SỰ THẬT SÁNG TỎ NHƯ BAN NGÀY
Đào Trần Quang Cát
Thiếu tướng, Phó Giáo sư Khoa học quân sự
Nguyên phó Tổng cục trưởng về chính trị,
Tổng cục II Bộ Quốc phòng.
Trong bài tham luận tọa đàm: “Ai là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ” của tác giả Đặng Hùng, nhà sử học quê tại Thái Bình, Hội Viên Hội KHLSVN có mục “IV. Nguồn gốc lai lịch từ miếu Ông - miếu Cây Đa… trở thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” ở làng Mẹo” giới thiệu một nhân chứng sống, cụ Trần Quang Đãng, một lão thành 83 tuổi, trưởng ngành 4, cùng chi họ Trần Văn với ông Trần Văn Sen nói về sự thật “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam ở làng Phương La”. Chúng tôi xin trích phần cụ Trần Quang Đãng nói để bạn đọc cùng tham khảo và có đôi lời nhận xét, phân tích về sự việc này.
I- Nguồn gốc lai lịch từ miếu Ông - miếu Cây Đa… trở thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” ở làng Mẹo.
Theo các tư liệu điền dã và khảo sát thực tế đối chiếu với lịch sử và tìm hiểu trong nhân dân ở các địa phương thuộc các xã: Thái Phương, Hồng An, Tiến Đức, Minh Tân… Trước đây ở ngay gần chợ làng Mẹo có một ngôi miếu nhỏ gọi là miếu Ông (hay miếu nhà Ông); và gần miếu có trồng 1 cây đa nên khi cây đa lớn lên được người dân địa phương gắn tên là miếu cây đa. Miếu Ông nhỏ, mỗi chiều chỉ khoảng 1,0m đến 1,5m. Các cụ cao tuổi ở làng Then và Phương La và các làng bên như cụ Trần Quang Pháo trên 90 tuổi, người xã Hồng An nói, trước kia không ai gọi là đền nhà ông và cũng không có ai nói là có đền thờ Trần Hoằng Nghị ở đây mà chỉ gọi là miếu ông hay miếu Cây Đa.
Cụ Trần Quang Đãng 83 tuổi (Trưởng ngành 4, là người cùng chi họ Trần Văn với ông Trần Văn Sen), đã thẳng thắn nói: “Theo các cụ xưa kể lại và căn cứ theo gia phả dòng họ chi Trần Văn thì cụ tổ dòng họ tôi từ nơi khác về làng Ứng Mão đến nay đã được 8-9 đời. Ngay cả cha, ông chúng tôi cũng không rõ cụ tổ tên tuổi là gì và từ đâu về đất làng Mẹo (Phương La), nhưng dứt khoát cụ Tổ chúng tôi không phải là vị thiên thần Trang Nghị Đại Vương và càng không phải là Trần Hoằng Nghị (hay Hoằng Nghị Đại Vương) - như một số người trong chi họ và nhóm nghiên cứu lịch sử của ông Dương Quảng Châu - Phạm Hóa rồi sau này là ông PGS.TS.Nguyễn Minh Tường và một số cộng sự xây dựng tưởng tượng, hư cấu bịa đặt nên. Chúng tôi không có các văn bản gia phả, thần tích, sắc phong, văn bia hoặc tư liệu khảo cổ học…. hay các tài liệu văn bản học nào để khẳng định chi họ Trần Văn ở làng Ứng Mão (Phương La) là con cháu thuộc hậu duệ của Thái sư Trần Thủ độ. Tất cả là do một nhóm người tự bịa đặt tạo dựng nên mà thôi.
