SỰ THẬT ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM
(Theo Báo Đại đoàn kết số 114, thứ tư, ngày 24-4-2019)
Bài 2: Quá trình sáng tạo Trần Hoằng Nghị
Nếu như việc sáng tạo ra nhân vật Trần Hoằng Nghị ban đầu thuộc một người nghiên cứu lịch sử ở địa phương thì người thúc đẩy sự hoàn thiện là một PGS.TS của Viện Sử học.
Chọn tên cho thần
Cốt để xây dựng hình tượng Trần Hoằng Nghị khởi thủy từ là bài tham luận “Trần Thủ Độ với Thái Bình” của ông Dương Quảng Châu (nay đã mất) tại hội thảo ngày 26/4/1994 do Viện Sử học và Sở VHTT tỉnh Thái Bình tổ chức (in sách năm 1995).
Ông Châu viết: Năm 1989, ông về thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình, phát hiện ra thành hoàng làng là bà Đàm Thị Vương Phi lấy ông An Hạ vương. Hai ông bà chết ở Động Núi (Tây Thanh – Nghệ) năm 1276. Sau đó được an táng ở Trực Nội (Đông Xuân, Đông Hưng). Các bô lão ở Trực Nội vào vùng Động Núi được các bô lão địa phương cho biết: Theo thần phả, An Hạ vương là con trai thứ hai Trần Hoằng Nghị đại vương, em An Quốc vương, là anh Trần Thủ Độ.
Ông Châu lại viết Trần Hoằng Nghị quê ở Bến Trấn, Tinh Cương lộ Long Hưng… hy sinh trong một trận chiến ở Hạ Liệt (xã Thái Hà). Được lập đền thờ ở cánh đồng Hạ Liệt, coi như thờ Bách Linh, trận vong chiến sĩ, ngôi Duệ Hiệu cao nhất là “Trần triều Hoằng Nghị đại vương, thượng đẳng phúc thần”.
Từ bài của ông Dương Quảng Châu, PGS.TS Nguyễn Minh Tường có bài “Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” tham gia hội thảo ngày 9/1/2007 tại Hà Nội do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức. Một số bài tham luận được NXB Thế giới in thành sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn – tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La, Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình” năm 2015. Trong bài, ông Tường viết: Trong miếu gốc đa có bài vị chữ Hán ghi “Phụng Đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân”. Ông Tường “chê” bài vị viết sai chữ “Nghị” theo nghĩa là hội nghị, nghị luận mà đúng nghĩa phải là “nghị lực”.
Hội thảo năm 2007 chỉ duy nhất bài của PGS.TS Nguyễn Minh Tường là “chuyên luận” về Trần Hoằng Nghị. Ông Tường dẫn ra sắc phong, thần tích tại đình thôn Xuân La (cùng xã Thái Phương với Phương La) thờ ngài Trang Nghị đại vương và gán: “Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho ngài”.
TS Mai Hồng cho biết: Khoảng tháng 6/2006, ông Vũ Xuân Trường – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và lãnh đạo thôn Xuân La gặp tôi nhờ dịch giúp sắc phong, thần tích của làng. Đến ngày hội thảo 9/1/2007, tôi phải giơ tay đến 6 lần mới được ông Dương Trung Quốc gọi. Tôi nói trong 3 phút: “Các nhà nghiên cứu thiếu tư liệu nên cẩn thận. Trang Nghị đại vương là thiên thần (thần sấm). Ngài có công phù giúp Thứ sử Cao Biền đánh quân Nam Chiếu. Và phù giúp Vua Lê Đại Hành đánh Tống. Như thế, một vị thiên thần xuất hiện trước triều Trần đến 5 thế kỷ thì không thể là bố Trần Thủ Độ được”.
Ông Đặng Hùng - Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Bình cho biết: Cuốn “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” của ông được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên ký tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Quý Đôn năm 2016. Trong sách có bài điều tra những thông tin mà ông Dương Quảng Châu viết về Trần Hoằng Nghị. Bài này tham dự hội thảo năm 2007 nhưng không được in vào sách kỷ yếu. Ông Hùng kể: Bài vị ở miếu gốc đa mà PGS.TS Nguyễn Minh Tường nêu trong bài là do ông Dương Quảng Châu viết chữ ra giấy để thợ chạm. Ông Hùng biết khi tới nhà ông Châu chơi.
