TRẦN HOẰNG NGHỊ - NHÂN VẬT HƯ CẤU | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Xây dựng dòng họ   /  Trao đổi thông tin lịch sử
TRẦN HOẰNG NGHỊ - NHÂN VẬT HƯ CẤU
Từ năm 2000 trở lại đây, ở Việt Nam có thêm hai đền thờ mới với nội dung nói là thờ Tổ họ Trần Việt Nam, nhưng trong đó lại có một bức tượng lớn vượt bậc không rõ tông tích ở vị trí trang trọng nhất, trên cả các Tổ họ Trần Việt Nam viết là “Đức Trần Hoằng Nghị đại vương”. Trần Hoằng Nghị là ai mà không có sách sử nào nói đến. Đây đang là vấn đề nhức nhối trong tâm tư của bà con họ Trần hiện nay. Là con cháu họ Trần nên cần tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn để không phạm phải điều như nguyên cố vấn “Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam” Trần Ngọc Bảo đã nói: “Mồ cha không tế, tế con dế bên đường” (Thư gửi lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 07- 01- 2013).

                                     

TRẦN HOẰNG NGHỊ - NHÂN VẬT HƯ CẤU

                                                                                 Trần Hữu Thức

         

          Từ  năm 2000 trở lại đây, ở Việt Nam có thêm hai đền thờ mới với nội dung nói là  thờ Tổ họ Trần Việt Nam, nhưng trong đó lại có một bức tượng lớn vượt bậc không rõ tông tích ở vị trí trang trọng nhất, trên cả các Tổ họ Trần Việt Nam viết là “Đức Trần Hoằng Nghị đại vương”. Trần Hoằng Nghị là ai mà không có sách sử nào nói đến. Đây đang là vấn đề nhức nhối trong tâm tư của bà con họ Trần hiện nay.

Là con cháu họ Trần nên cần tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn để không phạm phải điều như nguyên cố vấn “Ban Liên lạc họ Trần Việt Nam” Trần Ngọc Bảo đã nói: “Mồ cha không tế, tế con dế bên đường” (Thư gửi lãnh đạo tỉnh Thái Bình ngày 07- 01- 2013).


Những ai đã đọc sách “Trần Hoằng Nghị - Đức Trần Hoằng Nghị đại vương” và “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam - Việt Nam Trần triều điện”, có chú ý phân tích và đi chiếu với các sách lịch sử, các văn bia tại các đền và văn bia mộ chí chắc đều thấy tác giả của hai quyển sách này đã trích cắt công trạng của những người khác rồi biến tấu, lắp ghép theo kiểu lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia để tạo nên hình ảnh một Trần Hoằng Nghị mơ hồ, huyền hoặc. Có thể dẫn ra mấy điều như sau:

1- Về tên gọi Trần Hoằng Nghị

Lúc đầu gọi là Trần Hoàng Nghị. Đến năm 2007, trong hội thảo về Trần Hoằng Nghị, cụ Vũ Khiêu nói “nếu có thì gọi là Trần Hoằng Nghị mới hợp lý”, tên được đổi lại là Trần Hoằng Nghị. Các tác giả sách  Hoằng Nghị đại vương ra sức biện luận rằng Trần Hoằng Nghị (là tên húy), được phong tước là “Trang Nghị Đại vương” và là Thành hoàng làng. Đến khi có thần tích chứng minh Trang Nghị đại vương là một thần thiên lôi có từ đời nhà Đường, Trung Quốc do Cao Biền sang đàn áp phong trào nổi đậy của nhân dân ta lúc bấy giờ đặt ra (năm 622), naylại đổi gọi Trần Hoằng Nghị là tên tước có húy là Trần Thủ Huy. Với lời diễn giải “theo cổ phả họ Trần Đại Việt do thống tôn đời 27 Trần Đình Nhân còn lưu giữ được thì Trần Hoằng Nghị có tên húy là Trần Thủ Huy”. Thế nhưng cũng theo cổ phả này thì Trần Lý không có em trai và Trần Thủ Huy không phải do Trần Hấp sinh ra. Cổ phả viết: Trần Kinh có hai người con trai rất giỏi võ là Trần Hấp và Trần Tự Đức. Trần Hấp ở ấp Thái Đường sinh ra Trần Lý. Trần Tự Đức ở ấp Lưu Gia sinh ra Trần Thủ Huy.

