TỪ MIẾU CÂY ĐA ĐẾN ĐỀN THỜ TỔ - SỰ LỪA DỐI SIÊU ĐẲNG
Đại tá, PGS. TS. Trần Văn Luyện
Chánh văn phòng HĐHT VN
Email: luyentv1960@gmail.com
Tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình có “Miếu cây đa” biến thành “Đền nhà ông”, rồi thành “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Đây là di tích không được xếp hạng mà có thể mời các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đến thăm viếng. Hành trình của sự dối trá này là gì?
I. ÔNG DƯƠNG QUẢNG CHÂU ĐÃ HƯ CẤU NHÂN VẬT TRẦN HOẰNG NGHỊ TỪ SỰ SAI LẦM VỀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Trong bài tham luận “Trần Thủ Độ với Thái Bình” tại hội thảo ngày 26/4/1994 do Viện Sử học và Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thái Bình tổ chức (in sách năm 1995), ông Dương Quảng Châu đã đưa ra nhận định: Trần Thủ Độ là con của Trần Hoằng Nghị. Chưa có cơ sở để xác định động cơ việc sai lầm của ông Dương Quảng Châu, nên tôi cho rằng đó là sự non nớt về phương pháp nghiên cứu lịch sử, thể hiện các điểm sau:
1. Bỏ qua những công trình của các sử gia ở các triều đại trước
Các công trình lịch sử thời Trần, Lê sơ, Nguyễn và các sử gia nổi tiếng như Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Lê Tắc, Ngô Sĩ Liên, Lê Qúy Đôn... cũng đều không cho biết thân phụ của Trần Thủ Độ là ai. Các bộ sử xưa chỉ ghi “Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé, ở với bác là Trần Lý tại Lưu Gia Trang”. Nghiên cứu các sự kiện lịch sử đã xảy ra khoảng 800 năm mà ông Châu bỏ qua các công trình của các sử gia nổi tiếng.
2. Bỏ qua đặc điểm địa hình và dấu mốc thời gian các sự kiện liên quan
Sử xưa cho biết Trần Thủ Độ sinh năm 1194 ở Lưu Gia, Tinh Cương, hương Đa Cương (nay là làng Lưu Xá, xã Canh Tân, Huyên Hưng Hà, Thái Bình) mất năm 1264, thọ 71 tuổi. Theo Bản đồ địa hình của Tập bản đồ nông nghiệp Thái Bình thì Làng Phương La là khu vực thấp trong xã Thái Phương. Làng Mẹo (Phương La ngày nay) được tách ra sau cùng của xã, quả chuông lớn của chùa Linh Ứng (làng Mẹo) được đúc vào năm 1783 (sau khi thành lập làng mới). “Vì làng lập mới vào năm Ất Mão (khoảng năm 1675, triều vua Lê Hy Tông, hoặc sớm hơn thì có thể vào năm 1615 triều vua Lê Kính Tông), nên tên chữ của làng lúc đầu là Ứng Mão, sau gọi là Hương La, rồi sau này mới đổi tên là Phương La” . Điều này là logic và hợp lý vì đặc điểm các khu dân cư thời xưa là ở trên các khu vực cao để tránh lũ lụt, những khu dân cư mà ở khu vực trũng và thấp thường được hình thành sau này.
Vì các bộ sử ghi Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé, ở với bác là Trần Lý. Như vậy, cha mẹ Thủ Độ đã mất gần với thời điểm sau khi sinh Trần Thủ Độ, tức vào thời điểm sau năm 1194. Trong khi Làng Mẹo (Phương La ngày nay) thành lập sau đó gần 500 năm (năm 1675 hoặc năm 1615) đình làng có sắc phong, đặc biệt là sự kiện đúc chuông làng Mẹo năm 1783. Đặc điểm nổi bật của làng cổ Việt Nam là sau khi thành lập một làng mới, thường xây đình, đền (miếu) để thờ thành hoàng làng, đúc chuông như là một vật thiêng trong làng, đây là nơi sinh hoạt cộng đồng.
