Trần Phước Bình khảo biên
Theo đó, Trần Thái Tông vua đầu triều nhà Trần về hương Tức Mặc dâng lễ hưởng ở miếu Tổ tiên, thết yến và ban lụa cho bô lão vào năm Kiến Trung thứ 7 (1231), so với vua Lý Thái Tổ đầu triều nhà Lý xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng vào năm Thuận Thiên 1 (1010), thì Trần Thái Tông có phần chậm trễ do buổi đầu triều Trần phải tập trung đánh dẹp bọn giặc nổi lên chiếm cứ nhiều nơi từ trước. Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi đổi châu Cổ Pháp quý hương làm phủ Thiên Đức, thì Trần Thái Tông cải hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường.
Ngoài ra, phủ Long Hưng nơi đặt hành cung Long Hưng và Lỗ Giang cũng được vua Trần Thái Tông đặc biệt quan tâm. Năm Nguyên Phong thứ 7 (1257) tháng 12, bấy giờ quân Nguyên xâm lấn bờ cõi nước ta lần thứ 1, chính sử viết: “… Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách chống giặc … (sau đó) vua hỏi quân Tinh Cương ở đâu ? Nhật Hiệu trả lời: Không gọi được chúng đến”. Hương Tinh Cương nơi táng mộ Thái Tổ Trần Thừa vào năm 1234, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 3 (1234). Mùa xuân tháng giêng ngày 18, Thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi. Mùa thu tháng 8 ngày 28 táng tại hương Tinh Cương, phủ Long Hưng, 3 lăng Chiêu, Dụ, Đức, đều ở hương ấy. Miếu hiệu Huy Tông (nguyên âm Hán: táng Long Hưng phủ Thọ lăng, lăng tại Tinh Cương hương, Chiêu, Dụ, Đức tam lăng đồng …). Thái úy Nhật Hiệu Khâm Thiên đại vương là em vua Trần Thái Tông, được giao trọng trách chỉ huy đội quân Tinh Cương. Điều này như xác nhận hương Tinh Cương còn có ngôi ẩn mộ (tàng mộ) phát đế vương nhà Trần, tức mộ của Mục tổ Hoàng đế Trần Kinh. Hương Tinh Cương xưa thuộc xã Thái Đường, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng, nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. An Nam chí lược của Lê Tắc viết: “Đến nhà Trần nối theo nhà Lý lấy đất ấy đặt thêm 3 phủ nữa là: Long Hưng, Thiên Trường, Trường An”, và giải thích: “Long Hưng phủ tên cũ là Đa Cương hương, tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi đi qua một cái cầu khe, khi qua rồi, ngoảnh lại không thấy cầu nữa. Chẳng bao lâu họ Trần được nước, người ta gọi khe ấy là Long Khê, nên đổi tên Đa Cương làm Long Hưng. Thiên Trường phủ tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát tích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến 1 lần, để tỏ ra là không bỏ quên chỗ phát tích của ông bà, rồi đổi tên làm Thiên Trường phủ, chỗ ấy có nước thủy triều chảy quanh thành, 2 bên bờ mọc đầy cây hoa, khí thơm ngát người, hoa thuyền qua lại giống như cảnh tiên vậy”.
