TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ. | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ.
Ngày 26-8-2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội) Hội đồng họ Trần VN phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Cuộc tọa đàm với sự chủ trì của GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhằm làm rõ, đưa ra kết luận mang tính khoa học về một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trong hơn một thập kỷ qua, cả trong giới sử học, dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần: Đó là việc có hay không có nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?

 

TỌA ĐÀM KHOA HỌC VỀ NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ.

Ngày 26-8-2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (35 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội) Hội đồng họ Trần VN phối hợp với Phó chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN GS-TSKH Vũ Minh Giang, GS sử học Lê Văn Lan, các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà báo... tổ chức Tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu lịch sử của Hội KHLS VN, Viện Sử học VN, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Khoa Sử trường ĐH Quốc gia, ĐH Hà Nội, hơn 40 cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, các nhà văn có tên tuổi và đại diện con cháu hậu duệ họ Trần trong cả nước đã tham dự.

Cuộc tọa đàm với sự chủ trì của GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam nhằm làm rõ, đưa ra kết luận mang tính khoa học về một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trong hơn một thập kỷ qua, cả trong giới sử học, dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần: Đó là việc có hay không có nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị đại vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không? 

Các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã phân tích trên nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau, bày tỏ quan điểm một cách trung thực, khách quan, thẳng thắn.

Ông Đặng Hùng, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Thực tế, không hề có nhân vật Trần Hoằng Nghị tồn tại cuối thời Lý, đầu thời Trần và càng không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ, vì Trần Hoằng Nghị chỉ do một số nhà nghiên cứu dựng lên từ sự hư cấu Trang Nghị đại vương (thần Sấm được thờ ở làng Xuân La, xã Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình), dựa theo tư liệu điền dã và truyền khẩu, chưa được kiểm chứng bằng các văn bản khoa học”.

Trước các nghi vấn: Nhân vật Trần Hoằng Nghị có liên quan đến vương triều Trần hay không; nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, hoàn toàn không thể có chuyện như vậy. Bởi hàng chục năm đi điền dã, nhà văn Hoàng Quốc Hải chỉ thấy nhân dân thờ thần biển, và trong các đạo sắc phong của vua hay nhắc tới Hoằng Nghị đại vương. Tuy nhiên, từ Hoằng Nghị đại vương trở thành Trần Hoằng Nghị và đưa Trần Hoằng Nghị trở thành cha của Trần Thủ Độ thì thật ngoài sức tưởng tượng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải bày tỏ quan điểm: Từ bài viết của ông Dương Quảng Châu, một nhà nghiên cứu địa phương, vậy mà PGS. TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử học dám cả gan hư cấu thêm rồi đưa vào quốc sử. Ở thời đại phong kiến thì tội này phải xử ở khung hình cao nhất.

Nhà nghiên cứu Đào Hồng - nguyên cán bộ Bảo tàng tỉnh Thái Bình mang theo hồ sơ kiểm kê di tích để chứng minh qua các lần kiểm kê di tích ở Hưng Hà, Thái Bình không hề có “đền nhà ông” hay “đền thờ Trần Hoằng Nghị” hay “đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” nào cả.

GS sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng gần đây Đài truyền hình Việt Nam VTV làm phim tài liệu “Đức Hoằng Nghị đại vương”, trong 15 phút phim không thấy bóng dáng Trần Hoằng Nghị qua sử sách hay các văn bản Hán Nôm đâu. Vì làm gì có. GS Lan nhấn mạnh: “Xin đừng tin phim đó với những lý do sau đây: Một là, kịch bản sơ lược; hai là, hình ảnh về Hoằng Nghị đại vương trong phim không có; ba là, 15 phút trong phim đều biến thành ca ngợi hãng bia Đại Việt”. Nhà Sử học Lê Văn Lan đề xuất “cần phải trục xuất Trần Hoằng Nghị ra khỏi các sách sử chính thống của Nhà nước”.

