Ý KIẾN BÌNH LUẬN VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ
BBT: Kể từ sau khi một nhóm nhà sử học gồm Dương Quảng Châu (Thái Bình), Dương Trung Quốc và PGS-TS Nguyễn Minh Tường (Hội KHLSVN) “sáng tạo” nhân vật Trần Hoằng Nghị rồi gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, tự ý đưa vào chính sử, ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng, phê phán mạnh mẽ, quyết liệt của dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được hàng trăm ý kiến, bình luận của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo và con cháu hậu duệ họ Trần trong cả nước xung quanh vấn đề này. Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trích dẫn một số ý kiến bàn luận trên nhiều khía cạnh để bạn đọc tham khảo và có cái nhìn rõ nét hơn về việc làm khuất tất không phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
1- Nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hội Nhà văn VN) – tác giả của 2 bộ tiểu thuyết đồ sộ về triều Lý, Trần:
Sự nhầm lẫn lịch sử mang tính ngộ nhận này rất nguy hiểm. Ấy thế mà cho đến nay vẫn không có ai đứng ra nhận lỗi, không một học giả hoặc cơ quan chuyên trách nào đứng ra phủ chính. Sự coi thường công chúng và khinh nhờn lịch sử dân tộc tưởng đến thế là cùng.
Khẳng định những vấn đề thuộc về lịch sử mà thiếu cơ sở khoa học, chỉ làm cho lịch sử rối thêm. Việc gia phả, tộc phả các gia đình và dòng họ chép thế nào là tùy thuộc họ, không ai có quyền can thiệp. Các nhà làm sử, viết sách có thể tham khảo rất có ích. Nhưng gia phả, tộc phả chưa phải là lịch sử, càng không phải là lịch sử dân tộc. (Báo Nông nghiệp Việt Nam số 60 ngày 24/3/2017)
“Sự giả dối chỉ có thể đánh lừa được một số người nhưng không thể đánh lừa được cả một dân tộc. Sự thật chân lý sẽ chiến thắng, đó là tất yếu của lịch sử, không thể khác được, có chăng chỉ sớm hay muộn mà thôi”.
“Trong lịch sử xưa nay, không nhà viết sử nào dám làm việc liều lĩnh và táo tợn như PGS.TS Nguyễn Minh Tường.Giả sử có căn cứ nào đó mới tìm được thì cũng chỉ nên ghi ở phụ lục cuối sách để người khác tìm hiểu thêm”.
Khi viết bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” gồm 6 tập, 3200 trang, đặc biệt đối với nhân vật chủ chốt - người sáng lập vương triều Trần là Trần Thủ Độ, tôi mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu tận ngóc ngách của nhân vật này.
Trước hết là qua các bộ sử lớn như: “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sỹ Liên chủ biên, bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của quốc sử quán triều Nguyễn, kế đó là các bộ sử do học giả các đời biên soạn như “Đại Việt sử lược” (khuyết danh), An Nam chí lược” của Lê Tắc, “Đại Việt thông sử” và “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, “Đại Việt sử ký tiền biên” và “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sỹ, Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, “Sử học bi khảo” của Đặng Xuân Bảng; “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim; “Sử ta so với sử Tầu” của Nguyễn Văn Tố; “Lịch sử Việt Nam” của Lê Thành Khôi...
Tất cả các bộ sử trên chỉ cho ta biết Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý nuôi dạy. Trần Thủ Độ theo người anh họ là Trần Tự Khánh (con Trần Lý) đi đánh dẹp các đầu mục, qua đó tài năng nảy nở. Khi Trần Lý mất, Trần Thủ Độ thâu tóm quyền lực, làm nảy sinh vương triều Trần. (Phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 21.9.2018)
2- Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Ân – nguyên cán bộ Viện Sử học:
“Các bộ chính sử của Việt Nam và các tài liệu khác viết về thời Trần mà tôi đã đọc, không thấy nói về người thân sinh ra Thái sư Trần Thủ Độ.Vậy mà một số nhà sử học lại nói Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Làm công việc nghiên cứu cần phải nghiêm túc, phải dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy, chính xác.
Nói ở đâu thì cứ nói, viết ở đâu thì cứ viết - chẳng ai cấm được, nhưng tuyệt đối không được viết bậy trong chính sử. Nếu đã trót in ra sách rồi thì phải thu hồi và công bố rộng rãi để người đọc ngày nay và con cháu đời sau không bị lừa dối”.(Phỏng vấn của nhà báo Kiều Mai Sơn ngày 20/07/2018).
“Quốc sử quán mà còn viết bậy như thế thì người dân biết tin vào đâu”(Cuộc gặp mặt báo chí 21/9/2018)
3- Thạc sĩ Sử học Trần Anh Đức (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội):
Sau khi tiến hành rà soát các bộ chính sử quan phương thời trung đại (Việt Sử lược, Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám Cương mục…) cũng như một số tác phẩm sử học của Ngô Thì Sỹ, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Kim…
“Có thể đi đến khẳng định rằng, không hề tồn tại nhân vật nào mang tên Trần Hoằng Nghị trong chính sử Việt Nam và Trần Hoằng Nghị cũng không phải thân phụ của Trần Thủ Độ như nhóm biên soạn “Lịch sử Việt Nam phổ thông”, tập 3, đã nêu ra”.