 

2- Sách “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” viết“Trần Hoằng Nghị tổ chức lực lượng, cùng với Trần Lý về Thăng Long giúp nhà Lý, đã chiến đấu và hy sinh trong trận chiến đấu cuối cùng với giặc Quách Bốc”.

Đây thực sự là công lao của Trần Lý. Trần Lý là Trưởng môn phái võ Đông A, là Trưởng tộc Trần lúc ấy, là hào trưởng một vùng có tổ chức lực lượng chống cướp giữ an ninh trong vùng. Lại là bố vợ Thái tử Lý Sảm được Thái tử ủy thác tổ chức lực lượng đưa Thái tử về kinh giành lại ngôi báu và ban cho tước Minh tự (tước thấp nhất cho những người có công giúp nhà Lý thời đó). Nhờ đó, Trần Lý có danh chính ngôn thuận đứng ra tổ chức lực lượng chống giặc. Lực lượng về Thăng Long do Trần Lý cầm đầu có Trần Thừa, Trần Tự Khánh là 2 con của Trần Lý, Trần Thủ Độ là cháu Trần Lý, ngoài ra còn có các tướng sĩ trung thành với nhà Lý tham gia nhưtướng Vương Lê, Phan Lân, Phùng Tá Chu v.v... Đọc tất cả các sách sử, các sách truyện, sách tiểu thuyết dã sử đều không thấy có một nhân vật nào tên là Trần Hoằng Nghị hoặc Trần Thủ Huy. Nếu có một nhân vật là cha của Trần Thủ Độ ở trong quân thì chắc chắn lịch sử không quên, chỉ nói tên con mà không nói tên cha.

 

          3- Nói Trần Hoằng Nghị (sách mới gọi là Trần Thủ Huy) được vua Lý Huệ Tông phong cho là “Đức Trần Hoằng Nghị đại vương”.

Vua Lý Huệ Tông chỉ phong cho duy nhất một người tước Đại vương là Trần Tự Khánh. Trần Tự Khánh có công rất lớn đối với nhà Lý: Đã đón được vua Lý Huệ Tông khi trốn Đàm Thái hậu (vì Đàm Thái hậu bắt Trần Thị Dung uống thuốc độc), bảo vệ ngôi vua cho Lý Huệ Tông, được Lý Huệ Tông phong cho là “Phụ quốc Thái úy”. Đã dẹp tan các lực lương cát cứ giữ vững triều đình nhà Lý. Khi Lý Huệ Tông bị bệnh điên, đã thay vua chấp chính, ổn định chính trị trong nước, phục hồi kinh tế, nhân dân được yên ổn cuộc sống, quan hệ ngoại giao được bình thường với nhà Tống Trung Quốc. Vì thế khi Trần Tự Khánh chết, vua Lý Huệ Tông phong cho tước “Kiến Quốc đại vương”. Còn với những người họ Trần khác, triều đình nhà Lý không phong tước cho một ai. Như Trần Lý là người có công đón vua Lý Cao Tông từ nơi chạy loạn (Quy Hóa Giang tỉnh Yên Bái) về Thăng Long, giúp vua khôi phục triều đình nhà Lý, đánh tan giặc Quách Bốc ổn định ngôi vua. Vậy mà khi bị giặc khác giết, vua cũng không phong tước gì thêm ngoài tước Minh tự đã có. Trần Hoằng Nghị nếu có cũng chỉ là thuộc tướng của Trần Lý, thành tích không có gì nổi bật, làm sao phong tới tước Đại vương? Theo sách lịch sử “Vua Trần Nhân Tông” thì thời gian này Trần Thủ Huy làm quan Triều Lý, có vợ là công chúa Đoan Nghi, con vua Lý Anh Tông, đang đi sứ ở nước Kim, nước Liêu, rồi chết ở bên ấy, không có mặt ở trong nước thì làm sao tổ chức lực lượng, tham gia đánh quân Quách Bốc?

