TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM
Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, Chương Anh Tôn Hoàng đế, năm Kỷ Hợi 1299 - tháng Tám viết: Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, Quốc công tiết chế đi theo. Thượng Hoàng nói: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (miền dưới, miền biển), thủy tổ quê ở Hiển Khánh, đời đời ưa chuộng hùng dũng…”. Vậy địa danh "Hiển Khánh" mà Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nói đến ở đâu? liên quan gì đến họ Trần Việt Nam cũng như vương triều Trần?

 

TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM

                                                  PGS. Đào Trần Quang Cát

                                        Chủ tịch danh dự Hội đồng họ Trần VN

Đại Việt Sử ký toàn thư, kỷ nhà Trần, Chương Anh Tôn Hoàng đế, năm Kỷ Hợi 1299 - tháng Tám viết: Thượng Hoàng (Trần Nhân Tông) ngự cung Trùng Quang, vua đến chầu, Quốc công tiết chế đi theo. Thượng Hoàng nói: “Nhà ta vốn là người ở vùng hạ lưu (miền dưới, miền biển), thủy tổ quê ở Hiển Khánh, đời đời ưa chuộng hùng dũng…” 

Nhà sử học Trần Quốc Vượng phán rằng “Hiển Khánh” là danh từ các vua mới lên ngôi dùng để phong tước cho cha, anh em trong hoàng tộc nên không đi truy tìm địa danh Hiển Khánh. Một việc làm rất thiếu trách nhiệm của nhà sử học.

Một di tích khác ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có đền Thượng Linh xã Đại Thắng. Thời Trần Thái Tông Hoàng Đế đã tới thăm Thượng Khu xã Quả Linh, xem gia phả họ Trần, nói: cùng một họ Trần ta cả. Hoàng đế đã tặng quà các cụ phụ lão vải lụa may quần áo, động viên trai tráng hăng hái xây dựng đất nước, đổi tên Thượng khu thành Thượng thôn, cho trùng tu miếu điện để phụng thờ, phong tặng danh thần trong đền Bảo Đạo Hầu là Bảo Đạo An Hưng Đại Vương, cùng hai vị thủy tổ anh em, đều gia phong mỹ tự.

Cho đến năm 2017, Ban Lễ hội tộc Trần thời đại Hùng vương tìm về được xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định mới được biết rõ nơi đây có chính bản thần tích về họ Trần. Tại đền thờ hai vị thiên tử Trần Minh Gia, Trần Minh Tôn được vua Hùng thứ Sáu phong tước. Hai vị là hậu duệ người con thứ Tám trong số 50 người con đi theo mẫu Âu Cơ.

           Nguyên bản thần tích chữ Hán đầu đề là:

“Hùng gia nhị vị thiên tử ngọc phả lục. Khôn chi đệ thất bộ thượng đẳng - Quốc triều lễ bộ thượng thư Từ đường chính bản”. Cuối bản ghi: “Hồng phúc nguyên niên mạnh thu nguyệt cát nhật Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Thần Nguyễn Bính phụng soạn”.

Hoàng triều Vĩnh Hựu bát niên quý thu nguyệt cát nhật Quản giám bách thần kiêm Tri điện Hùng lĩnh Thiếu khanh thần Nguyễn Hiền tái tuân cựu triều chính bản phụng sao. Nguyên bản chữ Hán lưu giữ tại đền thờ Minh Gia, Minh Tôn làng Hạnh Lâm, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Người cung cấp: Nguyễn Tuấn Nhuần, Quản lý đền thờ. Người dịch: Bùi Văn Tam, Hội viên hội Sử học Việt Nam.

Bản dịch nguyên văn Ngọc phả: Nước ta khởi dựng ở phương Nam, có sao Ngưu, sao Đẩu phân chi cương vực.