Về ngôi mộ Tổ phát đế vương nhà Trần, gia phả dòng Trần Nguyên Hãn tại Nghệ An hiện còn ít nhất 6 gia phả Hán tự của 6 chi phái viết về ngôi mộ này: “Ngã tộc Trung Hoa, Mân nhân. Thỉ tổ Kinh lai cư Hải Dương, Đông Triều, Yên Sinh, tầm thiên Sơn Nam, Thiên Trường, Tức Mặc hương, ngư nghiệp, nhân cứu đắc Phong thủy sư nạn. Y sư vi Nguyễn Cố hãn địa. Cố bội ước dã luyện đầu giang. Sư báo ân hứa dĩ đế vương cát cục: “Tiền vọng tam kỳ giang, hậu chẩm phục tượng sơn, lâu đài tinh kiếm la liệt, tả hữu thổ lý phúc yêu đái kim, tọa Càn hướng Tốn khóa vân: Đế vương đại địa, nãi xuất bình dương, phấn đại hắc đương cố chiếu, liên hoa đối diện sinh tất dĩ nhan sắc đắc thiên hạ. Chí Trần Lý hựu nữ tư sắc, Lý Huệ Tông nạp vi hậu, thụ Lý Minh Tự, trưởng tử Tự Khánh vi Ảnh Thành hầu, thứ tử Thừa (sinh Cảnh) long chuẩn long nhan, thúc Thủ Độ vi Điện tiền chỉ huy sứ”. Duy chỉ có gia phả chi Diệu Ốc (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) có niên đại muộn hơn do Cử nhân Trần Nguyên Tự phụng thảo thế phổ tiểu dẫn vào năm Bảo Đại thứ 8 (Quý Dậu 1933), xác định ngôi mộ ấy táng tại xã Thái Đường: “Ngã tộc kỳ tiên Trung Hoa, Mân nhân, thiên Sơn Nam (kim Nam Định), Tức Mặc hương… Bắc sư hứa Thái Đường xã đế vương cát địa, khóa vân …” (sách Công dư tiệp ký tiền biên của Vũ Phương Đề (thế kỷ 18) có truyện chép về ngôi mộ này ?)
Thiên Trường và Long Hưng là 2 phủ trọng yếu nơi triều Trần. Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 15 (1246), Thái Tông hoàng đế: “định quy chế các quận. Chọn người khỏe mạnh sung làm quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ thần. Đinh tráng lộ Thiên Trường và Long Hưng sung vào các quân Thiên thuộc, Thiên Cương, Chương thánh và Củng thần; lộ Hồng và lộ Khoái sung quân tả hữu Thánh dực; lộ Trường An và lộ Kiến Xương sung quân Thánh dực, Thần sách. Còn các lộ khác sung vào Cấm nội Cấm vệ”.
Đền Trần tại Thiên Trường được xây dựng lại vào năm 1695 trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần bị quân Minh phá hủy hồi thế kỷ 15, và ở phía đông đền Thiên Trường còn có đền Cố Trạch mà theo bia “Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi ký”, thì lúc tu sửa đền Thiên Trường (đền Thượng) năm Tự Đức thứ 21 (1868), người ta đào thấy ở phía đông đền Thiên Thường một mảnh bia vở có ghi chữ “Hưng Đạo thân vương cố trạch”. Do đó, khi xây đền này vào năm 1894, khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ, tức đến nhà cũ của Hưng Đạo vương (đền Hạ). Đã xác nhận Thái miếu thờ Tổ tiên các vua Trần được dựng sớm nhất tại quý hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường.
Như vậy, hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường đích thực là quý hương, nơi phát tích của các vua Trần. Điều này còn được phản ánh trong những gia phả của các dòng thống tôn nhà Trần còn lưu truyền đến nay như sau:
-Họ Trần xã Điền Trì (nay làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, Nam sách, Hải Dương), từ đường khắc ghi câu đối:
Tổ tông công đức trường lưu đế bá tài bồi tiên Tức Mặc
Tử tôn thừa dực kỳ hậu công hầu dật dự khởi Điền Trì
-Họ Trần Danh thôn Bảo Triện, Bắc Ninh (nay thôn Phương Triện, xã Đại Lai, huyện Gia Bình). Gia phả chép: Thủy tổ là cụ Thuần Đạo thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, sinh vào cuối thế kỷ 15 ở hương Tức Mặc, xã Lộc Vượng, phủ Thiên Trường. Và câu đối:
Định Mỗ chi sơn tán loạn giới thủy khả an
Bảo Triện chi mạch huyền vi cùng sơn tắc các
-Họ Đặng gốc Trần ở thôn Ỷ La, xã Dương Nội, huyện Hoài Đức, Hà Tây, viễn tổ họ Trần Tức Mặc, với câu đối:
Lũy thế Đông A truyền cựu đức
Danh tồn Nam sử áp thanh hương
-Tại Quảng Nam, họ Trần làng Thanh Châu thuộc dòng dõi chính phái. Vào năm 1955, nhân tộc Trần tu sửa phần mộ Tổ tại xứ Đồng Soi, thì được cụ thân hào cùng làng là Cửu Tung họ Phan họa câu đối xác nhận như sau:
Thiên Trường bến cũ sau nhà Lý
Thanh vức bờ nay trước cửa Lê
Về địa danh Hải Ấp, năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (1209), ĐVSKTT viết: “Hoàng thái tử (Sảm) đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc bèn lấy làm vợ… Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước Minh Tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”. Năm ấy Hoàng tử Sảm gặp bà Trần Thị Dung tại nhà ngoại họ Tô ở thôn Lưu Gia, Hải Ấp. Điều này được lý giải bởi Tô Trung Từ là cậu của bà Dung được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ liền sau đó. (Hải Ấp nay xã Lưu Xá huyện Hưng Hà, Thái Bình).
