ĐỀN SA ĐÊ VÀ NHỮNG SỰ NGỘ NHẬN
Trần Hoằng Nghị là nhân vật chưa từng thấy có tên trong bất kỳ bộ sách lịch sử Việt Nam nào như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “An nam chí lược”, “Việt sử Thông giám cương mục”, “Hoàng Lê nhất thống chí” và các thư tịch cổ khác của Việt Nam. Trong các bản gia phả của triều Trần cũng không thấy có tên Trần Hoằng Nghị. Vậy mà “Đền Nhà Ông” thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình mới xây dựng và khánh thành vào năm 2011 thờ Trần Hoằng Nghị lại gắn tên “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”? Vậy thực chất nhân vật Trần Hoằng Nghị là ai? có thực hay là sự bịa đặt?
Theo cuốn “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” của BCH HTVN do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội UNESCO Bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc xuất bản tháng 12 năm 2016 có ghi rằng:
“...Đức Hoàng Nghị Đại vương- Thượng đẳng phúc thần– Thân phụ Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ được muôn đời tri ân thờ phụng. Hiện nay, tại đền Sa Đê (xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) còn lưu giữ 7 đạo sắc phong về Hoàng Nghị Đại vương - Thượng đẳng phúc thần!?. Hàng năm muôn dân trăm họ nơi đây mở lễ hội dâng hương tưởng nhớ Thượng đẳng tối linh phúc thần nhất tâm sùng kính ” (tr. 25 sdd). Đây là sách tuyên truyền lưu hành nội bộ, có rất nhiều sai sót. Trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung làm rõ sự ngộ nhận của BCH họ Trần Việt Nam về nhân vật Trần Hoàng Nghị. Do có sự ngộ nhận như vậy nên ông Trần Bá Tiền, Uỷ viên Thường trực BCH Họ Trần Việt Nam đã đưa thông tin sai lệch như sau:
"…Đền Sa Đê, xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, nơi thờ Đức Trần Hoàng Nghị Đại vương và tổ của các dòng họ. Ngày 3/3/2019, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ động thổ tu sửa, xây dựng lại ngôi đền theo nguyện vọng của bà con địa phương. AHLĐ - Nghệ nhân Trần Văn Sen, Chủ tịch BCH HTVN cùng các vị trong Ban Thường trực HTVN đã đến dâng hương tại đền, đình và chùa Sa Đê. Chủ tịch (Trần Văn Sen) đã nói lên tâm huyết của con cháu họ Trần luôn hướng về tổ tiên biết ơn bà con, nhân dân và chính quyền địa phương luôn chăm lo đến các vị tiền nhân vĩ đại của dòng họ Trần. Theo kế hoạch đền sẽ thi công và hoàn thành vào tháng 11 năm 2019 ”.
Để tìm hiểu thông tin này, chúng tôi đã trực tiếp về đền Sa Đê khảo sát thì thấy rằng, những thông tin nói trên hoàn toàn không chính xác. Đền Sa Đê thờ “Linh hiển Uy minh Hoàng nghị Thông Duệ Cảm ứng đại vương”. Ngài là thiên thần. Ngày kị của Ngài là ngày 11 tháng Giêng.
Căn cứ bản “Thần tích, thần sắc đền Sa Đê, tổng Duyên Hưng Hạ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định” (kí hiệu kho số TTTS 6686) hiện đang lưu trữ tại Kho Thần tích, thần sắc Viện Thông tin Khoa học xã hội, đã khai rằng “…tổ tiên của họ ở làng Trà Tiến, tỉnh Hải Dương, xuống vùng này lập ấp, nên rước chân nhang Ngài ở xã Trà Tiến về thờ” (có ảnh chụp các sắc phong Đền Sa Đê và thần tích Đền Sa Đê) .
Đền Sa Đê hiện còn lưu trữ 7 đạo sắc phong. Xin giới thiệu một trong số 7 đạo sắc phong hiện đang đươc lưu trữ tại Đền Sa Đê:
Sắc xã Sa Đê, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định phụng thờ thần Anh đoạn, Tráng uy, Đoan túc, Uy linh. Thần đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho được thờ phụng. Năm Tự Đức thứ ba mươi mốt, đúng dịp Trẫm mừng thọ năm mươi tuổi nên ban bảo Chiếu đà mân, tăng thêm phẩm trật. Chuẩn y cho phép thờ phụng như trước đây để ghi nhớ ngày quốc khánh và ghi vào điển lễ.
Hãy kính theo.
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 31(1878)
Sắc phong Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) là có niên đại sớm nhất, Thần được bao phong mỹ tự là Anh đoạn, Tráng uy địch quả chi Thần.
Sắc phong năm Tự Đức thứ 3 (1850) gia phong thêm hai mỹ tự là Đoan Túc.
Sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1881) gia phong thêm hai mỹ tự là Uy Linh.
Sắc phong năm Đồng Khánh thứ 2 (1887) gia phong “Dực bảo Trung Hưng chi Thần. Năm Duy Tân thứ 3 (1909) gia tặng là Hàm Quang Thượng đẳng Thần. Đây là vị thiên thần không có liên quan gì đến Trần Hoàng Nghị. Rất có thể khi nhìn thấy bài vị trong đền có ghi “Linh hiển Uy Minh Hoằng Nghị Thông Sảng Cảm Ứng Đại vương” nên các vị trong BCH Họ Trần Việt Nam đã suy diễn rằng đền Sa Đê chính là nơi thờ Trần Hoàng Nghị? BCH Họ Trần Việt Nam đã ngộ nhận và xuyên tạc các nhân vật được thờ phụng ở làng Sa Đê thành Trần Hoàng Nghị nhằm mục đích chứng minh quan điểm cho rằng nhân vật Trần Hoàng Nghị là có thật để tuyên truyền, xuyên tạc về lịch sử họ Trần Việt Nam.
Trong báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Hoàng Nghị đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử - Văn hóa Phương La” (Thái Phương- Hưng Hà– Thái Bình) ngày 9 tháng 1 năm 2007, PGS, TS. Nguyễn Minh Tường cho rằng sắc phong ở đình Xuân La là cơ sở để khẳng định Trần Hoàng Nghị là có thật và ông chính là cha đẻ của Thái sư Trần Thủ Độ? Tác giả đưa dẫn chứng sắc phong tại đình Xuân La ban cho Đức Trang Nghị Đại Vương và kết luận rằng sắc phong đó chính là ban cho Trần Hoàng Nghị?
Bản thần tích đình Xuân La được dịch như sau :
…Sắc cho Trang Nghị, Trung túc, Hùng liệt, Uy dũng. Huệ khang, Hiển trí, Cương trực, Long hổ, Sư luật, Chế thắng, Bảo thuật, Phu dung, Dương vũ. Tá mệnh, Tán trị, Hồng huân, Vĩ tích, Phong công, Anh uy, Cương nghị, Nhân hòa, Tế chúng, Trợ uy, Phù vận, Hùng liệt, Vĩ lược, Tinh trung, Ý đức, Đốc, Diên hy, Đại tưởng, quân thần tự Đại vương. Đất này chung đúc khí tốt, trời ban hùng tài, giúp mưu lược để mở rộng công tích vĩ đại, được sáng chói trong sử sách. Công lao của thần giúp nước, mở rộng cơ đồ, mãi mãi vững vàng hơn núi Thái Sơn. Thần được hiển linh nổi danh tiếng tăm tốt đẹp, lại được bao phong, ghi chép trong huệ điển, nên vì tự vương tiến phong Trang Nghị, Trung túc, Hùng liệt, Uy dũng, Huệ khang, Hiển trí, Cương trực, Long hổ, Sư luật, Chế thắng, Bảo thuật, Phu dung, Dương vũ. Tá mệnh, Tán trị, Hồng huân, Vĩ tích, Phong công, Anh uy, Cương nghị, Nhân hòa, Tế chúng, Trợ uy, Phù vận, Hùng liệt, Vĩ lược, Tinh trung, Ý đức, Đốc, Diên hy, Đại tưởng, quân thần tự Đại vương
Chúa mới cầm quyền làm lễ đăng trật gia tặng mỹ tự, gia phong là: Trang Nghị, Trung túc, Hùng liệt, Uy dung, Huệ khang, Hiển trí, Cương trực, Long hổ, Sư luật, Chế thắng, Bảo thuật, Phu dung, Dương vũ, Tá mệnh, Tán trị, Hồng huân, Vĩ tích, Phong công, Anh uy, Cương nghị, Nhân hòa, Tế chúng, Trợ uy, Phù vận, Hùng liệt, Vĩ lược, Tinh trung, Ý đức, Đốc, Diên hy, Đại tưởng, quân thần tự Đại vương. Nên ban sắc này.
Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783)
Tác giả Nguyễn Minh Tường cho rằng “…Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị Đại Vương đều được ghi là Trang Nghị Đại Vương, đấy là gọi theo một mỹ tự mới mà triều đình phong cho Ngài”?
Sự thực không phải như vậy. Theo Thần tích xã Xuân La, tổng Lập Bái, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình bản chữ Hán hiện được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được dịch và công bố trong cuốn “Từ điển Thái Bình” mục 4123 và “Tài liệu địa chí Thái Bình” do Trung tâm UNESCO Thông tin tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam xuất bản năm 2007, thì Trang Nghị Đại vương chính là một trong ba vị Thiên thần (Trang Nghị đại vương, Trấn Quốc đại vương và Thiên Quan đại vương) chứ không phải là nhân thần có tên là Trần Hoàng Nghị. Những chứng cứ được công bố về Thần tích đình Xuân La đã bác bỏ hoàn toàn quan điểm của PGS, TS Nguyễn Minh Tường về nhân vật Trần Hoàng Nghị.
