MỘT “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” SAU 800 NĂM MỚI ĐƯỢC ĐẶT TÊN | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
MỘT “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” SAU 800 NĂM MỚI ĐƯỢC ĐẶT TÊN

 

CHUYỆN LẠ Ở THÁI BÌNH:

MỘT “NHÂN VẬT LỊCH SỬ” SAU 800 NĂM MỚI ĐƯỢC ĐẶT TÊN

                                                                                               Trần Lê

               Thế là, “bản hợp đồng bí mật” giữa Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam với vị đại gia có tiếng của tỉnh Thái Bình đã được cụ thể hóa bằng các cuộc hội thảo khoa học cùng với các chuyến đi điền dã (do vị doanh nhân này tài trợ) liên quan đến một “nhân vật lịch sử” không hề có tên tuổi trong sử sách, cũng chẳng có công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần tên là Trần Hoằng Nghị, rồi được đưa vào Quốc sử thông qua“cái mác” đắt giá: Thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Nhờ có bức “bình phong” che chắn của Viện Sử học và Hội khoa học lịch sử Việt Nam cộng với có người thân làm chức sắc to ở Tỉnh ủy Thái Bình nên vị doanh nhân này đã phớt lờ dư luận, xây dựng một ngôi đền thờ khủng, không đúng với giấy phép xây dựng được cấp tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà rồi gọi đó là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”, đồng thời đề nghị Nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La.

               Mặc dù chưa có quyết định chính thức nào về mặt pháp lý công nhận đây là di tích lịch sử - văn hóa nhưng hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 9, lãnh đạo các cơ quan từ Tỉnh ủy, UBND đến các Sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện và thành phố Thái Bình tạm gác mọi công việc Nhà nước, cùng nhau tụ hội về đây để dự ngày giỗ “Đức Hoằng Nghị đại vương”. Trong tất cả các cơ quan truyền thông quốc gia, có lẽ chỉ có duy nhất báo Thái Bình vẫn gọi đây là khu di tích lịch sử (?), khẳng định: “Đức Hoằng Nghị đại vương là một danh nhân lịch sử, là người có công lao to lớn trong quá trình dựng nghiệp của nhà Trần, là thân phụ của An Quốc đại vương, An Hạ đại vương, An Bang đại vương (tức Thái sư Trần Thủ Độ). Lẽ nào một cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, là diễn đàn của nhân dân tỉnh Thái Bình mà vẫn cố tình “bịt miệng”, “bịt tai”, không dám nói tiếng nói của dân về nhân vật hư cấu Trần Hoằng Nghị, về cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” giả mạo ở thôn Phương La, xã Thái Phương để bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc? Sự “thiếu nhạy bén” của các đồng nghiệp báo Thái Bình cũng dễ hiểu vì “bàn tay không thể che nổi mặt trời”. Thế mới biết, đồng tiền và quyền lực là hai nhân tố quan trọng có thể làm biến đổi sự vật không theo quy luật của tự nhiên mà theo ý muốn của người khác.

               Trở lại với nhân vật Trần Hoằng Nghị, liệu ông ta có đúng là một “danh nhân lịch sử, là người có công lao to lớn gây dựng nghiệp nhà Trần, là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” hay không? chúng ta hãy nghe ý kiến của một vị Trưởng ban quản lý di tích lịch sử tỉnh Thái Bình trả lời ông Trần Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hội đồng Trần tộc Việt Nam: “Chúng em làm việc ở tỉnh Thái Bình mấy chục năm nay đã bao giờ nghe nói đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị đâu. Đây là việc riêng của ông Sen (Trần văn Sen, TGĐ Tập đoàn Hương Sen- PV). Ông ấy tự làm”. Mới đây, tại cuộc gặp mặt báo chí tại Hà Nội, ông Trưởng ban quản lý di tích còn cung cấp cho các nhà báo các tài liệu khảo sát di tích của tỉnh Thái Bình do Sở Văn hóa tỉnh lập vào các năm 1958-1962; 1977-1980 và 1995-1996 đều xác định: Thôn Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) không có đền thờ nào thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương.