 

4- Nói Trần Hoằng Nghị luôn dạy anh em con cháu: “Hãy nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, hãy làm những việc chưa ai làm được”.

Rất tiếc đây là câu nói của Thần linh trong truyện “Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng” của tác giả Phạm Thái Quỳnh in trong sách “Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió” của tác giả Lê Thái Dũng, trang 238. Thần linh nói với Trần Thủ Độ khi Trần Thủ Độ có ý thoái chí vì bị Trần Thái Tông kiên quyết không chịu rời Yên Tử để về Thăng Long tiếp tục ngôi vua. Nguyên văn lời nói ấy như sau: “Bậc nhân giả phải nghĩ tới những điều thiên hạ chưa nghĩ tới, phải làm những việc vạn ức người không dám làm, miễn sao việc làm ấy tạo phúc cho lương dân”. Lời nói này đã được trích dẫn thành lời nói của Trần Hoằng Nghị (sách “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam).

          Vì là hư cấu nên những việc nói về Trần Hoằng Nghị đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn rất khó lý giải.

 

TỔNG KẾT HỘI THẢO VỀ TRẦN HOẰNG NGHỊ KHÔNG XÁC ĐỊNH CÓ TRẦN HOẰNG NGHỊ.

          Ngày mùng 9 - 01 – 2007, Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo về Trần Hoằng Nghị đại vương... tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội. Tại cuộc hội thảo này nổi lên bốn loại ý kiến khác nhau:

          - Loại ý kiến thứ nhất do nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng đại diện, phản bác nói không có Trần Hoằng Nghị.

          - Loại ý kiến thứ hai do Phó Giáo sư tiến sĩ Đinh Khắc Thuần, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm là đại diện, nói gọi là Trần Hoàng Nghị để tỏ rõ là họ nhà vua.

          - Loại ý kiến thứ ba do Giáo sư Vũ khiêu nói gọi là Trần Hoằng Nghị mới hợp lý.

          - Loại ý kiến thứ tư nghi ngờ nói có đúng Trần Hoằng Nghị là thân sinh ra Trần Thủ Độ không?

    Giáo sư Vũ Khiêu lên trình bày bản tổng kết, nguyên văn có những đoạn như sau:

Về nghiên cứu Trần Hoằng Nghị: “việc nghiên cứu còn phải tiếp tục thêm trên một địa bàn rộng lớn hơn. Ngoài việc tìm hiểu ở quê hương, còn phải tìm hiểu trong toàn quốc. Ngoài việc tìm tòi trong nước,còn phải tìm tòi ở nướcngoài”... (Sách Hoằng Nghị đại vương,nhà xuất bản Thế giới, năm 2007, trang 366).

Về tên gọi Trần Hoằng Nghị, “Nói như nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuần, dùng chữ Trần Hoàng có ý chỉ rõ họ Trần này là hoàng tộc, tôi thấy không thể thế được, vì Trần Hoàng tức là vua Trần. Tên Trần Hoàng Nghị không thể hiểu theo nghĩa đó. Theo tôi, chữ Hoằng Nghị là chính xác hơn vì Hoằng có nghĩa là rộng lớn, cao cả. (trang 367).

