CON CHÁU HỌ TRẦN KHÔNG DỄ MẮC LỪA | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
CON CHÁU HỌ TRẦN KHÔNG DỄ MẮC LỪA
Mới đây, trên trang thông tin điện tử của BCHHT tiếp tục cho đăng tải thông tin liên quan đến cái gọi là “Đền thờ tổ họ Trần VN” ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tiếp tục khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ như một sự thách thức dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần. Để giúp bạn đọc và con cháu họ Trần hiểu rõ về ngôi “đền nhà Ông” và gia tộc họ Trần thôn Phương La có phải thuộc họ Trần chính thống hay không, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử Trần Quang.

                                               CON CHÁU HỌ TRẦN KHÔNG DỄ MẮC LỪA

TG: Mới đây, trên trang thông tin điện tử của BCHHT tiếp tục cho đăng tải thông tin liên quan đến cái gọi là “Đền thờ tổ họ Trần VN” ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, tiếp tục khẳng định Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ như một sự thách thức dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần. Để giúp bạn đọc và con cháu họ Trần hiểu rõ về ngôi “đền nhà Ông” và gia tộc họ Trần thôn Phương La có phải thuộc họ Trần chính thống hay không, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử Trần Quang.

…Trong mấy năm gần đây, tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bỗng xuất hiện một ngôi đền thờ mới xây dựng gắn biển “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” khiến dư luận và con cháu hậu duệ họ Trần hết sức ngạc nhiên và tỏ ý nghi ngờ về tính xác thực của ngôi đền này.

Bởi, tên gọi là thế nhưng các ngày giỗ tổ họ Trần hàng năm tại đây cũng thay đổi. Đáng lưu ý, ngôi đền mới xây dựng này chỉ cách khu di tích lịch sử đặc biệt đền Trần thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà khoảng 3km (đường chim bay), là nơi thờ các vị vua và danh nhân nhà Trần đã tồn tại ngót 800 nay.

Vậy ngôi đền ở thôn Phương La có đúng là “Đền thờ tổ họ Trần” hay không? Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát, tìm hiểu thực tế qua các tài liệu đang lưu giữ tại tỉnh Thái Bình.

Theo cuốn sách “Tài liệu ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH” tập II do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam - Hà Nội - 2007 tại trang 259 mục C. GIA PHẢ đăng bài giới thiệu Thế phả dòng họ Trần Hữu, nguyên gốc là họ Chế người Chiêm Thành. Nội dung bài giới thiệu như sau:

Tương truyền, năm Hồng Đức thứ 5 (1474), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, bắt được tù binh đem về, cấp cho xứ Đống Cương ở xã Ngự Thiên, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, nay thuộc xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Người Chiêm tụ họp lại dựng nhà ở, cấy trồng. Đến thời Lê Thế Tông (1573-1600), vua lệnh cho bỏ họ Chế thay bằng họ Trần (xem Bài tựa công án xã Ngự Thiên).

“Thế phả dòng họ Trần Hữu” hiện do ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Hội đồng gia tộc Trần Hữu thôn Việt Thắng, xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình giữ.

(Ghi chú: Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hữu ở thôn Việt Thắng, xã Hồng An là người giữ gia phả cho biết: theo gia phả và các cụ trong họ kể lại, cách nay 7 – 8 đời, họ này có ba người bỏ làng ra đi trong đó có một người đi về làng Mẹo (tức thôn Phương La) làm nghề chăn vịt. Người này lấy vợ ở nơi sinh sống. Con cháu sau này vẫn giữ họ Trần nhưng bỏ chữ đệm là Hữu...và nghe nói thay chữ đệm là Văn - tức Trần Văn). (sách Long Hưng đất phát nghiệp - trang 127)

Nhà Hán học Trần Quang Khiết, nguyên Phó Chủ tịch huyện Thái Ninh đã đánh máy lại nguyên văn bài “Công án xã Ngự Thiên” là phần mở đầu Thế phả dòng họ Trần Hữu bằng chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa, PGS.TS Đinh khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm) đối chiếu, đọc soát nội dung.

