SỰ XUYÊN TẠC LỊCH SỬ CẦN PHẢI ĐƯỢC LÊN ÁN
(Về nhân vật Trần Hoằng Nghị và ngôi đền thờ "Tổ họ Trần Việt Nam"
ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)
Cao Trần Bá Khoát
Là con cháu họ Trần Việt Nam chính thống, chúng tôi hết sức bất bình và phẫn nộ khi biết tin năm 2018, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” tập 3, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn (PGS - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường là chủ biên), phần viết về Nhà Trần (1225 – 1400) tác giả đã cố tình đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào và còn gán cho thiên chức là thân phụ của danh nhân lịch sử - Thái sư Trần Thủ Độ.
Nhiều tài liệu của các tác giả là những nhà sử học, nhà nghiên cứu về lịch sử, của các nhà văn, nhà báo tâm huyết... đã phân tích, làm rõ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương chỉ là một nhân vật hư cấu; một nhân vật chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có; một nhân vật do cụ Dương Quảng Châu trước kia, ông Nguyễn Minh Tường hiện nay chỉ dựa vào một bức bài vị mới làm, cũng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, còn hình thức, nội dung có rất nhiều nghi vấn, chưa được lý giải đặt ở ngôi Miếu Gốc Đa ngoài cánh đồng làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào năm 1984 - 1985[1]... Chiếc bài vị này, một số nhà sử học đã đổi tên Trần Hoàng Nghị thành Trần Hoằng Nghị, gọi đó là thân sinh của Thái sư Trần Thủ Độ, rồi tạo mọi lý do để biện bạch, bảo vệ ý kiến của mình.
Năm 2007, hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”, ông Nguyễn Minh Tường đọc bài: “Thân thế, sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương- thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”, đưa ra những thông tin rất mơ hồ, thiếu tính khoa học và lịch sử, không có sức thuyết phục, bị nhiều người chỉ trích, phê phán, vì họ cho rằng, nhân vật này không có thực mà chỉ là tạo dựng theo sự điều khiển, thuê mướn của người khác.
Sau cuộc hội thảo, nhân vật Trần Hoằng Nghị vẫn còn rất mơ hồ, chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có, cũng như ông ta có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Thế nhưng, kết thúc hội thảo, UBND tỉnh Thái Bình và Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La”. Ngay sau đó, người tài trợ cho cuộc hội thảo khoa học này là ông Trần Văn Sen, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, là một đại gia có tiếng của tỉnh Thái Bình, là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, đã cho xây dựng đền thờ Trần Hoằng Nghị với quy mô to lớn, rất hoành tráng, gắn với tên gọi khu di tích lịch sử (nhưng chưa được Nhà nước công nhận) ngay trên vùng đất thôn Phương La thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đồng thời gọi đó là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” (?). Tiếp tục, ông Nguyễn Minh Tường lại cố tình đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào chính sử của dân tộc và còn gán thêm thiên chức thân phụ của danh nhân lịch sử - Thái sư Trần Thủ Độ, nhằm chính thức hóa nhân vật Trần Hoằng Nghị mà họ mới nhào nặn ra.
Đến đây một câu hỏi được đặt ra: Vì sao một số người lại cố tình bóp méo sự thật lịch sử nước nhà, bằng mọi cách nhào nặn ra một nhân vật không rõ tung tích gọi là Trần Hoằng Nghị, gán cho là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ? Ngôi đền xây nên để thờ Trần Hoằng Nghị và 4 người vợ, ông Trần Văn Sen tự nhận là Tổ họ nhưng lại trưng lên biển đề là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”? Ai đã cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị gán cho là là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ và Trần Thủ Độ sinh ra ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vào sách sử chính thống của nước nhà để hợp thức hóa nhân vật này???
Tổng hợp những việc làm trên có thể thấy rằng tất cả chỉ để nhằm mục đích duy nhất là phục vụ cho một mưu đồ không trong sáng nào đó? của một nhóm người nào đó?
Từ nấm mộ “Nhà ông”, ngôi miếu “Nhà ông” hay “Miếu gốc đa” nhỏ nhoi bỏ hoang ngoài cánh đồng thôn Phương La, xã Thái Phương hàng trăm năm nay không có chủ. Bỗng chốc được ông Trần Văn Sen, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen ở Thái Bình tự nhận đấy là Tổ của họ ông ấy. Rồi từ ngôi miếu “Nhà ông” ngoài đồng, đến ngôi nhà thờ họ của nhà ông Sen mua lại sau cải cách ruộng đất... Ông Trần Văn Sen và một số nhà sử học vì tiền đã ra tay khảo cổ, truy tìm cho được chủ nhân của nấm mộ và ngôi miếu “Nhà ông” bỏ hoang kia có tên là Trần Hoàng Nghị (vì bài vị thờ ở miếu “Nhà ông” và bài vị thờ ở nhà thờ họ ông Trần Văn Sen trùng khớp nhau?).