Về thân sinh ra Trần Thủ Độ, “Có ý kiến nêu vấn đề có phải thân sinh ra Trần Thủ Độ là người có tên là Trần Hoằng Nghị không?” Sự kiện này cần đi sâu hơn nữa. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Trần Thủ Độ sinh ra ở nơi này, được trưởng thành trên mảnh đất quê hương,được chính cha mình nuôi dưỡng và dạy bảo. Người cha ấy tên là gì? Điều này vẫn không quan trọng bằng chính công lao và sự nghiệp không thể chối cãi được ở người cha vĩ đại ấy. . . cần đánh giá như thế nào cho đúng về Trần Thủ Độ và người cha của ông, dù mang tên là Trần Hoằng Nghị hay mang một tên khác,” (Sách Hoằng Nghị Đại vương, nhà xuất bản Thế giới, năm 2007, trang 367).

Lời kết luận này là mơ hồ vì không thể dùng bất cứ tên gì cho một nhân vật lịch sử cũng được. Mọi người khi sinh ra đều đã được cha mẹ đặt tên. Tại sao với Trần Hoằng Nghị lại phải bàn cãi nên gọi là gì,  có hay không?

Những điều trên đây chứng tỏ rằng tên “Trần Hoằng Nghị” không phải là tên vốn có, mà chỉ là một cái tên mới được đặt ra không có căn cứ rõ ràng.

LÀNG ỨNG MÃO (MẸO) THÀNH LẬP NĂM NÀO?

Các tác giả sách Hoằng Nghị đại vương viết “Ứng Mão là làng cổ có từ thời nhà Lý. Lại nêu truyền thuyết Trần Hoằng Nghị dùng cối đá làm ranh giới của làng, trong một đêm ông gánh hết chợ làng Then về làng mình”. Bản thân chuyện này đã chứng tỏ trước khi lập làng Ứng Mão, vùng này đã có cư dân ở từ lâu. Chiếc cối đá to nặng người thường không vác nổi, giã gạo bằng chày mà đã mòn thủng bỏ đi, dân làng Then sinh sống văn hóa, kinh tế phát triển đến mức đã có chợ để giao lưu với tứ phương. Việc lập làng có liên quan trực tiếp đến một số làng xung quanh nên họ cũng biết chuyện còn lưu truyền đến ngày nay. Nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng đi tìm hiểu tại chỗ cáclàng xung quanh được các cụ cho biết như sau:

Theo các cụ ở đây thì làng Xuân La có trước, sau đó các dòng họ di cư đến khai khẩn phần đất trũng bên kia sông (nay thuộc làng Phương La). Lúc đầu những người dân ngụ cư này đã hòa nhập với dân Xuân La. Làng Xuân La thời đó có tục chạ làng (tổ chức cúng ở đình, chùa, các suất đinh đều tham gia và sau tế lễ xong thì phá cỗ cùng nhau).

Vì cùng cúng chung ở đình, chùa, miếu… với người dân Xuân La nên vào một năm theo tục lệ của Xuân La thì những người dân ở Phương La (lúc đó chưa thành lập làng) phải tổ chức lễ chạ (ở nơi mà dân làng Phương La lúc đó đang sinh sống) để đãi làng Xuân La. Nhưng không rõ vì lý do gì, dân làng (Phương La lúc đó) đã ăn cỗ trước, rồi mới gõ trống mời khách.

Đúng hẹn, dân đinh làng Xuân La kéo sang, thấy hết cỗ bảo nhau bỏ về và từ đó không cho những người bên kia sông (tức làng Phương La) sang cúng ở làng mình nữa. Vì lý do đó nên những người dân ngụ cư (làng Phương La) đã quyết định thành lập làng riêng và xây đình, chùa, miếu để thờ riêng. Vì lập làng mới vào năm Ất Mão (năm 1675, triều vua Lê Hy Tông), nên tên chữ của làng là Ứng Mão, sau gọi là Hương La, rồi sau này mới đổi tên là Phương La.

Cụ Phạm Văn Thành cho biết theo lời truyền của các cụ trước đây thì sau khi tách khỏi làng Xuân La, thành lập làng mới khoảng vài năm thì làng Mẹo bắt đầu xây chùa và sau này mới làm đình.