BÀI TỰA CÔNG ÁN XÃ NGỰ THIÊN THUỘC HUYỆN NGỰ THIÊN

Huyện Ngự Thiên thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam thời kỳ đầu niên hiệu Kiến Trung (1226-1231) triều Trần gọi là phủ (lộ) Long Hưng. Từ Chương Thánh Tông (tức Hồ Quý Ly) đến triều Lê là phủ Tân Hưng. Sau này kiêng chữ “Tân” (tên vua Lê Kính Tông (1600-1619) mà đổi là phủ Tiên Hưng. Phủ có huyện Ngự Thiên, huyện có xã Ngự Thiên, là một trong 52 xã trong huyện.

Tương truyền xã này chỉ có một thôn Đà, dân ở đây có đồng ruộng, chợ, chùa, đồng nội, vạn chài, đến nay vẫn còn truyền tụng, trước đó chưa có thôn Cương. Triều Lê thời vua Lê Thánh Tông Thuần Hoàng đế (1460-1497) niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (1474), vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được tù binh nước ấy đem về. Lấy ruộng công của nơi xa xấu cấp cho người Chiêm cày cấy sinh nghiệp. Thời ấy, thôn này ( thôn Đà) có xứ Đống Cương đất đá ngổn ngang xếp thành từng đống, bọn trộm cắp thường lẻn đến rình mò hành nghề. Một khu hoang vu vắng vẻ không người ở cấy trồng. Người Chiêm tụ họp lại dựng nhà ở. Ngày thì khẩn hoang, đêm thì đánh cá, nay là xứ Đống Cương vậy.

Đến niên hiệu Hồng Thuận thứ 8 (1516) triều vua Lê Tương Dực (1509-1516) trở về sau, ruộng đã khai khẩn xong, nhà có hơn chục nóc. Đương thời gọi là lưu dân. Niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554) triều vua Lê Trung Tông (1549-1556), xuống chiếu cho các nơi trong nước là những lưu dân (tức dân phiêu tán) khai hoang ruộng thì không nộp thuế, đinh thì miễn tạp dịch để mở rộng đức xa của vua với lưu dân. Thời vua Lê Trang Tông (1533-1548) từ sau niên hiệu Nguyên Hòa năm đầu (1533), người Chiêm sinh sống đã trải qua mấy đời, tập tục tốt đã trở thành nề nếp, cư ngụ ở trại Đống Cương, xứ Đống Cương.

Đến thời vua Lê Thế Tông (1573-1600), niên hiệu Quang Hưng thứ 19 (năm 1596). Vua ngự ở gác Thanh Long, tính thích nhạc vũ, xuống chiếu cho cả nước ai là người múa giỏi khúc Tây thiên của nước Chiêm Thành đến múa để vua xem. Bấy giờ ở trại Đống Cương có ông Chế Ích Hoàn múa giỏi khúc này, vua rất ưa thích. Mỗi bữa ăn hoặc tiệc, sai ông múa chầu ở hai bên tả hữu – nay gọi là “múa bỗng”. Vua ban cho ông Hoàn chức Tả Thị lang. Vua lệnh cho bỏ họ Chế thay bằng họ Trần(3); thưởng cho ông mười mẫu ruộng công điền ở xứ Giang Bắc xứ Ngự Thiên, gọi là ruộng Thị lang, đến nay gọi là xứ Thị Lang. Từ đó ông Trần Ích Hoàn lập sổ ghi chép định ra lệ ngạch, dựng đền thờ thần, đổi trại Đống Cương thành thôn mới - thôn Lập. Đương thời phong tục được cải biến dần dần từ xấu lên tốt.

Về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư, kỷ nhà Lê, triều vua Lê Thánh Tông nêu rõ như sau: Năm 1471, Vua Chiêm Thành vu cáo với nhà Minh là nước Việt huy động quân đội chuẩn bị đánh chiếm đất biên giới Trung Quốc và cướp hết lễ cống của Chiêm Thành dâng sang Trung Quốc. Vua Chiêm mong Trung quốc đánh nước Việt để Chiêm Thành phối hợp đánh ra đèo Ngang của Việt Nam. Vua Lê Thánh Tông nỗ lực giải quyết ổn thỏa bằng con đường ngoại giao với Trung Quốc, sau đó năm 1474, đưa quân chinh phạt Chiêm Thành, đánh chiếm cảng Thị Nại, chiếm thành Chà Bàn (thành phố Qui Nhơn ngày nay) bắt một số tù binh đem về.