Triều Hùng xây dựng cơ đồ bắt đầu từ Thánh tổ Kinh Dương Vương vâng mệnh vua cha là Đế Minh về nhậm chức ở phương Nam, nắm quyền cai trị làm chủ đất nước. Trải qua nhiều đời trông coi nước Việt, sông núi hùng vĩ kéo dài tới đất Hoan Châu biên địa, rừng xanh vạn dặm, nơi Nghĩa Lĩnh hình cường, biệt lập Thành đô, trùng tu miếu điện, cha truyền con nối đều đặt hiệu Hùng Vương.

          Lạc Long Quân kế vị, lấy vợ là tiên nữ Âu Cơ ở hồ Động Đình về sống ở đầu núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ mang thai ba năm ba mươi ngày, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai. Thời đó, Lạc Long Quân chia nước làm 15 bộ. Thứ nhất Phong Châu, thứ nhì Sơn Nam, thứ ba Hải Dương, thứ tư Kinh Bắc, thứ năm Ái Châu, thứ sáu Hoan Châu, thứ bảy Bố Chính, thứ tám Minh Châu, thứ chín Ai Lao, thứ mười Hưng Hóa, thứ mười một Tuyên Quang, thứ mười hai Cao Bình, thứ mười ba Lạng Sơn, thứ mười bốn Quảng Tây, thứ mười lăm Quảng Đông.

          Lúc đầu, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, tuy khí âm, khí dương hợp nhau mà sinh con nhưng loài giống không giống nhau, nước lửa tương khắc, không thể cùng chung sống được. Do đó phải chia biệt, phân ra thành trăm họ, năm mươi người con theo cha về biển làm Thủy Thần, năm mươi người con theo mẹ về núi làm Sơn Thần. Năm mươi người con về núi này chia nhau cai trị trên từ đầu núi, năm mươi người con về biển cai trị tận góc biển, làm vua một vùng, đều hưởng lộc trời.

 

          Đến đời Hùng Vương trị vì, đóng đô ở Việt Trì từ trên sông Bạch Hạc, đặt tên nước là Văn Lang, quốc đô là Phong Châu. Hùng Vương đức rộng tài cao, có lòng khoan nhân đại độ. Nối tiếp vận nước đời Hùng sáu đời[1], luôn lấy đức để giáo hóa nhân dân. Công lao trị nước vững bền rực rỡ, có thể coi là một vị vua hiền đức. Đương lúc này có một vị bộ chủ làm quan một đạo, vốn gốc là người con thứ tám trong năm mươi người con lên núi thuộc một bọc trăm trứng nở trăm con, được cai quản đạo Sơn Nam. Vị Bộ chủ quan này lấy người con gái trang Tức Mặc, huyện Châu Định, phủ Thiên Trường tên là Trần Thị Huệ lập làm chính phi, trở về sinh sống ở nhiệm sở Sơn Nam. Từ đó, trị dân an cư lạc nghiệp, dồi dào của cải, dân cư khỏe mạnh, thật xứng đáng là Bộ Chủ quan một phương, luôn luôn làm việc phúc đức, thiện lương. Bộ Chủ quan tuổi đã ngoại tứ tuần mà vẫn chưa thấy tin mừng đến nhà, nên ông bà càng ra sức làm phúc, gia tâm làm việc thiện nhân. Việc gì tốt thì nhỏ cũng làm, coi dân như con. Phàm lễ bái bốn mùa, các khóa lễ phụng thờ, ông bà đều cho phép dân làm, không thu một tí gì của dân. Cửa quan không có kiện cáo, không có ngục tù, không có roi vọt hành hạ. Bộ Chủ quan cùng Chính phi thường loan giá thăm thú các phủ huyện trong hạt. Một hôm, quan Bộ Chủ đi đến đất khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng[2], bỗng nhiên gặp một cô gái tuổi chừng ba tám (tức 24 tuổi), mặt hoa da phấn, môi đỏ như son, mắt ngọc mày ngài, vầng trán hiền hậu, nhan sắc hơn hẳn chính phi. Ông bèn gọi lại thăm hỏi tên tuổi, quê quán. Nàng lễ phép đáp:

          - Thiếp tên là Nàng Nghĩa, người ở xóm Hàn Lâm, con gái phú ông họ Nguyễn. Mẹ thiếp mất sớm, hai cha con sống chung, đến nay tuổi đã hai mươi tư. Chính phi nói với nàng rằng:

          - Người đẹp ắt phải chọn người đẹp để kết duyên cầm sắt. Nay giây tơ hồng đã định, chồng ta đây vốn là Bộ Chủ quan đạo Sơn Nam, là con cháu của Vua Hùng, tuổi đã cao mà chưa từng sinh nở. Ta là chính phi đang muốn tìm thiếu nữ có thể sinh con đẻ cái, cho thỏa ước nguyện bình sinh. Nay thấy nàng nhan sắc, nói năng không phải là người thường, ta muốn cùng nàng kết nghĩa Châu Trần. Không biết lòng nàng có nghe không?

          Cô gái đáp lại: Thân phận thiếp đang bồng bềnh trôi nổi, làm sao có thể tự đoán định được duyên cầm sắt, nên không thể dám hứa được.

          Chính phi liền loan giá tìm đến nhà phú ông, mời cô gái cùng về dẫn đường. Phú ông mở tiệc nghênh đón vợ chồng Bộ Chủ quan. Bộ Chủ quan nói rõ tâm nguyện. Phú ông vui vẻ chấp nhận. Vợ chồng Bộ Chủ quan mừng rỡ, chọn ngày làm lễ cưới hỏi, rồi rước về nhiệm sở, phong nàng làm đệ nhị cung phi. Từ đó loan phượng tình nồng, uyên ương quấn quýt. 

Khoảng một năm qua, một hôm nàng Nghĩa cùng chính phi nằm nghỉ ở chính phòng, mơ màng giấc ngủ. Chính phi bỗng mộng thấy cùng nàng Nghĩa đến một khoảnh đất rậm rạp cây cối như rừng, có một con hổ từ phía núi Nam nhảy tới, rồi ngay sau đó lại thấy một con hổ nữa từ phía Đông lao tới, hai hổ xông vào nhau vật lộn. Nàng muốn cứu từng con hổ ra, bỗng thấy mung lung huyền ảo, hai con hổ đã biến thành hai đứa trẻ. Một đứa nhảy vào người Chính phi, một đứa nhảy vào lòng nàng Nghĩa. Nàng kinh hãi giật mình tỉnh giấc vội thuật lại cho Bộ chủ nghe. Bộ chủ vui mừng nói: Hay quá! Hay quá! Hổ tượng trưng cho điềm lành! Nàng nằm mộng như vậy tất nhiên là điềm nàng cùng với nàng Nghĩa sẽ mang thai.

          Lời nói mới một ngày, quả nhiên Chính phi cùng nàng Nghĩa đồng thời mang thai. Thai kỳ kéo dài tới 12 tháng. Ngày mồng mười tháng Mười một mùa Đông năm Đinh Hợi, vào khắc đầu giờ Dần, Chính phi sinh hạ một con trai và đến 6 khắc sau giờ Dần, Đệ nhị cung phi cũng sinh một con trai. Cả hai bé đều mình rồng, dáng hổ, mình phượng mày ngài, ngũ nhạc cùng chầu, tam đình bằng phẳng, thân cao tám thước, tai trắng mi xanh, tay dài quá gối, thật khác người thường. Sinh được trăm ngày, vợ chồng Chủ bộ quan ẵm con loan giá về triều báo tin mừng với nhà vua Huy Vương. Nhà vua mở tiệc ăn mừng, nhìn Chủ bộ quan mà nói:

          Hai cháu này đều là con cháu của tông phái Hoàng gia, nay trẫm đặt tên cho cháu trưởng là Minh Gia, cháu thứ là Minh Tôn để thể hiện tình nghĩa là con cháu nhà Hùng.

