TÌM HIỂU SỰ THẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
TÌM HIỂU SỰ THẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ
Sự xuất hiện nhân vật Trần Hoằng Nghị những năm gần đây là một hiện tượng mới lạ có nhiều uẩn khúc. Nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo đã lên tiếng phản bác. Tôi nghĩ rằng tiêu chuẩn cơ bản của một tác phẩm khoa học là trung thực, chính xác, nếu không sẽ là khoa học giả. Tác phẩm lịch sử càng phải chính xác, đúng thực tế, nếu không sẽ là hoang sử. Bởỉ vậy, khi kết luận một sự kiện lịch sử phải rất thận trọng. Là một nhà khoa học, tôi viết bài này chỉ với một mục đích tham gia tìm hiểu, làm rõ những điều thật giả đúng sai về nhân vật Trần Hoằng Nghị.

 

TÌM HIỂU SỰ THẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ

                                                  Thiếu tướng, Phó Giáo sư Đào Quang Cát


Sự xuất hiện nhân vật Trần Hoằng Nghị những năm gần đây là một hiện tượng mới lạ có nhiều uẩn khúc. Nhiều nhà sử học, nhà văn, nhà báo đã lên tiếng phản bác. Là một nhà khoa học, tôi viết bài này chỉ với một mục đích tham gia tìm hiểu, làm rõ những điều thật giả đúng sai về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Trong phân tích có thể có những điểm không vừa ý một số vị nào đó, mong với tinh thần thẳng thắn, khách quan khoa học xin thông cảm, lượng thứ.

          Tôi nghĩ rằng tiêu chuẩn cơ bản của một tác phẩm khoa học là trung thực, chính xác, nếu không sẽ là khoa học giả. Tác phẩm lịch sử càng phải chính xác, đúng thực tế, nếu không sẽ là hoang sử. Bởỉ vậy, khi kết luận một sự kiện lịch sử phải rất thận trọng.

Đọc kỹ các sách “Hoằng Nghị đại vương - Đức Hoằng Nghị đại vương” do nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2007 và năm 2015; “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” do Ban Thường trực họ Trần Việt Nam xuất bản năm 2013, 2015; “Việt Nam Trần triều điện” nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc phát hành năm 2016; “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành năm 2011, có thể thấy vấn đề phương pháp nghiên cứu chưa phù hợp.  

Nghiên cứu vấn đề lịch sử phải từ những biểu hiện, chứng lý có thật, chính xác để phân tích, tổng hợp tìm ra sự vật đúng thực chất rồi mới kết luận. Nhưng ở đây thì ngược lại, “Trần Hoằng Nghị là thân sinh ra Trần Thủ Độ” được kết luận trước, rồi đi tìm chứng lý để chứng minh sau, vì thế phải dùng đến những biện luận gượng ép, biến tấu, thậm chí tự tạo để bảo vệ kết luận đã có. Bản thân cụ Dương Quảng Châu là người đầu tiên nêu lên “Trần Hoàng Nghị là cha đẻ của Trần Thủ Độ” cũng đã đặt cái cày trước con trâu. Khi được tiếp xúc bài vị có khắc chữ “Phụng Hoàng Nghị đại vương thượng đẳng phúc thần đồng tứ vị phu nhân” đặt ở ngôi miếu thờ ngoài đồng thôn Phương La và lời giới thiệu của một số vị thuộc họ Trần sở tại, cụ đã vội khẳng định “Trần Hoàng Nghị là thân sinh ra Trần Thủ Độ”, rồi đi tìm tư liệu để chứng minh, vì thế tư liệu của cụ có nhiều sai lạc rất nặng nề.

 

Ngày 26 tháng 5 năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 814 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ tại tỉnh Thái Bình, Viện Sử học Việt Nam và Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình phối hợp tổ chức hội thảo: “Trần Thủ Độ, con người thời Trần”. Tại hội thảo, lần đầu tiên cụ Dương Quảng Châu công bố thân sinh của Trần Thủ Độ là “Trần Hoằng Nghị đại vương.” Qua những lời diễn giải của cụ, một số tác giả tán thành ý kiến của cụ.

