Kiến nghị thu hồi “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông”. | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
Kiến nghị  thu hồi “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông”.
Kiến nghị thu hồi “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông”.
Chúng tôi là những con cháu họ Trần rất quan tâm nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử thời Lý, Trần, xin gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí lời chào kính trọng, đồng thời xin phản ảnh và kiến nghị các vị quan tâm xem xét và giải quyết một vấn đề nghiêm trọng về lịch sử mới đây nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” tập 3 năm 2018 do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn.

 

                                                                        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                                   Độc Lập - Tự do - Hạnh phúc

                                                                               ------------------- 

                                     Hà Nội, ngày  01  tháng  6  năm   2018

 

                        Kiến nghị  thu hồi “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông”.

 

          Kính gửi:    Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng!

                          Chủ tịch nước Trần Đại Quang!

                          Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân!  

                          Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc!

                          Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn!

Đồng kính gửi: Ban Tuyên giáo Trung ương!

Hội đồng lý luận Trung ương!

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch!

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!

Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông !

                                Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam!

                                Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam!

Viện Sử học Việt Nam!

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình!

Viện Lịch sử quân sự Bộ Quốc phòng!

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật!

Các cơ quan truyền thông!

 

          Chúng tôi là những con cháu họ Trần rất quan tâm nghiên cứu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử thời Lý, Trần, xin gửi đến các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí lời chào kính trọng, đồng thời xin phản ảnh và kiến nghị các vị quan tâm xem xét và giải quyết một vấn đề nghiêm trọng về lịch sử như sau:

Mới đây, nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông năm 2018 gồm 9 tập, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam biên soạn. Chúng tôi nghĩ “Lịch sử phổ thông” là lịch sử phổ biến cho toàn dân và là tài liệu cơ bản để giáo dục lâu dài các thế hệ trẻ Việt Nam, vì thế bộ sách này phải trở thành bộ sách lịch sử tiêu biểu và tự hào của dân tộc. Bộ sách phải được nghiên cứu đảm bảo tính chân thực, chính xác cao. Thế nhưng bộ sách này tuy mới xuất bản năm 2018 đã bộc lộ một số sai sót đáng tiếc. Tập 3 với nội dung - từ thế kỷ X đến năm 1593 - do PGS - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường là chủ biên, phần viết về Nhà Trần (1225 – 1400) có những sai trái nghiêm trọng khiến nhiều người, nhất là con cháu họ Trần hết sức bất bình và phê phán mạnh mẽ.

1- Trong phần đầu giới thiệu về Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, trang 194 tác giả viết: Trần Thủ Độ sinh ra ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)không đúng. Thực tế Bến Trấn thuộc hương Tinh Cương xưa, sau là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở đây có thôn Tam Đường là nơi có đền thờ Tổ họ Trần, có lăng mộ của Thái Tổ Trần Thừa, lăng mộ của ba vị vua Trần có nhiều công lao với nước: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và mộ bốn Hoàng Hậu. Bến Trấn nằm cạnh sông Hồng, thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, tương truyền xưa kia, đây là nơi neo đậu thuyền đánh cá của cụ Trần Hấp (thân phụ của cụ Trần Lý và là ông nội của cụ Trần Thừa) sau khi gia đình cụ di chuyển nơi ở từ Tức Mặc (Thiên trường, Nam Định) về định cư ở Tam Đường. Khi nhà Trần lập ngôi vua, các vua Trần thường đi thuyền từ Thăng Long về Bến Trấn sau đó vào đền thờ Tổ ở Tam Đường để cúng tế, báo công với tổ tiên. Tại đây vẫn còn dấu tích của Bến Trấn xưa. Tại sách “Hoằng Nghị Đại vương” do nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2007, 2015, ông Nguyễn Minh Tường đưa ra dẫn chứng câu thơ cổ “Bến Trấn Tinh Cương lưới với chài”. Câu này có nghĩa là Bến Trấn ở hương Tinh Cương là một làng chài. Hương Tinh Cương xưa chính là xã Tiến Đức ngày nay. Người dân ở Tam Đường cho biết, từ trước đến nay, chưa có bất cứ tài liệu nào nói Bến Trấn thuộc xã Thái Phương ngày nay, vì vùng đất này ở cách xa sông Hồng hơn 10 km, chủ yếu là đồng ruộng canh tác, không có sông lớn dành cho thuyền bè đi lại, không có nghĩa nào là thuộc xã Thái Phương như ông Nguyễn Minh Tường viết.

