CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ?
Trần Nguyên Trung
Cho đến nay, những người con dân đất Việt đều biết tiếng Trần Thủ Độ (TTĐ) không chỉ là một danh nhân kiệt xuất của nhà Trần (thế kỷ thứ XIII), có nhiều công lao to lớn đối với đất nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi mà còn là một “kiến trúc sư” giỏi gây dựng nghiệp nhà Trần.
Nhưng, bên cạnh tiếng thơm để đời, TTĐ còn chịu nhiều tai tiếng, thậm chí bị quy kết như một “kẻ sát nhân”: bức tử Thượng Hoàng Lý Huệ Tông, sát hại tôn thất nhà Lý…
Liệu những thông tin trên có phải là sự thực hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Nhiều thế kỷ trôi qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có một câu trả lời, kết luận chính thức của các sử gia của VN về sự việc này, thậm chí có một số tác giả chỉ dựa vào những tư liệu, chi tiết được chép lại qua lời truyền miệng mà không suy xét kỹ lưỡng rồi cho ra đời những tác phẩm với các câu chuyện lịch sử mang tính chất giật gân để câu khách.
Việc làm tùy hứng, tưởng như vô hại này không chỉ làm ảnh hưởng đến uy danh của một nhân vật lịch sử kiệt xuất của nhà Trần (thế kỷ thứ XIII), mà còn dễ gây ra hiềm khích trong mối quan hệ giữa hai dòng họ lớn Lý- Trần.
Cũng vì lý do này, suốt nhiều năm nay, tôi đã dành thời gian tìm đọc các loại tài liệu lịch sử, sách, báo viết về nhà Trần, về Trần Thủ Độ, tìm gặp rất nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu, nhà văn có tên tuổi chuyên viết về đề tài lịch sử để được nghe, kể về Trần Thủ Độ để có thêm tư liệu viết về ông.
Rất có thể bài viết dưới đây chưa thể làm hài lòng tất cả bạn đọc, nhưng nó sẽ gợi mở và đưa ra những minh chứng để chúng ta cùng suy ngẫm về những nhận định, đánh giá thiếu tính khách quan, chuẩn mực đối với TTĐ, qua đó giải nỗi oan khuất cho ông.
LẬT LẠI LỊCH SỬ
Như chúng ta đã biết, triều đình nhà Lý, đến đời vua Lý Cao Tông (1176-1210), chính sự nhà Lý rệu rã, đổ nát, kinh thành hỗn loạn. Đại Việt SKTT chép rằng: “Vua ăn chơi vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy”.
Năm 1209, trước sự hoành hành, cướp phá của giặc Quách Bốc, Thái tử nhà Lý là Lý Hạo Sảm (lúc đó 15 tuổi) phải chạy về Hải Ấp nương nhờ Trần Lý để lánh nạn. Tại đây, Hoàng Thái tử bắt gặp Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) có nhan sắc bèn xin lấy làm vợ.
Chính mối nhân duyên không định trước đã biến cô gái làng chài trở thành Nguyên phi, sau này là Hoàng Hậu nhà Lý. Năm 1210, Cao Tông Hoàng đế băng hà, (thọ 38 tuổi), Thái tử Sảm lên ngôi (1210-1224), lấy tên hiệu Lý Huệ Tông.
Từ đây, nhiều người thân trong gia đình Trần Thị Dung được phong tước. Trần Lý (bố vợ) được phong tước Minh Tự; Tô Trung Từ (cậu ruột) được phong Điện tiền chỉ huy sứ; Trần Tự Khánh (anh trai) được phong tước Chương Thành hầu.
Nhờ có sự tham gia, giúp sức đắc lực của gia đình, họ hàng nhạc phụ Trần Lý nên giặc Quách Bốc đã bị đập tan. Tiếp đó, Trần Lý còn giúp nhà Lý diệt trừ nội gian trong triều, dẹp yên loạn đảng. Tình trạng cướp bóc từ đó được ngăn chặn, người dân được sống yên bình.