          Chủ bộ quan vâng lệnh bái tạ, xong việc lại trở về nhiệm sở Sơn Nam. Mấy năm sau, Chủ bộ quan lại về khu Hàn Lâm, trang Liên Phúc, huyện Thiên Bản cho xây dựng một chung sở nhằm sau này để Minh Gia, Minh Tôn có căn cứ nối nghiệp. Những tưởng việc đời tốt đẹp, thì ôi thôi sự biến lại đến bất thường như Trời đã định vậy. Vì liên tiếp ba năm sau cả Bộ chủ quan, Chính phi rồi đến Đệ nhị cung phi đã lần lượt qua đời. Minh Gia, Minh Tôn khóc thảm thiết, cậy nhờ nhà vua và công sở lo liệu an táng, xếp sắp thờ phụng chu toàn.

          Đến năm hai ông bước sang tuổi hai mươi mốt, thiên tư càng chứng tỏ rõ thông minh tài trí, học sâu hiểu rộng chuyện xưa nay trong thế sự và trời đất.

          Đến tuổi hai mươi lăm, vua Hùng Huy Vương triệu về kinh giao cho kế nhiệm công việc của cha ở đạo Sơn Nam với chức vị huynh trưởng là Minh Gia thiên tử, còn đệ tử là Minh Tôn thiên tử. Cơ sở tại hành cung vùng Hàn Lâm. Tại đây hai người chăm lo học hành, giúp đỡ nhân dân sản xuất cày cấy, tập luyện, răn dạy làm việc thiện, trừ bỏ điều tệ hại, miễn mọi thứ tô thuế tạp dịch. Sức dân ngày một mạnh, sức nước cũng từ đây tăng dần, dân cư Hàn Lâm được hưởng phúc dày và cũng có công với nước.

          Khi đất nước có giặc Ân ở phương Bắc do thần tướng Thạch Linh đem trăm vạn quân hùng mạnh sang xâm lược, khí giới đầy trời, cờ bay rợp đất, hùng hổ kéo đến biên ải nước ta.

          Trước thế giặc kiêu hùng, nhà vua lo lắng, lập đàn cầu đảo. Ba ngày sau, vua thấy trong mưa gió bão bùng, xuất hiện một cụ già mình cao chín thước, đi lại trang nghiêm, múa may cười nói, nhiều người cho là dị nhân. Tiếp đó, cụ già  vào cung vua, vái chào trọng lễ. Nhà vua thân ra nghênh đón, mời ngồi trang trọng rồi nói: Nay mới có bọn giặc phương Bắc xâm phạm, sự thắng bại thế nào xin ngài chỉ giáo cho. Cụ già suy nghĩ, tính toán vận trù kế sách rồi tâu với nhà vua:

          Nay Hoàng gia mới có hai vị thần hổ đầu sinh đang làm chủ đạo Sơn Nam. Đó chính là tông phái Hoàng gia. Hai vị này có thể cấp thời bày binh bố trận để trước là phòng ngự, sau sẽ tuyên chiến. Nên cho gọi về giao trách nhiệm kết hợp cho sứ giả kêu gọi người tài trong thiên hạ nhất định bọn giặc phương Bắc không thể thoát được (nguyên bản: không có chân mà chạy).

          Nói rồi, cụ bay lên không trung biến mất. Nhà vua tiếp nhận điềm may, phái ngay sứ giả về khu Hàn Lâm triệu thỉnh hai vị Thiên tử về triều đình tổ chức quân binh chống giặc. Cùng lúc nhà vua ban một đạo lệnh khác sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài ra giúp nước. Một hôm, sứ giả đến hương Phù Đổng, quận Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc được biết tại đây có gia đình phú ông sinh được một con trai tên là “Thần vương nằm chõng”, mới ba tuổi mà chỉ có thể nằm ngửa, ăn uống và lớn lên song không cười nói bao giờ. Đến khi biết tin có sứ giả của nhà vua đến, tự nhiên chàng trai ngồi dậy được và nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, mẹ hãy mau mau mời sứ giả vào đây.