Qua việc nghiên cứu và khảo sát “Thần tích thần sắc Đền Sa Đê, tổng Duyên Hưng Hạ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định” (kí hiệu kho TTTS số 6686) và “Thần tích thần sắc làng Xuân La tổng Lập Bái, huyện Hưng Nhân, tỉnhThái Bình” (kí hiệu kho số TTTS sô 7818) được lưu trữ tại Kho Thần tích thần sắc Viện Thông tin Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định rằng ở hai di tích lịch sử nói trên không thờ Trần Hoằng Nghị. Những viện dẫn về việc thờ Trần Hoằng Nghị như trên là thiếu cơ sở khoa học. Đó chỉ là sự ngộ nhận và phán xét tùy tiện mà thôi.
Để khẳng định cho nhận xét trên, chúng tôi đã truy cập cơ sở dữ liệu kho Thần tích, Thần sắc Viện Thông tin Khoa học xã hội, một trong những kho sách quý hiếm do Trường Viễn Đông Bác cổ dày công sưu tầm lưu trữ trong những năm đầu thế kỉ XX với tổng cộng 13 216 đơn vị tài liệu, ghi chép về thần tích thần sắc của các tỉnh thành trong cả nước. Kết quả tra cứu cho thấy không có biểu ghi nào ghi chép về nhân vật Trần Hoàng Nghị? Chúng tôi lại tiếp tục tìm kiếm thông tin trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng tuyệt nhiên không tìm thấy có bản thần tích nào ghi tên nhân vật Trần Hoàng Nghị? Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với kết quả điều tra khảo sách các di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Thái Bình đã được công bố.
Tại cuộc Hội thảo khoa học về Trần Hoằng Nghị tháng 1 năm 2007, mặc dù có những ý kiến phản biện không thừa nhận nhân vật Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, nhưng những ý kiến phản biện đó đã không được Ban biên tập đưa vào khi xuất bản cuốn sách nói trên? Suốt nhiều năm qua, nhiều nhà khoa học, nhà báo, nhà văn đã lên tiếng chỉ ra những luận điểm sai trái và xuyên tạc lịch sử của BCH Họ Trần Việt Nam về nhân vật Trần Hoàng Nghị. Đặc biệt nghiêm trọng là việc tác giả Nguyễn Minh Tường đã đưa nhân vật Trần Hoàng Nghị vào tập 3 Lịch sử Việt Nam phổ thông. Việc làm đó đã bị dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần phê phán mạnh mẽ và kiến nghị gửi tới các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các cơ quan bộ, ngành yêu cầu thu hồi tập 3 LSVNPT để chỉnh lý, sửa chữa cho đúng trước khi phát hành rộng rãi. Kết quả là Cục Xuất bản -In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra thông báo bằng công văn số 802 /CXBIPH- QLXB ngày 24 tháng 9 năm 2018, do Cục trưởng Chu Văn Hòa kí về việc “dừng phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông” để phối hợp với Viện Sử học và nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ nội dung của cả 9 tập sách theo nguyên tắc bảo đảm tính chính xác của các dữ liệu lịch sử”.
Tiếp đó, ngày 12/10/2018, PGS-TS Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã gửi công văn số 187/VSH thông báo: “Lãnh đạo viện Sử học đã gửi công văn thống nhất với lãnh đạo Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật sẽ cắt bỏ những câu trên để tránh sự tranh luận khi chưa có cơ sở tư liệu để kết luận về nhân vật Trần Hoàng Nghị và nhận định Trần Thủ Độ quê Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình.”
Đặc biệt, công văn số 1854/UBND – TCD ngày 13/5/2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cũng xác định rõ: “Đền Nhà Ông chỉ là cơ sở thờ tự của dòng họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái bình, không phải là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.”
Những kết luận được trả lời bằng văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã cho chúng ta thấy,“Đền nhà Ông” hay “Miếu cây Đa” không phải là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Nhân vật Trần Hoàng Nghị cũng không phải là nhân vật có thật trong lịch sử của vương triều Trần. Tôi xin mượn lời của Giáo sư Vũ Khiêu khi phát biểu tổng kết Hội thảo ngày 9 tháng 1 năm 2007 tại Hà Nội : “Thân phụ của Thống quốc Thái sư- Trung vũ Đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, nhiều hơn nữa, không chỉ ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này”. Điều đó cho thấy, nhân vật Trần Hoằng Nghị chưa đủ cơ sở khoa học và lịch sử để khẳng định có hay không có.
Trần Xuân Hiến
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 154 |
Tổng truy cập: 1380765 |