KHÔNG CÓ TƯ LIỆU TIN CẬY NÀO VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
KHÔNG CÓ TƯ LIỆU TIN CẬY NÀO VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ
PGS-TS Nguyễn Thị Phương Chi – Phó Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử, Viện Sử học đã có bài viết "KHông có tư liệu tin cậy nào về nhân vật Trần Hoằng Nghị" đọc tại buổi Tọa đàm về nhân vật Trần Hoằng Nghị do Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN GS-TSKH Vũ Minh Giang và các nhà khoa học tổ chức tại Hà Nội ngày 26-8-2019. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

KHÔNG CÓ TƯ LIỆU TIN CẬY NÀO

VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ

                                                 PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi

                                                                (Viện Sử học)

Năm 2006, khởi động cho Hội thảo khoa học về “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La (Thái Phương- Hưng Hà- Thái Bình)”, trong đó Hoằng Nghị Đại vương được cho là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ. Với tư cách một người nghiên cứu về lịch sử nhà Trần, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Bởi nếu công sức nghiên cứu của các nhà sử học có thể tìm thêm danh tính của một nhân vật thời Trần thì rất đáng quý, mà người đó lại là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ thì càng đáng quý hơn. Mặc dù biết rất rõ rằng, không có một dòng tư liệu nào trong các sách cổ (Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, An Nam chí lược, Lịch triều hiến chương loại chí, Kiến văn tiểu lục) ghi chép về cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ là ai và càng không có ai tên là Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi. Tuy nhiên, hiện tại nhân vật Trần Hoằng  Nghị/ Trần Hoàng Nghi được đề cập trong một số sách đã xuất bản và cả trong gia phả. Sau khi xem xét các bài viết có nội dung liên quan ít nhiều đến Trần Hoằng Nghị/Trần Hoàng Nghi có thể khẳng định, các ý kiến đó đều không dựa trên bất kỳ nguồn tư liệu đáng tin cậy nào.

Hiện tại, Trần Hoằng Nghị được đề cập trong một số bài viết, gia phả, bài vị, sắc phong sau:

1. Trong bài viết của hai ông Dương Quảng Châu và Phạm Hóa.

          Một số nhà nghiên cứu đã có ý kiến khẳng định bố của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị. Trong đó, phải kể đến ý kiến của hai ông Dương Quảng Châu và Phạm Hóa với bài “Đất và người Tinh Cương- Long Hưng trong sự nghiệp thời Trần” trong Hội thảo khoa học về “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần” tổ chức vào tháng 4 năm 1986, có chỉnh lý, biên tập và bổ sung in vào năm 2001. Trong bài này, có 3 vấn đề liên quan đến Trần Hoằng Nghị đáng chú ý sau:

1. Hai tác giả nhận định: Trần Hoằng Nghị là con của Trần Quả và được chi phái họ Trần ở làng Mẹo, xã Thái Phương gọi là “Hoằng Nghị đại vương”. Nguyên văn như sau: “Người em trai của Trần Hấp là Trần Quả dời Tức Mặc về ở khu bến Trấn (nay thuộc đồng đất của xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Tối ngày vào đồng rồi lại ra sông lưới chài, đã đem lòng thương yêu người con gái nơi đây sinh ra Hoằng Nghị. Chi phái họ Trần giờ đây ở làng Mẹo xã Thái Phương vẫn kêu là “Hoằng Nghị Đại vương” mỗi khi giỗ chạp, tế lễ…”[1].

2. Trần Hoằng Nghị được dân làng tôn làm thành hoàng và lập đền thờ gọi là “Đền thờ Ông”.  Nguyên văn: “Khi cụ mất, con cháu, dân làng lập đền thờ tại gò đất cao gọi là “Đền thờ Ông” và phụng thờ làm Thành hoàng làng. Đình làng Mẹo đã được khôi phục, tôn tạo trong thời gian gần đây chính là nơi để dân làng truy tư, tưởng nhớ về ông”[2].

3. Trần Hoằng Nghị là cha của Trần An Quốc và Trần An Bang (Trần Thủ Độ). Hai ông viết: “Hai người con trai của cụ Trần Hoằng Nghị là: Trần An Quốc và Trần An Bang (Trần Thủ Độ),  đời sau đều là danh tướng, danh thần triều Trần…”[3].