Nhưng sau đó, nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng tổ chức một đoàn đi khảo sát trực tiếp lại tại một số địa phương, thì phát hiện những dẫn chứng cụ Dương Quản Châu nêu lên tại hội thảo không đúng với thực tế. Ví như cụ viết: "Trong một trận chiến đấu, Trần Hoằng Nghị và một số chỉ huy đã chết trận cùng với một số chiến sĩ được nhân dân Hạ Liệt nay thuộc xã Thái Hà, huyện Thái Thụy lập đền thờ ở cánh đồng (Hạ Liệt) coi như thờ bách linh trận vong chiến sĩ, ngôi duệ hiệu cao nhất là "Trần Triều Hoằng Nghị Đại Vương. Thượng đẳng Phúc thần". Các cố lão ở Hạ Liệt cũng cho biết văn tế đầu tiên đọc là: Nguyên tổ Hoằng Nghị Đại Vương trước, rồi mới đến bách linh, chư vị thần quân, thần tướng, trận vong chiến sĩ vong linh”.

Đoàn khảo sát đến tìm hiểu tại xã Thái Hà, huyện Thái Thụy, thì xã Thái Hà không có thôn Hạ Liệt. Ở đây chỉ có làng Thuyền Quan, thời nhà Lê gọi là làng Cù Khê. Vào đầu thế kỷ XVI, Hoàng giáp Thượng thư Quách Hữu Nghiêm đi thuyền qua khu vực này bị sóng đánh đắm (tại ngã ba Cun). Ông và quân lính đi theo đều tử nạn. Nhân dân ở đây đã xây dựng trên cánh đồng làng Cù Khê (Thái Hà) một ngôi đền thờ thượng thư Quách Hữu Nghiêm và số quân lính cùng đi, gọi là đền Bách Linh. Thần chủ được thờ ở đền là thượng thư Quách Hữu Nghiêm chứ không phải là Trần Hoằng Nghị đại vương.

 Để ghi nhớ sự kiện này, dân làng đã đổi tên làng Cù Khê thành làng Thuyền Quan, (thuộc tổng Trực Hoài, huyện Thanh Quan, phủ Tiên Hưng trước đây).

Sau khi cụ Dương Quảng Châu qua đời, một số nhà sử học tiếp nối công trình của cụ. Tháng 4 năm 2006, một đoàn công tác của Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã về khảo sát một số di tích lịch sử văn hóa tại làng Phương La (tức làng Ứng Mão, làng Mẹo), đã thu được một số tư liệu thực tế. Nhưng việc nghiên cứu về Trần Hoằng Nghị tiếp tục theo định hướng và phương pháp của cụ Dương Quảng Châu đã làm. Mọi sự khảo sát, tìm hiểu chỉ tập trung một chiều phục vụ cho việc tìm biện lý bảo vệ chủ kiến định sẵn mà không có tính phản biện khách quan. Mọi lý giải, phân tích chỉ dựa theo lời thuyết minh của Trưởng chi họ Trần là Trần Văn Sen và một số người trong chi họ ông Trần Văn Sen.

Ngày 09 tháng 01 năm 2007, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn tôn tạo khu di tích lịch sử  - văn hóa Phương La”.  Tổng kết hội thảo chưa khẳng định có Trần Hoằng Nghị. Tuy vậy, ngay sau hội thảo, sách “Hoằng Nghị đại vương” được phát hành tuyên truyền rộng rãi. Từ năm 2002, ông Trần Văn Sen đã tổ chức xây ngôi đền th Trần Hoằng Nghị đồ sộ, lúc đầu gọi là “đền Nhà Ông”, rồi gọi là “đền thờ Trần Hoằng Nghị đại vương”, rồi sau đó lại gọi là “đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” khánh thành vào ngày 08 tháng Giêng năm Tân Mão (2011).