“Các nhà nghiên cứu lịch sử ngay cả sơ tâm cũng đều biết rằng, trong nghiên cứu khoa học lịch sử, sử liệu là nền tảng căn bản nhất, không có sử liệu thì không thể có nhận thức lịch sử. Hẳn nhiên, sẽ là thiếu thuyết phục, thậm chí phi lí khi nêu ra một thông tin mà lại không có bằng chứng để chứng minh nó có hay không, nó đúng hay sai”.
“Thực tế cho thấy, nhóm tác giả biên soạn cuốn sách (LSVNPT) chưa đưa ra căn cứ xác tín củng cố cho nhận định nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ của Trần Thủ Độ mà có lẽ đã võ đoán dựa trên những ghi chép không chính thống. Do đó, tôi cho rằng, nhân vật Trần Hoằng Nghị được nêu ra trong cuốn sách không có thật, có thể chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng có chủ đích, thiếu hẳn căn cứ khoa học”, Thạc sĩ Trần Anh Đức nhấn mạnh. (Không được “thêu dệt” chính sử 08:13 20/07/2018 Kiều Mai Sơn)
4- Nhà sử học Đặng Hùng (hội viên Hội KHLSVN, hội viên hội văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình:
“Bài vị ở miếu gốc đa mà PGS, TS Nguyễn Minh Tường nêu trong bài viết của mình là do ông Dương Quảng Châu viết chữ ra giấy để thợ chạm. Tôi biết được điều này khi tới nhà ông Châu chơi (Báo Đại Đoàn Kết số 114 ngày 24/4/2019)
Nếu Hoằng Nghị Đại Vương là người được thờ ở “đền nhà Ông” thì nhất định ông phải có tên trong thần tích, thần sắc của làng. Thực tế ở đình làng Phương La thờ lục vị thần hoàng nhưng không có vị nào là Hoằng Nghị đại vương. Ngay cả ở Xuân La cũng thế. Phải chăng mọi người đã lầm tưởng Hoằng Nghị Đại Vương là Trang Nghị Đại Vương. Thực ra Trang Nghị Đại Vương, Hoàng Bà Trấn Quốc Đại Vương và Thiên Quan Đại Vương - theo thần tích, thần sắc ở Xuân La - là ba vị thiên thần. Căn cứ vào thực tế khảo sát ở làng Hạ Liệt (Thái Giang) và xã Thái Hà, chúng tôi có thể khẳng định rằng, ở hai nơi này không có đền, đình nào thờ Hoằng Nghị Đại Vương. Đó là sự thật không thể lầm lẫn được. (VTC News - ngày 08/09/2016 06:30 AM GMT+7)
Theo các cụ trước đây truyền lại chỉ có miếu thờ Hoàng Bà Bến Súc Trấn Quốc Đại Vương ở sát bờ sông, bên kia sông là cánh đồng thấp trũng (sau này thuộc làng Hương La – làng Mẹo) chứ không thấy có Bến Trấn ở làng Mẹo.
Muốn làm sáng tỏ vấn đề này, những người làm nghiên cứu không thể “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải tìm hiểu rõ sự thật về mảnh đất, con người làng Mẹo nói chung và “đền Nhà Ông – thờ Trần Hoằng Nghị” nói riêng. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát các xã Minh Tân, Hồng An, Tiến Đức, Hồng Minh, Thái Hưng và ngay cả ở xã Thái Phương… để xác định tìm hiểu sự thật về vấn đề nêu trên. Qua tìm hiểu ở xã Hồng An, Hưng Hà, chúng tôi đã trực tiếp tiếp xúc với các cụ cao niên ở địa phương, tìm hiểu các dòng họ Trần Quang, Trần Hữu, Trần Văn….
Khi hỏi về “đền Nhà Ông” ở làng Mẹo thì cụ Pháo 90 tuổi và các cụ ở đây cho biết: trước đây làng Mẹo có ngôi miếu nhỏ ở sát gốc cây đa; lúc nhỏ cụ Pháo có sang làng Mẹo xem lễ hội, thì chỉ thấy lễ hội được tổ chức ở Đình Đông (làng Mẹo), chứ không thấy tế lễ ở ngôi miếu sát gốc đa và càng không nghe thấy nói có miếu (đền) Nhà Ông và Trần Hoằng Nghị. Thời gian gần đây cụ mới nghe nói ngôi miếu đó là đền Nhà Ông và thờ Trần Hoằng Nghị.
Hầu hết những thông tin tư liệu mà nhóm tác giả nói trên nêu ra trong các bài viết đều chỉ dựa trên tư liệu “truyền khẩu ở cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI” do một số người ở làng Phương La cung cấp.
