ĐƠN GỬI ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
ĐƠN GỬI ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM
Sau khi Đài truyền hình Việt Nam sáng 30-12-2018, chương trình VTV1 đã cho phát bộ phim tài liệu lịch sử “Chuyện xưa tích cũ: Đức Hoằng Nghị đại vương” đề cập đến nhân vật Trần Hoằng Nghị (Hoằng Nghị đại vương) không có trong chính sử, Thường trực Hội đồng họ Trần Việt Nam đã làm đơn gửi Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam yêu cầu làm rõ việc này.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------------------------

                       Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2018

Kính gửi : Ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam!

Sáng 30 -12 - 2018, Đài THVN, chương trình VTV1 đã cho phát bộ phim tài liệu lịch sử “Chuyện xưa tích cũ: Đức Hoằng Nghị đại vương” do Trung tâm phóng sự- tài liệu Đài THVN sản xuất. Chúng tôi cho rằng, việc tuyên truyền ôn lại lịch sử, tôn vinh triều đại nhà Trần vô cùng hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên-Mông giữ vững giang sơn, bờ cõi, giúp cho hậu thế hiểu rõ được những kỳ tích và luôn tự hào về các bậc tiền nhân có nhiều công lao đối với đất nước là việc làm cần thiết của các cơ quan truyền thông nói chung, Đài THVN nói riêng. Tuy nhiên, trong phóng sự này đã đề cập đến một “nhân vật lịch sử” không rõ gốc tích, cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần tên là Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương), được gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.

Nhân vật này năm 1995 lần đầu tiên được ông Dương Quảng Châu (Viện Sử học) công bố tại cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh Trần Thủ Độ (sau này được PGS-TS Nguyễn Minh Tường kế thừa) đã đưa ra nhiều thông tin mơ hồ, không đáng tin cậy, có nhiều mâu thuẫn, bị các nhà nghiên cứu lịch sử phê phán, bác bỏ. Nhà sử học Đặng Hùng quê Thái Bình suốt mấy chục năm nghiên cứu triều đại nhà Trần đã cho xuất bản cuốn sách “Long Hưng đất phát nghiệp vương triều Trần” đã có nhiều bài viết phân tích sâu sắc về mảnh đất Phương La; thân thế, sự nghiệp của Trần Thủ Độ; về nhân vật Trần Hoằng Nghị…qua đó để gián tiếp bác bỏ quan điểm phi lịch sử của cụ Dương Quảng Châu. Thực ra đây chỉ là cuộc dọn đường cho một cuộc hội thảo lớn hơn tại Thủ đô Hà Nội do Hội KHLSVN phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức năm 2007 với chủ đề “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La”. Tại cuộc hội thảo này, do có nhiều ý kiến trái chiều nên GS Vũ Khiêu kết luận: Thân phụ của Thống quốc- Thái sư Trung vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Điều đó đồng nghĩa với việc nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có. Đáng tiếc là, người kế nhiệm của cụ Dương Quảng Châu là PGS-TS Nguyễn Minh Tường không thực hiện theo kết luận của GS Vũ Khiêu, mà chỉ dựa vào các tư liệu điền dã của người tiền nhiệm tiếp tục khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, rồi tự ý đưa vào bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông xuất bản năm 2018 để truyền bá trong nhân dân và giáo dục trong các nhà trường. Điều này có thể gây ra hệ lụy, tác động xấu về mặt tâm lý, nhận thức, khiến cho hậu thế khó phân biệt được thực giả, hạ thấp lòng tin và giá trị của các tri thức lịch sử. Nguy hiểm hơn, nó gây ra chia rẽ, làm đảo lộn phả hệ họ Trần.

Vừa qua, đã có nhiều cơ quan báo chí trong nước như báo Nhân dân, Đại Đoàn kết, Lao động, Nông nghiệp VN, Văn nghệ TP HCM, Pháp luật TP HCM; Tạp chí Người Cao tuổi… đã đăng tải nhiều bài viết phê phán về nhân vật hư cấu Trần Hoằng Nghị và ngôi đền “Nhà ông” mới xây dựng (năm 2011) ở thôn Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) bỗng dưng biến thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần.

