TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI
Tôi biết tiếng nhà văn Hoàng Quốc Hải từ rất lâu qua các tác phẩm văn học lịch sử, trong đó phải kể đến 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”. Khi được hỏi về nhân vật lịch sử Trần Hoằng Nghị, ông cho biết: “Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử trong nước và nước ngoài, cũng đi điền dã ở rất nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả tỉnh Thái Bình nhưng chưa hề tìm thấy bất cứ tài liệu văn bản học nào từ trước năm 1945, kể cả các chứng cứ khảo cổ học, thần tích, sắc phong, thần phả nào của các triều đình phong kiến từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… nhắc tới nhân vật có tên là Trần Hoằng Nghị".

 

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

                                                       Trần Nguyên Trung

Tôi biết tiếng nhà văn Hoàng Quốc Hải từ rất lâu qua các tác phẩm văn học lịch sử, trong đó phải kể đến 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”, được coi là 2 tác phẩm kinh điển viết về hai triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam. Những lúc được ngồi tiếp chuyện ông, tôi như bị cuốn hút bởi trí tuệ siêu đẳng và kiến thức sâu rộng, phong phú về văn hóa lịch sử của ông. Nhà văn có một năng khiếu đặc biệt, thường phát biểu trực tiếp không cần văn bản, tùy theo từng chủ đề, ông có thể diễn thuyết hàng giờ liền nhưng vẫn chặt chẽ, khúc chiết, hấp dẫn.

Trao đổi với tôi về vương triều Trần, ông khẳng định đây là một trong những vương triều lừng lẫy nhất trong lịch sử nước nhà với 3 lần chiến thắng giặc Nguyên-Mông, một thế lực hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ thứ XIII, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi. Ông cũng nhắc đến một nhân vật có công lao rất lớn gây dựng vương triều Trần, đó là Trần Thủ Độ. Nhà văn đặt câu hỏi: Trần Thủ Độ có bố không? Theo quy luật sinh học, đương nhiên là có. Không thể không có bố. Nhưng bố của Trần Thủ Độ là ai thì không thấy sách nào chép. Bản thân ông cũng đã từng bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để tìm tòi, nghiên cứu về gia đình Trần Thủ Độ nhưng vẫn chưa thể tìm ra. Ông phân tích thêm, năm 1272, Lê Văn Hưu dâng Đại Việt sử ký, chép từ nhà Triệu cho đến Lý Chiêu Hoàng. Trong khi đó, nhà Trần chấp chính từ năm 1210, tính từ khi Hoàng Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp cho đến khi Lý Chiêu Hoàng mất ngôi là 15 năm. Trong 15 năm ấy, các nhân vật nhà Trần nằm trong hai triều vua Lý (gồm Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng). Vậy tại sao Lê Văn Hưu không chép về bố Trần Thủ Độ? Đó là một câu hỏi không có lời giải. Nhà văn lập luận: Lê Văn Hưu có biết bố Trần Thủ Độ là ai không? Chắc chắn là biết, vì Trần Thủ Độ là nhân vật số 1 của triều đại nhà Trần, Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn năm 1247, khi đó ông 18 tuổi. Khi chép sử các giai đoạn về trước, sử gia phải lần hồi tìm kiếm mà chép chứ. Chắc chắn ở đây có điều gì uẩn khúc nên ông không dám chép hoặc không được phép chép. Nhà văn cũng nhắc lại trường hợp vua Lý Công Uẩn cũng không có bố vì không thấy sách nào chép rõ ràng. Chỉ thấy phần đầu sử chép, bà mẹ Lý Công Uẩn đi cắt cỏ ở phía sau chùa Tiêu, gặp người thần giao cấu rồi sinh ra ông. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ngay lập tức phong cho cha mình là Hiển Khánh Vương. (Hiện nay ở chùa Tiêu vẫn còn tấm bia đá “Lý gia linh thạch” ghi lại tích ấy. Liệu bố của Trần Thủ Độ có giống như trường hợp của Lý Công Uẩn hay không cho đến nay, không thấy chính sử ghi chép lại.Vì thế, chúng ta phải chấp nhận những gì lịch sử để lại. Sự giải mã đối với trường hợp này là không thể và cũng không cần thiết. Nhà văn cho rằng, việc lôi ra một thiên thần rồi cho biến thành nhân thần để gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ thì thật là tai hại, bởi nó sẽ làm rối loạn nhận thức đương thời.

Tôi bỗng nhớ lại, tại hội nghị do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức (ngày 29.3.2019) với chủ đề “Tăng cường  giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình” cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhà văn Hoàng Quốc Hải là khách mời nói chuyện chuyên đề về “Nguyên nhân khiến nhà Trần chiến thắng giặc Nguyên- Mông”. Tiếp đó, ông đã trực tiếp trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến nhà Trần, đến nhân vật Trần Hoằng Nghị (đang được thờ tại đền nhà Ông ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà): Có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị ở thời Lý- Trần? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ?... Ngay lập tức, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã trả lời thẳng vào vấn đề nóng đang được mọi người hết sức quan tâm. Ông cho biết: Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu lịch sử trong nước và nước ngoài, đồng thời, tôi cũng đi điền dã ở rất nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có cả tỉnh Thái Bình nhưng chưa hề tìm thấy bất cứ tài liệu văn bản học nào từ trước năm 1945, kể cả các chứng cứ khảo cổ học, thần tích, sắc phong, thần phả nào của các triều đình phong kiến từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… nhắc tới nhân vật có tên là Trần Hoằng Nghị”. Nhà văn cho rằng, việc chỉ dựa vào tư liệu điền dã của một số người ghi lại qua truyền khẩu của con cháu họ Trần sinh sống ở làng Mẹo (thôn Phương La, xã Thái Phương ngày nay) để đưa ra kết luận ông tổ họ Trần là Trần Hoằng Nghị; hoặc có nhân vật Trần Hoằng Nghị ở thời Lý-Trần; Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là thiếu căn cứ khoa học. Nhà văn nhấn mạnh, hoàn toàn không có chuyện tồn tại nhân vật Trần Hoằng Nghị ở thời Lý-Trần; việc cho rằng ông ta là bố của Thái sư Trần Thủ Độ là không đúng, vì chưa có đầy đủ các tài liệu khoa học chính xác để chứng minh cho luận điểm này. Ông cũng bày tỏ thái độ không đồng tình về việc nhân vật Trần Hoằng Nghị nhảy vào chính sử trong bộ sử mới in lại nhiều tập. Ông nói: Việc làm phản khoa học đó khó có thể chấp nhận”…;  sự giả dối chỉ có thể đánh lừa được một số người nhưng không thể đánh lừa được cả một dân tộc”.

Khi tôi hỏi về việc tác giả tập 3 của bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (xuất bản năm 2018) tự ý đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào chính sử, nhà văn thẳng thắn: Trong lịch sử xưa nay, không có nhà viết sử nào dám làm việc liều lĩnh và táo tợn như PGS-TS Nguyễn Minh Tường”. Cám ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải đã có lời chia sẻ sâu sắc và đầy tâm huyết.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 152
Tổng truy cập: 1378013
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