THÁI BÌNH - KHÔNG THỂ CÓ HAI ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
THÁI BÌNH - KHÔNG THỂ CÓ HAI ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN
THÁI BÌNH - KHÔNG THỂ CÓ HAI ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN
Cách đây hơn nửa thập kỷ, tại vùng đất địa linh nhân kiệt Thái Bình bỗng xuất hiện một ngôi nhà thờ được xây dựng quy mô, hoành tráng với những pho tượng đồng dát vàng có trọng lượng từ 500kg đến hơn 5000kg đặt tại làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sau khi ngôi nhà thờ này được khánh thành (năm 2011), bỗng dưng biến thành Đền thờ Tổ họ Trần, vì thế đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và gây hoang mang, ngờ vực cho con cháu họ Trần. Ở Thái Bình hiện nay chỉ duy nhất có một đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tồn tại ngót 800 năm nay để du khách thập phương và con cháu họ Trần khắp nơi về đây dâng hương tri ân, tế tổ.

 

Thái Bình:

KHÔNG THỂ CÓ HAI ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN

Cách đây hơn nửa thập kỷ, tại vùng đất địa linh nhân kiệt Thái Bình bỗng xuất hiện một ngôi nhà thờ được xây dựng quy mô, hoành tráng với những pho tượng đồng dát vàng có trọng lượng từ 500kg đến hơn 5000kg đặt tại làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có đủ câu đối, đại tự, bài vị. Chuyện xây dựng nhà thờ sẽ chẳng có gì đáng bàn luận nếu nhà thờ đó để thờ cúng tổ tiên của gia đình hoặc chi, cành trong dòng họ, vì đây là quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân, được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng, sau khi ngôi nhà thờ này được khánh thành (năm 2011), bỗng dưng biến thành Đền thờ Tổ họ Trần, vì thế đã thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và gây hoang mang, ngờ vực cho con cháu họ Trần.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ nhân của ngôi đền thờ này là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen, là một đại gia có tiếng của tỉnh Thái Bình, là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, có mối quan hệ xã hội rất rộng. Nhân vật chính được tôn thờ tại đây là Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương). Đáng chú ý, pho tượng của Trần Hoằng Nghị được đúc bằng đồng dát vàng có trọng lượng hơn 5000kg, ngồi chễm chệ ở trung tâm điện thờ, xung quanh là các pho tượng nhỏ có trọng lượng chỉ bằng 1/10 pho tượng lớn, đề tên các vị vua Trần và các danh nhân nhà Trần có nhiều công lao với nước. Chỉ xem cách bài trí điện thờ đủ thấy sự phản cảm khó có thể chấp nhận được. Không hiểu trước khi xây dựng công trình, chủ nhân nhà thờ này có xin phép các cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước hay không, hay là cứ “tự tung tự tác” theo ý riêng của mình? Điều khiến dư luận quan tâm, tranh luận nhiều nhất, đó là “lý lịch” của nhân vật “lịch sử” Trần Hoằng Nghị. Được biết, nhân vật “lịch sử” này là do ông Dương Quảng Châu trước kia, nay là ông Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học Việt Nam) “phát hiện” gây nhiều tranh cãi nhất. Thông thường, khi nghiên cứu lịch sử phải dựa trên cơ sở những chứng lý có thật, chính xác, khoa học để phân tích, tổng hợp tìm ra sự vật đúng thực chất rồi mới kết luận. Thế nhưng ở đây thì ngược lại, họ chỉ dựa vào một số tài liệu điền dã và một bức bài vị mới làm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nội dung “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân” (nghĩa là phụng thờ vị đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ- sau này được đổi tên lót là Trần Hoằng Nghị). Bài vị này được đặt ở ngôi miếu Gốc đa ngoài cánh đồng làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ đó, họ đã vội đưa ra kết luận: Trần Hoằng Nghị là em trai của cụ Trần Lý và là thân phụ của danh nhân lịch sử triều Trần- Thái sư Trần Thủ Độ, rồi suy luận đây là tổ tiên họ Trần (??). Nhân vật này thậm chí còn được phong “vương” ngang hàng với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn thế kỷ thứ XIII. Tại cuộc Hội thảo khoa học với chủ đề: “Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo khu di tích lịch sử -văn hóa Phương La” do Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức năm 2007, PGS-Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường đã trình bày bài tham luận: “Thân thế, sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương- thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”, đưa ra những thông tin rất mơ hồ, thiếu tính khoa học và lịch sử, không có sức thuyết phục, bị nhiều người chỉ trích, phê phán, vì họ cho rằng, nhân vật này không có thực mà chỉ là sự tạo dựng theo sự điều khiển, thuê mướn của người khác. Trong bài tham luận này, ông viết: hai làng bên cạnh là Xuân La và Trác Dương đều thờ cụ (Trần Hoằng Nghị-TG) làm thần Thành hoàng. Trong sắc phong của hai thôn, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương. Trớ trêu thay, sách Địa chí Thái Bình (tập 2) có kể về câu chuyện thần tích “Sự tích Đức ông Trang Nghị đại vương” nêu rõ: Trang Nghị đại vương là một trong bốn vị thiên thần có từ đời nhà Đường (Trung Quốc) cai trị nước ta do tướng Cao Biền đem quân sang trấn áp phong trào nổi dậy của nhân dân ta đặt ra (khoảng năm 622). Trong khi đó, các sách sử Việt Nam từ trước đến nay, kể cả các tài liệu lịch sử còn đang lưu giữ tại mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình liên quan đến triều Trần chưa hề nói cụ Trần Lý có em trai là Trần Hoằng Nghị và cũng chưa bao giờ nhắc đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị được phong vương (!). Rất nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo đã lên tiếng phản bác lại quan điểm phi lịch sử này. Năm 2010, nhà sử học Đặng Hùng, quê Thái Bình, Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách Long Hưng- Đất phát nghiệp Vương triều Trần với một loạt bài viết phân tích sâu sắc về vùng đất Phương La; thân thế sự nghiệp Thái sư Trần Thủ Độ và “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị… thông qua các tư liệu lịch sử còn lưu giữ, kết hợp khảo sát thực tiễn để gián tiếp phủ nhận quan điểm và cách suy luận vô căn cứ, thiếu tính lịch sử và đầy mâu thuẫn của ông Dương Quảng Châu và Nguyễn Minh Tường; nhà văn Trần Hữu Thức khẳng định Trần Hoằng Nghị là một nhân vật hư cấu; Thiếu tướng- PGS Đào Quang Cát, nguyên Phó Tổng cục trưởng về chính trị Tổng cục II, Bộ Quốc phòng tỏ ra rất bức xúc, vừa gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành có liên quan đề nghị tiến hành kiểm tra, thẩm định cấp Nhà nước để làm sáng tỏ sự việc nói trên, đồng thời cho thu hồi tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật năm 2018 do PGS- Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường làm chủ biên vì sử dụng các tư liệu chưa được kiểm chứng đưa vào chính sử. Ngay trong phần kết luận Hội thảo khoa học, GS Vũ Khiêu đã kết luận rõ ràng rằng: còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vấn đề nghi vấn cần được tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ… Điều đó cho thấy, nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Thế nhưng, kết thúc hội thảo, UBND tỉnh Thái Bình và Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã cho xuất bản cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La” và “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Tiếp đó, người tài trợ cho cuộc hội thảo khoa học này ngay sau đó đã cho xây dựng đền thờ Trần Hoằng Nghị rất quy mô, hoành tráng, gắn với tên gọi khu di tích lịch sử (nhưng chưa được Nhà nước công nhận) ngay trên vùng đất Phương La thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đồng thời gọi đó là đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam (?). Ông Nguyễn Minh Tường cố tình đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào chính sử của dân tộc và còn gán ghép thêm thiên chức thân phụ của danh nhân lịch sử - Thái sư Trần Thủ Độ. Qua đây cho thấy, công tác quản lý của các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa chặt chẽ. Nếu cuốn sử này được lưu hành rộng rãi, đưa vào các nhà trường sẽ gây hệ lụy rất lớn cho học sinh, sinh viên vì sự biến dạng, méo mó của lịch sử Việt Nam.