Thần vương nó với sứ giả rằng:        Ông hãy tâu ngay với nhà vua cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt dài, một cái búa sắt, nhất định bọn giặc phương Bắc sẽ thất bại nặng nề. Nhà vua không phải lo buồn chi nữa.

          Sứ giả nghe nói vậy, vội về triều tâu với nhà vua. Vua nghe nói rất mừng, liền truyền lệnh cho thợ tìm sắt đúc ngay một con ngựa sắt, một roi sắt dài, một búa dài chở đến cho Thần vương. Thần vương hét to lên mấy tiếng, tự nhiên thân vươn cao mười tám thước, ăn một bữa no đoạn nhảy lên mình ngựa dõng dạc nói: Ta sẽ cùng tuấn mã chạy như bay đến phía giặc thù!

          Thần vương tiến thẳng tới chân núi Châu Sơn và chỉ roi về phía tướng giặc Thạch Linh. Trong chớp mắt, tướng giặc nằm vật xuống đất. Bọn dư đảng chưa kịp giết hết thì Thần vương rơi mất búa sắt. Ngay lập tức, Thần vương dùng tay nhổ từng cụm tre mầu vàng (tre Đằng Ngà) vung lên đánh giặc. Hai Thiên tử Minh Gia và Minh Tôn cùng phối hợp tả xung hữu đột làm cho hàng ngũ giặc tan tác không còn sức chống cự, buộc chúng đứa quy hàng, đứa tháo chạy, xác chết nằm la liệt. Giặc Ân hoàn toàn bại trận, từ đó không dám xâm phạm bờ cõi nước ta nữa.

          Hai vị thiên tử cùng với Thần vương cưỡi ngựa thẳng đến núi Ninh Sóc, Thần vương bay thẳng lên trời mà biến, Hai vị Thiên tử cùng hóa theo. Hôm ấy là ngày rằm tháng Chạp.

          Đất nước được yên bình. Vua Hùng Huy Vương thấy công lao của Thần vương và hai vị Thiên tử đối với đất nước thật to lớn bèn phong tặng:

- Thần vương là Phù Đổng Thiên Vương, tặng một trăm khoảnh ruộng để làm đất thờ phụng.

- Chuẩn cho miễn các loại sưu thuế lao dịch của làng Hàn Lâm, trang Liên Phúc để thờ phụng hai vị Thiên tử, hai mùa Xuân Thu làm lễ Quốc tế, bốn mùa đèn hương phụng thờ muôn thuở không dứt.

          Từ đó về sau, trải đến đời Đinh, Lý, Trần, Lê đều linh ứng, giúp nước cứu dân nên rất nhiều bậc đế vương ban phong mỹ tự, muôn đời hưởng lộc, trường tồn cùng trời đất, làm chỗ dựa cho dân vậy thay.

          - Các ngày phụng lễ sinh hóa cùng tên húy của các ngài đều cấm dùng hai chữ Gia, Tôn, cấm dùng áo mũ hai màu hồng và tía.

          - Ngày sinh của thần: Mồng mười tháng Mười một.

(Lễ dùng: bàn trên: cỗ chay (bánh, chè, hoa, quả). Bàn dưới: cỗ ngưu lao (thịt trâu, bò) xôi, rượu, ca hát ba ngày.

          - Ngày hóa của thần: Mười lăm tháng Chạp (Lễ dùng: Thịt lợn đen tuyền, xôi, bánh , rượu, cơm).

          - Lễ Khánh hạ (Tế Xuân): ngày mồng 10 tháng 2 (Lễ dùng: Gà trống, xôi, rượu, ca hát ba ngày).

          - Lễ Khánh thu (Tế Thu): mồng 10 tháng 8 (Lễ dùng: Ngưu lao (thịt trâu bò, xôi, rượu), ca hát ba ngày). 

Hồng Phúc năm thứ nhất (1572) ngày lành tháng Bảy, Hàn Lâm viện Đông Các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính vâng soạn.