Như vậy, rất khó có thể xảy ra bố Trần Thủ Độ chôn cất ở một ngôi làng mà sau hơn 500 năm mới lập làng!
3. Đưa ra giả thuyết thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị đại vương - Trần Hoằng Nghị bằng phương pháp điền dã mơ hồ
Vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, rất nhiều hội thảo khoa học về nhà Trần đã được tổ chức. Tuy nhiên, mãi đến Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 800 năm ngày sinh danh nhân Trần Thủ Độ (1194 - 1994), lần đầu tiên ông Dương Quảng Châu đưa ra giả thuyết thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Hoằng Nghị đại vương - Trần Hoằng Nghị. “Tìm hiểu các bài viết của cụ Dương Quảng Châu về thân thế, cha mẹ, anh em của Trần Thủ Độ, chúng ta sẽ thấy rối bời như sa vào mạng lưới tơ giăng, càng gỡ thì càng thấy khó hiểu bởi sự không nhất quán, thiếu tính khoa học trong nghiên cứu của cụ”. Ông Dương Quảng Châu đưa ra nhân vật Trần Hoằng Nghị nhưng không có cứ liệu lịch sử nào mà chỉ bằng phương pháp nghiên cứu điền dã. Tuy nhiên, tư liệu thu được bằng phương pháp điền dã (qua lời truyền kể) cũng thiếu thuyết phục bởi các bài viết của ông đều không đưa được người cung cấp tư liệu cụ thể là ai, bao nhiêu tuổi và địa chỉ ở đâu, có lẽ vì ông sợ các nhà nghiên cứu chân chính điều tra lại thì lộ trò dối trá. Ông Dương Quang Châu viết: “các bô lão ở Trực Nội vào vùng Động Núi được các bô lão địa phương cho biết: Theo thần phả, An Hạ vương là con trai thứ hai Trần Hoằng Nghị đại vương, em An Quốc vương, là anh Trần Thủ Độ”. Nhưng khi kiểm tra thần phả thì không có. Cha ông ta đã dạy “tam sao thất bản”, “lời nói gió bay” nên các tư liệu của ông Châu đưa ra đầy mâu thuẫn và thiếu tính logic khoa học.
Vậy, ông Dương Quản Châu là ai? Ông là người không có nghiệp vụ chuyên môn về nghiên cứu lịch sử, về hưu làm cộng tác viên của Ban Nghiên cứu lịch sử Tỉnh ủy và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thái Bình. Ông Dương Quảng Châu đưa ra nhận định về Trần Hoằng Nghị và cho rằng Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ đều không có cứ liệu lịch sử từ khảo cổ, văn bia, sắc phong, thần tích, thần phả…
4. Thần phả, thần tích ở đình làng Xuân La, Phương La xã Thái Phương thì Trang Nghị đại vương là một thiên thần (nhân vật thần thoại)
Nhà nghiên cứu Đặng Hùng viết: “Thực tế khảo sát điền dã ở làng Mẹo (Thái Phương, Hưng Hà), chúng ta đã thấy rõ đền đình ở đây thờ lục vị thần hoàng (những vị thần hoàng này không có ai là họ Trần như một số người lầm tưởng); và cũng không thờ vị nào tên là Trần Hoằng Nghị được tôn làm thần hoàng hay phúc thần của làng. Nhân vật được thờ ở làng Xuân La và Phương La là “Trang Nghị đại vương”. Đây là nhân vật mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là Trần Hoằng Nghị, nhưng theo thần phả, thần tích ở đình làng Xuân La thì Trang Nghị đại vương là một thiên thần (con thần Sấm) được vua Đường Trung Quốc và Cao Biền phong cho chứ không phải là nhân thần” .
Như vậy, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ không thể là một nhân vật thần thoại được, không thể là Trang Nghị đại vương như ông Dương Quang Châu và ông Nguyễn Minh Tường ngộ nhận.
