HAI CUỐN SÁCH VIẾT VỀ TRẦN NGUYÊN HÃN CÓ NHIỀU SAI SÓT | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
HAI CUỐN SÁCH VIẾT VỀ TRẦN NGUYÊN HÃN CÓ NHIỀU SAI SÓT
Hiện nay có một số cuốn sách lịch sử viết về Đức Tổ Trần Nguyên Hãn chưa đúng tầm, còn nhiều lỗi và sai sót về nhận thức, sử dụng tư liệu lịch sử không chuẩn xác. Trong đó, 2 cuốn sách: Người con Trang Sơn Đông của nhà văn Nguyễn Anh Đào và cuốn sách Thân thế, sự nghiệp Trần Nguyên Hãn của Lê Kim Thuyên (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) rất đáng bàn, nhiều chi tiết phi lịch sử có tính võ đoán mang tính chất chủ quan của tác giả nên không đủ sức thuyết phục.

 

HAI CUỐN SÁCH VIẾT VỀ TRẦN NGUYÊN HÃN

CÓ NHIỀU SAI SÓT

 

                                                                    Trần Nguyên Trung

Ngày 19.3.1999, trong chuyến thăm và dâng hương tại đền Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Trần Nguyên Hãn không chỉ là một vị tướng kiệt xuất trong chiến thắng chống quân Minh xâm lược ở thế kỷ XV mà ông còn là một Anh hùng dân tộc”. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nguyên Hãn mãi mãi chói sáng trong trang sử oai hùng của dân tộc. Hiện nay, có rất nhiều tài liệu viết về ông dưới nhiều thể loại: tham luận, sử ký, thơ ca, tiểu thuyết lịch sử, v.v. Thời gian qua, tôi đã sưu tầm và tham khảo rất nhiều tài liệu lịch sử các triều đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đọc nhiều bài viết của các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử viết về Trần Nguyên Hãn, mặc dù còn có những nhận định, đánh giá ở các khía cạnh, góc độ khác nhau, còn có điểm chưa đồng nhất, nhưng đều khẳng định Trần Nguyên Hãn là một vị tướng tài của nghĩa quân Lam Sơn, có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh, lập nên triều đại nhà Lê. Tuy nhiên, hiện nay có một số cuốn sách lịch sử viết về Đức Tổ chưa đúng tầm, còn nhiều lỗi và sai sót về nhận thức, sử dụng tư liệu lịch sử không chuẩn xác. Trong đó, 2 cuốn sách: Người con Trang Sơn Đông của nhà văn Nguyễn Anh Đào và cuốn sách Thân thế, sự nghiệp Trần Nguyên Hãn của Lê Kim Thuyên (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) rất đáng bàn.

Trong cuốn sách của Nguyễn Anh Đào nêu rất nhiều chi tiết phi lịch sử khi cho rằng, sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi, âm mưu hãm hại tôn tộc nhà Trần, để bảo toàn gia tộc, Trần Nguyên Đán đành phải hạ mình, gửi con trai mình là Trần Nguyên Mộng cho Quý Ly như một thứ con tin rồi xin cầu hôn với con gái riêng của Quý Ly để được phong chức Đông cung Phán thủ. Tác giả còn lý giải, nhờ đó mà gia đình Trần Nguyên Đán vượt qua được hoạn nạn, giữ được giống nòi kế thế mai sau. Có lẽ, đây chẳng qua chỉ là sự võ đoán mang tính chất chủ quan của tác giả nên không đủ sức thuyết phục. Thực tế, Hồ Quý Ly vốn là quan nhà Trần, được vua Trần Nghệ Tông rất tin tưởng trọng dụng, thậm chí còn đem em gái gả cho Hồ Quý Ly làm vợ. Việc Quan Tư đồ Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán mang con trai mình là Mộng Dữ gửi gắm Hồ Quý Ly với mục đích nhờ rèn giũa binh pháp để có thể tham gia trận mạc đánh quân Chiêm Thành giúp nhà Trần. Hồ Quý Ly thấy tướng mạo Mộng Dữ khôi ngô, tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn bèn gả con gái riêng là công chúa Hoàng Trung cho Mộng Dữ. Hai bên trở thành kết nối thông gia, có phần gắn bó hơn. Hoàn toàn không phải như tác giả tưởng tượng: “Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán đành phải hạ mình gửi con trai mình là Trần Nguyên Mộng như một thứ con tin rồi xin kết hôn với con gái Hồ Quý Ly để mong giữ được nòi giống”. Cuốn sách cũng không đề cập đến việc chạy nạn lên Sơn Đông của hai vợ chồng Trần Án – thân sinh Đức Tổ Trần Nguyên Hãn, thậm chí còn viết nhầm lẫn họ của Tổ Mẫu là Đặng Thị Hoàn. Theo cách phân tích diễn giải của tác giả thì hai vợ chồng cụ Trần Án lên Sơn Đông là để khai hoang lập ấp, kiếm kế sinh nhai, chứ không phải đi lánh nạn. Tác giả còn hư cấu một cách thái quá, không phù hợp với lịch sử, khi nói rằng hai vợ chồng Trần Án lên Sơn Đông 3 năm chưa có con. Một buổi tối, bà Hoàn đi tắm sông, được một tiên đồng giáng thế, sau đó mang thai, sinh ra Trần Nguyên Hãn. Chưa hết, tác giả còn tự ghép mối quan hệ giữa Trần Nguyên Hãn với Nguyễn Trãi là quan hệ chú cháu chứ không phải con cô, con cậu… Rõ ràng, với việc sử dụng thủ pháp hư cấu chủ quan mang tĩnh võ đoán của tác giả đã làm cho cuốn tiểu thuyết lịch sử bị méo mó, không có giá trị thông tin, cũng như ý nghĩa về mặt lịch sử.