Chính sử viết về phủ Long Hưng nơi triều Trần là vậy, nhưng sách Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam do 2 ông Trần Văn Sáu và Trần Đại Thanh biên soạn, Nghệ nhân Trần Văn Sen viết lời mở đầu, lại có nhiều khác biệt. Sách nhân danh Hội khoa học lịch sử Việt Nam, không xác định năm ấn hành, Lời mở đầu có những đoạn viết: “… sau 28 năm Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Thủ Huy (sắc phong là Trần Hoàng Nghị Đại Vương) / Long Hưng chính là nguyên gốc nơi phát tích sáng nghiệp đế vương và là tước hiệu vững chắc của cơ nghiệp nhà Trần …./ Vùng địa linh Long Hưng nơi sinh thành của cụ Trần Thủ Huy, sau khi qua đời được nhà vua ban sắc phong “Hoằng Nghị Đại vương Thượng đẳng Phúc thần”, nhân dân trong vùng tri ân lập đền phụng thờ tại thôn Ứng Mão, phủ Long Hưng thời Lý Trần / Hoằng Nghị đại vương là thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ”. Trang 20 viết: “Đức Hoằng Nghị đại vương Thượng đẳng phúc thần, thân phụ của Trần An Quốc đại vương, Trần An Hạ đại vương, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. Cụ Hoằng Nghị đại vương người cao lớn, sức vóc cường tráng, văn võ song toàn, tài cao, đức trọng. Khoảng năm 1138-1375, cụ chuyển lên Bến Trấn (nay thuộc thôn Phương La, Xuân La, Trác Dương, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Cụ có bốn phu nhân là Đức bà Tô Thị nàng, Đức bà Hoàng Đức Mây, Đức bà Quế Huê Nàng, Đức bà Dong Huê Nàng. Cả 4 phu nhân như 4 nàng tiên xuống giúp cụ lo toan giải quyết thấu đáo mọi lĩnh vực nông – công – thương nghiệp, gia phong nề nếp … Cụ Hoằng Nghị tổ chức dạy võ cho nhân dân … Khi đã hội đủ các yếu tố cần thiết cụ quyết định thành lập đội quân dân binh hùng mạnh lấy tên là quân Tinh Cương, liên kết với khu Bến Trấn với khu Hải ấp của anh ruột là Trần Lý, sau này đã giúp triều Lý dẹp giặc …”.
Những điều được các tác giả ghi chép không rõ xuất xứ từ đâu ? Chính sử không thấy chép và cũng không có gia phả nào được trích dẫn. Ấy vậy mà sách viết như thật. Các địa danh thôn Ứng Mão nay Phương La, Bến Trấn không thấy chính sử một lần nhắc tên, kể cả quốc sử của triều Nguyễn sau này, thì nay cùng với nhân vật “Hoằng Nghị đại vương” được mô tả như là kỳ tích khai mở vương triều Trần. Đội quân Tinh Cương do Khâm Thiên đại vương Thái úy Nhật Hiệu em vua Thái Tông chỉ huy, nhằm bảo vệ các lăng mộ Tổ tiên nhà Trần nơi hương Tinh Cương, không hề có tên Hoằng Nghị đại vương Trần Thủ Huy. Chính sử viết: “Thiệu Long năm thứ 7 (1264) tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ chết (thọ 71 tuổi) truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương …. Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng …”; “Năm 1223 tháng 12, Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc đại vương …”, thì nay Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ có đến 2 anh trai là Trần An Quốc đại vương, Trần An Hạ đại vương, và cha là Hoằng Nghị đại vương chỉ huy đội quân dân Tinh Cương với bốn phu nhân là mẹ sinh, mẹ lớn, mẹ thứ của Trần Thủ Độ ? Sách Phật hoàng Nhân Tông và gia phả hoàng tộc do Trần Ích Tắc (quy phụ nhà Nguyên) soạn, chép thân phụ của Thủ Độ là cụ Trần Thủ Huy … nhưng không nói tước hiệu Hoằng Nghị đại vương và 4 bà phu nhân … Vậy các cụ đã căn cứ vào đâu để kết nối Trần Thủ Huy là Hoằng Nghị đại vương ?
