VIỆN SỬ HỌC: ĐƯA NHÂN VẬT HƯ CẤU VÀO CHÍNH SỬ | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
VIỆN SỬ HỌC:  ĐƯA NHÂN VẬT HƯ CẤU VÀO CHÍNH SỬ
VIỆN SỬ HỌC: ĐƯA NHÂN VẬT HƯ CẤU VÀO CHÍNH SỬ
Về bản kiến nghị của con cháu họ Trần đề nghị cho thu hồi tập 3 LSVN phổ thông để chỉnh sửa lại cho đúng trước khi phát hành rộng rãi, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, là cơ quan chủ quản của Viện Sử học và được ông cho biết, ngày 14/6/2018, Viện Hàn lâm đã có văn bản gửi Viện Sử học yêu cầu Viện phối hợp với PGS –TS Nguyễn Minh Tường báo cáo giải trình theo các nội dung trong đơn kiến nghị. Dư luận cho rằng, báo cáo giải trình của Viện Sử học chưa thuyết phục, còn tìm cách né tránh trách nhiệm, nếu cứ theo lối tư duy phản khoa học, phi lịch sử như thế này chắc chắn sẽ còn nhiều tác phẩm lịch sử ra đời kém chất lượng là điều dễ hiểu.

     Viện Sử học Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt nam) vừa cho phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam (LSVN) phổ thông năm 2018 gồm 9 tập do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật in ấn, trong đó tập 3 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần viết về nhà Trần (1225 -1400) đã đưa nhiều thông tin sai lệch không chính xác, thậm chí đưa một nhân vật hư cấu vào chính sử quốc gia.

    Đây là điều rất hiếm gặp từ trước đến nay, bởi vì các cơ quan như Viện Lịch sử (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó trách nhiệm nghiên cứu, biên soạn, in ấn ra các tác phẩm lịch sử chính thống có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam. Thế nhưng, sau khi tác phẩm vừa mới phát hành đã vấp phải sự chỉ trích và phản ứng mạnh mẽ, gay gắt của dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần. Điều đáng lưu ý ở đây là, trong tập 3 bộ sử lần đầu tiên xuất hiện một “nhân vật lịch sử” gây nhiều tranh cãi của các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, kể cả nhà văn, nhà báo trong các cuộc hội thảo và trên diễn đàn. Đó là nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương). Theo tác giả viết, Trần Hoằng Nghị là em trai cụ Trần Lý, là thân phụ của danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ (?), trong khi đó, các tài liệu chính sử như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, An Nam chí lược…đều nói rõ Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ và ở với bác ruột là Trần Lý;  Gia phả Trần Ích Tắc, sách Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như các tư liệu lịch sử thời kỳ nhà Trần chưa hề nói cụ Trần Lý có em trai và cũng chưa hề nhắc đến nhân vật lịch sử nào có tên Trần Hoằng Nghị được phong vương. Nhiều nhà sử học và con cháu hậu duệ họ Trần cho rằng, đây là một nhân vật huyền bí, không có tên tuổi và công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần. Việc đưa một nhân vật không rõ tông tích vào quốc sử làm cho tông phả họ Trần bị xuyên tạc, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân và uy tín quốc gia, gây hệ lụy lớn cho thế hệ trẻ vì sự méo mó, biến dạng của lịch sử Việt Nam. Trong thời gian qua đã có rất nhiều cơ quan báo chí vào cuộc đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ thông tin nói trên như báo Điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông, báo Nông Nghiệp, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh… Thiếu tướng- PGS Đào (Trần) Quang Cát, nguyên Phó Tổng cục trưởng về Chính trị Tổng cục II, Bộ Quốc phòng cùng đại diện con cháu hậu duệ họ Trần trong cả nước đã làm đơn kiến nghị gửi lên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan Bộ ngành có liên quan, nêu rõ, tại cuộc hội thảo khoa học do Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức năm 2007 với chủ đề: “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”, GS Vũ Khiêu đã kết luận: Hội thảo còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vấn đề còn nghi vấn cần được tiếp tục nghiên cứu, đi sâu và làm sáng tỏ… Điều đó có nghĩa là, nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Thế nhưng, người tài trợ cho cuộc hội thảo ngay sau đó đã cho xây dựng đền thờ Trần Hoằng Nghị rất quy mô, hoành tráng gắn với tên gọi “khu di tích lịch sử” (nhưng chưa được Nhà nước công nhận) ngay trên vùng đất Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đồng thời gọi đó là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”.

    Đáng trách hơn, người chủ biên cuốn LSVN phổ thông tập 3 vẫn cố tình đưa nhân vật này vào sách sử và còn gán ghép cho thiên chức thân phụ của danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ. Trong bản kiến nghị của con cháu họ Trần đề nghị cho thu hồi tập 3 LSVN phổ thông để chỉnh sửa lại cho đúng trước khi phát hành rộng rãi. Để làm sáng tỏ những vấn đề bạn đọc quan tâm, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, là cơ quan chủ quản của Viện Sử học và được ông cho biết, ngày 14/6/2018, Viện Hàn lâm đã có văn bản gửi Viện Sử học yêu cầu Viện phối hợp với PGS –TS Nguyễn Minh Tường báo cáo giải trình theo các nội dung trong đơn kiến nghị. Ngày 26/6, Giám đốc- Viện trưởng Đinh Quang Hải đã có văn bản báo cáo giải trình gửi Viện Hàn lâm, theo đó, ông nêu những khó khăn trong việc tìm kiếm lai lịch của một danh nhân lịch sử triều Trần (tức Trần Thủ Độ - PV) sống cách đây 800 năm là một điều không hề đơn giản, đòi hỏi các nhà khoa học phải đặt ra rất nhiều giả thuyết khác nhau. Ông cho rằng, việc đưa ra kết luận thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị chỉ là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng. Ơ hay! một nhân vật chưa rõ gốc tích, còn đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, chưa được các nhà sử học chân chính của Việt Nam công nhận mà đã đưa vào chính sử để truyền bá trong nhân dân và giáo dục trong các nhà trường rõ ràng là một việc làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân và uy tín của quốc gia. Ông Hải hầu như không nhận thấy sai sót lúc kiểm duyệt và quyết định cho in tập sách có những lỗi “chết người”, mà còn “đồng lõa” với tác giả khi đưa ra “thông điệp” như một sự thách đố độc giả: “Nếu như ai đó có tư liệu mới, chứng cứ mới đủ sức thuyết phục về người cha của Thái sư Trần Thủ Độ, chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ chỉnh sửa lại khi tái bản tập 3 LSVN phổ thông”.

    Dư luận cho rằng, báo cáo giải trình của Viện sử học chưa thuyết phục, còn tìm cách né tránh trách nhiệm, nếu cứ theo lối tư duy phản khoa học, phi lịch sử như thế này chắc chắn sẽ còn nhiều tác phẩm lịch sử ra đời kém chất lượng là điều dễ hiểu.

                                                                                                  Trần Nguyên Trung

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 160
Tổng truy cập: 1274780
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