Hùng triều Vĩnh Hữu lục niên (1740) ngày lành tháng Chín, Quản giám bách thần kiêm Tri Điện, Hùng Lĩnh Thiếu Khanh thần Nguyễn Hiền vâng lệnh sao lại theo bản chính triều cũ.                                                                                                                                                                  

Tôi xin có mấy ý kiến cá nhân sau đây:

          Những tài liệu trên đây thể hiện rõ rằng: Thượng hoàng Trần Nhân Tông nói: “Nhà ta vốn người ở vùng hạ lưu, Tổ tiên ta quê ở Hiển Khánh”. Như vậy con cháu triều Trần là người gốc ở Việt Nam không phải ở nơi khác đến.

          Thần phả ở làng Hiển Khánh chứng minh rằng: Ông Tổ của họ Trần là người con thứ Tám trong số 50 người con đi theo Mẹ Âu Cơ, trong bọc 100 trứng do Mẹ Âu Cơ sinh ra. Như vậy, họ Trần Việt Nam chính là thuần gốc Việt Nam, không liên quan gì đến họ Trần ở Trung Quốc.

Đại Việt Sử ký toàn thư kỷ nhà Trần, chương Thái Tông Hoàng Đế viết: “Đời trước của vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá”. 

Điểm này có điều không hợp lý, bởi vì trước Trần Tự Kinh còn có cha Trần Tự Kinh là Trần Tự Mai, cha Trần Tự Mai là Trần Tự An. Trần Tự An là người xây dựng nên võ phái Đông A ở Bắc Ninh thời Lý Thái Tổ. Ở đây còn hai võ phái khác là võ phái Hoàng gia ở Kinh Bắc và võ phái Lĩnh Nam ở Mê Linh. Trần Tự An  khuyên con là Trần Tự Mai chuyển võ đường đi nơi khác để tránh xung đột với các võ phái bạn không lợi cho sự nghiệp chung của nước nhà. Trần Tự Mai di chuyển đến Đông Triều, con là Trần Tự Kinh phát triển đi khai hoang ở Tức Mặc, Nam Định.

Trước Trần Tự An, thời nhà Đường đô hộ ở Bách Việt có Trần Tự Viễn được nhân dân gọi là phật sống, võ nghệ cao cường, có hơn ba nghìn đệ tử. Trần Tự Viễn còn hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại nhà Đường. Trước Trần Tự Viễn thời Tần Thủy Hoàng có Trần Tự Minh là tướng của Tần Thủy Hoàng, được Tần Thủy Hoàng phong tước Phương Chính hầu. Khi Tần Thủy Hoàng xua quân xâm lược đất Bách Việt, đánh chiếm vùng nam dãy Ngũ Lĩnh (Nam Hải, Quế Lâm, quận Tượng), Trần Tự Minh bất bình chuyển về đầu quân với vua Hùng thứ XVIII. Vua Hùng tổ chức liên minh với bộ tộc Tây Âu (cạnh Lạc Việt) chống Tần và cử Thục Phán, thủ lĩnh Tây Âu làm tổng chỉ huy. Sau khi Thục Phán chiếm nước Văn Lang lập ra nước Âu Lạc, Trần Tự Minh cùng Cao Lỗ giúp An Dương Vương chống lại Triệu Đà. Trong một trận chiến đấu, Trần Tự Minh bị thương nặng, ngựa chạy về đến chợ Chờ thì chết. Qua một đêm, mối đùn lấp hết thân thể. Nhân dân xây mộ luôn tại chỗ và lập đền thờ ngay tại đấy (nay thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). 

Năm 2012, tôi đã đến dâng hương đền Trần Tự Minh tại chợ Chờ, trong đền có nhiều câu đối cổ, viết Trần Tự Minh là Hùng tướng (tướng của vua Hùng). Trước đền phía bên phải còn mộ Trần Tự Minh, phía bên trái còn bia đá đặt dưới gốc cây thị cổ thụ. Sau này có một ông cán bộ bộ đội về hưu, gán cho đây là đền thờ thánh Cao Sơn, gỡ hết câu đối cũ, bia đá đem lên huyện, viết lại thần tích cho đền thành thần tích thánh Cao Sơn.