5. Trần Thủ Độ là ai?
Trần Thủ Độ là người có công lớn dựng cơ nghiệp triều Trần, là Thượng phụ Thái sư Trung Vũ đại vương. Có thể nói ông là người có quyền lực át cả vua. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là nhờ mưu sức của Thủ Độ, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua” . Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục là: “Trần Thủ Độ sau khi chết, chôn ở địa phận xã Phù Ngự, huyện Ngự Thiên, nơi để mả có hổ đá, giơi đá, chim đá và bình phong bằng đá, chỗ đất ấy rộng đến hai mẫu, cây cối um tùm. Về tự điển, trước vẫn liệt vào hạng thượng đẳng, các quan phủ, huyện, huấn, giáo đến kính tế …” .
Trần Cảnh lên ngôi, lâu ngày chưa có con, bị Trần Thủ Độ ép lấy chị dâu (vợ của Trần Liễu) khi đang có thai 3 tháng. Vua không đồng tình đã bỏ lên chùa trên núi Yên Tử. Trước sự cứng rắn và khôn khéo của Trần Thủ Độ: “Vua ở đâu thì kinh thành ở đấy” nên cuối cùng vua cũng phải về kinh thành. Cuộc ép duyên này đã gây phản ứng, binh biến của Trần Liễu (bố Trần Hưng Đạo). Trần Thủ Độ còn là người bức tử Lý Huệ Tông để lấy Trần Thị Dung là chị họ, mặc dù Trần Thị Dung đã là Hoàng hậu của Lý Huệ Tông.
Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: “Trần Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì là không để ý tới”.
Có thể nói những việc “long trời lở đất” mà Trần Thủ Độ còn làm được. Vậy với tính cách của Trần Thủ Độ như vậy, sao ông không xây lăng mộ bố mẹ mình cho thật to và sắc phong công trạng… Có phải nhà Trần quên ơn và đặc biệt Trần Thủ Độ quên công lao người cha đã sinh ra mình hay sao? Thế mà ông Dương Quảng Châu bịa ra rằng: Trần Hoằng Nghị khai hoang, lập ấp, dạy dân làm nghề, mở chợ, buôn bán… và là người thân sinh ra Trần Thủ Độ. Nhận định này không có bất kỳ tư liệu lịch sử, thần tích, văn bia nào chứng minh.
Xét về tư liệu lịch sử để lại từ Lê Văn Hưu, sử gia thời Trần; Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thời Lê đều ghi: Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý, không ghi rõ bố mẹ ông là ai. Điều này cũng rất lôgic và phù hợp với Đại Việt sử ký toàn thư viết: Thủ Độ không có học vấn… nghĩa là không được học hành khoa bảng vì bố mẹ mất sớm.
Như vậy, Trần Thủ Độ là người đa mưu, quyết đoán, mạnh mẽ và nặng tình. Trần Thủ Độ là người như vậy, có thể nói ông sẵn sàng làm tất cả mọi việc nếu có thể tìm được mộ của bố mẹ mình! Thế nhưng trong các công trình lịch sử đều không ghi gì. Xét về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tình “mẫu tử”, nếu thật sự bố mẹ Trần Thủ Độ không mất sớm mà chỉ cần xác định được mộ và có chút công lao thật sự (dù là bé nhỏ) thì các vua Trần nói chung và trực tiếp là Trần Thủ Độ sẵn sàng ra các sắc phong cho cha, mẹ ông. Đây là điều lôgic lịch sử và đạo lý.
Điều này chỉ có thể lý giải và khẳng định: “Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé, ở với bác là Trần Lý tại Lưu Gia Trang” là chính xác, nên ông cũng không thể biết được nơi chôn cất bố mẹ mình ở đâu. Đến Trần Thủ Độ cũng không xác định được mộ của bố mẹ mình thì việc ông Dương Quảng Châu tìm ra bố của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị và nơi chôn cất chỉ là sự hư cấu, ảo tưởng! Với lối suy nghĩ dân dã: Bố nào con nấy, Trần Thủ Độ giỏi như vậy, hà tất bố Trần Thủ Độ cũng phải rất giỏi. Thế là mở màn cho hành trình đi tìm bố Trần Thủ Độ. Tôi cho rằng đây là sự sai lầm, ấu trĩ về nghiên cứu lịch sử của ông Dương Quảng Châu.