Từ đây, sự xuất hiện của Trần Hoằng Nghị với tư cách là cha của Trần Thủ Độ đã được hai tác giả đề cập hơn một lần. Năm 2004, Viện Sử học phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tập hợp một số bài đã được trình bày trong các hội thảo do Viện Sử học phối hợp với các tỉnh Thái Bình, Nam Định tổ chức để in thành sách “Nhà Trần và con người thời Trần”, do Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam ấn hành. Trong đó, bài của hai ông với nhan đề: “Đất và người Long Hưng trong sự nghiệp phù Trần” (tr.80-104) cũng có một đoạn đề cập đến Trần Hoằng Nghị giống như tôi đã nêu ở trên.

Đáng chú ý là, trong cả hai bài in trong hai cuốn sách đã nêu, hai ông đều không dẫn nguồn tư liệu minh chứng cho nhân vật Trần Hoằng Nghị, cha của Trần Thủ Độ.

2. Trần Xuân Sinh với “Thuyết Trần sử nhà Trần”.

Trong cuốn sách “Thuyết Trần sử nhà Trần”, tác giả Trần Xuân Sinh đề cập đến Trần Hoàng Nghi (Nghi chứ không phải Nghị). Ông Trần Hoàng Nghi sinh ra An Quốc, An Hà và An Bang (Trần Thủ Độ). Trong một đoạn viết liên quan đến “Họ Trần thiên cư sang Tức Mặc”, ông Trần Xuân Sinh viết như sau: “Trần Kinh sinh ra Trần Hấp, có thể còn có con khác nữa mà phả cũ không chép. Trần Hấp sinh năm 1135, theo cha từ An Sinh sang lập nghiệp tại Tức Mặc, kế nghiệp hành nghề đánh cá biển và làm ruộng, gia tư càng thêm thịnh vượng. Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoàng Nghi (Hoàng Nghi sinh An Quốc, An Hà và An Bang (Trần Thủ Độ)”[4].

Cũng giống như hai tác giả Dương Quảng Châu- Phạm Hóa, đoạn viết trên của ông Trần Xuân Sinh cũng không dẫn nguồn tư liệu. Vả lại, ý kiến về thân sinh củaThái sư Trần Thủ Độ cũng khác nhau. Ông Trần Xuân Sinh cho rằng cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoàng Nghi, ông nội của Trần Thủ Độ là Trần Hấp. Còn hai ông Dương Quảng Châu- Phạm Hóa cho rằng cha của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và Trần Quả là ông nội. Trần Quả là em của Trần Hấp. Vậy đâu là sự thật? Và các tác giả nêu trên dựa vào tư liệu nào để viết như vậy?. Tất cả đều không nêu được chứng cứ hay tư liệu cụ thể nào.

3. Trong gia phả

Trang Gia phả Việt Nam trên mạng (http//vietnamgiapha.com) có gia phả Trần phước- Nam sơn ở Nam Định chép về dòng họ Trần ở Phương La. Gia phả hiện chép đến đời thứ 27. Trần Hấp có hai người con là Trần Lý và Trần Hoàng Nghi. Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung. Trần Hoàng Nghi sinh ra 3 người con trai là Trần An Quốc và Trần An Bang và Trần Thủ Độ[5].

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bản Trần triều thế phả hành trạng, ký hiệu A663 viết bằng chữ Hán từ Trần Thái Tông đến Trùng Quang Đế, nhưng không có nhân vật nào là Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi.

4. Trong bài vị, sắc phong

Về bài vị ở từ đường họ Trần làng Phương La, theo khảo cứu của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân trong bài “Về tư liệu Hán Nôm đã giới thiệu liên quan đến họ Trần ở làng Phương La (Thái Bình)[6] ở mục Tư liệu Hán Nôm tại từ đường họ Trần làng Phương La tác giả đã khảo sát khu vực từ đường dòng họ Trần ở Phương La khi năm 2006 có một ngôi nhà tổ và một căn nhà lưu niệm của dòng họ. Trong đó, bài vị nhà tổ ghi: Trần Hoàng Nghị đại vương Thượng đẳng Phúc Thần linh vị 陳皇毅大王上等福神靈位, Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị 命婦夫人陳門靈位, Tiên Dung Hoa Nương hiệu Hoàng Đức Mây 仙容花娘號黃德,  Tô Thị Hoa Nương, Quế thị Hoa Nương 蘇氏花娘桂氏花娘.

      Đến thời điểm ông Đinh Khắc Thuân khảo sát, thì ở từ đường họ Trần làng Phương La có bài vị thờ Trần Hong Nghị đại vương (Trên bài vị thì chữ Hán ghi là Trần Hoàng Nghị đại vương) cùng Phu nhân và có tư liệu Hán Nôm liên quan đến Trần Hong Nghị, nhưng không có tư liệu nào liên quan đến Trần Thủ Độ cả.