Chi họ Trần Văn chúng tôi ở làng Phương La chỉ là một chi họ Trần trong 19 chi họ Trần ở trong xã Thái Phương (trước đây cả xã có 12 chi họ Trần nhưng mấy năm gần đây nhiều chi cành đã tách ra và lập chi họ mới). Riêng chi họ Trần Văn chúng tôi có nguồn gốc tổ tiên khác với các chi họ Trần ở xã Thái Phương: “Đồng danh chứ không đồng huyết thống”. Mỗi chi họ - dòng họ Trần trong làng, trong xã chúng tôi đều có từ đường riêng, thờ cụ tổ riêng của chi họ, dòng họ mình. Vì thế, gọi ngôi đền ông Trần Văn Sen mới xây dựng ở sát gốc đa là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” ở làng Mẹo (Thái Phương, Hưng Hà ,Thái Bình) là không đúng, là sai sự thật…nếu có chăng thì đây chỉ là đền thờ tổ chi họ Trần Văn chúng tôi mà thôi. (Hiện chi họ Trần Văn còn có 5 cành nhưng trên thực tế chỉ có 4 cành vì cành trưởng - cành 1 không có con trai - với khoảng trên dưới 300 - 400 nhân khẩu) - chứ không phải là đền thờ tổ của cả dòng họ Trần ở xã Thái Phương được…. và càng không phải là Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam như hiện nay một số người vẫn tuyên truyền quảng bá; điều đó là hoàn toàn không đúng.
II- Bến Trấn ở đâu?
Tìm hiểu thực tế tại khu Cánh Bến (nay thuộc thôn Tân Hòa, xã Thái Phương), gặp các cụ cao tuổi: cụ Trần Quang (Văn) Đãng (83 tuổi), trưởng ngành 4, đời thứ 6 - thuộc chi họ Trần Văn tại làng Mẹo, Phương La và ông Trần Văn Mão 72 tuổi, người ở Cánh Bến thôn Tân Hòa cho biết: "Tổ tiên chúng tôi về sống ở làng Mẹo (Phương La) đến nay đã 8 - 9 đời (tính đến đời cháu cụ Đãng; không hề thấy các cụ truyền lại là có địa danh bến Trấn nào hết mà chỉ có địa danh Cánh Bến ở làng Ứng Mão xưa (Mẹo - Phương La ngày nay). Ở đây chỉ có Cánh Bến nằm sát con sông nhỏ chảy theo rìa làng Phương La. Bên kia sông Cánh Bến là cánh đồng giáp thôn Đống Gạo xã Hồng An. Trước đây ở gần sát Cánh Bến dân làng có làm một chiếc giếng to để lấy nước sinh hoạt và phục vụ lễ hội ở đình, chùa, đền, miếu. Sát sông có bến nước dân làng thường sinh hoạt, tắm rửa khi đi làm đồng về. Sát Cánh Bến trước đây có một hồ nước (hiện nay hồ vẫn còn mà thông với dòng sông chảy qua làng); cạnh hồ có đền thờ Đức Thánh Trần; dân làng gọi tắt là đền Trần. Đền có 3 gian nhà gỗ lim nhưng đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước đền bị hạ giải; nay là nơi ở của một số hộ dân trong làng.
Vì có bến nước, lại ở sát ven sông và nằm ở rìa của làng Mẹo - Phương La; nên những người dân ở trong làng gọi khu vực này là "Cánh Bến".
III- Khảo sát lịch sử của Viện Sử học và Hội Khoa học lịch sử
Gần đây khi trở lại làng Mẹo (Phương La) để tìm hiểu thêm tư liệu tôi được cụ Trần Quang Đãng, cụ Trần Văn Mão cho biết, trước đây khoảng năm 2006 - đầu năm 2007) - Viện Sử học và Hội KHLSVN có cử một đoàn về làng Mẹo (Phương La) để tìm hiểu tư liệu về đền nhà ông, về Trần Hoằng Nghị và bến Trấn, nhưng họ chỉ được gặp những người nắm bắt lơ mơ về ngôi đền và khu Cánh Bến hoặc có những người không biết cũng tham gia vào trả lời các câu hỏi cứ như là họ đã biết, vì họ được ông Trần Văn Sen và một số người bố trí cung cấp số liệu cho đoàn. Chứ những người sống cùng trong chi họ Trần Văn như chúng tôi và lại ở sát cánh Bến, hiểu biết khá rõ về nguồn gốc, tổ tiên của chi họ mình từ nơi khác về đất Ứng Mão mới được 8 - 9 đời và từ đời ông cha đến nay vẫn thường tắm gội ở Cánh Bến thì họ không đến gặp mặt để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.