Sách "Hoằng Nghị đại vương" trong bài "Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương..." trang 23, 24, mục "Về Quê hương và gia đình của Trần Hoằng Nghị", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học viết: quê hương của Trần Hoằng Nghị cũng tức quê gốc của Trần Thủ Độ là khu Bến Trấn - nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trần Hoằng Nghị có bốn bà vợ, sinh được 3 người con là Trần An Quốc, Trần An Hải, Trần An Bang tức Trần Thủ Độ. Tại thôn Ứng Mão (tức làng Mẹo) xưa, nay là Phương La còn lại một ngôi miếu nhỏ, tọa lạc bên gốc đa cổ thụ, nên người dân địa phương quen gọi là Miếu Gốc Đa. Miếu thờ cụ Trần Hoằng Nghị, trước đây khoảng 40 năm còn khá to lớn nên gọi là Đền Nhà Ông. Trang 30, 31 viết tiếp: Khu Bến Trấn tức vùng đất Phương La - Xuân La - Trác Dương, xã Thái Phương ngày nay. Cụ Trần Hoằng Nghị là người đầu tiên tổ chức dân chúng khai canh lập ấp, lập nên khu Bến Trấn trù mật... để tránh sự xâm canh của cư dân làng khác, cụ đem cối đá lỗ làm mốc giới. Cụ Trần Hoằng Nghị đã từng được tôn làm Phúc thần của làng Ứng Mão - Phương La. Trần Hoằng Nghị được tôn vinh làm "Thần làng - Tổ họ"... Cụ cũng chính là một trong số những người đầu tiên về nơi đây khai canh lập ấp vào những thập niên cuối thế kỷ thứ XII (?). Nhưng điều đặc biệt là cụ được thờ tại Đền Nhà Ông chứ không phải tại đình làng như thường thấy ở các nơi khác. Trang 34 lại ghi: "Trong sắc phong của thôn Xuân La, (in thiếu Trác Dương), tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị Đại Vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho ngài".

Sách “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” và sách “Việt Nam Trần triều điện” viết: Cụ đã thành lập đội quân dân binh hùng mạnh lấy tên là quân Tinh Cương liên kết khu Bến Trấn với khu Hải Ấp của anh ruột là Trần Lý. Mô hình đội quân Tinh Cương được nhân rộng trong cả nước và đây cũng là đội quân nòng cốt đóng góp to lớn vào việc ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Cụ Trần Hoằng Nghị và cụ Trần Lý vào làm quan trong triều Lý. cụ Trần Hoằng Nghị đã anh dũng hy sinh trong trận đánh cuối cùng với giặc Quách Bốc. Vua Lý Huệ Tông đã phong cụ là Đức Trần Hoằng Nghị Đại vương - Thượng đẳng phúc thần và xây miếu thờ tại thôn Ứng Mão. Nhân dân đã tôn cụ là thần Thành Hoàng làng của ba thôn Ứng Mão (nay là thôn Phương La), Xuân La, Trác Dương. Hiện nay cả ba đình đều thờ ngài là Thành Hoàng làng - nhân thần.

Trên đây là những nội dung cần được phân tích làm rõ.

 

Viết bài này, tôi dựa vào các kết quả khảo sát có thật của các nhà sử học, kết quả khảo sát thực tế của nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình, địa hình thực tế và các tài liệu lịch sử trong nước, nước ngoài đã có để có cơ sở phân tích được khách quan.

 

Trước hết, cố gắng làm rõ hai vấn đề then chốt trong nghiên cứu về Trần Hoằng Nghị là “Miếu Gốc Đa” và việc lập làng Ứng Mão, tên nôm là làng Mẹo.

- Về ngôi “Miếu Gốc Đa”.

         Theo sách "Hoằng Nghị đại vương” trang 82, 83 viết "Trong cuộc điều tra điền dã tháng 4 năm 2006 của các nhà sử học thì làng Phương La  hiện có 12 dòng họ từ nhiều nơi về đây lập nghiệp. Lúc đầu có 6 dòng họ là Trần, Lê, Đinh, Đỗ, Đào, Đoàn. Họ Lê vốn gốc làng Đa Quả, phủ Hà Trung - Thanh Hóa tính đến nay được 14 đời, họ Đinh 12 đời, họ Đỗ 10 đời, họ Đào 10 đời, họ Đoàn gốc Hưng Yên 10 đời.

          Họ Trần là họ đông nhất đến nay có 12 chi họ cũng không cùng một gốc. Chi ông Trần Văn Dong (Phương La 3) về đây được khoảng 10 đời, chi ông Trần Hữu Vĩnh khoảng 6 – 7 đời ...

Có những người mang họ Trần nhưng xuất xứ ban đầu không phải họ Trần. Thực tế như dòng họ Trần Hữu ở Hồng An vốn gốc người Chiêm Thành[1].

Năm 1995, Ông Trần Văn Sen tổ chức hội nghị đại biểu các chi họ Trần. Hội nghị bàn luận đi đến kết luận có cùng một gốc (cùng là họ Trần? trang 154) và hợp nhất thành một họ, ông Trần Văn Sen là Tộc trưởng. 