          Họ Trần ở tỉnh Phúc Kiến Trung Quốc ngày nay lợi dụng câu viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, nói gia phả họ Trần ở tỉnh Phúc kiến có người tên là Trần Kinh, sao gửi sang móc nối với ông Trần Mạnh Quảng muốn lôi kéo họ Trần Việt Nam ủng hộ đường lối của Trung Quốc đối với Việt Nam.

          Tổng quát lại: Ở Việt Nam ngày nay có ba nhánh họ Trần:

          - Một là họ Trần gốc người Hoa, vốn người đất Trần ở Nam ngạn Hoàng Hà. Xưa vua nhà Chu tặng cho con cháu vua Thuấn khu đất Trần để ở, không gọi là chư hầu mà coi là nước khách, được miễn mọi thứ thuế khóa, đóng góp. Khi Tần Thủy Hoàng đánh chiếm, đuổi hết dân cũ đi, đưa dân nước Tần và bọn tội phạm đến ở, đổi tên là quận Dĩnh Xuyên. Người đất Trần bị dời đi, lấy tên đất Trần làm họ. Một số người đến Việt Nam, nhập vào họ Trần Việt Nam nhưng khi cúng giỗ tổ tiên vẫn khấn là người Dĩnh Xuyên.

          - Hai là họ Trần Việt Nam, thuần chủng người Việt. Con cháu vương triều Trần thuộc họ Trần ta.

          - Ba là họ Trần gốc họ Chế người Chăm Pa do vua Lê Thánh Tông năm 1474 đưa về cho ở khu đất Đống Cương, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1569, vua Lê Thế Tông cho ông Chế Ích Hoàn đổi họ Chế thành họ Trần.

          Xét rằng: họ Trần Việt Nam và họ Trần gốc họ Chế đều là người Việt Nam nên có thể sinh hoạt họ hàng chung với nhau. Nhưng phải nhận thức rõ họ Trần Việt Nam có từ thời lập nước của Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ có lịch sử lâu dài, đến nay đã gần 5.000 năm, còn họ Trần gốc họ Chế người Chăm Pa mới thành lập năm 1569 do vua Lê Thế Tông ban cho, tính đến nay mới được 452 năm. 

Ông Trần Văn Sen là nhánh họ Trần gốc họ Chế. Do đó, Tổ của nhánh họ Trần gốc Chế không thể là Tổ của họ Trần của cả nước Việt Nam được. Những việc làm xuyên tạc lịch sử của ông Sen trong thời gian vừa qua cần phải chỉnh đốn lại. Lịch sử Việt Nam phải được chỉnh sửa lại cho đúng với thực tế lịch sử của dân tộc, của đất nước, không nhân nhượng với những sai trái do ông Trần Văn Sen gây ra.

Trên đây là một số tư liệu tôi cung cấp để làm rõ nguồn gốc lịch sử họ Trần Việt Nam. Có hai quyển sách in kỷ yếu Hội thảo khoa học về lịch sử huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong đó có nguyên bản thần phả họ Trần tôi đã sao ra như trên, ngoài ra còn nhiều nội dung lịch sử khác, mọi người có thể tìm hiểu thêm. Vì đang còn trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, nên tôi chưa đưa trực tiếp tài liệu cho các anh được./.

                                                       Đào Trần Quang Cát

 



[1] Hùng Huy Vương là Vua Hùng thứ Sáu. Theo truyền thuyết đã đi tuần thú ven biển, đến vùng Bình Chương (Vụ Bản) ngày nay, thấy hổ trong núi chạy ra, nên đặt là núi Hổ (thuộc xã Liên Minh).

[2] Nay là thôn Hạnh Lâm thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1276937
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