Ging như cuốn sách Người con Trang Sơn Đông, cuốn sách Thân thế, sự nghiệp Trần Nguyên Hãn của nhà sử học Lê Kim Thuyên (Sở Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch tỉnh Vĩnh Phúc) cũng mắc nhiều sai sót do cách áp đặt và suy luận chủ quan của tác giả.

Được biết, cuốn sách sau khi xuất bản đã bị chính người dân ở ngay trên địa bàn phản đối vì một số thông tin không chính xác. Ngay ở phần đầu cuốn sách, tác giả dựng lên một câu chuyện truyền thuyết ở làng Quan Tử, xã Sơn Đông: “Vào cuối đời Trần, ở ấp Đông Sơn bỗng dưng xuất hiện một cặp vợ chồng trẻ lên trú ngụ, hai người tìm đến khu đất xưa còn là rừng rậm, vốn là mảnh đất cuối cùng của làng Phan Lãng để khai phá, lập trại và lấy tên là “Sơn Đông địa đầu” (nay là thôn Đa Cai). Khi tham gia nghĩa quân Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn khai là người xã Sơn Đông nên khu đất này thuộc về Sơn Đông từ đó và được ghi vào chính sử”. Người dân ở thôn Quan Tử khẳng định chưa hề được nghe truyền thuyết này. Chỗ đất này từ xa xưa đã có tên là Sơn Đông địa đầu, chứ không phải do gia đình ông Hãn đặt lên. Đền thờ Tả tướng quốc hiện nay chính là nhà ở xưa kia của gia đình cụ Trần Nguyên Hãn.

Tác giả còn dựng lên câu chuyện Trần Nguyên Hãn nhặt được lưỡi gươm thần khi cày cuốc ở khu đất gò Rạch, cạnh nhà. Về sau trong lúc đi bán dầu nhặt tiếp được chuôi gươm do một người hàng chài vớt được từ dưới sông lên, thanh gươm hoàn chỉnh, có công hiệu. Khi vào đến Lam Sơn, ông dâng vua Lê Lợi. Điều này hoàn toàn không chính xác. Thanh kiếm gia bảo do bà Lê Thị Hoàn cất giữ từ lâu, khi thấy con trai khôn lớn, bà đã trao lại cho con và dặn dò con phải giữ lấy nó và làm rạng danh cho tổ tông.

Tương tự Nguyễn Anh Đào, Lê Kim Thuyên không hề đề cập vợ chồng Trần Án lên Sơn Đông để lánh nạn rồi hư cấu nên câu chuyện Trần Nguyên Hãn ra đời trên đất Sơn Đông mang màu sắc huyền bí, được tiên đồng đầu thai là không có cơ sở. Thực tế khi hai vợ chồng cụ Trần Án chạy nạn lên Sơn Đông, bà Hoàn đã có mang 3 tháng, không phải hai người từ dưới xuôi lên Sơn Đông nhằm mục đích để khai hoang, lập ấp như tác giả viết trong cuốn sách.

Tác giá Lê Kim Thuyên dựa vào một số tài liệu không chính thống đưa ra một số giả thuyết cho rằng: Trần Nguyên Hãn không sinh ra ở Sơn Đông và chỉ là người ngụ cư, đồng thời khẳng định ông Trần Án (thân sinh Trần Nguyên Hãn) là ông Trần Thuận Đức đổi tên. Trong các tài liệu lịch sử chính thống mà chúng tôi tìm được không hề nói đến các thông tin này, ngay cả con cháu ở làng Nhị Khê cũng phủ nhận ông Thuận Đức là ông Trần Án đổi tên. Có thể nói, cuốn sách của Lê Kim Thuyên viết về Trần Nguyên Hãn, ở hầu hết các chương mục đều có sai sót cần phải được chỉnh lý, sửa chữa nghiêm túc, tránh chủ quan, võ đoán gây ra dị nghị, băn khoăn đối với độc giả.

Điều đáng lưu ý ở đây là, cả hai tác phẩm viết về Trần Nguyên Hãn của tác giả Nguyễn Anh Đào và Lê Kim Thuyên được viết theo hai thể loại khác nhau, nhưng nội dung tác phẩm, chúng tôi thấy có rất nhiều nét tương đồng và gợi lên những suy nghĩ: có thể giữa hai tác giá cỏ mối liên hệ với nhau chăng, hoặc sử dụng tư liệu của nhau để cho ra đời những tác phẩm không có giá trị về mặt lịch sử, vì các tư liệu đưa ra mang tính chất võ đoán, chủ quan, cùng với cách suy luận thiếu chặt chẽ, khoa học, không có sức thuyết phục. Vì thế, cả hai cuốn sách này không đáng để mất thời gian đọc vì không có giá trị văn hóa và lịch sử. Người dân nói chung và con cháu dòng họ Trần nói riêng không nên sử dụng nó là tài liệu tuyên truyền trong xã hội và trong dòng họ.

Nhân đây xin nói thêm, cuốn sách của Lê Kim Thuyên sau khi được xuất bản, Ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam, trực tiếp là Thiếu tướng, Phó Giáo sư Đào Trần Quang Cát đã có văn bản đề nghị Sở Văn Hóa – Thể Thao và Du Lịch tỉnh Vĩnh Phúc không cho lưu hành rộng rãi trong dịp Nhà nước chuẩn bị cho lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ tại đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn ở Sơn Đông năm 2013 và đã được chính quyền chấp thuận. Qua đó để thấy rằng, chất lượng của tác phẩm còn có vấn đề, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng trong cả nước.

                                                                                                  TNT

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1276028
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