- Năm 1984 - 1985, trước khi hợp nhất các chi họ 10 năm, ông Trần Văn Sen xây dựng lại ngôi từ đường chi họ do gia đình ông phụng thờ. Từ đường gồm một ngôi nhà Tổ và một căn nhà lưu niệm. Hầu hết các di vật ở nhà lưu niệm đều mới được khôi phục (đều làm mới!), kể cả những đôi câu đối, bức đại tự và các bài vị. Từ đường là một gian nhà cổ kính vốn là chuôi vồ của đền thờ tổ đượcchuyển về[2].

Bài vị nhà tổ ghi: “Trần Hoàng Nghị đại vương thượng đẳng phúc thần linh vị. Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị Tiên Dung hoa nương hiệu Hoàng Đức Mây, Tô Thị hoa nương, Quế Thị hoa nương”. Bài vị ở nhà thờ tổ hoàn toàn giống bài vị ở lăng mộ của cụ Trần Hoằng Nghị. Các vị phu nhân ghi chép trên bài vị thường được dòng tộc truyển khẩu là các vị Tô Thị nàng, Quế Huê nàng, Dong Huê nàng và Hoàng Đức Mây. (Khảo sát của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm).

 - Với các tư liệu trên đây, trước hết có thể tạm xác định rằng người được thờ ở miếu Gốc Đa là ông Tổ chi họ của ông Trần Văn Sen có tên ghi trên bài vị là “Trần Hoàng Nghị”. Bài vị này cũng cần được xem xét vì như nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng nhận xét thì nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy bài vị này chỉ mới xuất hiện trong thời kỳ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có nghĩa là bài vị được làm cùng với câu đối, đại tự, bài vị của nhà lưu niệm năm 1984 - 1985 mà thôi.

- Việc lập làng Ứng Mão.

Theo khảo sát trực tiếp của nhà Sử học địa phương Đặng Hùng tại hai thôn liền kề thôn Phương La là Xuân La và làng Then, hai thôn này có quan hệ trực tiếp với việc lập làng của làng Ứng Mão được biết cụ thể như sau:

            Theo các cụ ở Xuân La thì làng Xuân La có trước, sau đó các dòng họ di cư đến khai khẩn phần đất trũng bên kia sông (nay thuộc làng Phương La). Lúc đầu những người dân ngụ cư này đã hòa nhập với dân Xuân La. Làng Xuân La thời đó có tục chạ làng (tổ chức cúng ở đình, chùa; các suất đinh đều tham gia và sau tế lễ xong thì phá cỗ cùng nhau).

Vì cùng cúng chung ở đình, chùa, miếu… với người dân Xuân La nên vào một năm theo tục lệ của Xuân La thì những người dân ở Phương La (lúc đó chưa thành lập làng) phải tổ chức lễ chạ (ở nơi mà dân làng Phương La lúc đó đang sinh sống) để đãi làng Xuân La. Lễ được tổ chức ở bên phần đất mà những người dân mới đến (Phương La) đang sinh sống. Nhưng không rõ vì lý do gì, dân làng (Phương La lúc đó) đã ăn cỗ trước, rồi mới gõ trống mời khách.

Đúng hẹn, dân đinh Xuân La kéo sang, thấy hết cỗ bảo nhau bỏ về và từ đó không cho những người bên kia sông (tức làng Phương La) sang cúng ở làng mình nữa. Vì lý do đó nên những người dân ngụ cư (làng Phương La) đã quyết định thành lập làng riêng và xây đình, chùa, miếu để thờ riêng. Vì lập làng mới vào năm Ất Mão (triều vua Lê Hy Tông), nên tên chữ của làng là Ứng Mão sau gọi là Hương La, rồi sau này mới đổi tên là Phương La. Sau khi thành lập làng mới khoảng vài năm thì làng Ứng Mão bắt đầu xây chùa và sau đó mới làm đình.