Tất cả các tài liệu truyền khẩu đó hoàn toàn không có chứng cứ gì về văn bản khảo cổ học, cũng như tư liệu thần tích, thần phả, văn bia - để chứng minh được rằng “đền nhà Ông” là thờ Trần Hoằng Nghị? Cũng như các thông tin cho rằng, họ Trần có mặt ở làng Mẹo từ cuối thế kỷ XII đến đầu thế kỷ XIII là không đủ sức thuyết phục. Điều đó đặt ra câu hỏi lớn: Liệu có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị trong LSVN? “đền nhà Ông” có phải là nơi thờ Trần Hoằng Nghị? (sách Long Hưng -đất phát nghiệp vương Triều Trần- giải thưởng Lê Quý Đôn)
5- Ông Phạm Văn Cường – Phó Ban Quản lý khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Trần ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà cho biết:
“Từ xưa đến nay, giữa khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà) và “đền nhà Ông” ở xã Thái Phương không hề có mối liên hệ đón rước qua lại nào cả. Hơn nữa, cho dù nếu có tìm thấy bố Trần Thủ Độ ở Phương La thật đi chăng nữa thì cũng không thể gọi là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” vì Trần Thủ Độ là nhành thứ, không phải nhành vua”.
6- Giáo sư sử học Lê Văn Lan khẳng định:
“Trong lịch sử Việt Nam không tồn tại nhân vật nào có tên Trần Hoằng Nghị, cũng không có ghi cha của Trần Thủ Độ là ai, và cha của Trần Thủ Độ (nếu có) lại càng không phải ông Tổ họ Trần Việt Nam.Chúng ta có phả hệ 5 đời tổ họ Trần, bắt đầu từ cụ Trần Kinh tới Trần Hấp, Trần Lý, Trần Thừa và đến Trần Thái Tông (tức Trần Cảnh). Không thể có mộ tông tổ nào khác là Trần Hoằng Nghị. Đây chắc chắn là sự bịa đặt và xuyên tạc lịch sử”. (Báo Giao Thông số 56 ra ngày 10/5/2019)
7- Ông Đào Hồng - nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Thái Bình) cho biết:
“Tên gọi “Đền nhà Ông” bắt đầu xuất hiện khi chi nhánh họ Trần thôn Phương La dùng để xin giấy phép xây dựng chứ thực tế ban đầu là miếu cây đa (mỗi chiều khoảng 1m đến 1,5m), không nằm trong danh mục của 3 đợt kiểm kê di tích của tỉnh (đợt 1: vào các năm 1958 đến 1962; đợt 2: 1977 đến 1980; đợt 3: năm 1995- 1996). Do “Đền nhà Ông” không phải là di tích lịch sử được xếp hạng nên không thuộc sự giám sát của Bảo tàng tỉnh. Nhưng trong giấy phép xây dựng (tháng 5/2002), UBND tỉnh Thái Bình có giao cho Sở VHTT, Bảo tàng tỉnh và UBND huyện Hưng Hà giám sát. Đến khi“Đền nhà Ông” được triển khai có quy mô quá lớn, với diện tích mặt bằng hơn 700m2, khi xây dựng đến tầng 2 thì ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thái Bình có chỉ đạo ông Vũ Đức Thơm- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh và tôi đến lập biên bản vi phạm”. (Báo Đại Đoàn kết số ra ngày 23/4/2019)
8- Ông Nguyễn Thanh – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình cho biết:
Năm 2015, khi NXB Thế giới xuất bản cuốn sách kỷ yếu “Đức Hoằng Nghị đại vương và việc tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La”, toàn bộ nội dung các bài tham luận, tôi không biên tập nhưng bị gán tên vào. Tiếp xúc các bài viết tay của cụ Dương Quảng Châu tôi thấy ghi “Dương Quảng Châu có xuất nhập ít nhiều”. “Xuất nhập” có ý là “thêm thắt, bịa ra”. Có lẽ do “xuất nhập ít nhiều” nên năm 1986, cụ ghi Trần Quả (em Trần Hấp) sinh ra Trần Hoằng Nghị, đến năm 1994 thì cụ lại ghi Trần Hấp sinh ra Trần Hoằng Nghị. Vậy ai là ông, là bố của Trần Thủ Độ?
Tư liệu của cụ Dương Quảng Châu không đáng tin cậy. Còn dẫn sách của ông Trần Xuân Sinh mà chỉ dựa vào đề tựa của Hoà Thượng Thích Thanh Tứ cũng không phải tài liệu khoa học. Ông Nguyễn Minh Tường đã nhập nhằng khi đem Trang Nghị đại vương thờ ở đình làng Xuân La gán cho đó là Hoằng Nghị đại vương. (Báo VĂN NGHỆ CÔNG AN Online ngày 09/04/2017).
