SỰ THẬT ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM (BÀI 1) | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
SỰ THẬT ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM (BÀI 1)
Báo Đại đoàn kết trong 3 số liên tiếp từ thứ 3 ngày 23-4-2019 đến thứ 5 ngày 25-4-2019 đã đăng bài “Sự thật Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” nói về ngôi “đền nhà Ông” tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Ngôi đền trên chỉ là nơi thờ tự của một chi nhánh họ Trần thôn Phương La, nay bỗng nhiên trở thành “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” mà người được thờ chính trong đó mang tên Trần Hoằng Nghị không hề có tên và công lao gì trong sử sách thời nhà Trần lại được gán cho là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

SỰ THẬT ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM

 (Theo Báo Đại đoàn kết số 113, thứ ba, ngày 23-4-2019)

Ai từng qua thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình sẽ thấy một ngôi đền lớn, cao tới 41 m liền ngay chợ Mẹo. Trên cửa đền nổi bật dòng chữ vàng, nền đỏ “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Thế nhưng, theo giấy phép xây dựng đây là Đền nhà ông. Người được thờ là nhân vật gây nhiều tranh cãi…

 

Bài 1: Từ miếu cây đa đến ngôi đền nguy nga

––––

Di tích Quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình đã quá quen thuộc với nhiều người dân, du khách. Thế nên, Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam tại thôn Phương La, xã Thái Phương cùng huyện khiến nhiều du khách băn khoăn. Ông Phạm Văn Cường – Phó Ban Quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần cho biết: “Giữa Di tích Quốc gia đặc biệt ở Tiến Đức này và Đền nhà ông ở xã Thái Phương không có mối liên quan nào cả. Từ thời phong kiến đến nay, hai bên đều không có sự đón rước qua lại. Hơn nữa, cho dù nếu có bố Trần Thủ Độ ở Phương La thật đi chăng nữa thì cũng không thể xưng là Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam vì Trần Thủ Độ là ngành thứ, cũng không phải ngành vua”.

Đền nhà ông ở thôn Phương La hướng Đông Nam, tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 5ha. Ngôi đền được khởi công từ năm 2002 đến năm 2011 mới khánh thành. Đền cao 41 m, gồm 3 tầng với diện tích khoảng 800 m2. Tầng 1 là nơi hội họp còn tầng 2 và tầng 3 là nơi thờ. Ông Trần Bình Trọng, một trong những người trông coi đền thờ cho biết: “Người được thờ chính tại đền là ngài Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần An Quốc, Trần An Hạ và Thái sư Trần Thủ Độ. Trần Hoằng Nghị đại vương được thờ ở tầng 2. Tượng Trần Hoằng Nghị được đúc đồng nặng 5.082 kg. Các pho tượng khác đều nặng từ 350 kg đến 700 kg và đều được dát vàng 9999. Hai gian thờ bên phải và trái của tầng 2 thờ 4 vị phu nhân của Trần Hoằng Nghị là: Tô Thị Nàng, Dong Huê Nàng, Quế Huê Nàng và Hoàng Đức Mây”. Tầng 3 có không gian trải rộng hơn với hệ thống điện thờ các bậc thủy tổ Trần Kinh, đệ nhị thủy tổ Trần Hấp, nguyên tổ Trần Lý, thái tổ Trần Thừa, cùng với các danh nhân dòng họ Trần: vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, thái sư Trần Quang Khải, thống quốc thái sư Trần Thủ Độ, linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần An Quốc đại vương, Trần An Hạ đại vương… Đặc biệt, tại ban thờ Trần Hưng Đạo đại vương và Thượng tướng Phạm Ngũ Lão còn thờ cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Còn dưới tầng hầm của ngôi đền là mộ của Trần Hoằng Nghị.

Người đứng ra đầu tư xây dựng ngôi đền khổng lồ này là ông Trần Văn Sen- Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Công ty SXXNK Hương Sen. 