Theo các cụ ở làng Then thì làng Mẹo (Phương La) trước không có chợ, chỉ làng Then mới có chợ. Chợ được lợp lá đơn giản và cọc nhỏ cắm ở bốn góc lều. Không thấy người xưa nói tới việc có ông Trần Hoằng Nghị dùng mẹo một đêm bê chợ làng Then về làng Mẹo. Chuỵện này gần đây mới nghe nói mà lại do người làng Mẹo truyền khẩu với một số nhà nghiên cứu, chúng tôi chẳng rõ thực hư nhưng được nghe các cụ xưa kể lại chuyện chợ của làng Then bị dời về làng Mẹo lại khác với truyềnkhẩu trên.

Chuyện truyền lại rằng, khi đó dân làng Mẹo (Phương La) tranh chấp địa giới với làng Then. Hai bên đều đưa ra mọi lý lẽ để khẳng định phần đất, ranh giới của làng mình. Sau cùng hai bên đều thống nhất một cách giải quyết:

Đó là việc nếu người làng Mẹo bê (vác) được một cối đá (loại cối giã gạo ngày xưa) từ trung tâm làng Mẹo đi về phía chợ làng Then. Nếu cối đá đó bị rơi ở đâu thì ranh giới giữa hai làng được tính từ điểm rơi cối đá. Mặt khác nếu người làng Then thua cuộc thì không được mở chợ và làng Mẹo được phép dỡ chợ làng Then về làng mình. Làng Then lúc đó không có ai bê nổi chiếc cối đá vừa to vừa nặng đó.Nhưng họ không ngờ ở làng Mẹo có một người rất khỏe, chính ông ta cùng một số người làng đã bầy ra mẹo này để thắng làng Then. Vì không nắm được ý đồ của đối phương nên hương chức làng Then đồng ý thi tài. Kết quả người “lực sĩ” của làng Mẹo đã bê cối đá từ làng mình đi về phía làng Then. Khi người đó bê cối đá tới sát bờ một cái đầm trũng (dân ở đây thường gọi là chuôm) của ông Lý Uẩn (trước đây vẫn là chỗ chăn thả vịt) thì cối đá bị rơi.

Rất có thể, sau này (khi người lực điền có công bê cối đá) chết, dân làng lập miếu thờ ông ở ngay căn nhà ông vẫn sinh sống trước đây. Vì thế mới có tên gọi là miếu (đền) Nhà Ông (miếu Ông, miếu nhà ông, miếu gốc đa).

          Tháng 4 năm 2006, đoàn công tác của Viện Sử học và Viện Nghiên cứu Hán nôm về khảo sát một số di tích lịch sử văn hóa ở làng Phương La. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm,Viện sử học được phân công khảo sát quả chuông đồng tại chùa Linh Ứng của làng Phương La đã xác dịnh như sau: Mở đầu bài minh khắc trên chuông viết: “Đại Việt quốc Sơn Nam đạo Tiên Hưng phủ Diên Hà huyện Hương La xã Ứng Mão thôn...” dịch là “Thôn Ứng Mão, xã Hương La, huyện Diên Hà, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam, nước Đại Việt...” Trên khuông “Hồng chung” của chuông có khắc dòng chữ: “Toàn thôn thượng hạ cự tiểu đẳng vi hữu Bính Dần niên thập nhị nguyệt lục nhật tân tạo hồng chung nhất khẩu hoàn thành viên hảo” (Sách Hoằng Nghị đại vương, nhà xuất bản Thế giới năm 2007, trang 244).Dịch là “Toàn thôn trên dưới lớn bé hoàn thành đúc một quả chuông lớn vào ngày mồng 6 tháng 12 năm Bính Dần (1686)” (trang  248). Cuối bài minh khắc: “Chính hòa cửu niên chính nguyệt cốc nhật” dịch là “Ngày lành tháng Giêng năm Chính hòa thứ 9” (năm 1688 triều vua Lê Hy Tông).