Tại cuộc hội thảo khoa học về Trần Hoằng Nghị tháng 1- 2007 tại Hà Nội, GS Vũ Khiêu và một số vị nói rằng: “Trong khi chưa có tài liệu xác đáng chúng ta cứ tạm thời chấp nhận Trần Hoằng Nghị là tồn nghi, là thân phụ Trần Thủ Độ”. Tôi nói vui: “Các bác nên kết luận rõ chứ người Thái Bình chúng em rất cụ thể. Có thể ông Nguyễn Thanh tạm thời làm Giám đốc Sở VHTT chứ không thể có ông Thần thờ tạm được”.
Ông Nguyễn Thanh kể: Bài in về văn bia đình Miễu của PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện Hán Nôm) biến Lý An Hạ thành Trần An Hạ để gán là con Trần Hoằng Nghị, khiến chúng tôi khốn khổ. Dân làng Miễu chia thành hai phe kéo lên Sở kiện. Phe này nói cứ để thờ Thánh Lý An Hạ, phe kia lại nói, thôi thì Trần An Hạ cũng được, miễn là có tiền xây lại đền. (báo ĐĐK số ra ngày 24/4/2019).
9- PGS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm khẳng định: Tôi đã dịch rõ:“Vào triều Lý có An Hạ vương, là cháu của vua Anh Tông”. Thế mà phần chú thích bị biên tập cho rằng, văn bia này viết ở thế kỷ XVII, cách thời An Hạ vương 5 thế kỷ nên chưa hẳn đã chính xác. Căn cứ vào hội thảo năm 2007, họ vẫn ghi nhận An Hạ Đại vương là con trai thứ của Trần Hoằng Nghị. Biên tập sách còn chê người soạn văn bia không am hiểu kiến thức lịch sử nên độ tin cậy không cao. Theo PGS.TS Đinh Khắc Thuân: PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, TS Nguyễn Thị Phương Chi cũng bị sửa bài để gắn với Trần Hoằng Nghị. (phỏng vấn của nhà báo Kiều Mai Sơn, báo Nông nghiêp VN)
10- PGS-TS Trần Quang (Vĩnh Phúc):
“Một nhân vật có tên là Trần Hoằng Nghị không rõ nguồn gốc, xuất xứ liệu có đủ điều kiện để đưa vào chính sử của quốc gia để phổ biến trong nhân dân và giáo dục trong các nhà trường hay không? Theo chúng tôi là không”.
Bố đẻ Trần Thủ Độ là ai? Cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được bất cứ tài liệu lịch sử đáng tin cậy nào. Trong các tài liệu chính sử của Việt Nam như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”... đều nói rõ Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý.
Thế nhưng, trong tập 3, bộ sách LSVNPT xuất bản năm 2018 (trang 194) lại viết như sau: “Đến đời thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nguyên Tổ của nhà Trần là Trần Lý...”. Ở đây, xuất hiện một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần. Đây quả thực là điều “xưa nay hiếm”. Chúng tôi đề nghị Nhà nước cần có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm, xuyên tạc lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần. Trước mắt đề nghị cho thu hồi ngay cuốn “Lịch sử Việt Nam phổ thông” tập 3 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên để sửa chữa, chỉnh lý lại những sai sót, không để sách phát hành khi còn những “hòn sỏi” lớn như hiện nay. Là sách lịch sử của quốc gia mà viết những điều phi lịch sử thì không thể chấp nhận được”. (Nhà báo Kiều Mai Sơn 20/7/2018)
11- Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hưng Hà, Thái Bình khẳng định: trên quê hương phát tích của nhà Trần, có rất nhiều di tích liên quan tới nhà Trần như: Hành cung Lỗ Giang (xã Hồng Minh), đền thờ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (xã Liên Hiệp), khu di tích đặc biệt đền Trần (xã Tiến Đức), riêng ở xã Thái Phương không có di tích nào gắn với nhà Trần nằm trong danh mục kiểm kê của huyện.
Năm 2002, Phòng Văn hóa huyện có nhận được đơn đề nghị của chi nhánh họ Trần xã Thái Phương về việc xây dựng “đền nhà Ông”. Huyện đã trình lên UBND tỉnh và đã được chấp nhận phê duyệt. Trong các văn bản thủ tục hành chính, khu đền này có tên là “đền nhà Ông” và hiện vẫn chưa có thủ tục đề nghị đổi tên thành “đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Thực ra,“đền nhà Ông” chỉ là nơi thờ tự của chi nhánh họ Trần thôn Phương La nên không thuộc sự quản lý của Phòng Văn hóa huyện. Ông Khanh cũng thừa nhận: Hoằng Nghị đại vương vẫn chỉ là một nhân vật tồn nghi mà lịch sử Việt Nam chưa xác định được. (Báo Giao Thông số ra ngày10/5/2019 ).
12- PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học):
“…Trong cuốn sách Thuyết Trần- Sử nhà Trần, tác giả Trần Xuân Sinh có đề cập đến nhân vật Trần Hoàng Nghi (không phải là Trần Hoằng Nghị). Theo tác giả, Trần Hoàng Nghi sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hà (không phải Trần An Hạ) và Trần An Bang (tức Trần Thủ Độ). Trong một đoạn viết về “họ Trần thiên cư sang Tức Mặc, tác giả viết: Trần Kinh sinh ra Trần Hấp…Trần Hấp sinh năm 1135, theo cha từ An Sinh sang lập nghiệp tại Tức Mặc…Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoàng Nghi. Hoàng Nghi sinh ra An Quốc, An Hà và An Bang (tức Trần Thủ Độ).