Theo các cụ ở làng Then thì sau khi quyết định lập làng mới, do nhu cầu về đất đai nên xảy ra chuyện làng Ứng Mão tranh chấp địa giới với làng Then. Hai bên đều đưa ra mọi lý lẽ để khẳng định phần đất, ranh giới của làng mình. Sau cùng hai bên đều thống nhất một cách giải quyết với điều kiện đặt ra là: nếu người làng Ứng Mão bê (vác) được một cối đá (loại cối giã gạo ngày xưa) từ trung tâm làng Ứng Mão đi về phía chợ làng Then, cối đá đó bị rơi ở đâu thì ranh giới giữa hai làng được tính từ điểm rơi cối đá. Mặt khác nếu người làng Then thua cuộc thì không được mở chợ và làng Ứng Mão được phép dỡ chợ làng Then về làng mình. Làng Then lúc ấy không có ai bê nổi chiếc cối đá vừa to vừa nặng đó. Nhưng họ không ngờ ở làng Ứng Mão có một người rất khỏe, chính ông ta cùng một số người làng đã bầy ra mẹo này để thắng làng Then. Vì không nắm được ý đồ của đối phương nên hương chức làng Then đồng ý thi tài. Kết quả người “lực sĩ” của làng Ứng Mão đã bê cối đá từ làng mình đi về phía làng Then. Khi người đó bê cối đá tới sát bờ một cái đầm trũng (dân làng Then thường gọi là chuôm) của ông Lý Uẩn (trước đây vẫn là chỗ chăn thả vịt) thì cối đá bị rơi.

Vì thua cuộc nên làng Then mất chợ, mất đất. Không có chuyện Trần Hoằng Nghị gánh hết chợ làng Then về làng mình. Vì dùng mẹo mà thắng nên nhân dân gọi làng Ứng Mão là làng Mẹo. Rất có thể, sau này khi người lực điền có công bê cối đá chết, dân làng lập miếu thờ ông ở ngay căn nhà ông vẫn sinh sống trước đây. Vì thế mới có tên gọi là miếu (đền) Nhà Ông, bên cạnh miếu có cây đa nên còn gọi là miếu Gốc Đa.

Các bậc lão thành ở xã Hồng An, ở Xuân La, Làng Then đều nói không thấy người xưa truyền lại có Bến Trấn ở làng Mẹo, mà chỉ truyền lại ở sát bờ sông thuộc làng Xuân La đối diện với làng Phương La ngày nay có miếu thờ “Hoàng Bà Bến Súc Trấn Quốc Đại vương”, nay vẫn còn nền cũ nằm sát bên sông, xưa thường gọi là Bến Thủy.

          Hai làng Xuân La, làng Then có ảnh hưởng trực tiếp tới việc lập làng Ứng Mão, làng Then lại thua cuộc, mất đất cho làng Ứng Mão, vì thế hai làng là nhân chứng hiểu rõ việc lập làng Ứng Mão. Các bậc lão thành ở các làng trên giúp ta hiểu rõ phần nào lý do và diễn biến quá trình thành lập làng Ứng Mão.

          Thời điểm lập làng Ứng Mão.

          Sau khi lập làng, việc xây chùa rồi xây đình là việc làm cấp thiết của làng Ứng Mão để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của dân làng. Khảo sát chiếc chuông đồng ở chùa Linh Ứng làng Ứng Mão, thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học giới thiệu nguyên văn bài minh khắc trên chuông đồng chùa Linh Ứng gồm cả phần chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa có một số nội dung đáng lưu ý như sau: 

          Mở đầu bài minh viết: “Thôn Ứng Mão, xã Hương La, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, nước Đại Việt”.

Đoạn dưới viết: “Toàn thôn trên dưới, lớn bé hoàn thành đúc mới một quả chuông lớn vào ngày mồng 6 tháng 12 năm Bính Dần” (1686).

Cuối bài viết: “Ngày lành tháng Giêng năm Chính Hòa thứ 9” (tức năm Mậu Thìn 1688, triều vua Lê Hy Tông).

Chữ khắc trên chuông là chữ Hán xen lẫn chữ Nôm. 

Quả chuông đồng chùa Linh Ứng là vật chứng lịch sử rất có giá trị. Bài minh trên chuông nói rõ tên “thôn Ứng Mão” là tên khi mới lập làng Ứng Mão. Ngày khắc xong bài minh là năm Chính Hòa thứ 9 tức năm Mậu Thìn 1688 triều vua Lê Hy Tông, ngày đúc xong quả chuông là năm Bính Dần tức năm 1686. Từ đây ta có thể tìm ra năm Ất Mão lập làng Ứng Mão là năm 1675. Chữ khắc trên chuông là chữ Hán xen lẫn chữ Nôm là chữ thời Lê. (Thời Trần chưa có chữ Nôm) càng chứng tỏ làng Ứng Mão được lập vào thời Lê.