Sách “tài liệu ĐỊA CHÍ THÁI BÌNH tập II” cho ta thấy rõ, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình có 2 họ Trần:

Một là, họ Trần Việt Nam chính thống gốc Việt có đền thờ Tổ từ thế kỷ XII ở đất Tinh Cương thuộc thôn Tam Đường, xã Thái Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nơi có lăng mộ ba vua đầu triều Trần và Thái tổ Trần Thừa, được Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có ngày giỗ Tổ chính thức là ngày 18 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Hai là họ Trần Việt Nam gốc họ Chế người Chăm Pa, lập năm 1596, do vua Lê Thế Tông ban cho ông Chế Ích Hoàn chức Tả Thị Lang, cho ông đổi họ Chế thành họ Trần và thưởng cho ông 10 mẫu ruộng, lập nghiệp ở đất Đống Cương nay là thôn Việt Thắng thuộc xã Hồng An, giáp liền với thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có ngày giỗ Tổ chính thức là ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đền thờ ở thôn Phương La thờ Trần Hoằng Nghị, cũng được tổ chức lễ giỗ vào ngày 14 tháng Giêng, hơn nữa, nhân vật này không có liên quan gì đến vương triều Trần.

- Qua các tài liệu lịch sử Việt Nam có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các tư liệu lịch sử của tỉnh Thái Bình cho đến nay xác nhận họ Trần chính thống Việt Nam không có nhân vật Trần Hoằng Nghị.

- Đền thờ họ Trần chính thống Việt Nam có Tổ họ trực tiếp là Đức Tổ Trần Kinh tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Họ Trần gốc họ Chế có tổ họ là Trần (Chế) Ích Hoàn có đền thờ tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà.

- Họ Trần chính thống Việt Nam khởi nghiệp từ đất Tinh Cương, Trần Lý lập đội quân dân binh Tinh Cương ở đây và trực tiếp nắm đội quân này, sau khi Trần Lý chết, đội quân dân binh được giao lại cho Trần Nhật Hiệu (Hạo), con trai Thái tổ Trần Thừa chỉ huy. Thôn Phương La gắn liền với thôn Việt Thắng chỉ có đất Đống Cương, không có đất Tinh Cương.

- Họ Trần chính thống Việt Nam có ngày giỗ Tổ chính thức là ngày 18 tháng Giêng âm lịch. Họ Trần gốc họ Chế có ngày giỗ tổ chính thức là ngày 14 tháng Giêng âm lịch.

Dựa trên các tư liệu lịch sử còn lưu giữ có thể khẳng định: Họ Trần chính thống Việt Nam không có nhân vật Trần Hoằng Nghị. Tại văn bản số 1854/UBND-TCD của UBND tỉnh Thái Bình ngày 13-5-2018 cũng khẳng định: “Đền nhà Ông” chỉ là cơ sở thờ tự của gia tộc họ Trần thôn Phương La, xã Thái Phương, không phải là di tích lịch sử đã được xếp hạng.

Vì vậy, nếu có Trần Hoằng Nghị thì nhân vật này chỉ có thể là người họ Trần gốc họ Chế người Chăm pa. Hàng năm, tại “Đền nhà Ông” tổ chức tế rước Trần Hoằng Nghị vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch chính là ngày giỗ tổ họ Trần gốc họ Chế người Chăm pa.

Việc “Đền nhà Ông” ở thôn Phương La tự đổi tên là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” rồi vận động bà con họ Trần cả nước về đây tế lễ vào ngày 14 tháng Giêng, bỏ qua ngày giỗ Tổ họ Trần chính thống ở thôn Tam Đường, xã Tiến Đức là việc làm tùy tiện, xúc phạm tiên tổ họ Trần cần phải lên án mạnh mẽ.

Chúng ta yêu cầu chủ nhân đền thờ này sớm gỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” gắn trên “Đền nhà Ông”, để tránh gây nhầm lẫn cho nhân dân và con cháu hậu duệ họ Trần cả nước.

                                                                              Trần Quang

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1378015
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