          Như vậy, theo sự tích và chữ khắc trên quả chuông chùa Linh ứng thì làng Ứng Mão tách khỏi làng Xuân La để lập làng riêng là vào năm Ất Mão (1675), sau đó xây chùa rồi đúc chuông năm 1686, khắc bài minh lên chuông xong năm 1688.
Không có chuyện làng Ứng Mão lập làng từ thời nhà Lý. Nếu có Trần Hoằng Nghị là em ông Trần Lý, sinh ra năm 1138, dẫn quân về Thăng Long lại đồng thời là người lập làng Ứng Mão năm 1675 cách nhau 537 năm, người thường có ai như thế không? Điều này nói lên rằng không có Trần Hoằng Nghị thời nhà Lý.

VỀ CÁC CON CỦA TRẦN HOẰNG NGHỊ

          Sách “Hoằng Nghị đại vương’ và “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” đều viết Trần Hoằng Nghị có 3 con trai là Trần An Quốc, Trần An Hạ, Trần An Bang tức Trần Thủ Độ. Phải chăng các tác giả này thấy nói vua Trần Thái Tông muốn cho anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng nên nghĩ rằng đây là tên húy của anh Trần Thủ Độ, rồi tìm những tên có chữ An đứng đầu để ghép làm anh em, khi thì nói có 3 anh em, khi lại nói có 2 anh em. Hào khí Đông A số 7 năm 2005 đăng bài của ông Trần Văn Sen “Họ Trần và di tích nhà Trần” trang 36 viết: Trần An Quốc là một tướng quân có tài, từng làm trấn thủ Diễn Châu? được phong làm An Hạ vương”. Như vậy là nhập hai người làm một. Tuy nhiên, căn cứ vào các di tích đã thành văn như văn bia trên mộ, văn bia trong đền thờ cổ, Đại Việt sử ký toàn thư, các sách lịch sử khác thì cả ba tên này đều không đúng.

Về Trần An Quốc: Văn bia “Trần Tú Viên thần đạo bi do chính người cháu gọi ông bằng bác là Trần Đức Nhuận cho dựng trên mộ tại núi Phụng Lâu, phía tây thành Hán Dương (nay là Vũ Hán, Trung Quốc), vào ngày tốt tháng 11 năm Chí nguyên Mậu Dần (1383) (trích lời dẫn của Trần Đức Nhuận trong bia nói trên).in trong Chí Chính tập, quyển 56, trang 262 do nhà xuất bản Tân Văn Phong, Đài Bắc xuất bản.Văn bia viết: “Họ Trần lấy được nước bèn truy phong người em họ Thái tổ Trần Thừa là Thẩm làm An Quốc vương. Phong cho con của Trần Thẩm là Trần Túc Kinh làm Vũ Đạo vương. Vũ Đạo vương có 3 con trai. Ông là con trưởng húy là Tú Viên được vua phong là Văn Nghĩa hầu. Hai người con khác, một người là Minh Thành hầu (không rõ tên húy), một người là Minh Trí hầu (không rõ tên húy). Con Tú Viên là Trần Đức Tiệm. Trần Túc Kinh đem cả gia đình, con cháu sang hàng quân Nguyên Mông, sống ở Trung Quốc.

Theo An Nam chí lược, Trần ThủĐộcó con là Trần Duyệt, Đại Việt sử ký toàn thư viết là Trần Phó Duyệt (Nhân Thành hầu). Con của Trần Duyệt là Trần Văn Lộng, Chương Hoài thượng hầu (Đại Việt sử ký toàn thư viết là Thượng Vỵ Văn Chiêu hầu). Trần Văn Lộng giữ chức Đại tướng, trấn giữ sông Tam Đái (Việt Trì ngày nay) nhưng cũng theo cha vợ là Trần Túc Kinh đem cả gia đình sang hàng quân  Nguyên (ngày mồng Một tháng Ba năm Ất Dậu – 1285).Rất có thể vì thế nêntừ đấy các sách sử không còn thấy nói đến có nhân vật nào là hậu duệ của Trần Thủ Độ ở Việt Nam. Như vậy An Quốc chỉ là tước không phải tên húy của anh Trần ThủĐộ.