Để có độ tin cậy cao hơn, ta xem sự thật của việc các dòng họ đến lập nghiệp ở làng Ứng Mão. Trong bài “Vài nét về các dòng họ của làng Phương La”, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học cho biết: "Trong cuộc điều tra điền dã tháng 4 năm 2006 của các nhà sử học, thì làng Phương La hiện có 12 dòng họ từ nhiều nơi về đây lập nghiệp. Lúc đầu có 6 dòng họ là Trần, Lê, Đinh, Đỗ, Đào, Đoàn. Họ Lê vốn gốc làng Đa Quả, phủ Hà Trung - Thanh Hóa tính đến nay được 14 đời, họ Đinh 12 đời, họ Đỗ 10 đời, họ Đào 10 đời, họ Đoàn gốc Hưng Yên 10 đời.

  Họ Trần là họ có người về đây sớm nhất hiện có 12 chi họ. Các chi họ về lâu nhất đến nay được từ 10 đến 15 đời (Khảo sát của nhà sử học địa phương Đặng Hùng).

Đây là nhân chứng có tính then chốt, vì có dân mới lập được thành làng. Theo cách tính của dân tộc học, thời phong kiến trung bình mỗi đời cách nhau khoảng 20 năm. Từ sau năm 1945, mỗi đời cách nhau khoảng 25 năm. Như vậy với 15 đời là lâu nhất (kể từ khi chưa lập làng), nếu tính mỗi đời cách nhau 20 năm thì được 300 năm. Nếu tính mỗi đời cách nhau 25 năm thì được 375 năm. Lấy năm 2006 là năm tiến hành khảo sát làm mốc tính thì người về lập nghiệp lâu nhất tại khu vực Ứng Mão là từ năm 1631 đến năm 1706. Theo chu kỳ âm lịch, cứ 60 năm có một năm Ất Mão, ta đối chiếu chỉ có được một năm 1675 là năm Ất Mão.

 Cả hai cách tính đều đạt đến kết quả năm Ất Mão lập làng Ứng Mão là năm 1675.

Kết quả này cũng phù hợp với lời kể của các cụ ở làng Xuân La và làng Then là “Sau khi thành lập làng mới khoảng vài năm thì làng Ứng Mão bắt đầu xây chùa và sau đó mới làm đình”. Việc hoàn thiện quả chuông đồng, công trình cuối cùng của việc xây chùa vào năm 1688, cách năm lập làng Ứng Mão 13 năm đúng là việc làm hết sức khẩn trương.

Vì thế, có thể kết luận chính xác rằng: làng Ứng Mão, tên nôm là làng Mẹo nay là làng Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được thành lập năm 1675, triều vua Lê Hy Tông thời  nhà Lê, tính đến năm 2006 là được 331 năm.

Kết quả khảo sát thực tế ở làng Phương La (Làng Ứng Mão) của các nhà sử học đã giúp ta sáng tỏ điều này. Kết luận trên đây là chính xác tuyệt đối.

Kết luận này giúp ta hiểu thêm một điều rất quan trọng là: “Nếu có một ông Trần Hoằng Nghị nào đó là người khai canh lập ấp, lập ra làng Ứng Mão thì không thể có chuyện ông Trần Hoằng Nghị ấy lại lấy quân dân binh ở làng Ứng Mão đi lên Thăng Long đánh giặc Quách Bốc vào năm 1209, cách ngày lập làng Ứng Mão 466 năm về trước.

Đến đây đã rõ: “Không có nhân vật Trần Hoằng Nghị Đại vương ”.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác cao, cần phải nghiên cứu đối chiếu thêm những điều nói về Trần Hoằng Nghị được nêu trong sách “Trần Hoằng Nghị đại vương”, sách “Nhà thờ tổ họ Trần Việt Nam” và sách “Trần triều điện”.

 

1- Về Bến Trấn.

 Sách Trần Hoằng Nghị đại vương trang 30, đăng bài thơ nôm do cụ Dương Quảng Châu công bố để chứng minh Bến Trấn là đất Phương La (tức làng Ứng Mão trước kia)... với câu mở đầu là “Bến Trấn, Tinh Cương lưới với chài”... Câu này có nghĩa là “Bến Trấn thuộc xã Tinh Cương là một làng chài”.