MẤY LỜI NHẬN XÉT VÀ PHÂN TÍCH
Cụ Trần Quang Đãng, năm nay 83 tuổi, là một trưởng lão và cũng là một người có chức vị - Trưởng cành 4 của chi họ Trần Văn (cùng chi họ với ông Trần Văn Sen). Cụ kể về chi họ Trần Văn của cụ với lời lẽ rất chân thật và nghiêm túc. Những lời kể của cụ giúp chúng ta có thêm nhiều cứ liệu thực tế để hiểu rõ thực chất nhân vật Trần Hoằng Nghị.
Với tinh thần khoa học, thực sự cầu thị, xin nêu lên một số điều cần lưu ý, mong các độc giả cùng tham khảo:
1- Về lai lịch họ Trần Văn, cụ nói: Theo các cụ xưa kể lại và căn cứ theo gia phả dòng họ chi Trần Văn thì cụ tổ dòng họ tôi từ nơi khác về làng Ứng Mão đến nay đã được 8-9 đời. Ngay cả cha, ông chúng tôi cũng không rõ cụ tổ tên tuổi là gì và từ đâu về đất làng Mẹo (Phương La).
Điều này nói rõ Gia phả chi họ Trần Văn phần viết về cụ Tổ còn để trống, không có tên, không nói từ đâu đến lập nghiệp ở thôn Phương La. Thế nhưng ông Trần Văn Sen lại làm bài vị khắc “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân” đặt vào từ đường của gia đình và miếu Cây Đa rồi nói với các nhà sử học rằng Trần Hoàng Nghị là ông tổ của mình. Như vậy đã rõ: Trần Hoàng Nghị là cái tên do ông Trần Văn Sen tự đặt ra, không có xuất xứ.
2- Gia phả cũng không nói cụ tổ họ Trần Văn về sống ở Phương La từ bao giờ, cho nên cụ Đãng nói: cụ tổ dòng họ tôi từ nơi khác về làng Ứng Mão đến nay đã được 8-9 đời, (cụ Đãng là đời thứ 6 có cháu là đời thứ 8, ông Trần Văn Sen là đời thứ 7 có cháu là đời thứ 9).
Theo cách tính dân tộc học, thời phong kiến, trai gái thường kết hôn sớm, có con sớm nên tính trung bình mỗi đời cách nhau 20 năm, từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, do chiến tranh giải phóng, do học tập tiến bộ và ngày nay đã có luật hôn nhân mới nên tính trung bình mỗi đời cách nhau 25 năm. Tổ tiên chi họ Trần Văn về ở thôn Phương La đến nay được 9 đời thì từ năm 1945 đến 2019 được 74 năm, tương ứng với 3 đời. Còn 6 đời thuộc thời phong kiến trước đây là 120 năm. Cộng 9 đời là 194 năm. Đối chiếu với năm lập làng Ứng Mão (làng Mẹo tức thôn Phương La ngày nay) năm 1675 đến nay là 344 năm. Trong việc lập làng có một người có công lớn được dân làng lập ngôi miếu nhỏ tưởng niệm. Vì không biết tên húy nên dân làng gọi là miếu Ông, miếu Nhà Ông, miếu Cây Đa. Nếu tính người có công này 40 năm sau mới chết thì miếu Cây Đa có từ 304 năm trước. Ông tổ chi họ Trần Văn về sống ở Phương La đến nay mới được 194 năm. Vậy làm sao ông Trần Văn Sen lại nhận miếu thờ Tổ chi họ của ông là miếu Cây Đa có từ 304 năm về trước, lại còn nhận là hậu duệ của nhân vật hư cấu Trần Hoằng Nghị tính từ thời nhà Lý cách 800 năm về trước!