Tiếp đến, trong phần nội dung viết về Trần Thủ Độ, tác giả viết: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên Tổ của nhà Trần là Trần Lý...” Ở đây, xuất hiện một nhân vật lịch sử mới là “Trần Hoằng Nghị”, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần. Nhân vật huyền bí này không có tên tuổi và công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần, nay bỗng được tác giả “phong” vương ngang hàng với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thế kỷ thứ XIII. Điều đáng nói là, tác giả cùng với một số người lại tìm cách lý giải, biện minh cho nhân vật này bằng cách gán ghép Trần Hoằng Nghị là em trai cụ Trần Lý, là thân sinh ra Trần Thủ Độ, để rồi quy cho đây là tổ tiên họ Trần.

Các sách sử Việt Nam chưa bao giờ nói Trần Lý có em trai, cũng chưa bao giờ nói đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị được phong vương. Tông phả nhà Trần do Trần Ích Tắc, con vua Trần Thái Tông viết được phát hiện vào những năm qua cũng ghi rõ Trần Lý không có em trai.

2- Năm 2007, hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”, ông Nguyễn Minh Tường đọc bài “Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương...” viết: “... hai làng bên cạnh là Xuân La và Trác Dương đều thờ cụ làm thần thành hoàng (trang 32). Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho Ngài” (trang 34). Thế nhưng, sách Địa chí Thái Bình, tập 2 lại công bố bài thn tích “Sự tích Đức Ông Trang Nghị đại vương” nói rõ Trang Nghị đại vương là một trong 4 vị thiên thần có từ thời nhà Đường (Trung Quốc) cai trị nước ta do tướng Cao Biền đem quân sang trấn áp phong trào nổi dậy của nhân dân ta đặt ra (năm 622) ...

Ông còn bác bỏ cả những điều đã có trong Đại Việt sử ký toàn thư, bác bỏ cả văn bia, hoành phi câu đối, sắc phong của đền thờ An Hạ đại vương, biến An Hạ đại vương là người họ Lý thành người họ Trần, rồi ghép làm con của Trần Hoằng Nghị và còn nhiều điều mơ hồ khác.

Ông nói Trần Hoằng Nghị là người đầu tiên tổ chức dân chúng khai canh lập ấp, lập nên làng Ứng Mão (Làng Phương La) vào cuối đời Lý, là người tổ chức đội dân binh của làng Ứng Mão lấy tên là đội quân Tinh Cương đi đánh giặc Quách Bốc ở Thăng Long triều vua Lý Cao Tông cuối thế kỷ XII. Thế nhưng qua các tư liệu khảo sát tại chính làng Phương La của một số nhà sử học, chúng tôi lại phát hiện làng Ứng Mão được thành lập năm 1675 triều vua Lê Hy Tông cuối thời Lê thuộc thế kỷ XVII cách nhau hơn năm thế kỷ và đã kết luận khẳng định chính xác rằng “Không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam”.

Tổng kết cuộc hội thảo do cụ Vũ Khiêu trình bày nói rõ: “Hội thảo còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vấn đề còn nghi vấn, cần được tập thể nghiên cứu, đi sâu và làm sáng tỏ”. Tổng kết viết: “Việc nghiên cứu không dừng lại ở đây mà còn phải tiếp tục thêm trên một địa bàn rộng lớn hơn. Ngoài việc tìm hiểu ở quê hương, còn phải tìm hiểu trong toàn quốc. Ngoài việc tìm tòi trong nước, còn phải tìm tòi ở nước ngoài”. . . (Sách Hoằng Nghị đại vương, nhà xuất bản thế giới, năm 2007, trang 365 - 374).