Tên gọi là hương (xã) Tinh Cương vì vùng này có nhiều gò đống trong đó có làng Tam Đường có 7 gò cao gọi là Thất tinh. Tại đấy thầy địa lý tìm được huyệt đất phát vương, đã đem huyệt ấy tặng cho Trần Hấp để tạ ơn cứu mạng. Trần Hấp đã đem hài cốt ông Tổ Trần Tự Mai về táng tại huyệt này, rồi ở lại đây để trông coi phần mộ. Cụ Trần Kinh cũng chuyển gia đình từ Tức Mặc về đây ở với con trưởng Trần Hấp. Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Lý sinh Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Tam Nương, Trần Thị Dung đều ở nơi này. Thái tổ Trần Thừa, ba vua đầu triều Trần và các hoàng hậu khi mất đều đưa về táng tại nơi này. Ngày nay tại đây có khu đền Trần cùng lăng mộ ba vua đầu triều Trần và Thái tổ Trần Thừa.

Xã Tinh Cương, sau gọi là xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức. Nhà Trần vốn làm nghề chài lưới, bến cá phải ở gần nơi cư ngụ và thuận lợi cho làm nghề nên Bến Trấn ở ven sông Hồng thuộc xã Tinh Cương nay là xã Tiến Đức. Câu thơ này không có nghĩa Bến Trấn ở làng Phương La (Ứng Mão).

Tại thôn Xuân La xã Thái Phương, bên bờ sông nhỏ đối diện thôn Phương La (làng Ứng Mão) trước kia có ngôi đền thờ “Hoàng Bà Bến Súc, Trấn quốc đại vương” có nghĩa là “Đức Bà ở Bến Súc, có tước phong là “Trấn quốc đại vương” cũng là một thiên thần. Vì thế, ở đây nếu có thì là Bến Súc, trước kia dân gọi là Bến Thủy, không có Bến Trấn ở làng Ứng Mão. Và như vậy, Trần Thủ Độ không sinh ra ở nơi này. Nhà sử học Ngô Phương Bá - Viện Sử học nhận xét “Nhìn vào bản đồ huyện Hưng Hà, chúng ta thấy xã Thái Phương nằm cách xa sông Hồng từ 5 - 10 kilômét” (trang 72).

2- Tên húy, tên hiệu của Trần Hoằng Nghị.

Sách “Hoằng Nghị đại vương”  ra sức biện hộ cụ Hoằng Nghị đại vương là tên húy được thờ làm thần hoàng làng Xuân La, Trác Dương có sắc phong với tên là Trang Nghị đại vương. Nay sách “Địa chí Thái Bình tập 2” giới thiệu rõ sự tích Đức ông Trang Nghị đại vương là một thiên thần. Sách “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam, sách Trần triều điện” lại đổi lại nói Trần Hoằng Nghị đại vương là tước do vua Lý Huệ Tông phong cho, còn tên húy là Trần Thủ Huy.

Gia phả của Trần Ích Tắc viết: “Trần Thủ Huy là con của Trần Tự Duy, Trần Tự Duy là con thứ cụ Trần Kinh”. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và sách lịch sử “Phật hoàng Trần Nhân Tông” (nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin- 2009), Trần Thủ Huy làm quan triều vua Lý Anh Tông, có vợ là công chúa Đoan Nghi, con vua Lý Anh Tông. Trần Thủ Huy là quan trụ cột của Thái tử Lý Long Xưởng. Năm 1174, vì phạm tội với vua cha (thông dâm với cung phi của vua), vua Lý Anh Tông tước ngôi Thái tử, đuổi Lý Long Xưởng về làm thứ dân. Trần Thủ Huy bị đày đi nước Kim, nước Liêu (gần Mông Cổ) làm sứ thần rồi chết ở bên đó. Trước khi đi, Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi gửi con trai là Trần Thẩm (sau này được phong tước An Quốc vương thời Trần) nhờ bác Trần Lý nuôi. Trần Thủ Độ sinh ở nước Kim, lớn lên được gửi về nước ở với bác Trần Lý. Như vậy Trần Thủ Huy không có mặt ở nước nhà từ năm 1174, nên không thể là người khai canh lập ấp Ứng Mão, không làm quan triều vua Lý Huệ Tông, không có công trạng gì với vua Lý Huệ Tông. Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Lý, không thấy vua Lý Huệ Tông phong cho một người nào tước Hoằng Nghị đại vương. Một nhân vật lịch sử có tước vị cao đến tước vương chắc chắn lịch sử không thể bỏ quên.

3- Người sinh ra Trần Thủ Độ.

Nếu là Hoằng Nghị đại vương và 4 bà vợ tài giỏi như sách viết thì tại sao Trần Thủ Độ lại nói “Ta không biết chữ nghĩa gì”... và khi nhỏ lại phải ở với bác là Trần Lý. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trần Thủ Độ không có học vấn” trong khi những người khác đều có học cao. Vậy ai là người có công nuôi dưỡng Trần Thủ Độ?