II. TIẾP TỤC HƯ CẤU THÂN PHỤ CỦA THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ TỪ SỰ SAI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC
Việc hư cấu nhân vật Trần Hoằng Nghị bằng phương pháp điền dã mà không có các tư liệu lịch sử minh chứng đã bị nhiều nhà khoa học chân chính phản đối nên những người có dã tâm xuyên tạc lịch sử nghĩ tiếp ra một trò mới là tạo ra bài vị giả.
Ông Châu viết: Trần Hoằng Nghị quê ở Bến Trấn, Tinh Cương lộ Long Hưng… hy sinh trong một trận chiến ở Hạ Liệt (xã Thái Hà). Được lập đền thờ ở cánh đồng Hạ Liệt, coi như thờ Bách Linh, trận vong chiến sĩ, ngôi Duệ Hiệu cao nhất là “Trần triều Hoằng Nghị đại vương, thượng đẳng phúc thần”. Không có tài liệu lịch sử nào chứng minh mà giám bịa ra như vậy, liều đến thế là cùng!
Từ bài viết của ông Dương Quảng Châu, PGS.TS.Nguyễn Minh Tường có bài “Thân thế sự nghiệp Hoằng Nghị đại vương thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” tham gia hội thảo ngày 9/01/2007 tại Hà Nội do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức. Ông Tường viết: Trong Miếu gốc đa có bài vị chữ Hán ghi “Phụng đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân”. Ông Tường cho rằng bài vị viết sai chữ “Nghị” chưa đúng vì theo nghĩa là hội nghị, nghị luận mà đúng nghĩa phải là “nghị lực”. Ông Tường dẫn ra sắc phong, thần tích tại đình thôn Xuân La (cùng xã Thái Phương với Phương La) thờ ngài Trang Nghị đại vương và gán: “Trong sắc phong của thôn Xuân La, tên Hoằng Nghị đại vương đều được ghi là Trang Nghị đại vương, đấy là gọi theo một mỹ hiệu khác mà triều đình phong cho ngài”.
TS.Mai Hồng cho biết: “nghiên cứu sắc phong, thần tích của làng thì Trang Nghị đại vương là thiên thần (thần sấm). Ngài có công phù giúp Thứ sử Cao Biền đánh quân Nam Chiếu. Và phù giúp Vua Lê Đại Hành đánh Tống. Như thế, một vị thiên thần xuất hiện trước triều Trần đến 5 thế kỷ thì không thể là bố Trần Thủ Độ được”.
Ông Nguyễn Minh Tường đã dẫn ra sắc phong, thần tích tại làng Phương La, nhưng là “đánh lộn quân đen” đem nhân vật thiên thần (hư cấu) gán cho nhân vật có thật là bố Trần Thủ Độ. Ngoài ra, dẫn bài vị chữ hán nhưng là bản mới được làm trong những năm gần đây nên gỗ và mực sơn còn mới, người viết bài vị trình độ lại chưa thạo chữ hán nên còn sai sót. Việc ông Dương Quảng Châu là người không có nghiệp vụ chuyên môn về nghiên cứu lịch sử nên sai lầm đã đành. Còn sai lầm của ông PGS.TS.Nguyễn Minh Tường thì sao? Tôi đánh giá ông Tường không phải không biết cách nghiên cứu khoa học Lịch sử, nhưng vẫn cố tình đưa ra các tư liệu sai trái, hư cấu nhân vật phản khoa học, chắc là có mục đích gì ẩn đằng sau? Vì vậy, các cơ quan chức năng cần làm việc với Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam để làm rõ vấn đề này.
“Đền nhà ông” được xây dựng theo văn bản số 618/UB-VX ngày 13/5/2002 của UBND tỉnh Thái Bình (Phó Chủ tịch Hoàng Đình Thạch ký) có nội dung: “Cho phép Hội đồng gia tộc họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà được phục hồi ngôi Đền nhà ông trên nền móng cũ (có bản vẽ kèm theo). Kinh phí xây dựng do sự đóng góp của dòng họ”. Ông Đào Hồng - nguyên Trưởng phòng Quản lý di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Bình cho biết: “Tên gọi Đền nhà ông là khi dùng để xin giấy phép xây dựng chứ thực tế ban đầu là Miếu cây đa, mỗi chiều khoảng 1m đến 1,5m”.