Trước sức nóng của dư luận xã hội, ngày 12-10-2018, Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã có công văn số 187/ VSH gửi Thiếu tướng PGS Đào Trần Quang Cát nêu rõ sẽ loại bỏ nhân vật Trần Hoằng Nghị ra khỏi bộ sách Lịch sử VN phổ thông trong kỳ tái bản này. Đáng tiếc là, trong khi nhiều cơ quan báo chí và con cháu hậu duệ họ Trần tích cực vào cuộc để làm rõ hành vi không trong sáng của một nhóm người mệnh danh là nhà sử học cố tình ngụy tạo, dựng lên một nhân vật lịch sử không có thật và cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần nhằm bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc, thì mới đây, Đài THVN lại cho phát trên sóng quốc gia bộ phim tài liệu về Trần Hoằng Nghị và đã gây tác động xấu trong dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần.

Nhân đây, chúng tôi đề nghị Đài THVN giải thích rõ một số vấn đề cụ thể sau đây: 

Thứ nhất, chỉ trong một thời gian ngắn, Đài THVN phát liên tiếp 2 bộ phim tài liệu liên quan đến ông TGĐ Tập đoàn Hương Sen Trần Văn Sen là nhằm mục đích gì? Điều này đã gây rất nhiều dị nghị trong dư luận xã hội, kể cả người dân địa phương. Bộ phim gần đây về lịch sử có liên quan đến triều đại nhà Trần, ca ngợi một nhân vật không có tên tuổi trong lịch sử, cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần là chuyện đáng quan tâm hơn cả. Bởi vì, các bộ quốc sử từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn như: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên; Khâm định việt sử Thông giám Cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn; An Nam chí lược của Lê Tắc; Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn; Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… đều không nói rõ thân phụ của Trần Thủ Độ là ai và chỉ nêu: Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý coi như con. Các tài liệu lịch sử hiện còn lưu giữ ở mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình cũng không hề nhắc đến nhân vật Trần Hoằng Nghị. Vậy thì các tác giả bộ phim tài liệu này đã dựa vào những tư liệu lịch sử chính thống nào để khẳng định có nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ? Hay là chỉ dựa vào một vài ý kiến cá nhân và một vài cuốn sách thứ cấp không có giá trị khoa học và lịch sử như cuốn kỷ yếu “Đức Hoằng Nghị đại vương…”. Cuốn sách này chỉ tập hợp các bài tham luận tại cuộc hội thảo có tính chất nghiên cứu không phải là tài liệu chính thống nên không thể dựa vào đó để dựng thành phim lịch sử của dân tộc và dòng họ Trần. Hơn nữa, rất nhiều bài tham luận đã bị bộ phận biên tập cắt xén, sửa chữa theo kịch bản có sẵn, bị chính các tác giả phản ứng gay gắt. Ngay bài của GS Vũ Khiêu cũng bị cắt phần đầu nên giảm giá trị khoa học và lịch sử. Riêng nội dung cuốn sách của tác giả Trần Xuân Sinh cũng chỉ là tài liệu thứ cấp, chủ yếu dựa vào các tư liệu điền dã của cụ Dương Quảng Châu trước đây, không có gì phát hiện mới.

Việc Đài THVN ca ngợi nhân vật Trần Hoằng Nghị là người có công lớn trong việc gây dựng nghiệp nhà Trần và cầm quân Tinh cương đi đánh dẹp giặc Quách Bốc là không đủ cơ sở khoa học và lịch sử và không xác thực.

