Bức thư ngỏ gửi PGS-TS Nguyễn Minh Tường (chủ biên tập 3 LSVNPT 2018) | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
Bức thư ngỏ gửi PGS-TS Nguyễn Minh Tường  (chủ biên tập 3 LSVNPT 2018)
Bức thư ngỏ gửi PGS-TS Nguyễn Minh Tường (chủ biên tập 3 LSVNPT 2018)
Ngày 09/7/2018, báo điện tử Vnexpress.net đăng bài “Bộ sách sử phải dừng phát hành vì gây tranh cãi về cha Trần Thủ Độ” của tác giả Viết Tuân, trong đó viết PGS-TS Nguyễn Minh Tường, chủ biên tập 3 bộ sách (phần nhà Trần) có thư ngỏ nêu rõ nếu ai có tư liệu mới, chứng cứ đủ thuyết phục về cha Thái sư Trần Thủ Độ thì “sẽ tiếp thu kết quả nghiên cứu mới đó và sẵn sàng từ bỏ nhận định trên”. Khi tái bản bộ sách này, ông sẽ chỉnh sửa. Ông Trần Nguyên Trung, hậu duệ dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam đã viết bức thư ngỏ gửi ông Tường để phản bác lại luận điểm trên.

 Bức thư ngỏ gửi PGS-TS Nguyễn Minh Tường

(chủ biên tập 3 LSVNPT 2018)

 

Trước hết, tôi xin cám ơn ông đã tạo cơ hội để chúng ta có dịp được gặp nhau trên văn đàn. Nếu không có tác phẩm tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông (LSVNPT) do ông làm chủ biên thì làm sao tôi có thể biết được danh tính của một sử gia có tên tuổi như ông? Thú thực, từ nhỏ tới giờ, tôi rất ngưỡng mộ và quý trọng các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, vì họ chính là những người làm rạng danh cho đất nước, dân tộc, tăng thêm niềm tin, niềm tự hào của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Mỗi câu nói, con chữ của họ đều chứa đựng trí tuệ, tình yêu, tâm huyết, đạo đức, trách nhiệm của mình trước công chúng và vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là nền tảng hình thành nên tư tưởng, đạo đức, nhân cách cao đẹp cho thế hệ trẻ Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử.

Ấy vậy mà, sau khi đọc xong bức thư ngỏ của ông gửi lãnh đạo Viện Lịch sử và một số vị độc giả, tôi hầu như bị hẫng hụt, không thể tin vào mắt mình nữa. Tôi có cảm giác đây là một bức thư giải trình của một sinh viên năm cuối khoa sử đang khao khát tìm kiếm, tạo ra một kết quả nào đấy để tự khẳng định mình, mặc dù trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế. Tất nhiên, với một đối tượng như thế, những sai sót về câu từ hoặc có nhầm lẫn đôi chút về lịch sử cũng là điều dễ hiểu, có thể thông cảm được. Tôi được biết, ông là một sử gia có tên tuổi trong giới sử học, được nhiều người ngưỡng mộ, tôn vinh. Ông còn là người giỏi về Hán nôm, lại được học chính quy ngành sử, không giống như mấy cái ông “công an tuột xích” mà đi viết sử. Chắc chắn họ không thể nào sánh được với ông, ít ra là về mặt học thuật.

Xin trở lại bức thư ngỏ, ông viết rằng, gần đây có một vài độc giả tỏ ra nghi ngờ về nhân vật Trần Hoằng Nghị- thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ… là một nhận xét có tính áp đặt, chủ quan, thiếu thực tế. Tôi xin đính chính lại, không phải một vài độc giả mà rất đông độc giả thuộc nhiều tầng lớp xã hội: sử gia, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo… và đông đảo con cháu hậu duệ họ Trần sau khi đọc tập 3 LSVNPT do ông làm chủ biên đều tỏ ra bất bình, phản ứng mạnh mẽ. Sở dĩ họ phê phán quyết liệt bởi cuốn sách do ông làm chủ biên không đáp ứng được kỳ vọng của độc giả cả về tính khoa học và lịch sử. Hơn nữa, tác giả của cuốn sách là một chuyên gia kỳ cựu về lịch sử, được lãnh đạo Viện Sử học giao phó trọng trách giúp Đảng, Nhà nước xây dựng một bộ sách kinh điển để truyền bá trong nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập, nghiên cứu, tự hào về đất nước, dân tộc anh hùng. Trong bức thư ngỏ, tôi thấy ông bộc lộ phương pháp làm việc thiếu chuyên nghiệp bằng cách viện dẫn các tài liệu tham khảo không đáng tin cậy, chủ yếu là những cuốn sách hoặc bài viết mang tính nghiên cứu, hiếu hỷ (chưa được thẩm định của các nhà khoa học), không hề có bất cứ tài liệu chính thống nào về lịch sử dân tộc. Tôi nghĩ  rất có thể sẽ có một số người khen ông vì thấy ông tuổi cao, sức khỏe yếu mà vẫn ham đọc sách, nghiên cứu, viết tác phẩm, tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó quả là một việc làm phi thường, rất hiếm có.