Khi được yêu cầu giải trình việc hư cấu nhân vật Trần Hoằng Nghị, PGS.TS.Nguyễn Minh Tường viết thư ngỏ gửi Viện Sử học là ông đã căn cứ vào tài liệu của ông Dương Quảng Châu. Một nhà khoa học về lịch sử, đã là PGS.TS mà lại tin vào tư liệu điền dã với quá trình điều tra thiếu căn cứ của một người cộng tác viên về hưu nêu ra và dựa vào bài vị giả, mới tạo ra gần đây; không có sắc phong, thần tích mà ông đã liều mạng lấy sắc phong thiên thần gán cho nhân thần. Đây là điều không bình thường trong giới khoa học Lịch sử Việt Nam!
Sau khi thêu dệt thành công nhân vật Trần Hoằng Nghị là bố của Thái sư Trần Thủ Độ, dựa bóng nhà khoa học, những người quản lý di tích “Đền nhà ông” tiếp tục nâng cấp đền lên một bước mới là gán cho “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam”. Thật là bất chấp đạo lý về các dòng họ Việt Nam. Trong lịch sử các dòng họ, chưa bao giờ con thứ lại là Tộc trưởng và nhà thờ nhánh dưới lại là Nhà thờ tổ. Tất cả các sử gia đều ghi Trần Thủ Độ ở với bác là Trần Lý. Do vậy, giả sử có tìm được mộ của bố Trần Thủ Độ ở Phương La chăng nữa thì cũng không thể xưng là Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam vì Trần Thủ Độ là ngành thứ, cũng không phải ngành vua!
Tại cuộc Hội thảo khoa học do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Hoằng Nghị đại vương và sự tôn tạo, bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La” (2007), GS.Vũ Khiêu kết luận rõ nêu rõ: Thân phụ của Thống quốc Thái sư - Trung Vũ đại vương Trần Thủ Độ là ai vẫn còn là một tồn nghi. Cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa, không chỉ nghiên cứu ở trong nước mà còn phải nghiên cứu cả ở nước ngoài mới mong giải đáp được câu hỏi này.
Từ đó đến nay vẫn không phát hiện được tài liệu lịch sử nào mới. Tuy nhiên, PGS, TS.Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học đã tự ý đưa nhân vật Trần Hoằng Nghị vào Sách lịch sử Việt Nam phổ thông, in tại nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Lãnh đạo dòng họ Trần Nguyên Hãn và sau đó là Hội đồng họ Trần Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng vạch trần sự sai trái này. Do đó, ngày 12/10/2018, Viện Sử học thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam đã có Công văn số 187/VSH trả lời là: “cuốn Lịch sử Việt Nam phổ thông, tập 3, do PGS.TS.Nguyễn Minh Tường (chủ biên)... Để giải quyết dứt điểm việc này, hiện tại Viện Sử học đã gặp, trao đổi, đề nghị tác giả (PGS.TS.Nguyễn Minh Tường) cắt bỏ câu “Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở khu Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)” và cắt bỏ câu “Thân phụ của Trần Thủ Độ là Trần Hoằng Nghị”. “Lãnh đạo Viện Sử học đã gửi công văn thống nhất với Lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự thật trong sách tái bản này sẽ cắt bỏ những câu trên để tránh sự tranh luận khi chưa có cơ sở tư liệu để kết luận về nhân vật Trần Hoằng Nghị và nhận định Trần Thủ Độ quê ở Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình)”.
Công văn số 1854/UBND-TCD đề ngày 13/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trả lời Hội đồng họ Trần Việt Nam nêu rõ: “Đền nhà ông” là cơ sở thờ tự của dòng họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, không phải là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.