 Điều đó có nghĩa là, nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Thế nhưng, người tài trợ cho cuộc hội thảo khoa học này, ngay sau đó đã cho xây dựng đền thờ Trần Hoằng Nghị rất quy mô, hoành tráng, gắn với tên gọi khu di tích lịch sử (nhưng chưa được công nhận) ngay trên vùng đất Phương La thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đồng thời gọi đó là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Đáng trách hơn, người chủ biên sách Lịch sử Việt Nam phổ thông tập 3, Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường vẫn cố tình đưa nhân vật này vào sách sử và còn gán cho thiên chức là thân phụ của danh nhân lịch sử - Thái sư Trần Thủ Độ (?).

Sau hội thảo, nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản bác, không công nhận có nhân vật Trần Hoằng Nghị. Nhiều tồn nghi chưa được làm sáng tỏ. Nay với cương vị là “chủ biên”, ông viết những điều ông tự nghĩ ra thành lịch sử. Nếu chấp nhận “Lịch sử Việt Nam phổ thông” có Trần Hoằng Nghị thì sẽ phải thay đổi nhiều điều trong lịch sử đã có và cả nhiều di tích lịch sử đang tồn tại. Tông phả họ Trần bị xuyên tạc, nội bộ họ Trần sẽ mất ổn định. Lịch sử không chính xác sẽ ảnh hưởng lớn đến lòng tin của nhân dân và uy tín của  quốc gia. Điều nguy hiểm hơn, tập sử này nếu lưu hành rộng rãi, đưa vào các nhà trường sẽ gây hệ lụy rất lớn cho học sinh, sinh viên vì sự méo mó, biến dạng của lịch sử Việt Nam.  

3- Sự việc có thể tớm tắt như sau: Tên Trần Hoằng Nghị là một cái tên không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ. Cụ Dương Quảng Châu trước kia, ông Nguyễn Minh Tường hiện nay chỉ dựa vào một bức bài vị mới làm, mới đặt ở ngôi Miếu Gốc Đa ngoài cánh đồng làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào năm 1984 - 1985. Bài vị có câu: “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân” (nghĩa là phụng thờ vị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ). Chiếc bài vị này cũng không rõ nguồn gốc, không rõ xuất xứ, hình thức, nội dung có rất nhiều nghi vấn chưa được lý giải. Một số nhà sử học đổi tên Trần Hoàng Nghị thành Trần Hoằng Nghị, gọi đó là thân sinh của Thái sư Trần Thủ Độ, rồi tạo mọi lý do để biện bạch, bảo vệ ý kiến của mình. Nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và con cháu họ Trần phản bác quyết liệt, không chấp nhận.

Vấn đề đặt ra hiện nay là một nhân vật có tên Trần Hoằng Nghị với nhiều nghi vấn như vậy có đủ điều kiện để ghi vào lịch sử của quốc gia không? Chúng tôi nghĩ là không. Đối với bà con họ Trần, việc biến một kẻ ngoại lai không rõ tông tích thành ông tổ họ Trần là hành động làm nhục họ Trần. Những người cố tạo ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là do một ý đồ nào khác, không phải vì tổ tiên họ Trần hay vì sự chính xác của lịch sử. Sự dối trá sớm muộn sẽ bị vạch trần.

Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông còn những sai sót khác như: Chương 3 Nhà Trần, Thiếu hẳn mục nói về Trần Thái Tông, ông vua anh hùng đầu triều Trần, một ông vua sáng trực tiếp cầm quân đánh thắng quân Nguyên Mông ngay từ cuộc chiến tranh lần thứ nhất, có tác dụng làm đà cho các cuộc chiến về sau.

 Dịch thơ Trần Quang Khải sai lạc nội dung căn bản của thơ: câu thơ “Thái bình tu trí lực” (tu trí có nghĩa là đào tạo nhân tài, tu lực có nghĩa là xây dựng lực lượng mọi mặt).Tu trí lực là một phương châm cô đọng về xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình của nhà Trần, thì lại được dịch là “Thái bình nên gắng sức” theo lời dịch sửa thơ mơ hồ của Trần Trọng Kim. Còn những sai sót nữa, nêu nhiều sẽ dài dòng xin tạm dừng.