Trong cuộc chiến đấu dẹp giặc Quách Bốc, bảo vệ triều đình nhà Lý, nhạc phụ của vua Lý Huệ Tông là Trần Lý đã bị tử trận.
Có tài liệu cho rằng, việc Lý Huệ Tông lấy Trần Thị Dung một phần vì thấy nàng thông minh, xinh đẹp, phần khác là để báo đáp công ơn gia đình Trần Lý đã cưu mang, bảo vệ cho mình trong thời gian chạy loạn.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không hề suôn sẻ mà vấp phải rất nhiều trở ngại ngay trong Hoàng tộc nhà Lý. Nguyên nhân là do “không môn đăng hộ đối” và lo sợ uy thế họ Trần trong triều đình nhà Lý sau cuộc dẹp loạn ngày càng tăng.
Chính vì thế sau khi hợp hôn, 2 năm sau (tháng 2/1211), Trần Thị Dung mới được đón về kinh thành Thăng Long (2/1211) và đến cuối năm Bính Tý (1216) mới được phong làm Hoàng Hậu.
Bà sinh hạ được 2 công chúa, trong đó, công chúa thứ 2 Chiêu Thánh trở thành vị Hoàng đế cuối cùng của triều nhà Lý là Lý Chiêu Hoàng.
Theo ĐVSKTT: “Cuối năm Bính Tý (1216) vua (Lý Huệ Tông) mắc trúng phong, các thầy thuốc giỏi được mời đến nhưng không chữa khỏi. Đến năm Đinh Sửu (1217), mùa xuân tháng 3, nhà vua mắc chứng điên, có lúc nói là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, múa từ sáng đến chiều không nghỉ. Khi không múa thì đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu say ngủ li bì hôm sau mới tỉnh”.
Triều đình nhà Lý đến thời vua Lý Huệ Tông càng rệu rã, suy yếu, thế nước nghiêng nguy, vua thì nhu nhược, hèn kém, bất lực trước sự suy tàn không gì cứu vãn nổi của triều đình nhà Lý. Bản thân vua bị lâm trọng bệnh, lại không có con trai nên đã lập con gái thứ là Lý Chiêu Hoàng làm Hoàng Thái nữ sau đó truyền ngôi cho con. Lý Huệ Tông làm Thái Thượng Hoàng lui về ở chùa Chân Giáo trong Đại nội Hoàng cung.
Tình hình trong nước lúc này, giặc cướp nổi lên khắp chốn, họa loạn ngày càng tăng. Ngoài biên ải, giặc phương Bắc lại đang lăm le bờ cõi. Trước sự an nguy của xã tắc, Hoàng hậu Trần Thị Dung đã hết lòng ủng hộ họ Trần, đó là một sự lựa chọn sáng suốt và đúng đắn.
Sau khi thuyết phục vua Lý Huệ Tông xuống chiếu nhường ngôi cho Hoàng Thái nữ Chiêu Thánh (7 tuổi), bà còn trực tiếp đứng ra giàn xếp cuộc hôn nhân của con gái Chiêu Thánh (vua Lý Chiêu Hoàng) lấy Trần Cảnh (con trai thứ Trần Thừa).
Thông qua cuộc hôn nhân với Trần Cảnh, tháng 12 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng đã làm lễ nhường ngôi cho chồng, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, mở ra một trang sử mới, kết thúc hơn 200 năm cầm quyền của nhà Lý.
Đây thực sự là một cuộc “đổi ngôi” có một không hai trong lịch sử VN và thế giới, vì không hề tốn một giọt máu. Điều quan trọng hơn là đã mang lại cho xã tắc một nền thịnh trị với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quân sự, chính trị xã hội, để sẵn sàng đương đầu và chiến thắng đội quân xâm lược Nguyên- Mông hùng mạnh nhất thế giới sau này, mang lại vẻ vang cho đất nước.
GIẢI NỖI OAN CHO TRẦN THỦ ĐỘ.
Đây cũng là một câu hỏi không dễ trả lời, vì trên sách báo, trang mạng xã hội và các tài liệu lịch sử đều có đề cập đến vụ việc này dưới nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau.