Cũng giống như hai tác giả Dương Quảng Châu- Phạm Hóa, đoạn viết trên của ông Trần Xuân Sinh không hề dẫn ra được bất cứ nguồn tư liệu đáng tin cậy nào. Vả lại, ý kiến về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ cũng khác nhau. Tác giả Trần Xuân Sinh cho rằng, cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghi, ông nội của Trần Thủ Độ là Trần Hấp. Còn hai ông Dương Quảng Châu- Phạm Hóa lại cho rằng, cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghị và ông nội của Trần Thủ Độ là Trần Quả, em của Trần Hấp. Vậy đâu là sự thật?...
Từ kết quả nghiên cứu, tôi cho rằng, sự xuất hiện nhân vật Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi đều là vô căn cứ, không đủ độ tin cậy mang tính khoa học. Và càng không có tư liệu nào để minh chứng rằng: Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ…” (Tham luận ngày 26.8.2019).
13- Thư Vũ (Báo Tiếng nói Việt Nam số ra ngày 30 / 5 / 2019):
Việc sử dụng nguồn tài liệu từ kỷ yếu của một cuộc hội thảo về một nhân vật lịch sử chưa rõ ràng, nhiều thông tin tồn nghi còn chưa được xác minh làm căn cứ khoa học để đưa nhân vật vào sách sử, tuyên truyền không minh bạch về nhân vật còn tồn nghi là không thể chấp nhận?
14- Tiến sĩ Mai Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm:
Khoảng tháng 6 năm 2006, ông Vũ Xuân Trường, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình và lãnh đạo thôn Xuân La gặp tôi nhờ dịch giúp sắc phong, thần tích của làng. Đến ngày hội thảo 09/01/2007, tôi phải giơ tay đến 6 lần mới được ông Dương Trung Quốc cho phát biểu. Tôi chỉ nói trong 3 phút:“Các nhà nghiên cứu thiếu tư liệu nên cẩn thận, Trang Nghị đại vương là thiên thần (thần sấm). Ngài có công phù giúp Thứ sử Cao Biền (Trung Quốc) đánh quân Nam Chiếu và phù giúp vua Lê Đại Hành đánh Tống. Như thế, một vị thiên thần xuất hiện trước triều Trần ngót 5 thế kỷ thì không thể là bố Trần Thủ Độ được”.
15- Nhà báo Trần Lê (Nghệ An):
“Tôi không thể tin được rằng, một “nhân vật lịch sử có tên là Trần Hoằng Nghị” mà mãi đến 800 năm sau mới được các nhà sử học Việt Nam đặt tên cho. Càng không thể tin nổi, Trần Thủ Độ là vị quan đầu triều Trần (chỉ sau vua) thế mà sau khi cha mất phải chờ đến 800 năm sau mới được hậu thế xây dựng đền thờ ở thôn Phương La. Nếu Trần Hoằng Nghị là Trang Nghị đại vương cũng phải cách Trần Thủ Độ khoảng hơn 400 năm. Thế mà, không hiểu sao “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”, vẫn lọt qua được các “cửa ải” là Viện Sử học và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật để có tên trong sách sử và trở thành một “nhân vật lịch sử” có nhiều công lao gây dựng nghiệp nhà Trần?
16- Tạp chí Làng Việt, (cơ quan của Ban quản lý làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam số 106 tháng 5/2019). TG Huy Văn:
“Bịa ra nhân vật lịch sử rồi lập đền thờ, nhân vật còn tồn nghi mà lại được tổ chức tế lễ linh đình, mời lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự? Nếu cứ mỗi dòng họ có một nhân vật tồn nghi được gọi là ông, là bố… của danh nhân lịch sử thì trên đất nước Việt Nam sẽ xuất hiện thêm mấy ngàn đền thờ nữa?
17- Nhà văn- nhà báo Vũ Hữu Sự (tỉnh Thái Bình):
“Tôi là người Thái Bình đã nhiều lần đến làng Phương La rồi. Ở đó không có bất cứ một đền miếu nào thờ Hoằng Nghị Đại vương. Chỉ có một cái miếu nhỏ, được gọi là “miếu Nhà Ông”, nhưng “ông” là ai? Có phải là Hoằng Nghị Đại vương không thì cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Nếu Trần Hoằng Nghị, tức Hoằng Nghị Đại vương, là người sinh ra Trần Thủ Độ, là người ở bến Trấn, tức làng Phương La ngày nay, thì tại sao ở chính quê hương ông lại không có bất cứ một đền miếu nào thờ ông? Và trên cả đất nước Việt Nam cũng chưa hề nghe nói có đền miếu nào thờ Trần Hoằng Nghị?
