NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ QUA NHỮNG CUỘC HỘI THẢO, TỌA ĐÀM KHOA HỌC.
Đọc cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La” (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) do ông Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội KHLS VN, đại biểu QH) và PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Hội KHLS VN) biên tập, xuất bản mà trái tim tôi quặn thắt bởi nội dung cuốn sách xuyên tạc một cách trắng trợn lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần. Cũng khởi nguồn từ cuốn sách này cùng với một số tư liệu điền dã của một tác giả ở Thái Bình, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã chế tác “thần sấm” trở thành nhân thần, gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ- một danh nhân lịch sử của vương triều Trần (thế kỷ thứ XIII), tiếp đó, tác giả tự ý đưa vào chính sử (Lịch sử VN phổ thông) để phổ cập trong nhân dân và giáo dục trong các nhà trường. Đây quả là một điều rất hiếm xảy ra trong lịch sử VN, bởi thủ phạm gây ra việc ngụy tạo lịch sử không ai khác lại chính là những người làm sử.
Đã có không ít nhà nghiên cứu văn hóa- lịch sử, các nhà văn, nhà báo có tên tuổi, kể cả đông đảo con cháu hậu duệ họ Trần đã lên tiếng phê phán việc làm phi lịch sử, phi nhân tính của nhóm sử gia này, thậm chí còn gán cho họ những cụm từ cũng không mấy hay ho mà đến muôn đời sau không dễ gì gột rửa sạch: “sử nô, sử tặc” nghe mà thấy đau đớn, não lòng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hội Nhà văn VN), một cây bút chuyên viết về lịch sử hai triều đại Lý- Trần cũng đã phải thốt lên: “Sự nhầm lẫn lịch sử mang tính ngộ nhận này rất nguy hiểm. Ấy thế mà cho đến nay vẫn không có ai đứng ra nhận lỗi, không một học giả hoặc cơ quan chuyên trách nào đứng ra phủ chính. Sự coi thường công chúng và khinh nhờn lịch sử dân tộc tưởng đến thế là cùng”…“Sự giả dối chỉ có thể đánh lừa được một số người nhưng không thể đánh lừa được cả một dân tộc”.
Khi nói về tác giả tập 3 cuốn sách Lịch sử VN phổ thông do ông Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét: “Trong lịch sử xưa nay, không có nhà viết sử nào dám làm việc liều lĩnh và táo tợn như PGS-TS Nguyễn Minh Tường”.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Ân (Viện Sử học) nhận xét: “Các bộ chính sử của VN và các tài liệu khác viết về thời Trần mà tôi đã đọc không thấy nói về người thân sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ. Vậy mà một số nhà sử học lại nói Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Làm công việc nghiên cứu cần phải nghiêm túc, phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, chính xác… tuyệt đối không được viết bậy trong chính sử”. “Quốc sử quán mà còn viết bậy như thế thì người dân biết tin vào đâu”.
Vẫn còn hàng trăm ý kiến bàn luận xung quanh nhân vật Trần Hoằng Nghị nhưng chúng tôi không thể trích dẫn hết trong bài viết nhỏ này. Điều đáng lưu ý ở đây là, nhân vật Trần Hoằng Nghị cũng đã được đưa ra mổ xẻ tại các cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một kết luận khoa học nào khẳng định đây là một nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Tại cuộc hội thảo khoa học do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội KHLSVN tổ chức ngày 9.1.2007 tại Hà Nội với sự tham gia của rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nhưng không thể tìm được tiếng nói chung về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Trong số 33 bài tham luận (được đăng trong sách kỷ yếu) chỉ có 5 bài nói về Trần Hoằng Nghị (chiếm 1/6). Tất cả những bài phản biện trái chiều đều bị gạt bỏ. Tại cuộc hội thảo, có rất nhiều bài viết phản biện đưa ra các luận cứ khoa học để khẳng định không có Trần Hoằng Nghị trong lịch sử VN; Trần Hoằng Nghị không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Chính vì thế, để tránh đổ vỡ cho cuộc hội thảo, GS Vũ Khiêu buộc phải dùng 2 chữ “tồn nghi” cho nhân vật không rõ tông tích, xuất xứ này: “Thân phụ của Thống quốc Thái sư- Trung vũ Đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa đủ căn cứ khoa học để khẳng định có hay không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử VN. Thế nhưng, Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Tường vẫn phớt lờ, cố tình lèo lái để đạt được mục đích riêng của mình, bằng cách biến tấu rằng: “Trong khi chưa có tài liệu xác đáng, chúng ta cứ tạm thời chấp nhận Trần Hoằng Nghị là tồn nghi, là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ” (?).