Điều này chứng tỏ miếu Cây Đa không phải là miếu thờ tổ chi họ của ông Trần Văn Sen.
Nay ông Trần Văn Sen dựng lên câu chuyện miếu Cây Đa trước kia là đền Nhà Ông thờ ông tổ họ Trần thôn Phương La để xin UBND tỉnh Thái Bình cho phép phục dựng thành “đền Nhà Ông”, rồi đặt tên là “đền thờ Trần Hoằng Nghị”, tiếp đến lại nâng lên thành “đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”, chiếm lĩnh 5 hec ta đất nông nghiệp chưa chuyến mục đích sử dụng. Rõ ràng ngôi đền này đúng thực là một ngôi đền bất hợp pháp đáng phải được xóa bỏ.
3- Cụ Đãng lại nói: riêng chi họ Trần Văn chúng tôi có nguồn gốc tổ tiên khác với các chi họ Trần ở xã Thái Phương: “Đồng danh chứ không đồng huyết thống” (có nghĩa cùng tên là họ Trần nhưng không cùng dòng máu họ hàng).
Mỗi chi họ - dòng họ Trần trong làng, trong xã chúng tôi đều có từ đường riêng, thờ cụ tổ riêng của chi họ, dòng họ mình. Vì thế gọi ngôi đền ông Trần Văn Sen mới xây dựng ở sát gốc đa là “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” ở làng Mẹo (Thái Phương, Hưng Hà ,Thái Bình) là không đúng, là sai sự thật… nếu có chăng thì đây chỉ là đền thờ tổ chi họ Trần Văn chúng tôi mà thôi” chứ không phải là đền thờ tổ của cả dòng họ Trần ở xã Thái Phương. và càng không phải là Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”
Điều này chứng minh rằng ông Trần Văn Sen là người không thuộc họ Trần chính thống Việt Nam.
4- Cụ Đãng nói: “Hiện chi họ Trần Văn còn có 5 cành nhưng trên thực tế chỉ có 4 cành vì cành trưởng - cành 1 không có con trai - với khoảng trên dưới 300 - 400 nhân khẩu.
Như vậy, ngay trong chi họ Trần Văn, ông Trần Văn Sen không phải người thuộc cành trưởng vì cành trưởng hiện nay không có con trai. Vậy mà ông Trần Văn Sen lại xưng danh là tộc trưởng họ Trần Việt Nam, là chủ tịch họ Trần nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
5- Về Bến Trấn: cụ Trần Quang (Văn) Đãng, chi họ Trần Văn tại làng Mẹo, Phương La và ông Trần Văn Mão 72 tuổi, ở khu Cánh Bến nay gọi là thôn Tân Hòa cho biết: "Tổ tiên chúng tôi về sống ở làng Mẹo (Phương La) đến nay đã 8-9 đời (tính đến đời cháu cụ Đãng); không hề thấy các cụ truyền lại là có địa danh bến Trấn nào hết mà chỉ có địa danh Cánh Bến ở làng Ứng Mão xưa (Mẹo - Phương La ngày nay). Ở đây chỉ có Cánh Bến nằm sát con sông nhỏ chảy theo rìa làng Phương La.
Khoảng cuối năm 2006 - đầu năm 2007 - Viện Sử học và Hội KHLSVN có cử một đoàn về làng Mẹo (Phương La) để tìm hiểu tư liệu về đền Nhà Ông, về Trần Hoằng Nghị và bến Trấn, nhưng họ chỉ được gặp những người nắm bắt lơ mơ về ngôi đền và khu Cánh Bến hoặc có những người không biết cũng tham gia vào trả lời các câu hỏi cứ như là họ đã biết, vì họ được ông Trần Văn Sen và một số người bố trí cung cấp số liệu cho đoàn.
Cùng với các tư liệu lịch sử và di tích Bến Trấn hiện còn tại bờ sông Hồng thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, thực tế này do các cụ cho biết càng thêm bằng chứng xác thực đầy đủ cơ sở để khẳng định: “không có Bến Trấn ở thôn Phương La”.