Về An Hạ Đại vương: Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lý, triều Lý HuệTông viết:Năm Bính Tý (1216),mùa đông tháng 12, Chân Lạp và Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được.

          Năm Mậu Dần, mùa đông tháng 10 (1218), Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng lên trật hầu, cho thực ấp 7.500 hộ, thật phong 1.500 hộ.

          Lý Bất Nhiễm là con Thái tử Lý Long Xưởng bị phế truất, cháu vua Lý Anh Tông làm quan trấn thủ Nghệ An. Khi nhà Trần thay nhà Lý, ông vẫn ở tại chức phục vụ triều Trần.

          Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuần, Viện trưởng viện Nghiên cứu Hán Nôm khảo sát dịch văn bia làng Miễu thờ An Hạ Đại vương tại Đình Miễu, thôn Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng nội dung như sau: Vào triều Lý có An Hạ vương, là cháu vua Anh Tông (1138- 1176), tước hầu bậc Quý Thịnh vốn là người ở sách Động Nhuế (Lý triều An Hạ vương Anh Tông hoàng đế chi tôn, quý thịnh hầu dã, nguyên Sách Động Nhuế hương nhân). Hoàng hậu Cao Tông (1176-1210) người họ Đàm đã gả em mình cho hầu để làm phi.

Vào năm Thiên Gia Bảo Hựu (1202-1204) đời vua Lý Cao Tông (khắc nhầm là Anh Tông), hầu phụng mệnh đi diệt giặc Chiêm, được nhân dân ủng hộ quy theo. Xét công lao ấy nên phong cho An Hạ vương làm trấn thủ đất Nghệ An.

          Ngày 3 tháng 8 nhuận năm Mậu Thìn niên hiệu Thiệu Long (1268) đời Trần (Trần Thánh Tông), hầu và phu nhân cùng mất.

Được tin vua vô cùng thương xót, cho làm lễ truy niệm. lại cho khắc vào bia đá để truyền mãi đời sau. Công lao to lớn đối với hai triều Trần Lý (khắc là Đinh Lý) xứng được lưu truyền muôn thuở trong sử sách. Nhà vua truy phong cho hầu là Đại vương, cho mang họ vua (Gia phong hoàng tông vinh tộc...) làm vẻ vang cho dòng tộc.

          Bà phi họ Đàm có công lao đức hạnh tốt được phong là Trinh Thục phu nhân. Lại ban cho hai cỗ quan tài cho mai táng về nguyên quán của bà trên gò đất Ninh Cường, cho lập lăng mộ thờ cúng, dựng bia đá, sắc cho dân ấp phụng thờ, tế lễ hàng năm. (Sách Hoằng Nghị đại vương, trang 445)

          Tại đình Miễu còn có hai đạo sắc phong trong đó một đạo sắc phong cho phu nhân An Hạ đại vương là Đàm Chiêu Trinh viết: “Lý triều An Hạ vương phu nhân tôn thần” (trang 26).

          Trong đình, chính giữa cửa có bức đại tự “Lý triều hiển thánh” (trang 153).

          Vậy mà một số tác giả vì lý do nào đó vẫn cố lập luận theo ý chủ quan để cho rằng An Hạ Đại vương là con của Trần Hoằng Nghị. Lý lẽ đưa ra thật khó thuyết phục (trang 27).

                   Về Trần An Bang: Không có tên người Trần An Bang mà chỉ có tên xã An Bang ở Đông Triều. Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Trần, triều vua Trần Thái tông viết: “Năm Đinh Dậu (1237), vua lấy đất các xã An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng, An Bang cho Liễu làm ấp thang mộc và phong làm An Sinh vương ở đất ấy”. Nếu Trần An Bang là tên húy của Trần Thủ Độ thì tên Trần Thủ Độ là gì?

AI LÀ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM?