Tôi cũng đã cố gắng tìm đọc các sách lịch sử và gặp gỡ trao đổi với các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử để tìm hiểu rõ thực hư ra sao và nhận thấy có rất nhiều điểm nghi vấn cần phải làm sáng tỏ.
Thứ nhất, có một số tài liệu lịch sử và các bài viết khẳng định, TTĐ là người bức tử Thượng Hoàng Lý Huệ Tông tại chùa Chân Giáo trong Đại nội hoàng cung.
Có rất nhiều cách lý giải về cái chết của Thượng Hoàng Lý Huệ Tông, trong đó một số phân tích nguyên nhân cho rằng, đây là sự trả thù của TTĐ đối với “kẻ tình địch”, vì trước đó, trong lần chạy loạn về Hải Ấp, Lý Huệ Tông “cướp” mất người yêu của ông là Trần Thị Dung (?).
Theo các tài liệu lịch sử, TTĐ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý coi như con, lớn lên theo Trần Lý đi đánh giặc. TTĐ vốn là một người cương trực, khảng khái, trung thực, biết nhìn xa trông rộng, luôn biết đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Giữa Trần Thị Dung và TTĐ (là 2 chị em họ) có mối liên hệ quen biết nhau từ khi còn nhỏ, cùng sống chung trong gia đình Trần Lý. Còn việc hai người có yêu nhau hay không thì chưa thấy sách nào chép.
Hơn nữa, Lý Huệ Tông sau khi nhường ngôi cho con gái trở thành Thái Thượng Hoàng về sống tại chùa Chân Giáo đã kết thúc vai trò lịch sử, lại đang lâm trọng bệnh (bệnh điên, hoang tưởng…).
Nếu phân tích theo logic, TTĐ từng giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ (chỉ huy binh mã), quyền cao chức trọng dưới triều đình nhà Lý, nếu có âm mưu làm phản dễ như trở bàn tay. Hà cớ gì phải chờ đến lúc Lý Huệ Tông lui về hậu cung, không tham gia triều chính mới sát hại? Hơn nữa lại sát hại một người đang lâm trọng bệnh, liệu có đáng mặt anh hùng?
Nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể do bệnh tật ngày càng tăng nặng, bột phát, Lý Huệ Tông đã thắt cổ tự tử (?).
Nhân cơ hội này những kẻ trong Hoàng tộc nhà Lý vốn có mối thâm thù, ác ý từ lâu nên đã đổ tội lên đầu Trần Thủ Độ ra tay sát hại Lý Huệ Tông?
Thứ hai, không chỉ có các bài viết đăng rải rác trên các sách báo mà trong ĐVSKTT của Ngô Sỹ Liên cũng chép rằng:
“(Năm 1226)… Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo.
Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.
Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.
Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”.
Đến nơi, sai người bày biện hương hoa đến bảo (Huệ Tông): “Thượng phụ sai thần đến mời”.
Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.
Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”.
Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa.
Thủ Độ ra lệnh cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam làm cửa (người bấy giờ gọi là “cửa khoét”), đưa linh cữu ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông…”.
Đọc đoạn sử trên đây gợi cho chúng ta rất nhiều điều suy nghĩ.
Xem nội dung đối thoại giữa Trần Thủ Độ và Lý Huệ Tông trên đây là cuộc đối thoại giữa 2 người bình thường, trí tuệ còn minh mẫn, không thể với một người đang bị bệnh điên.
Sau phần đối thoại là đến hành động thắt cổ tự tử của Lý Huệ Tông, qua đó để kết tội Trần Thủ Độ giết hại Lý Huệ Tông là không thỏa đáng, không đủ sức thuyết phục.
Hơn nữa, lời khấn của Lý Huệ Tông trong phòng ngủ nếu có thì chỉ có một mình Lý Huệ Tông biết. Sau khi khấn xong liền ra phía sau chùa thắt cổ tự tử, trong khoảng thời gian rất ngắn, không ai có thể nghe được, biết được. Vậy thì tại sao có người biết mà ghi chép lại ?