6- Về cách làm việc của nhóm sử học - Các cụ nói tiếp: Những người sống cùng trong chi họ Trần Văn như chúng tôi và lại ở sát Cánh Bến, hiểu biết khá rõ về nguồn gốc, tổ tiên của chi họ mình từ nơi khác về đất Ứng Mão mới được 8-9 đời và từ đời ông cha đến nay vẫn thường tắm gội ở Cánh Bến thì họ không đến gặp mặt để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành.
Tóm lại, những lời kể của cụ Trần Quang Đãng, một trưởng lão đồng thời là một chức sắc của chi họ Trần Văn cũng tức chi họ ông Trần Văn Sen, chứng minh rõ rằng: “Thực tế không có nhân vật Trần Hoằng Nghị, không có miếu thờ tổ chi họ của ông Trần Văn Sen ở miếu Cây Đa, không có đền Nhà Ông, không có Bến Trấn ở thôn Phương La. Ông Trần Văn Sen không phải người họ Trần chính thống Việt Nam, không phải trưởng tộc của bất cứ họ Trần nào”. Ông Trần Văn Sen đã dùng tiền mua chuộc một số kẻ làm tay sai và một số nhà sử học mất phẩm chất để sửa đổi lịch sử Việt Nam, lừa dối các nguyên thủ quốc gia và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam với mưu đồ bất minh sâu xa.
Sự việc dẫn đến hiện nay, nhân vật tự tạo Trần Hoằng Nghị đã được thẩm định vào đề tài khoa học “Lịch sử Việt Nam thức thức” của Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, được in vào sách “Lịch sử Việt Nam thường thức” của Bộ Đại học và Giáo dục để dạy học sinh và sinh viên trong các nhà trường, in vào sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” để phổ biến toàn dân. Việc này cần phải được sửa chữa tận gốc. Ông Dương Trung Quốc và ông Nguyễn Minh Tường là những người đứng đầu trực tiếp tạo ra việc viết sử này vẫn giữ ý kiến không chịu sửa đổi (chỉ sửa sau này khi tái bản). Đây là 2 người thuộc ngành sử học đã lừa dối lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lừa dối cả các nhà lãnh đạo ngành sử học Việt Nam. Trách nhiệm của hai ông này đến đâu? Là những người có chức, có quyền trong ngành sử học nhưng đã biến chất, chạy theo đồng tiền mà bán cả lịch sử nước nhà như vậy có còn xứng đáng để tiếp tục mang danh là nhà sử học nữa không?
Ông Trần Văn Sen là người chủ mưu trong việc lừa đảo nhân dân cả nước, lừa đảo các nguyên thủ quốc gia và các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, lừa đảo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, để xây ngôi đền Nhà Ông bất hợp pháp thờ Trần Hoằng Nghị, rồi tự nâng lên thành “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam”, lại tìm cách nhân bản ngôi đền này đến các tỉnh Hà Tĩnh, Sóc Trăng..., thuê người viết sử dưới dạng tài trợ, làm biến dạng lịch sử nước nhà vì mưu đồ cá nhân, đến nay vẫn ngoan cố tìm mọi cách che dấu hoạt động tiếp tục của Ban Chấp hành, không chịu gỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam, biển hiệu đền thờ Trần Hoằng Nghị”. Cần xử lý ông Sen như thế nào? Ngôi đền Nhà Ông rõ ràng là ngôi đền giả tạo của ông Trần Văn Sen có đáng để tồn tại hay không? Trên đây là những câu hỏi mà những người yêu chân lý, yêu một nước Việt Nam có kỷ cương, phép nước, có văn hóa, văn minh, con cháu họ Trần trong toàn quốc có lịch sử dòng họ anh hùng, trí tuệ, yêu nước, yêu dân, mong được các cấp có thẩm quyền,vì lợi ích đất nước trước mắt và lâu dài, xem xét xử lý công minh./.
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 153 |
Tổng truy cập: 1380768 |