó để cho ra đời những bài viết, cuốn sách có giá trị lịch sử thấp, trở thành tài liệu tham khảo của tác giả chủ biên cuốn sử). Nhẽ ra, là người kế nhiệm, ông Tường cần phải tỉnh táo hơn, thấy được vinh dự, trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của mình khi được Đảng, Nhà nước, trực tiếp là  lãnh đạo Viện Sử học tin tưởng giao phó trách nhiệm cho ra đời những sản phẩm tinh túy, có giá trị lịch sử và chất lượng cao để phục vụ nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt Nam, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc. Thế nhưng ông đã không làm được điều đó mà tiếp tục đi theo lối mòn của người tiền nhiệm, bảo vệ quan điểm sai trái, phi lịch sử của mình, gây bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần.

Không những thế, trong bức thư ngỏ, ông còn đưa ra một “thông điệp” như một sự thách đố độc giả: “Nếu như ai đó có những tư liệu mới, chứng cứ mới về thân phụ Trần Thủ Độ, tôi sẵn sàng từ bỏ nhận định nói trên và sẽ chỉnh sửa lại khi tái bản lần sau”. Với cái lối tư duy theo kiểu “úp nơm” dễ làm cho lịch sử Việt Nam luôn ở trên bệ phóng mà không xác định được đích đến, chân lý không phải là mục đích của lịch sử, sẽ tạo ra những biến động khôn lường khiến cho lịch sử Việt nam bị biến dạng, méo mó. Đây chính là một nguy cơ đối với quốc gia, dân tộc.

Chúng tôi mong rằng, ông hãy bình tâm suy nghĩ thật kỹ và thấu đáo về những tác hại, ảnh hưởng nặng nề do việc làm của mình gây ra và hãy xem lại tác phẩm một cách nghiêm túc, chỗ nào chưa đúng hoặc chưa đầy đủ, chuẩn mực nên mạnh dạn báo cáo lãnh đạo Viện Sử học chỉnh sửa lại để đáp ứng được kỳ vọng của độc giả cả nước nói chung, con cháu hậu duệ họ Trần nói riêng.

 

3- Chúng ta cần khẳng định rằng, bộ LSVNPT sau khi xuất bản phải trở thành tác phẩm kinh điển, tiêu biểu cho lịch sử Việt Nam để truyền bá trong nhân dân và phổ cập trong các nhà trường, qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước. Vì thế, không thể để lọt những “hạt sạn nhỏ” hay “hòn sỏi lớn” gây nhức nhối trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia. Hơn nữa, lịch sử không phải là một quyển tiểu thuyết hay một quyển truyện vui để có thể thay đổi nội dung, kết cấu theo ý cá nhân tác giả, nay viết thế này, mai sửa thế khác. Năm 2018 có một nhân vật mơ hồ Trần Hoằng Nghị được ông Nguyễn Minh Tường đưa vào chỉnh sử. Những năm tiếp theo lại có thêm một nhân vật mới lạ của một dòng họ khác cũng được ông sử dụng các tư liệu điền dã để viết vào chỉnh sử. Nước Việt Nam có hàng trăm họ tộc, quyển sử của quốc gia sẽ như thế nào?

Bởi vậy chúng tôi giữ nguyên ý kiến đề nghị Viện Sử học cho tiến hành thu hồi tập 3 LSVNPT để tu chỉnh lại trước khi chính thức phát hành rộng rãi. Chúng tôi rất mong sẽ được Viện Sử học bố trí thời gian, tạo điều kiện để chúng tôi có dịp trao đổi, đối chất trực tiếp với tác giả chủ biên nhằm làm rõ hơn các vấn đề dư luận và con cháu hậu duệ họ Trần quan tâm.

Chúng tôi nghĩ rằng, Viện sử học nên thể hiện trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân, vì thanh danh của quốc gia, và uy tín của bản thân Viện Sử học mà đưa ra quyết định thu hồi tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông để chỉnh sửa, không nên vì quan hệ cá nhân mà ngần ngại. Lần xuất bản sau nếu có đủ tư liệu khẳng định được tính chính xác lịch sử sẽ bổ sung. Như vậy uy tín Viện Sử học sẽ cao hơn, danh vị cá nhân người phụ trách cũng được nâng lên hơn nữa.

Mấy lời chân thành trao đổi, mong được ông Viện trưởng  lưu tâm.

 

                                                                    Kính chào trân trọng

          Đồng kính gửi

          Ông Bộ trưởng

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

  để Báo cáo.                                                Đào (Trần) Quang Cát

                                                               Thiếu tướng Phó Giáo sư KHQS

                                                                            Trưởng Ban Liên lạc dòng họ

                                                                             Trần Nguyên Hãn Việt Nam

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1276580
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