Tôi thấy có một điều lạ là, trước việc làm mờ ám, phi lịch sử của PGS- TS Nguyễn Minh Tường, bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, quyết liệt, thế nhưng tại sao không thấy các vị lãnh đạo Hội KHLSVN và Viện Sử học lên tiếng phê phán,chấn chỉnh để bảo vệ sự trong sáng của LSVN, bảo vệ lịch sử vương triều Trần?
18- Cao Trần Bá Khoát, Phó Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn VN:
Chỉ dựa vào một bức bài vị mới làm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, còn hình thức, nội dung có rất nhiều nghi vấn, chưa được lý giải đặt ở ngôi miếu gốc Đa,cạnh cánh đồng thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vào năm 1984 - 1985...Từ chiếc bài vị này, một số nhà sử học đã đổi tên Trần Hoàng Nghị thành Trần Hoằng Nghị, gán ghép là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, rồi tạo mọi lý do để biện bạch, bảo vệ ý kiến sai trái của mình.
Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao một số người lại cố tình bóp méo sự thật lịch sử nước nhà, tự ý đưa vào chính sử để hợp thức hóa nhân vật còn tồn nghi này? Ai đã tiếp tay, tạo điều kiện cho vị đại gia ở Thái Bình xây dựng ngôi đền thờ khủng thờ Trần Hoằng Nghị và 4 bà vợ ở thôn Phương La nhưng lại gọi đó là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”?
19- Cụ Trần Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Hội đồng Trần tộc VN, có đơn kiến nghị gửi lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL: “Họ đã làm sai trái lịch sử, dám làm đảo lộn cả phả hệ của họ Trần VN, dòng thứ thành dòng trưởng”.
“PGS.TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) tưởng tượng cho rằng, Hoằng Nghị đại vương chính là Trang Nghị đại vương được thờ ở đình làng Xuân La. Nếu hai nhân vật này là một thì các ngài là thiên thần chứ không phải là nhân thần”.
Vì sự rắc rối này, ngày 07 tháng 5 năm 2010, tôi có đến nhà GS Vũ Khiêu, sau khi nghe tôi trình bày, GS Vũ Khiêu có ý kiến như sau: “Nếu có chỗ nào, tôi đã nói và viết về Trần Hoằng Nghị sinh ra Trần Thủ Độ thì hãy bỏ đi”.
Năm 2011, tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tổ chức giỗ Tổ họ Trần với tiêu đề “Giỗ Tổ họ Trần- Trần Hoằng Nghị đại vương”. Các con cháu họ Trần ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội… nhìn thấy tiêu đề trên, họ bỏ về hết, báo cáo cho chúng tôi biết là họ bị lừa.
20- Nhà sử học Bùi Thiết– Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam.
“Từ Trang Nghị đại vương, người ta biến báo ra để có Hoằng Nghị đại vương và ban cho ông thêm họ Trần để có Trần Hoằng Nghị, rồi cho ông thêm các con, trong đó có Trần Thủ Độ. Một số nhà sử học tham gia Hội thảo khoa học về “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La (Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình) tháng 1 năm 2007”, đã “lấp đầy” lý lịch cho ông một cách “ngoạn mục”.
21- Đại tá Lê Đình Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
“Tôi đề nghị những chỗ nào trong bài viết của tôi sau khi biên tập có Hoằng Nghị đại vương sinh ra Trần Thủ Độ thì phải bỏ đi”, Đại tá-PGS.TS Lê Đình Sỹ nói.
22- Nhà văn Trần Hữu Thức, tác giả “Trần Hoằng Nghị, nhân vật hư cấu.”
“Trong cuộc hội thảo khoa học về Trần Hoằng Nghị đại vương... ngày 09-1-2007 tại Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội nổi lên bốn loại ý kiến khác nhau:
- Loại ý kiến thứ nhất do nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình Đặng Hùng đại diện, phản bác nói không có Trần Hoằng Nghị.
- Loại ý kiến thứ hai do PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đại diện nói, gọi là Trần Hoàng Nghị để tỏ rõ là họ nhà vua.
- Loại ý kiến thứ ba do GS Vũ khiêu nói, gọi là Trần Hoằng Nghị mới hợp lý, vì chữ “Hoằng” là rộng lớn, cao cả.
- Loại ý kiến thứ tư nghi ngờ nói có đúng Trần Hoằng Nghị là thân sinh ra Trần Thủ Độ không?
Con người ta khi sinh ra đều đã được cha mẹ đặt tên cho. Tại sao với Trần Hoằng Nghị lại phải bàn cãi về tên gọi, liệu có hay không?
Những điều trên đây chứng tỏ rằng, tên “Trần Hoằng Nghị” không phải là tên vốn có, mà chỉ là một cái tên mới được đặt ra không có căn cứ rõ ràng.