Nhân đây tôi muốn hỏi ông một điều, ông vẫn tự khoe là một người giỏi Hán nôm nhất nhì Viện Sử học, tại sao viết một tác phẩm lịch sử quan trọng như thế mà không trích dẫn được những tài liệu do ông tìm tòi, nghiên cứu trong kho tàng lịch sử phong phú trong nước và nước ngoài mà chỉ dựa vào mấy thứ “hàng chợ”, hàng ăn sẵn rồi vội đưa ra kết luận: Trần Hoằng Nghị là cha đẻ của danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ (?). Đáng trách hơn, ông còn tự ý đưa vào Quốc sử một nhân vật chưa rõ gốc tích, không được các nhà sử học chân chính của Việt Nam công nhận, đây là một việc làm phi đạo đức, vi phạm pháp luật, xúc phạm con cháu họ Trần. Tôi thấy ông quả là người có dũng khí, dám liều, dám chơi theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Theo công bố của ông trong bức thư ngỏ, ông dựa vào các tài liệu nghiên cứu của cụ Dương Quảng Châu và Phạm Hóa, nhưng tôi chắc 100% ông chưa đọc hết hoặc chưa đọc kỹ, vì nếu ông đọc kỹ thì ông sẽ phát hiện rất nhiều chi tiết mâu thuẫn của 2 tác giả viết về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Xin đơn cử: Ở bài Trần Thủ Độ với Thái Bình (1995),  2 tác giả cho rằng Trần Hấp là bố đẻ của Trần Hoằng Nghị “Trần Hấp sinh ra hai người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị…”. Chín năm sau (2004), trong bài “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần” cũng của đồng 2 tác giả lại đưa ra thông tin khác hẳn: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoằng Nghị). Điều đó có nghĩa là Trần Hoằng Nghị là em trai của Trần Hấp (chứ không phải là con đẻ của Trần Hấp). Chưa hết, trong tập tài liệu nằm trong danh mục tham khảo của ông: “Vương triều Trần với kinh đô Thăng Long” nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nêu rõ: Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được ông Trần Lý nuôi dạy và coi như con… như thế có nghĩa là, nếu Trần Hoằng Nghị là bố đẻ của Trần Thủ Độ chết lúc còn rất trẻ, làm sao có thể tập hợp đội quân đi đánh giặc Quách Bốc, sau đó về giúp dân phát triển kinh tế ở vùng đất Phương La? Rõ ràng, việc sử dụng những tài liệu chứa đầy mâu thuẫn và phi lý như thế làm chất liệu để đưa vào chính sử là điều khó có thể chấp nhận. Hơn nữa, hầu hết các bài viết của các tác giả Trần Xuân Sinh, Phạm Minh Đức được ông tham khảo đều dựa vào tài liệu thiếu cơ sở khoa học và lịch sử của cụ Dương Quảng Châu, hoàn toàn không có gì phát hiện mới.

Tôi xin lưu ý với ông rằng, lịch sử là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân, của dòng họ, các sử gia là những người khảo sát, thiết kế, đưa ra các nhận định, đánh giá khách quan, trung thực, chính xác, đúng với bản chất sự vật, hiện tượng, không tô hồng, bóp méo sự thật. Cái sai lầm lớn nhất của ông và một số người chỉ dựa vào các tư liệu điền dã và những thứ đồ ăn sẵn, rẻ tiền rồi tìm cách biến tấu để thành lịch sử, như thế là có tội với dân, với nước. Tôi không hề phản đối một số ý kiến khi cho rằng, việc nghiên cứu lịch sử là một quá trình liên tục, bền bỉ, không bao giờ khép lại, nhưng không thể bịa đặt theo một kịch bản có sẵn mà phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt, có tính khoa học, không được nôn nóng, áp đặt, bắt người khác phải tin theo những điều nhảm nhí, không có thực. Ngay cái nhân vật Trần Hoằng Nghị không hề có trong lịch sử  triều Trần, không được các nhà sử học chân chính của Việt Nam công nhận, thế mà vẫn được ông và cộng sự tạo dựng lên, rồi tô vẽ công lao, thậm chí còn gán ghép cho thiên chức thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ quả là một điều không thể tưởng tượng được. Bất cứ một người có lương tri, trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp, họ đều làm việc vì cộng đồng, không vì mục đích tư lợi cá nhân. Ông là người học cao biết rộng chắc sẽ nhớ câu: sai lầm của một bài báo có thể giết chết một con người, nhưng sai lầm về lịch sử có thể giết chết cả một dân tộc, làm đảo lộn cả một dòng họ lớn (?) Tôi biết ông là người gắn bó lâu năm và có nhiều đóng góp với Viện Sử học, nhưng những việc làm tùy tiện, không trong sáng của ông và cộng sự trong thời gian qua đã gây tổn hại về uy tín của ngành sử Việt Nam, làm mất đi hình ảnh cao đẹp của một sử gia có học hàm, học vị cao trong mắt người dân, đồng nghiệp và con cháu hậu duệ họ Trần. Đó cũng là mất mát lớn nhất của người cầm bút, thưa ông.

Không hiểu sao tôi cứ băn khoăn một điều: đất nước Việt Nam tươi đẹp của chúng ta rồi đây sẽ đi về đâu, nếu trao niềm tin và trọng trách cho những người làm sử như ông? Chúng tôi chỉ mong ông hãy bình tâm suy nghĩ thấu đáo về tác phẩm của mình, chỗ nào thấy sai nên mạnh dạn sửa lại để đáp ứng được kỳ vọng của độc giả cả nước nói chung, con cháu hậu duệ họ Trần nói riêng.

Xin gửi ông lời chào trân trọng.

                                                                                     Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2018.

                                                                                                                           Tác giả bức thư ngỏ

                                                                                                                            Trần Nguyên Trung

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 155
Tổng truy cập: 1265609
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