Ông Hùng kể: Nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn, Vũ Công Hoan và ông đã xác minh vùng Hạ Liệt, Thượng Liệt không có đền miếu nào thờ “Trần triều Hoằng Nghị đại vương” như ông Châu viết. Nội dung văn bia làng Miễu ghi rõ An Hạ Vương là cháu vua Lý Anh Tông, chứ không phải là Trần An Hạ, con của Trần Hoằng Nghị. Và cụ Nguyễn Lại Tô (sinh 1926) trông nom di tích lịch sử đình làng Miễu cho biết: Các cụ chưa từng vào vùng Thanh Nghệ để tìm hiểu về An Hạ vương.
Còn đền Bách Linh mà ông Châu nêu là thờ Hoàng giáp Thượng thư Quách Hữu Nghiêm, vị quan thời Lê sơ.
Đại tá Trần Nguyên Trung - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Hậu cần quân đội, Tổng Thư ký Hội đồng họ Trần Việt Nam bình luận: Đã là thần mà mấy trăm năm sau, ông Tường mới nêu các tên ra để chọn cho thần: Trần Hoàng Nghi, Trần Hoàng Nghị, Trần Hoằng Nghị, Trần Hồng Nghị, Trần Hoành Nghị.
Thần thờ... tạm
Ông Nguyễn Thanh – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2015, khi NXB Thế giới xuất bản cuốn sách về Trần Hoằng Nghị từ các bài tham luận, tôi không biên tập nhưng bị gán tên vào. Tiếp xúc các bài viết tay của cụ Dương Quảng Châu tôi thấy ghi “Dương Quảng Châu có xuất nhập ít nhiều”. “Xuất nhập” có ý là “thêm thắt, bịa ra”. Có lẽ do “xuất nhập ít nhiều” nên năm 1986, cụ ghi Trần Quả (em Trần Hấp) sinh ra Trần Hoằng Nghị, đến năm 1994 thì lại ghi là Trần Hấp sinh ra Trần Hoằng Nghị. Vậy ai là ông Trần Thủ Độ?
Kết thúc hội thảo, GS Vũ Khiêu và mấy vị nghiên cứu nói: Trong khi chưa có tài liệu xác đáng chúng ta cứ tạm thời chấp nhận Trần Hoằng Nghị là tồn nghi, là thân phụ Trần Thủ Độ. Tôi nói vui: “Các bác nên kết luận rõ chứ người Thái Bình chúng em rất cụ thể. Có thể ông Nguyễn Thanh tạm thời làm Giám đốc Sở VHTT chứ không có ông thần thờ tạm được”.
Ông Nguyễn Thanh kể: Bài in về văn bia đình Miễu của PGS.TS Đinh Khắc Thuân biến Lý An Hạ thành Trần An Hạ để gán là con Trần Hoằng Nghị, khiến chúng tôi khốn khổ. Dân làng Miễu chia thành hai phe kéo lên Sở kiện. Phe nói cứ thờ thánh Lý An Hạ, phe lại nói Trần An Hạ cũng được, miễn có tiền xây lại đền.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân thanh minh: Tôi đã dịch rõ: “Vào triều Lý có An Hạ vương, là cháu của vua Anh Tông”. Thế mà phần chú thích bị biên tập viết cho rằng văn bia này viết ở thế kỷ 17, cách thời An Hạ vương 5 thế kỷ nên chưa hẳn đã chính xác. Căn cứ vào hội thảo năm 2007, và ký ức của hậu duệ Đức Trần Hoằng Nghị họ vẫn ghi nhận An Hạ Đại vương là con trai thứ của Trần Hoằng Nghị. Biên tập còn chê người soạn văn bia không am hiểu kiến thức lịch sử nên độ tin cậy không cao.
Theo PGS.TS Đinh Khắc Thuân: PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, TS Nguyễn Thị Phương Chi cũng bị sửa bài để gắn với Trần Hoằng Nghị.
Trần Hoằng Nghị đã bị loại bỏ ra khỏi sách sử như thế nào? Hướng xử lý ra sao, mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Từ Khôi
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 154 |
Tổng truy cập: 1380774 |