23- Tiến sĩ Sử học Ngô Vương Anh (báo Nhân dân cuối tuần số ra ngày 7-10-2018):
“ Sáng tạo lịch sử” đã gặp nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều trường hợp do những ý muốn cá nhân và nhằm những mục đích không phải vì lịch sử - văn hóa. Những sự “sáng tạo” đó gây nhiều hậu quả xấu, khiến hậu thế khó phân biệt thật giả, hạ thấp lòng tin và giá trị của những tri thức lịch sử. Đây là điều cần sớm được loại bỏ vì sự tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc và khoa học. Những quan điểm mới, nhân vật mới cần được tranh luận theo phương pháp khoa học, trên những tư liệu xác thực và chỉ nên chính thức công bố kết luận khi đã thống nhất các ý kiến, sau sự thẩm định của một (thậm chí nhiều) hội đồng khoa học công minh và những chuyên gia uyên bác.
“Cuộc tranh luận chưa đi đến kết luận nhưng sau khi những điều còn tranh cãi đã trở nên rõ ràng hơn, có nhiều cách để thông tin đến với đông đảo công chúng. Bạn đọc cũng mong muốn nếu cần điều chỉnh những điều chưa/ không hợp lý cũng không nên (và không cần) chờ đến lần tái bản cuốn sách này”.
24- Ông Trần Quang Thiện - Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Trần Hà Nội - Hậu duệ dòng trưởng Trần Liễu - Trần Hưng Đạo.
“Họ Trần có mộ tổ ở nơi phát tích là thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thờ tổ tiên: cụ Trần Kinh (truy tôn Mục tổ Hoàng đế), cụ Trần Hấp (truy tôn Linh tổ Hoàng đế), cụ Trần Lý (truy tôn Nguyên tổ Hoàng đế). Vì vậy, không thể để bà con họ Trần Việt Nam cũng như nhân dân cả nước lặn lội về làng Mẹo, bái lạy cầu khấn một người không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng lại gọi là tổ họ Trần VN”.
MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ HƯỚNG GIẢI QUYẾT
1- GS-TSKH VŨ MINH GIANG, Phó Chủ tịch Hội KHLS VN:
Việc đưa nhân vật được gia tộc thờ phụng vào hàng các nhân vật lịch sử, nhất là gắn với nhân vật có ảnh hướng lớn đến dòng họ và lịch sử dân tộc đòi hỏi phải tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ. Quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, không có căn cứ khoa học nào cho việc thừa nhận Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghị là một nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
Tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
1- Không truyền bá dưới mọi hình thức những ý kiến cho rằng, Trần Hoằng Nghị là một nhân vật lịch sử và là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.
2- Thực hiện nghiêm túc văn bản số 802/CXBIPH-QLXB ngày 24-9-2018 của Bộ TT-TT về việc dừng phát hành bộ sách LSVN phổ thông để chỉnh lý, sửa chữa, hoàn thiện trước khi phát hành và văn bản số 187/VSH ngày 12-10-2018 của Viện Sử học (Viện Hàn lâm KHXHVN) về việc loại bỏ nhân vật Trần Hoằng Nghị ra khỏi bộ sách LSVN phổ thông trong kỳ tái bản này và cắt bỏ câu: Trần Thủ Độ quê ở Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vì đây là những thông tin không chính xác. Với những sách đã phát hành đề nghị NXB có đính chính gửi tới các nơi đã phát hành hoặc thông báo online.
3- Thực hiện nghiêm túc công văn số 1854/UBND-TCD ngày 13-5-2019 của UBND tỉnh Thái Bình xác định rõ: Đền thờ Trần Hoằng Nghị ở thôn Phương La chỉ là cơ sở thờ tự của chi nhánh họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, không phải là di tích lịch sử đã được xếp hạng. Vì vậy, yêu cầu chính quyền địa phương và Sở VH-TT& DL tỉnh Thái Bình vận động chủ ngôi đền thờ ở thôn Phương La tự dỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần VN” gắn trên “Đền nhà Ông” để tránh gây nhầm lẫn cho du khách thập phương và con cháu họ Trần.
2- Ông Đặng Hùng (hội viên Hội KHLS VN, hội viên Hội Văn hóa- Nghệ thuật tỉnh Thái Bình):
1- Đề nghị tổ chức hội thảo làm rõ nhân vật Trần Hoằng Nghị có phải là cha Trần Thủ Độ hay không, hoặc gặp mặt đối chất giữa các nhà nghiên cứu, đại diện dòng họ Trần, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, các tác giả và đơn vị có liên quan, để làm sáng tỏ vấn đề này.
2- Đề nghị đưa cuốn sách kỷ yếu “Hoằng Nghị Đại Vương” (kí hiệu VV.07/23739 – VV.07/23741) ra khỏi Thư viện quốc gia, không phục vụ bạn đọc, vì các lý do sau đây:
Một là, đây là cuốn sách mà dư luận xã hội còn đặt nhiều câu hỏi nghi vấn về sự thiếu chính xác chưa đảm bảo tính khoa học trong biên tập - đồng thời ngay cả các bài chứng minh bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị cũng thiếu tính logic trong biện luận và dẫn chứng, bởi nó chỉ dựa vào tư liệu điền dã theo lời truyền khẩu do một số người, trong đó có con cháu họ Trần (hậu duệ) ở thế kỷ XX nói lại chứ không có văn bản thần tích, thần phả, sắc phong, văn bia từ các triều đại trước truyền lại. Ngay cả các bộ sách chính sử của Việt Nam từ xưa tới nay cũng không cho biết rõ bố Trần Thủ Độ là ai...Vì vậy, một cuốn sách còn chứa đựng nhiều tồn nghi thì không thể để ở Thư viện Quốc gia để nghiên cứu, tham khảo được.