Một điều vô lý nữa, Trần Thái Tông là con rể của Lý Huệ Tông, nhiều con cháu họ Trần sau này cùng mang huyết thống với Lý Huệ Tông, cớ sao ông nỡ có lời khấn độc địa, vô nhân tính như vậy được?
Theo suy nghĩ của chúng tôi, đoạn sử nói trên có khả năng được ghi chép lại qua lời đồn đại, truyền miệng, không thể có xuất xứ từ một tài liệu chính thống đáng tin cậy.
Cũng trong cuốn ĐVSKTT còn viết: “Kiến Trung thứ 8 (1232)…tháng 8 gió to, dân gian phát dịch lệ, nhiều người chết. TTĐ giết hết tôn thất nhà Lý…Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái đường Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.
Điều đáng lưu ý, ngay phía dưới phần chép đã được Ngô Sỹ Liên chú giải rất rõ: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”.Nhẽ ra, những sử liệu chưa rõ ràng không nên chép vào sách.
Cũng cần nói thêm, bộ ĐVSKTT do Ngô Sỹ Liên viết vào nửa cuối thế kỷ XV dựa vào 2 bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và bộ Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên và đã qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung.
Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, chúng đã thẳng tay đốt phá, tiêu hủy gần hết sách vở, tài liệu của các đời trước.
Đến đời vua Lê Thánh Tông đã cho phép sử quan tập hợp tất cả câu chuyện truyền thuyết, dã sử và các câu chuyện kể trong dân gian đưa vào sử sách. Vì thế, có khả năng những đoạn được ghi chép lại trong ĐVSKTT trên đây được lấy từ những câu chuyện truyền miệng hoặc đồn đại trong dân gian.
Nghiên cứu các thông tin về việc TTĐ bức tử Thượng Hoàng Lý Huệ Tông và sát hại tôn thất nhà Lý hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn, chưa đủ độ tin cậy để khẳng định là có thực, bởi các lý do sau đây:
Một là, mặc dù người chủ biên sách ĐVSKTT có chép TTĐ sát hại tôn thất nhà Lý tại Thái đường Hoa Lâm, nhưng phía dưới đoạn chép, Ngô Sỹ Liên đã xác nhận: chính sử vương triều Trần do Phan Phu Tiên trực tiếp biên soạn không có đoạn nói về Thái sư Trần Thủ Độ tàn sát tôn tộc nhà Lý.
Hai là, ĐVSKTT nêu: “Ất Hợi [Diên Ninh] năm thứ 2 (1455), (vua Lê Nhân Tông-TG) sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký từ thời Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước”.
Và lời Tựa Văn nghệ chí của Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử viết: “…Triều ta dẹp loạn, lập lại trị bình, các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy còn sót lại, nhưng sau cuộc binh hỏa, mười phần còn được bốn năm phần …”.
Qua đây có thể xác định, việc biên soạn chính sử vương triều Trần, ngoài Phan Phu Tiên chủ biên còn có Nguyễn Trãi và Lý Tử Tấn (tông tộc nhà Lý) cùng tham gia biên soạn.
Ba là, vua Trần Thái Tông, con rể nhà Lý là người đầu tiên chủ trương làm quốc sử, lập Quốc sử viện và sai Hàn lâm viện học sĩ Kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu soạn bộ Đại Việt sử ký từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, hoàn thành vào năm Thiệu Long thứ 15 (1272). Nếu trong giai đoạn này xẩy ra biến cố, dù to hay nhỏ đều không thể lọt qua được mắt sử quan.
Hơn nữa, Trần Thái Tông là một vị vua anh minh rất coi trọng chính sử của Đại Việt và vương triều Trần, luôn lấy việc nhân nghĩa làm trọng. Ông rất ghét những việc làm khuất tất, vô đạo. Nói cách khác, Trần Thái Tông có chính danh thì mới chủ trương làm quốc sử và nhờ đó, chính sử nhà Lý mới tồn tại đến ngày nay và mai sau.