Chúng tôi xin báo cáo với lời khẩn cầu các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị xem xét để bảo vệ sự trong sáng của lịch sử nước nhà.

Chúng tôi kiến nghị:

1- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ban Ngành có liên quan tiến hành kiểm tra, thanh tra xác minh đầy đủ các thông tin nêu trên và có đánh giá, kết luận cụ thể, khách quan, trung thực, chính xác. Đối với những trường hợp vi phạm, xuyên tạc lịch sử cần được xử lý nghiêm minh. Trước mắt đề nghị cho thu hồi ngay “Tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông” do ông Nguyễn Minh Tường là chủ biên, chấn chỉnh lại những sai sót, không để sách phát hành khi còn những “hòn sỏi” lớn như hiện nay. Là sách lịch sử của quốc gia mà viết những điều phi lịch sử thì không thể chập nhận được.

2-  Tổ chức thẩm định ở cấp cao của Nhà nước, cho lập đoàn khảo sát độc lập khảo sát lại trong đó có cả những người có hiểu biết sâu về lịch sử ngoài cơ quan Sử học làm thành viên, tổ chức hội thảo lại, thu nhận ý kiến rộng rãi của mọi người có hiểu biết lịch sử, có lòng tự tôn dân tộc trước khi kết luận chính thức. Cho thay chủ biên tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông để đảm bảo tính khách quan. Cho các báo chí tham gia để thêm điều kiện làm sáng tỏ sự việc này.

3- Kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị Nhà nước khẳng định lại: Ở Thái Bình hiện nay chỉ duy nhất có một đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tồn tại tám trăm năm nay để định hướng du khách thập phương và con cháu họ Trần khắp nơi về đây dâng hương, lễ Tổ theo đúng truyền thống dân tộc.

Xin kính chúc các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng luôn mạnh khỏe, sáng suốt, hoàn thành xuất sắc ở tầm cao chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chúng tôi xin sẵn sàng trình bày cụ thể những điều cấp trên cần hỏi đến.

Xin gửi kèm theo một số bản nghiên cứu và phản bác của các nhà sử học, nhà văn, nhà báo và con cháu họ Trần làm phụ bản.

Xin kính chào trân trọng!   

 

Ký tên

Trần Ngọc Bảo

- Nguyên chuyên viên cao cấp vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.

-  70 năm tuổi Đảng.

- Nguyên Phó trưởng ban thứ nhất thường trực, thành viên sáng lập Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam.

- Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội đồng Trần tộc Việt Nam.

- Địa chỉ: Nhà số 5, phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại:   0912  113  979.

 

 

Đào (Trần) Quang Cát

- Thiếu tướng, Phó Giáo sư Khoa học quân sự, Nguyên Phó Tổng cục trưởng về Chính trị - Tổng cục II - BQP.

- Trưởng Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam

- Địa chỉ: Nhà số 6, ngõ 19, phố Liễu Giai, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại:  0903  261  362.

 

 

Trần Văn Hân

- Tiến sĩ, Nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Gia Lâm.

- Họ Trần dòng Thánh Trần Minh Khiết, thôn Đông  Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

 - Địa chỉ: 113, Tổ 3, Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại: 0965  227  346.

 

Trần Quang Thiện

- Quyền Trưởng họ Trần dòng Tiến sĩ Tể tướng Trần Bảo, xã Trấn Xá , huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

- Địa chỉ: Nhà số 237, đường Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại:   0912  770  123.

 

Trần Nguyên Trung

- Đại tá, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hậu Cần, Quân đội nhân dân Việt Nam

- Phó Ban, Ủy viên Thường trực Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.

- Địa chỉ: Nhà số 14, ngõ 378, đường Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại:   0904  131  357.

 

Nơi gửi:

- Danh sách gửi như phần đầu bản kiến nghị.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thông báo.

- Lưu.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1277093
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