Nếu Tổ họ của ông Trần Văn Sen có tên là Trần Hoàng Nghị thật, thì chuyện ông Sen giàu có, xây nhà thờ, lăng mộ Tổ họ to đẹp, hoành tráng thì cũng chỉ là chuyện riêng của một chi họ chẳng có gì đáng nói. Điều đáng nói ở đây là ông Sen lại muốn biến ông Tổ họ của mình là Trần Hoàng Nghị thành một nhân vật lịch sử vĩ đại của nhà Trần. Ông Sen tài trợ cho cuộc hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” năm 2007, dùng tiền mua một số nhà sử học hám tiền viết bài ra sức chứng minh cho bằng được Trần Hoằng Nghị quê ở bến Trấn nay thuộc thôn Phương La, xã Thái Phương là cha đẻ của Thống quốc Thái Sư Trần Thủ Độ. Rồi nhà thờ họ ban đầu xây lên để thờ Trần Hoằng Nghị có tên là “Đền nhà Ông” (không rõ ông nào?), sau lại được biến thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Một số bài viết tuyên truyền rùm beng về sự việc này đã gây bức xúc cho các nhà sử học chân chính và con cháu họ Trần chính thống. Song nhiều người cho rằng những bài viết của bọn bồi bút này không có giá trị, sự dối trá sớm muộn sẽ bị vạch trần, sự thật lịch sử sẽ được làm sáng tỏ.
Tuy nhiên, những kẻ ngông cuồng này còn muốn tiến xa hơn nữa. Chúng muốn chính sử nước nhà phải công nhận có nhân vật Trần Hoằng Nghị quê ở Bến Trấn nay thuộc thôn Phương La, xã Thái Phương là cha đẻ của Thống quốc Thái Sư Trần Thủ Độ chính là ông Tổ họ của ông Trần Văn Sen. Đền thờ ông Tổ họ của ông Trần Văn Sen là Trần Hoằng Nghị phải được bà con họ Trần và nhân dân thập phương trong cả nước đến đây bái lạy và cúng tiến công đức để thu lời. Để thực hiện mưu đồ này, đích danh “ngài” PGS-TS sử học Nguyễn Minh Tường thuộc Viện Sử học Việt Nam là người đã tiếp tay đắc lực. Lợi dụng danh nghĩa mình được giao nhiệm vụ là chủ biên sách Lịch sử Việt Nam phổ thông Tập 3, ông Tường đã cố tình đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị do chính ông ta “đẻ” ra vào sách sử quốc gia và còn gán cho thiên chức là thân phụ của danh nhân lịch sử - Thái sư Trần Thủ Độ.
Ngày 01 tháng 6 năm 2018, con cháu họ Trần đã có văn bản gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí... phản ảnh và kiến nghị xem xét và giải quyết về vấn đề này.
Nay chúng tôi khẳng định lại một lần nữa kiến nghị:
- Trước mắt đề nghị cho thu hồi ngay “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông” do ông Nguyễn Minh Tường là chủ biên, chấn chỉnh lại những sai sót, không để sách phát hành khi còn những sai sót lớn như hiện nay. Là sách lịch sử của quốc gia mà viết những điều phi lịch sử thì không thể chấp nhận được.
- Kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị Nhà nước khẳng định lại: Ở Thái Bình hiện nay chỉ duy nhất có một đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tồn tại tám trăm năm nay để định hướng du khách thập phương và con cháu họ Trần khắp nơi về đây dâng hương, lễ Tổ theo đúng truyền thống dân tộc.
- Đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, giao cho Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tiến hành dỡ bỏ biển đề “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” tại ngôi đền thờ họ ông Trần Văn Sen. Thu hồi và di chuyển ngay các pho tượng mang tên các vị vua và danh nhân nhà Trần đặt phản cảm tại đây để tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Đề nghị các ngành chức năng, nhất là các cơ quan thông tấn báo chí trong cả nước... tích cực thông tin, phản ánh đúng sự thật khách quan, góp phần để các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các ngành chức năng giải quyết dứt điểm các kiến nghị về vấn đề này để tạo niềm tin trong nhân dân./.
[1] Bài vị có câu: “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân” (nghĩa là phụng thờ vị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ).
24/06/2019 : | CHIẾN THẮNG ĐÔNG BỘ ĐẦU VÀ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ KINH THÀNH BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC CỦA VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
05/10/2018 : | TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ |
24/09/2018 : | TỔ CHỨC GẶP MẶT CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ |
24/09/2018 : | CHUYỆN LẠ Ở THÁI BÌNH |
20/08/2018 : | THƯ NGỎ GỬI NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 160 |
Tổng truy cập: 1367809 |