4- Lòng vòng tên Trần Hoằng Nghị.

Ngày 26 - 5 - 1994, tại cuộc hội thảo về Trần Thủ Độ, cụ Dương Quảng Châu lần đầu tiên công bố “Thân sinh của Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị đại vương”, Trong bài “Trần Thủ Độ với thái Bình” cụ viết: Trần Hấp sinh Trần Lý, Trần Hoằng Nghị, Trần Hoằng Nghị sinh Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang tức Trần Thủ Độ”. Một số tác giả đã trích dẫn đưa vào tác phẩm của mình. Cụ Trần Xuân Sính trích vào tác phẩm “Thuyết Trần” (trang 9). Cụ có ý kiến: Trong tình hình tư liệu hiện tại, đồng ý với nhiều nhà nghiên cứu Thái Bình “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị đại vương”. Tác giả “Gia phả họ Trần Phước - Sơn Nam” bổ sung vào gia phả Trần Lý có em là Trần Hoằng Nghị và các con của ông. Tác giả Hồ Đức Thọ bổ sung vào tác phẩm “Trần Miếu” v.v...

Sách “Hoằng Nghị đại vương” xuất bản năm 2007 lại lấy nội dung trích dẫn của hai tác giả Trần Xuân Sính (trang 22) và tác giả Gia phả họ Trần Phước - Sơn Nam (trang 138 - 143) để chứng minh rằng nội dung viết về Trần Hoằng Nghị đã có trong lịch sử. Với tác giả Trần Xuân Sính, sách viết “tác giả chính thức chép rõ “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị” vào sách Thuyết Trần, rồi đánh giá đây là cuốn lịch sử có tính xác thực và khoa học (trang 22). Người đọc thấy việc này thể hiện rõ là một trò tung hứng.  

Những nghiên cứu trên đây giúp chúng ta hiểu rõ về nhiều mặt nhân vật Trần Hoằng Nghị với những chứng cứ có thật rất tự nhiên. Đã đủ điều kiện để kết luận dứt khoát rõ ràng rằng: “Không có nhân vật Trần Hoằng Nghị Đại vương trong lịch sử Việt Nam”.

 

Kết luận tự nó thanh minh cho các nhà sử học trước đây bị mang tiếng là hẹp hòi. Nó cũng nói lên rằng việc tạo ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là sự giả dối và mọi lập luận đề cao, tô vẽ cho “Trần Hoằng Nghị” đều là chuyện viển vông, suy diễn và tưởng tượng./.



[1] Địa chí Thái Bình tập 2 trang 259 giới thiệu thế phả họ Trần Hữu, nguyên gốc là họ chế người Chiêm Thành. Tương truyền năm Hồng Đức thứ 5 (1471), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành bắt được tù binh đem về cho ở xứ Đống Cương, xã Ngự Thiên, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng nay thuộc xã Hồng An huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đến triều vua Lê Thế Tông (1573 - 1600) vua lệnh cho bỏ họ Chế thay bằng họ Trần gọi là họ Trần Hữu. Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hữu ở thôn Việt Thắng, xã Hồng An là người giữ gia phả cho biết: Theo gia phả, dòng họ ông trước đây là họ Chế, về Côn Cương được ba đời thì vua Lê cho đổi thành họ Trần Hữu. Hiện theo gia phả và các cụ trong họ này kể lại: Cách nay 7 – 8 đời, dòng họ này có ba người bỏ làng ra  đi trong đó có một người đi về làng Mẹo chăn vịt ở cánh đồng giáp làng Mẹo, làng Then và làng Xuân La. Người này lấy vợ ở nơi sinh sống. Con cháu sau này mang họ Trần nhưng không rõ có đệm chữ Hữu hay mang chữ đệm khác. (Long Hưng - đất phát nghiệp, trang 127 - 128).

[2] Từ đường vốn là của gia đình con cháu cụ cử Hoàng Nhân ở tỉnh Hải Dương. Năm 1955-1956 cải cách ruộng đất, gia đình bị quy là địa chủ. Nhà cửa bị tịch thu chia cho 3 hộ nông dân ở. Ông Đặng Văn Kiện ở làng Kỳ Trọng, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình mua lại của hộ nông dân rồi bán cho ông Trần Văn Sen.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 155
Tổng truy cập: 1274401
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