               Theo nhà sử học Đặng Hùng (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), quê Thái Bình đã có hàng chục năm nghiên cứu lịch sử triều Trần khẳng định không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử việt Nam. Ông cho biết thêm, năm 1995, tại cuộc hội thảo “Trần Thủ Độ - con người thời Trần” do Viện Sử học và Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức ở ngay trên mảnh đất địa linh nhân kiệt Thái Bình, lần đầu tiên, nhà sử học Dương Quảng Châu công bố thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghị đại vương, khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, nhất là các nhà sử học quê hương Thái Bình. Phát kiến của ông Dương Quảng Châu (sau này được PGS-TS Nguyễn Minh Tường kế thừa) chỉ dựa vào một bức bài vị mới làm, đặt ở ngôi miếu cây đa cạnh cánh đồng thôn Phương La, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có nội dung: “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoằng Nghị đồng tứ vị phu nhân” (nghĩa là phụng thờ vị đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ) và một số tài liệu điền dã do ông sưu tập được trong chuyến đi điền dã đến một số địa phương trong tỉnh Thái Bình và lân cận (do vị đại gia tài trợ).Tuy nhiên, những tài liệu của ông Dương Quảng Châu lý giải về thân thế, cha mẹ, anh em của Trần Thủ Độ chứa nhiều mâu thuẫn, lúc thì cho rằng Trần Hấp là bố đẻ của Trần Hoằng Nghị “Trần Hấp sinh ra 2 người con trai là Trần Lý và Trần Hoằng Nghị” (Bài Trần Thủ Độ với Thái Bình -1995); khi thì lại nói rằng Trần Hoằng Nghị là em trai Trần Hấp: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, Trần Mẽ, Trần Quả (tức Trần Hoằng Nghị)” (Bài Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần-2004)… khiến cho độc giả như bị sa vào một trận đồ bát quái, không tìm được lối ra. Điều đáng lưu ý ở đây là, tại cuộc hội thảo khoa học “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức tại Hà Nội (năm 2007), chỉ riêng cái tên của “nhân vật lịch sử” này một lần nữa được đưa ra mổ xẻ và trở thành câu chuyện hài hước trong giới sử học, khiến nhiều người thoạt nghe đã cảm thấy buồn cười. Sau khi PGS-TS Nguyễn Minh Tường đọc bài tham luận trung tâm, một số nhà sử học nêu ý kiến, phân tích cho rằng, tên gọi Trần Hoàng Nghị là đúng, tỏ rõ là họ nhà vua. Nhưng GS Vũ Khiêu phản bác lại quan điểm này và cho rằng: “Nếu gọi là Trần Hoàng tức là vua Trần. Tên Trần Hoàng Nghị không thể hiểu theo nghĩa đó. Theo tôi, chữ Hoằng Nghị là chính xác hơn vì Hoằng có nghĩa là rộng lớn, cao cả”. (Sách Hoằng Nghị đại vương - Nhà xuất bản thế giới, năm 2007, trang 367). Thế là, cái tên Trần Hoằng Nghị được thư ký hội thảo đưa vào biên bản, trở thành cái tên chính thức từ thời điểm đó cho đến nay. Thật là lố bịch. Bởi vì, con người ta khi sinh ra đã được bố mẹ đặt tên cho, làm sao có chuyện chờ đến 800 năm sau (1157- 2007) mới có một cuộc hội thảo và mới được các nhà sử học Việt Nam đặt tên cho (?). Đó là chưa nói đến sự phi lý thân phụ của một vị quan đầu triều nhà Trần phải chờ đến 800 năm sau mới được hậu thế xây dựng đền thờ (???). Chỉ riêng các chi tiết này có thể hiểu được “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị là thực hay giả. Thế nhưng, một số nhà sử học (được sự ủng hộ của lãnh đạo Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), trong đó có người có học hàm, học vị cao, có người có chức sắc, là đại biểu Quốc hội vẫn bất chấp đạo lý, bỏ qua chức trách, nhiệm vụ được giao và quên mất nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả của mình là phải bảo vệ sự trong sáng của lịch sử dân tộc. Họ đã nghĩ ra đủ các chiêu trò, theo một kế hoạch đã được sắp đặt sẵn, bằng những bước đi bài bản, chặt chẽ để bắt người dân phải tin theo những điều nhảm nhí, không có thực. Quả thực, cho đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thể hình dung được, vị đại gia Thái Bình “bắt tay” với các nhà sử học vì lợi ích quốc gia,dân tộc hay vì một mục đích cá nhân nào khác (?). Tại cuộc hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh danh nhân lịch sử Trần Thủ Độ (1194- 1994) do Viện Sử học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức, họ đã khéo léo cài cắm, thông qua một số bài viết (chủ yếu sử dụng các tư liệu điền dã) để công bố đến bàn dân thiên hạ thân phụ của Thái sư Trần Thủ độ là Trần Hoàng Nghị (về sau đổi tên lót là Trần Hoằng Nghị) để làm nền cho một cuộc hội thảo lớn hơn sau đó vào năm 2007 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”. Đây chính là căn nguyên cơ bản giúp cho vị doanh nhân Thái Bình xây dựng được ngôi đền thờ KHỦNG ở thôn Phương La, rồi tự đặt tên là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”, sau đó làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận di tích lịch sử (?). Cho dù họ có tìm cách biến tấu, che đậy sự giả dối bằng những kỹ xảo tinh vi đến mấy nhưng cũng không thể lấp liếm trước sự lên án mạnh mẽ của dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần. Có lẽ, đã đến lúc, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần phải nhìn nhận thấu đáo, nhanh chóng vào cuộc để làm sáng tỏ sự việc nói trên, tiến hành kiểm tra, thẩm định xem triều đại nhà Trần có nhân vật lịch sử nào tên là Trần Hoằng Nghị không? Nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ không? Hay đây chỉ là một sự ngụy tạo, bịa đặt của một nhóm người vì mục đích, động cơ cá nhân không trong sáng? Đồng thời, cần phải nghiêm trị những kẻ cơ hội lợi dụng nghề nghiệp và sơ hở trong công tác quản lý của Nhà nước để bôi bẩn lịch sử dân tộc, kể cả những hành động đồng lõa hoặc bao che, dung túng cho những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của những kẻ “lóa mắt vì đồng tiền”.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1274837
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