Trong bài tham luận tại hội nghị, PGS. TS Phạm Quốc Sử, trường ĐH Hà Nội cho rằng: Trần Thủ Độ không được các sử gia phong kiến triều Lê và triều Nguyễn tôn trọng đúng mức để sưu tầm, ghi chép đầy đủ thông tin về cha, mẹ, nguồn gốc hoặc đã có một sự tước bỏ có chủ ý. Bởi đó là hai triều đại Nho giáo khắc nghiệt ở nước ta và dị ứng nhất với chuyện cướp ngôi. Hoặc sử sách không ghi rõ cha, mẹ của Trần Thủ Độ chỉ đơn giản là do thiếu tư liệu, vì ngay cả những thông tin được ghi chép về dòng họ Trần trước khi soán ngôi triều Lý, về Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa… cũng không nhiều, không thật rõ ràng. “Chúng tôi muốn kết luận ý kiến của mình rằng những công bố về Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương là cha của Trần Thủ Độ là không có cơ sở khoa học”, TS Phạm Quốc Sử nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: Trong hội thảo trước (năm 2007), các bài dịch văn bia đình Miễu của ông đã bị Ban biên tập xuyên tạc, gán cho gắn với Trần Thủ Độ.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) cũng lên tiếng bác bỏ bài tham luận in trong kỷ yếu hội thảo tổ chức năm 2007 đã bị làm sai với bản thảo ban đầu của bà.

TS Mai Hồng (Viện nghiên cứu Hán Nôm) phát biểu: PGS.TS Nguyễn Minh Tường đã gán ghép Trang Nghị đại vương, một vị thiên thần thành Trần Hoằng Nghị là một việc làm không khoa học.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay, “Hoằng Nghị” là một mỹ tự chứ không phải tên của một ai và gán ghép họ Trần với tên Hoằng Nghị là một sự gán ghép khiên cưỡng do tính chất nghiên cứu chưa chuyên nghiệp. Đặc biệt, gán Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ là một sự “sáng tạo” đối với lịch sử và lịch sử mà sáng tạo như thế thì hết sức nguy hiểm. Thậm chí, nhân vật này còn được đưa vào sách, đưa lên phim, tạo ra sự băn khoăn trong xã hội, do đó cần phải xem xét nghiêm túc, khoa học về vấn đề này, vì một nhân vật có thể gây ra những rắc rối khác, nhất là khi nhân vật ấy gắn liền với một nhân vật tầm cỡ trong lịch sử.

Có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị đã là đáng ngờ rồi, nhưng lại ghép thành phụ thân của Thái Sư Trần Thủ Độ thì đến đây không phải là sự thiếu chuyên nghiệp nữa mà nó là một sự gán ghép về phương diện khoa học. Đó là một sự “sáng tạo” với mong muốn nào đó để tạo ra. Còn trong giới sử học chuyên nghiệp thì không thể chấp nhận được”, GS Giang nhấn mạnh.

Qua những phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử kết luận: Triều đại nhà Trần là một triều đại đem lại niềm tự hào của dân tộc. Tọa đàm này là cần thiết và quan trọng mà Hội đồng họ Trần đã đứng ra tổ chức. Nhân vật Trần Hoằng Nghị chỉ mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Sau khi đã trao đổi, thảo luận trên cơ sở quan trọng nhất của lịch sử là tư liệu, với những căn cứ khoa học cho phép ta khẳng định: Hoàn toàn không có căn cứ khoa học để khẳng định có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử. Lại càng không có căn cứ khoa học để gắn nhân vật này với một nhân vật lịch sử đã nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ - người có công lớn sáng lập triều Trần. Mỗi gia đình có quyền tôn thờ, đưa vào gia phả nhà mình thờ một nhân vật. Việc tôn vinh một người nào đó của một họ tộc là việc riêng trong nội bộ họ tộc đó. Còn việc đề cao nhân vật đó để đưa vào sách giáo khoa, hay sách sử quốc gia là không được! Không thể vội vã truyền bá về một nhân vật không có đủ căn cứ khoa học trên các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là trong các sách văn hóa - lịch sử.

Như vậy sự thật lịch sử về nhân vật Trần Hoằng Nghị gây tranh cãi trong thời gian qua đã quá rõ ràng. Các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm đều có chung quan điểm khẳng định không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam. Trần Hoằng Nghị không phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Nhân vật hư cấu này chỉ là "sản phẩm sáng tạo" của một nhóm sử gia ở Trung ương và tỉnh Thái Bình tạo dựng lên vì lợi ích cá nhân không phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một số nhà xuất bản, cơ quan truyền thông quốc gia đã ủng hộ, tiếp tay cho việc làm không trong sáng, xuyên tạc lịch sử, gây phân tâm chia rẽ trong dòng tộc họ Trần và xã hội. Nhiều đại biểu con cháu họ Trần đề nghị cần phải sớm đưa ra ánh sáng các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào việc ngụy tạo lịch sử dân tộc và lịch sử vương triều Trần với tội danh tương đương tội phản quốc.

                                                                                  Cao Trần Bá Khoát

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 158
Tổng truy cập: 1277348
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