Ở mục Kết luận, ông Đinh Khắc Thuân viết: “Việc họ Trần ở Phương La thờ cụ Trần Hoằng Nghị và xây nhà thờ tổ họ Trần, đó là thuộc quyền riêng của họ, chúng tôi tôn trọng và không bình luận gì...”.

Về sắc phong và bài vị tại đền Sa Đê

Hiện nay, tại đền Sa Đê xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định được cho là nơi thờ Đức Trần Hoàng Nghị Đại vương. Ngày 3/3/2019, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ động thổ để tu sửa, xây dựng lại ngôi đền. AHLĐ - Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch Ban Chấp hành họ Trần Việt Nam cùng các vị trong Ban Thường trực Họ Trần Việt Nam đã đến dâng hương tại đền, đình và chùa Sa Đê. Theo kế hoạch đền sẽ hoàn thành vào tháng 11 năm 2019.

Vậy sự thật của việc thờ Đức Trần Hoàng Nghị Đại vương là như thế nào?

Ông Trần Xuân Hiến, nguyên cán bộ của Viện Thông tin Khoa học xã hội đã khảo cứu bản “Thần tích, thần sắc đền Sa Đê, tổng Duyên Hưng Hà, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định” (kí hiệu kho số TTTS 6686) hiện đang lưu trữ tại Kho Thần tích, thần sắc Viện Thông tin Khoa học xã hội. Trong bản Thần tích có viết: “…tổ tiên của họ ở làng Trà Tiến, tỉnh Hải Dương, xuống vùng này lập ấp, nên rước chân nhang Ngài ở xã Trà Tiến về thờ”. Đền Sa Đê hiện còn lưu trữ 7 đạo sắc phong. Sắc phong Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) là có niên đại sớm nhất, Thần được phong là “Anh đoạn Tráng uy địch quả chi Thần”. Những sắc phong tiếp theo đều gia phong thêm các mỹ tự.

Trong đền còn có bài vị. Bài vị có ghi “Linh hiển Uy Minh Hoằng Nghị Thông Duệ Cảm Ứng Đại vương”. Nội dung bài vị cho biết rằng, vị được thờ trong bài vị được phong các mỹ tự qua những lần ban sắc phong gồm: Uy Minh; Hoằng Nghị; Thông Duệ; Cảm Ứng. Mỹ tự không phải là tên nhân vật.

Sự thật là vậy, thế mà giờ đây, đền Sa Đê đã trở thành nơi thờ Đức Trần Hoàng Nghị Đại vương.

5. Kết luận

Từ những điều trình bày trên có thể thấy, việc xuất hiện nhân vật Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi đều là vô căn cứ, không có tư liệu nào đủ độ tin cậy để minh chứng cho một Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi. Và, càng không có tư liệu nào cho biết Trần Hoằng Nghị/ Trần Hoàng Nghi là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ.

Nhận thức là một quá trình. Trong cuộc đời của một con người không tránh khỏi sai sót, lỗi lệch nhưng việc biết sửa chữa, khắc phục mới là quan trọng.

                                                                                         Hà Nội, 30/9/2019


[1]Dương Quảng Châu- Phạm Hóa, Đất và người Tinh Cương- Long Hưng trong sự nghiệp thời Trần, trong Thái Bình với sự nghiệp thời Trần, Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình, 2001, tr.91.

[2]Dương Quảng Châu- Phạm Hóa, Đất và người Tinh Cương- Long Hưng trong sự nghiệp thời Trần, trong “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần”, sđd, tr.92.

[3]Dương Quảng Châu- Phạm Hóa, Đất và người Tinh Cương- Long Hưng trong sự nghiệp thời Trần, trong “Thái Bình với sự nghiệp thời Trần”, sđd, tr.92.

[4]Trần Xuân Sinh, Thuyết Trần sử nhà Trần, Nxb.Hải Phòng, 2006, tr.9.

[5] Tham khảo:Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử- văn hóa Phương La (Thái Phương- Hưng Hà- Thái Bình), Nxb. Thế giới, 2007, tr.140.

[6] Tham khảo bài viết cùng tên trong  Kỷ yếu tọa đàm khoa học về “Nhân vật Trần Hoằng Nghị” tại Hà Nội ngày 26/8/2019

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1380770
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