Ở thế kỷ 10, họ Trần có Hùng trưởng Trần Lãm xưng là Trần Minh công chiếm cứ Bố Hải Khẩu (vùng đất thị xã Thái Bình ngày nay) là 1 trong 12 sứ quân. Đinh Bộ Lĩnh cũng là một sứ quân nghe tiếng Trần Minh công là người có đức mà không có con nuôi, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa… Sau Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, Trần Minh công là cha nuôi của Đinh Tiên Hoàng, có thế đại cao và được chính sử ghi chép, hay thế kỷ 11 có Mục tổ Hoàng đế Trần Kinh là cố của Thái tổ hoàng đế Trần Thừa … đều rất xứng đáng được tôn vinh là Đức Tổ họ Trần Việt Nam lại không thấy Đền Nhà Ông nhắc đến. Trang 70, sách này chép: “Chúc văn dâng hương Đức Trần Hoằng Nghị đại vương. Chủ tế Trần Văn Sen hậu duệ Đức Trần Hoằng Nghị đại vương”. Qua nội dung Chúc văn và tượng Hoằng Nghị đại vương cao lớn được đặt tại gian giữa của đền, thì đây đích thực là Đền thờ Tổ chi họ Trần làng Ứng Mão, không thể nói là Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam. Theo bài chúc văn thì đền thờ 21 vị gồm một số là hoàng đế, thân vương nhà Trần, và công thần, được sắp xếp một cách tùy tiện, phản cảm.
Các tác giả nhân danh Hội khoa học lịch sử Việt Nam có lẽ chưa một lần đọc các bài tựa của các sử gia tiền bối nơi Đại Việt sử ký toàn thư, nên đã làm điều rất tệ hại là kết nối Trần Thủ Huy thân phụ của Trần Thủ Độ với Hoằng Nghị đại vương nào đó nơi Đền Nhà Ông, mà không hề có căn cứ khoa học lịch sử. Gia phả chi họ Trần làng Ứng Mão nếu có Hán tự Trần Thủ Huy, Trần Thủ Độ cách nay trên 25 đời liên tục thì không có lý do gì phải giấu kín ? Họ Trần làng Trà Lũ (xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), tác giả của Trà Lũ xã chí có đoạn viết: “Thời Lê và Tây Sơn các bách thần có sự tích đều được phong đại vương”, điều này khiến chúng ta thận trọng hơn trong khảo cứu các tước Đại vương, thường là tước của các thân vương, của các công thần đặc biệt, và của thiên thần linh ứng.
Quốc sử là báu vật quốc gia, là niềm tự hào của cả dân tộc. Do đó, đề nghị Nhà nước và Chính phủ chỉ đạo Viện sử học, đồng thời mời các học giả, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà gia phả học trong cả nước cùng tham gia phản biện làm rõ sai trái và trách nhiệm của sách “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” và ngôi Đền Nhà Ông ở thôn Phương La, nhằm bảo vệ sự trong sáng và giá trị cao cả của nền sử học nước nhà.
Tháng 6/2019
* Những Tài liệu, Sách, Ấn phẩm Hán Nôm cần thu thập:
- Gia phả hoàng tộc nhà Trần do Trần Ích Tắc biên soạn ở Trung Quốc.
- Sách Phật hoàng Trần Nhân Tông (bàn gốc)
- Trần triều thế phổ hành trạng (A 663, tại Viện Hán nôm) do Trần triều Bình chương Quốc sư và Tư đồ Trần Nguyên Đán chắp bút.
- Trần thế gia tộc ký tự (A2046, tại Viện Hán nôm)
- Gia phả Hán tự của các dòng thống tôn họ Trần.
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 152 |
Tổng truy cập: 1378017 |