Bốn là, thời vua Trần Anh Tông ban bố 8 chữ quốc húy của 8 vua nhà Lý, xác nhận các vua nhà Lý (họ ngoại) được triều Trần phụng thờ hết mực.
Thực tế, tôn tộc nhà Lý vẫn tồn tại xuyên suốt chiều dài lịch sử, như: Lý Cát (1268); Tướng công Lý An Hạ (1268); Tướng công Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến tôn tộc nhà Lý (1318); Lý Tế Xuyên “Thủ Đại tạng kinh Thư hỏa chính chưởng trung phẩm phụng ngự, chuyển vận sứ ở An Tiêm lộ” soạn “Việt điện u linh tập” năm Khai Hựu nguyên niên (1329); Lý Tử Tấn (1400); Hạ trai học sinh Lý Tử Cấu (1407)…
Sự thật lịch sử là như vậy, rất khó để tin rằng, nhà Trần sát hại tôn tộc nhà Lý. Đến kỷ nhà Nguyễn giao cho Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cuốn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Nhưng, các sử quan triều Nguyễn vẫn tiếp tục sử dụng các tư liệu tồn nghi trong chính sử và vẫn khẳng định Trần Thủ Độ tàn sát tôn tộc nhà Lý là có thật. Đây là điều hết sức nguy hiểm, gây phân tâm cho người đọc. Tất nhiên, nguồn sử liệu này chỉ phù hợp và dành riêng cho những nhà sử học hoặc nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử thích “ăn sẵn” sau này.
LỜI BÀN: Không phải mọi sử liệu trong sách ĐVSKTT đều là “khuôn vàng thước ngọc”. Vì vậy khi trích dẫn, sao chép cần phải thận trọng cân nhắc thấu đáo. Người cầm bút giống như vị quan tòa, hơn kém nhau ở con mắt và cái đầu. Mắt sáng để quan sát mọi sự vật. Cái đầu sáng để suy xét, làm rõ thực hư, không để nhầm lẫn, oan sai. Mắt mà không sáng nhìn không chính xác, đầu mà không sáng suy xét thiếu chuẩn mực, thấu đáo sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế, con cháu hậu duệ họ Trần rất mong các nhà sử học VN sớm vào cuộc để giải nỗi oan khuất này cho TTĐ.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi tiếp:
Chúng tôi rất mong các nhà nghiên cứu văn hóa-lịch sử nước nhà tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các chứng cứ xác đáng để giải nỗi oan này cho Trần Thủ Độ.
Còn việc Trần Thị Dung tái giá lấy Trần Thủ Độ cũng là việc bình thường vì nhà Lý cũng đã kết thúc sứ mệnh lịch sử. Theo ĐVSKTT: “Sau khi giang sơn thuộc về nhà Trần, Hoàng Thái hậu nhà Lý Trần Thị Dung bị phế ngôi. Trần Thái Tông nghĩ bà từng là Hoàng Hậu của Lý Huệ Tông nên không nỡ gọi là công chúa mà phong bà là Linh Từ Quốc Mẫu. Bà vẫn được hưởng chế độ nghi trượng, kiệu xe theo đúng nghi thức Hoàng Hậu”.
Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục: “Sau khi Trần Thái Tông truất ngôi Thái hậu nhà Lý là Trần Thị xuống làm Thiên cực công chúa rồi đem gả cho Trần Thủ Độ”. Hai người chung sống với nhau được 34 năm (1225-1259).
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
13/01/2021 : | TRAO ĐỔI PHẢN HỒI VỀ BÀI “THỬ LẦN TÌM CÁI TÊN TRẦN THỦ HUY” CỦA TÁC GIẢ ĐÔNG TRẦN QUANG |
24/10/2020 : | BẰNG BẢO TRỢ DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA DO LIÊN HIỆP CÁC HỘI UNESCO VIỆT NAM CẤP HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ. |
02/08/2020 : | SỰ THẬT KHÔNG THỂ ĐÁNH TRÁO |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 161 |
Tổng truy cập: 1363291 |