Hai là, cuốn sách kỷ yếu “Hoằng Nghị đại vương” là do gia đình ông Trần Văn Sen, TGĐ Tập đoàn Hương Sen bỏ tiền thuê biên tập, in ấn nên các bài tham luận trái chiều (phản biện không có lợi cho việc mạo nhận bố Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị) đều bị bỏ ra ngoài mà không được in làm mất giá trị và ý nghĩa của cuốn kỷ yếu.
“Từ những cơ sở nêu trên, chúng tôi đề nghị Thư viện quốc gia tạm thời loại bỏ cuốn sách kỷ yếu Đức Hoằng Nghị Đại vương ra khỏi thư viện để tránh cho bạn đọc hiểu lầm về thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Nếu thư viện muốn lưu giữ sách lại thì nên tổ chức hội thảo về cuốn sách đó và mời các nhà khoa học - những người phản biện trái chiều - cùng tham gia ý kiến”.
2- Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên TBT Tạp chí HCQĐ, Tổng Thư ký Hội đồng họ Trần Việt Nam:
Hiện tượng ngụy tạo lịch sử dân tộc đang là một nguy cơ gây ra sự biến dạng, méo mó của lịch sử Việt Nam, làm mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa - lịch sử. Một khi đã tráo đổi được lịch sử dân tộc, ai dám chắc họ sẽ không làm những việc tày đình khác: phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam?
Tôi xin có một số kiến nghị như sau:
- Một là, cần phải nhanh chóng chấn chỉnh cả về mặt tổ chức và nâng cao chất lượng tác phẩm lịch sử, nhất là chấn chỉnh đội ngũ lãnh đạo và những người viết sử. Có làm tốt điều này mới tạo được niềm tin của nhân đối với sự lãnh đạo của Đảng, mới có được những tác phẩm lịch sử tiêu biểu phục vụ công chúng, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tình yêu Tổ quốc cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt Nam.
- Hai là, cho thành lập Hội đồng thẩm định cấp quốc gia gồm các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử- văn hóa ở Trung ương và quê hương Thái Bình có bản lĩnh, tâm huyết, giàu kinh nghiệm cùng một số nhà văn, nhà báo viết về văn hóa- lịch sử tiến hành khảo sát, kết luận về nhân vật Trần Hoằng Nghị đang được tôn thờ trong cái gọi là “đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” ở thôn Phương La, xã Thái Phương có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ hay không để tránh gây hoang mang trong dư luận xã hội và bức xúc trong con cháu hậu duệ họ Trần. Đồng thời kết luận rõ đây có phải là đền thờ tổ họ Trần VN hay không?
- Ba là, cần bổ sung vào Bộ luật hình sự (sửa đổi), xác định rõ tội danh đối với các hành vi bịa đặt, xuyên tạc, ngụy tạo lịch sử dân tộc ngang với tội phản quốc và có các chế tài đi kèm, nhằm ngăn chặn các cá nhân (tổ chức) lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia dân tộc.
- Khẳng định ở Thái Bình hiện nay chỉ có duy nhất một đền thờ tổ họ Trần VN ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà đã tồn tại ngót 800 năm nay, là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt để du khách thập phương và con cháu hậu duệ họ Trần về đây dâng hương, tri ân, lễ tổ theo đúng truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Bốn là, đề nghị Vụ Báo chí (Bộ TT-TT) ủng hộ, động viên các cơ quan báo chí tích cực tham gia tuyên truyền bảo vệ chân lý của lịch sử VN , kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ cơ hội lợi dụng nghề nghiệp, tín ngưỡng để mưu lợi cá nhân, kể cả những hành vi đồng lõa, bao che, dung túng cho những kẻ “lóa mắt vì đồng tiền”.
3- Ông Trần Ngọc Bảo, nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ Y tế, 60 năm tuổi Đảng, cố vấn Hội đồng Trần tộc VN:
“Tôi cho rằng, ngành sử học của Việt Nam muốn phát triển cần phải chọn ra cho được những người có tài đức, tâm huyết, trách nhiệm trước nhân dân, với quốc gia, dân tộc. Những người làm trái phải lột bỏ xiêm áo, không cho đi viết sử, đại loại như Dương Quảng Châu, Dương Trung Quốc, Nguyễn Minh Tường… vì nếu dùng những người như thế chỉ có hại cho dân, cho nước, làm mất thể diện, uy tín quốc gia, dân tộc”.
TRUNG NGUYÊN (Tổng hợp).
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 153 |
Tổng truy cập: 1380769 |