Đền nhà ông được xây dựng theo văn bản số 618/UB-VX ngày 13/5/2002 của UBND tỉnh Thái Bình (Phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch ký) có nội dung: “Cho phép Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà được phục hồi ngôi Đền nhà ông trên nền móng cũ (có bản vẽ kèm theo). Kinh phí xây dựng do sự đóng góp của dòng họ”. Trong Đơn xin phép xây dựng Đền nhà ông trền nền móng cũ, kinh phí dự kiến khoảng 150 triệu đồng. Ông Đào Hồng- nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Thái Bình) cho biết: “Tên gọi Đền nhà ông là khi dùng để xin giấy phép xây dựng chứ thực tế ban đầu là miếu cây đa, mỗi chiều khoảng 1m đến 1,5m. Vì vậy qua nó không nằm trong danh mục của 3 đợt kiểm kê di tích của tỉnh (đợt 1: vào các năm 1961, 1962 và 1963; đợt 2: 1975, 1976 và 1977; đợt 3 năm 1995). Lý do Đền nhà ông tuy không phải di tích cấp tỉnh hay quốc gia gì mà Bảo tàng tỉnh phải giám sát vì trong văn bản cho phép xây dựng có giao cho Sở VHTT, Bảo tàng và UBND huyện Hưng Hà giám sát. Khi Đền nhà ông được triển khai có quy mô quá lớn, xây dựng đến tầng 2 thì ông Nguyễn Thanh- Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thái Bình có chỉ đạo ông Vũ Đức Thơm- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và tôi đến lập biên bản vi phạm”.

Vậy tại sao từ Đền nhà ông lại đổi tên thành Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam? Hoặc Đền lăng Trần Hoằng Nghị? Ngày 11/4/2019, ông Nguyễn Công Khanh- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: “Đền nhà ông không phải là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Chỉ là nơi thờ tự của một chi nhánh họ Trần nên phòng văn hóa huyện không quản lý. Họ cũng không có hồ sơ xin đổi tên đền. Còn “Bằng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa Đền lăng Đức tổ Trần Hoằng Nghị đại vương tại thôn Phương La, xã Thái Phương huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình là di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và giáo dục truyền thống” mà Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cấp (ông Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Liên hiệp ký) không có giá trị vì không đúng quy định pháp lý về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Bộ VHTTDL cũng đã có văn bản nhắc nhở các tổ chức (trong đó có Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) về tình trạng cấp các văn bằng trái pháp luật, không đúng thẩm quyền dạng này. 

Khi phóng viên hỏi: Không những Đền nhà ông xây dựng quá văn bản cho phép, mà còn mua thêm gần 5ha đất ruộng để làm khuôn viên? Có thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa? Ông Nguyễn Công Khanh nói không biết, nhưng có lẽ diện tích 5ha này đang được xin để lập khu sinh thái?

Ngoài Phương La, đình làng thôn Trác Dương cùng xã Thái Phương sau này cũng tự nhận là thờ Trần Hoằng Nghị. Sự việc diễn ra vào ngày 13/2/2007, khi khánh thành đình làng thôn Trác Dương, Trưởng thôn Trác Dương và đại diện BQL di tích đã tổ chức rước “chân nhang” từ Đền nhà ông về thờ tại đình làng. 

Không phải là di tích, nhưng nhiều năm liền, cứ đến ngày lễ ở Đền nhà ông vào 14 tháng giêng âm lịch lại tổ chức linh đình. Một hoạt động mang tính tín ngưỡng tôn giáo như vậy mà ông Nguyễn Công Khanh lại nói ngành văn hóa Thái Bình không quản lý, chỉ là việc riêng của nhánh họ Trần. 

Vậy ông Trần Hoằng Nghị có đúng là thân phụ Trần Thủ Độ không? Xin mời các bạn đón đọc kỳ sau.

Mạnh Thắng

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1380773
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