Thực là nực cười, chính nhóm sử gia này là những người tiếp nối “công trình nghiên cứu” của cụ Dương Quảng Châu về nhân vật Trần Hoằng Nghị, nhẽ ra họ phải cung cấp đủ tư liệu, luận cứ khoa học đáng tin cậy để thuyết phục mọi người ngay tại hội thảo mới đúng. Nhưng họ lại không làm được điều đó, khiến nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục đích của cuộc hội thảo và về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Nhiều người không đồng tình với quan điểm phi khoa học “tạm thời chấp nhận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”. Ông Nguyễn Thanh, nguyên GĐ Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở VH-TT-DL) tỉnh Thái Bình đã đứng dậy bày tỏ thái độ không đồng tình với nội dung kết luận chung chung, không mang tính khoa học này. Ông phát biểu hết sức dí dỏm nhưng hàm ý mỉa mai rằng: “Các bác nên kết luận rõ chứ người Thái Bình chúng em rất cụ thể. Có thể ông Nguyễn Thanh tạm thời làm GĐ Sở VH-TT chứ không thể có ông thần thờ tạm được”. Ngay sau cuộc hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử chia sẻ với phóng viên rằng: ông Dương Trung Quốc và Nguyễn Minh Tường muốn lôi kéo mọi người ủng hộ nhận định có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử VN; chấp nhận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, nhưng đa số đại biểu không nhất trí vì không đủ cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Tóm lại, hội thảo không giải quyết được vấn đề gì liên quan đến thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Ấy vậy mà, ngay sau hội thảo, 2 vị sử gia này đã lặng lẽ biên tập và cho ra lò cuốn sách “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn – tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La” (Thái Phương – Hưng Hà – Thái Bình) nhằm tạo “tiếng vang” và cũng là một thứ “bảo bối” để lòe bịp thiên hạ. Cho đến nay, cuốn sách đã có 3 lần in và tái bản với số lượng lớn. NXB Thế giới in lần đầu năm 2007, tiếp tục tái bản năm 2015; NXB Văn hóa Thông tin in năm 2010. Năm 2018, Nguyễn Minh Tường được Viện Sử học giao làm chủ biên tập 3 của bộ sách Lịch sử VN phổ thông đã tự ý đưa vào chính sử nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ và đã bị dư luận xã hội cũng như con cháu hậu duệ họ Trần kịch liệt phản đối. Đây cũng là cái cớ để ông chủ hãng bia Đại Việt trưng cái biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần VN” ngay trên “Đền nhà Ông” để đánh lừa du khách thập phương và con cháu họ Trần.
Khác với cuộc hội thảo năm 2007, cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Sự thật về nhân vật Trần Hoằng Nghị” do Hội đồng họ Trần VN phối hợp với GS-TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN tổ chức tại Hà Nội ngày 26.8.2019 đã làm sáng tỏ 2 nội dung chính, đó là, Trần Hoằng Nghị có phải là một nhân vật lịch sử? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ không? Cuộc tọa đàm khoa học đã thu hút hơn 100 nhà nghiên cứu lịch sử thuộc Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXHVN), Hội KHLSVN, Viện Hán Nôm, Khoa Sử, Trường ĐHQG, Trường ĐH Thủ đô, các nhà văn chuyên viết về lịch sử, gần 40 cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cùng đại diện con cháu hậu duệ họ Trần đã về dự. Có hơn 20 bản tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm với các chủ đề rất tập trung, phân tích trên cơ sở các luận cứ khoa học. Điều đáng lưu ý ở đây là, không có một bản tham luận hay ý kiến nào đưa ra các nhận định ủng hộ có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong LSVN.
Kết thúc tọa đàm khoa học, GS-TS Vũ Minh Giang kết luận:
Việc đưa nhân vật được gia tộc thờ phụng vào hàng các nhân vật lịch sử, nhất là gắn với nhân vật có ảnh hưởng lớn đến dòng họ và lịch sử dân tộc đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ. Quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, không có căn cứ khoa học nào cho việc thừa nhận Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghị là một nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
GS-TS Vũ Minh Giang yêu cầu:
1- Không truyền bá dưới mọi hình thức những ý kiến cho rằng, Trần Hoằng Nghị là một nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ;
2- Thực hiện nghiêm túc văn bản số 802/CXBIPH-QLXB ngày 24-9-2018 của Bộ TT-TT về việc dừng phát hành bộ sách LSVNPT để chỉnh lý, sửa chữa, hoàn thiện trước khi phát hành và văn bản số 187/VSH ngày 12-10-2018 của Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXHVN) về việc loại bỏ nhân vật Trần Hoằng Nghị ra khỏi bộ sách LSVNPT trong kỳ tái bản này và cắt bỏ câu: Trần thủ Độ quê ở Bến Trấn, huyện Ngự thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vì đây là những thông tin không chính xác. Với những sách đã phát hành, đề nghị NXB có đính chính gửi tới các nơi đã phát hành hoặc thông báo online.
3- Thực hiện nghiêm túc công văn số 1854/UBND-TCD ngày 13-5-2019 của UBND tỉnh Thái Bình xác định rõ: “Đền nhà ông” thờ Trần Hoằng Nghị ở thôn Phương La chỉ là cơ sở thờ tự của chi nhánh họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà không phải là di tích lịch sử đã được xếp hạng. Vì vậy yêu cầu chính quyền địa phương và Sở VH-TT&DL tỉnh Thái Bình vận động chủ ngôi đền thờ ở thôn Phương La tự dỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần VN” gắn trên “Đền nhà ông” để tránh gây nhầm lẫn cho du khách thập phương và con cháu họ Trần.
PHẦN BÌNH LUẬN: Như vậy là đã rõ, cả 2 cuộc hội thảo và tọa đàm khoa học mang tầm cỡ quốc gia đều không thừa nhận Trần Hoằng Nghị là nhân vật lịch sử và cũng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Hà cớ gì mà ông nghị Dương Trung Quốc lại hậu thuẫn, tiếp tay cho PGS-TS Nguyễn Minh Tường ngụy tạo, xuyên tạc lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần? Đề nghị Hội đồng họ Trần VN cần phải kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đưa những tên “sử nô, sử tặc” ra ánh sáng pháp luật ngang với tội danh phản quốc.
TRẦN LÊ
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 152 |
Tổng truy cập: 1380772 |