Từ phân tích trên, có thể khẳng định chắc chắn rằng: Ở Thái Bình hiện nay chỉ duy nhất có một đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tồn tại ngót 800 năm nay để du khách thập phương và con cháu họ Trần khắp nơi về đây dâng hương tri ân, tế tổ. Còn nhà thờ mới xây dựng (năm 2011) ở làng Phương La, xã Thái Phương dứt khoát không thể gọi là đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam, vì tại đây thờ một nhân vật huyền bí, không có tên tuổi, công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần giai đoạn từ 1225-1400 và chưa được các nhà sử học chân chính của Việt Nam công nhận. Dư luận cho rằng, ẩn ý của chủ nhân ngôi đền thờ này không phải vì cái tâm trong sáng và lòng biết ơn đối với các vị vua Trần có nhiều công lao với nước, với dân, cái chính là, nếu không đặt thêm các bức tượng vua và các danh nhân nhà Trần tại đây, mà chỉ thờ duy nhất một nhân vật hư cấu như Trần Hoằng Nghị làm sao có thể thu hút được khách thập phương và con cháu họ Trần về đây lễ Tổ, công đức? Đề nghị Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, một mặt giao cho Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình tiến hành thu hồi và di chuyển ngay các pho tượng tên các vị vua và danh nhân nhà Trần đặt phản cảm tại đây để tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, chỉ đạo cho các Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường công tác quản lý, giám sát các công trình tâm linh, không để xẩy ra hậu quả đáng tiếc. Vì vừa qua, có một số nơi đã lấy nguyên mẫu đền thờ Trần Hoằng Nghị rồi xin chính quyền địa phương cấp đất xây dựng thành khu tâm linh để thu hút du khách và con cháu họ Trần đến tham quan, làm lễ, dâng hương, công đức. Đây là một việc làm tùy tiện, xuyên tạc lịch sử mang mục đích thương mại không trong sáng. Được biết, hiện nay, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà tĩnh đã xây dựng xong công trình và đã mở cửa đón khách; tỉnh Trà Vinh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Trước đó, tại lễ khởi công, ông Trần Văn Sen, Tổng GĐ Tập đoàn Hương Sen đã về dự, cổ súy và tặng 50 chỉ vàng để mạ bức tượng đồng Trần Hoằng Nghị. Cứ theo cái đà này, chỉ mấy năm sau, cái gọi là “đền thờ Tổ họ Trần” mạo danh sẽ phủ kín toàn quốc, trong khi đền thờ Tổ họ Trần thật ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình sẽ dần trong quên lãng. Âu đó cũng là cái giá đắt phải trả bởi sự thờ ơ, vô trách nhiệm của những người có trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc.

Xin nói thêm, đối với tác giả các tập sách: “Thân thế và sự nghiệp của Hoằng Nghị đại vương”; “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”; “Việt Nam Trần triều điện”…, kể cả những bài tham luận liên quan đến nhân vật bí ẩn Trần Hoằng Nghị, phía sau của nó là gì thì ai cũng hiểu. Chính vì thế, một anh bạn đồng nghiệp của tôi chuyên viết về mảng văn hóa xã hội của một tờ báo có uy tín đã phải thốt lên: “Thời đại bây giờ đồng tiền dễ dàng tráo đổi lương tâm, có thể làm biến dạng, méo mó cả lịch sử, thật là kinh khủng”.

                                                                                       Trần Nguyên Trung

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 155
Tổng truy cập: 1277702
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