Thứ hai, xét về giá trị và tác dụng, bộ phim tài liệu về lịch sử của Đài THVN không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng và đông đảo con cháu hậu duệ họ Trần trong cả nước, gây phân tâm, chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ họ Trần. Xét về các khía cạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bộ phim đã đi lệch chuẩn, gây nhiều dị nghị nghi vấn về trách nhiệm của người làm báo trong việc bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc, cũng như giáo dục, động viên con cháu hậu duệ họ Trần không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, tích cực đóng góp công sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua khảo sát của các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa tỉnh Thái Bình, ở xã Thái Phương cũng như các địa phương trong huyện Hưng Hà không có đền thờ nào thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Ở thôn Xuân La có một đền thờ thờ Trang Nghị đại vương, theo sách địa chí Thái Bình tập 2 thì đây là vị thiên thần không phải là nhân thần, nên không thể là Trần Hoằng Nghị là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ như khẳng định của PGS-TS Nguyễn Minh Tường. Hơn nữa, vị thiên thần này do có công âm phù cho tướng giặc Cao Biền (Trung Quốc) sang xâm lược, đô hộ nước ta, được vua Đường Ý Tông (833-873) phong cho làm “Thượng đẳng phúc thần”, cách Trần Thủ Độ (1194-1264) khoảng 400 năm. Về ngôi miếu “Nhà ông” (còn gọi là miếu gốc đa) thì theo người dân địa phương cho biết, đây chỉ là một ngôi mộ hoang có từ khi Thái Bình còn hoang sơ, nhưng vì có công “âm phù” ....., nhận ngôi mộ là ông tổ chi nhánh họ Trần của thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà; cuối cùng xin phép chính quyền địa phương xây được ngôi đền thờ khủng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp, rồi gọi đó là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” khiến cho người dân địa phương và con cháu hậu duệ họ Trần vô cùng bức xúc. Ông ta còn tự ý thay đổi ngày giỗ Tổ họ Trần hàng năm. Việc Đài THVN khen ngợi ông chủ hãng bia Đại Việt là người có tâm đức với dòng họ chỉ là sự suy đoán chủ quan, có tính chất áp đặt, mà không tìm hiểu kỹ thực tế người dân địa phương, nhất là những người có trách nhiệm trong dòng tộc họ Trần. Dư luận cho rằng: Phải chăng Đài THVN lại tiếp tục đi theo “vết xe đổ” của một số người khoác áo nhà sử học để cổ súy cho việc làm sai trái của ông chủ hãng bia Đại Việt?

Thứ ba, những thước phim vừa được phát trên sóng trên đài truyền hình quốc gia chắc chắn sắp tới sẽ gây phân tâm chia rẽ sâu sắc trong dòng tộc họ Trần, vì hiện nay đã có hơn 50% số người đã ly khai khỏi Ban chấp hành họ Trần do ông Trần Văn Sen làm Chủ tịch, vì những việc làm sai trái của BCH họ Trần trong thời gian qua và đã tách ra thành lập Hội đồng họ Trần VN, tiếp tục hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của Ban liên lạc họ Trần VN đầu tiên do cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ (Trần Văn Long) làm Trưởng ban.

 Một vấn đề cần đặt ra ở đây là: Hiện nay trên đất nước Việt Nam, có dòng họ nào có 2 đền thờ tổ của dòng họ hay không? Đền thờ tổ họ Trần VN từ lâu tọa lạc tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, tồn tại ngót 800 năm nay nhưng rất ít được nhắc đến để du khách thập phương và con cháu hậu duệ họ Trần về đây dâng hương, tri ân, lễ Tổ theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Trong khi đó, ở cách đó không xa xuất hiện thêm một ngôi đền thờ mới xây dựng (năm 2011) tại thôn Phương La, xã Thái Phương thờ một nhân vật không rõ gốc tích, cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần là Trần Hoằng Nghị, lúc đầu với tên gọi là đền “nhà ông” (không phải là di tích lịch sử) bỗng dưng biến thành “Đền thờ Tổ họ Trần VN” lại được quý đài quan tâm, ca ngợi. Vậy mục đích của Đài THVN muốn bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc hay bảo vệ lợi ích của một nhóm người đang tìm cách xuyên tạc, làm biến dạng, méo mó lịch sử đất nước, phá vỡ dòng tộc họ Trần?

Thứ tư, nếu các tác giả bộ phim tài liệu lịch sử về nhà Trần không cung cấp được đầy đủ tư liệu lịch sử chính thống về cha đẻ Thái sư Trần Thủ Độ cũng như các tài liệu (quyết định công nhận của Nhà nước) về cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần VN” ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, cần phải có lời đính chính và xin lỗi khán giả cả nước và con cháu hậu duệ họ Trần qua Hội đồng họ Trần VN. Cụ thể:

- Thiếu tướng- PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần VN.

Số điện thoại: 090.326 1362.

- Ông Trần Vũ Công Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng họ Trần VN.

Số điện thoại: 098.587 6666.

Hội đồng họ Trần Việt Nam rất mong nhận được sự phản hồi của quý đài.
Xin gửi lời chào trân trọng.

              TM Hội đồng họ Trần VN

                                                            Chủ tịch lâm thời

 

                                                         Đào Trần Quang Cát

 
                                                          (đã ký và đóng dấu)

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 155
Tổng truy cập: 1277237
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