          Đền thờ Tổ họ Trần ở làng Phương La, xã Thái Phương, tỉnh Thái Bình trông thật đồ sộ. Việt Nam Trần triều điện ở làng Kiều Lĩnh, xã Xuân Phổ, tỉnh Hà Tĩnh thật nguy nga tráng lệ, có cùng phiên bản thờ Tổ họ Trần với đền Phương La. Gọi là đền thờ Tổ họ Trần nhưng người đến thăm, lễ Tổ không khỏi ngạc nhiên khi thấy có một pho tượng rất to lớn ngồi ở vị trí trung tâm, ngồi cao trên cả các Tổ họ Trần là Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa. Pho tượng này nặng 5.082 kg đồng dát vàng to gấp 7,3 lần và 14,5 lần tượng các Tổ họ Trần Việt Nam (chỉ nặng 700 kg và 350 kg đồng). Người ta gọi pho tượng ấy là Đức Trần Hoằng Nghị đại vương (con cụ Trần Hấp, cháu cụ Trần Kinh). Vậy ai là ông Tổ thực sự của họ Trần Việt Nam?

          Họ Trần có lời thề Đồng cổ: “Làm con chí hiếu, làm tôi tận trung, làm quan trong sạch. Ai trái lời thề, thần minh giết chết”. Người ta thấy ông Trần Hoằng Nghị không có phẩm chất như lời thề này của người họ Trần.

           Người viết bài này đã từng đến thăm khu đền thờ Phương La nhiều lần.

          - Lần thứ nhất vào khoảng năm 2005, khi ấy đất này còn là một khu ruộng trắng khô. Ở một góc khu đất có một ngôi mộ chiều ngang khoảng 40-50 cm, chiều dài khoảng 01mét, cao khoảng 30-40 cm. Người dẫn đường nói rằng ngôi mộ này trước kia không có người trông nom nên tàn tạ chỉ còn một nấm đất nhỏ. Một lần ông Trần Văn Sen đi tảo mộ thấy vậy, ông xúc đất đắp lên thành ngôi mộ như hiện nay. Thế rồi từ đấy ông thấy ăn nên làm ra nên ông rất coi trọng ngôi mộ này.

          - Lần thứ hai khoảng năm 2009, đền đã xây xong cơ bản. Trong đền mới có một bức tượng gọi là tượng Trần Hoằng Nghị đại vương rất to lớn. Ở bên trong dưới tầng một có một ngôi mộ xây mới dưới thấp và được giới thiệu đây là mộ của thân sinh Trần Thủ Độ. Người xem thật bất ngờ. Tại sao lần trước được giới thiệu là ngôi mộ đơn côi, nay bỗng thành mộ thân sinh Trần Thủ Độ? Sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng cứ ám ảnh mãi mà không có lời giải đáp.

          - Lần thứ ba vào năm 2010, lúc này đền đã hoàn chỉnh. Trong đền có nhiều tượng nhỏ các nhân vật thời Trần, có tượng bốn bà vợ Trần Hoằng Nghị.

          Lúc đầu đền được gọi là “Đền thờ Trần Hoằng Nghị đại vương”. Có một số ý kiến phản đối nói là họ Trần không có Trần Hoằng Nghị. Sau đó đổi gọi là “Đền nhà Ông”, lại bị phản đối vì ý kiến cho rằng không có Ông lớn nào ở đây. Sau cùng  khi đã có thêm một số tượng nhỏ các nhân vật thời Trần, lại đổi tên gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”. Ý kiến phản đối càng gay gắt hơn vì cho rằng đây là đền thờ Trần Hoằng Nghị trá hình.

          Qua các thực tế trên đây có thể nói thực sự không có Trần Hoằng Nghị. Nếu có chăng thì đó là một nhân vật nào khác không thuộc họ Trần có gốc Tổ Trần Kinh.

          Các tác giả hai cuốn sách về Trần Hoằng Nghị đã lập luận không dựa trên căn cứ thực tế, tiền hậu bất nhất, có những điều là sáng tác không có thực./.


 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1274206
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