Như vậy, sự hư cấu nhân vật Trần Hoằng Nghị đã không được cơ quan khoa học chuyên ngành là Viện Sử học cũng như cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình chấp nhận. Đây thật sự là may mắn cho lịch sử nước nhà nói chung và lịch sử dòng họ Trần nói riêng trước nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” hiện nay mà Đảng ta đã cảnh báo.
III. CÓ TỔNG SỐ BAO NHIÊU ĐỀN TƯƠNG TỰ NHƯ “ĐỀN NHÀ ÔNG” Ở VIỆT NAM
Theo thống kê Cục di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch: Tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 62 di tích quốc gia đặc biệt và trong số đó có 8 di sản thế giới.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: tính đến ngày 10 tháng 4 năm 2019, tại Việt Nam có 713 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 73 thành phố thuộc tỉnh, 49 quận, 47 thị xã và 544 huyện) và 11.160 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 1.614 phường, 608 thị trấn và 8.938 xã).
Như vậy, cả nước có 2.322 đơn vị phường, thị trấn. Nếu mỗi phường, thị trấn có 01 đền (miếu) thờ thì có 2.322 đền (miếu) thờ ở phường, thị trấn cả nước. Nếu mỗi xã có ít nhất 3 làng, mỗi làng có 2 đền (miếu) thờ thì các xã đã có 8.938 x 3 x 2 = 53.628 đền (miếu). Như vậy, số đền (miếu) thờ ở đơn vị cấp xã là hơn 55.950 đền (miếu) thờ không được xếp hạng. Thực tế còn cao hơn vì chỉ riêng làng Phương La (một xã có nhiều làng) đã có 6 miếu thờ lục vị thần hoàng. Nếu tính cả số di tích lịch sử đã được xếp hạng (cấp tỉnh và cấp quốc gia) và số các đền (miếu) thờ hoàng làng không được xếp hạng thì cả nước là hơn 93.628 di tích. Một năm có 365 ngày, cho nên cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các ban ngành trung ương chỉ giành thời gian đến tham viếng các di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia (hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia) cũng đã là rất khó thực hiện. Còn nếu các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các ban ngành Trung ương mà quan tâm, thăm viếng các di tích không được xếp hạng trong cả nước là 93.628 di tích. Đây là điều cực kỳ phi lý và không tưởng!
IV. CÁC LÃNH ĐẠO CAO CẤP CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC KHI BIẾT SỰ THẬT “ĐỀN NHÀ ÔNG” Ở THÔN PHƯƠNG LA, XÃ THÁI PHƯƠNG LIỆU CÓ VỀ THĂM KHÔNG?
Thực tế trong những năm qua đã có những lãnh đạo nào về thăm “Đền nhà ông” ở Phương La, xã Thái Phương? Nhóm PV viết bài trên báo Kinh doanh và Pháp luật nêu rõ: “Tại khuôn viên đền thờ Đức Hoằng Nghị đại vương ở làng Phương La, đâu chỉ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, về thăm và thắp nhang tưởng niệm các đức vua đời Trần; mà trước đó nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, và sau này là Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều lãnh đạo các ban ngành và địa phương cũng về thăm và thắp nhang tưởng nhớ các vị vua Trần”.
Công văn số 1854/UBND-TCD đề ngày 13/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã nêu rõ “Đền nhà ông” là cơ sở thờ tự của dòng họ Trần xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, không phải là di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng.
Từ sự phân tích trên có thể khẳng định: cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các ban ngành trung ương đến thăm viếng các di tích không được xếp hạng như dạng “Đền nhà ông” ở thôn Phương La, xã Thái Phương là điều không tưởng, bởi vì cả nước có hơn 93.628 di tích đền, (miếu) tương tự. Ở đây chắc chắn có sự báo cáo sai sự thật của các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình, dựng lên cái gọi là “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” là “Đền thờ Trần Hoằng Nghị, thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ” là di tích lịch sử… Có sự “đánh lộn con đen” giữa đền (miếu) thờ “thần sấm” là “Đền nhà ông” với khu di tích lịch sử quốc gia đền Trần ở xã Tiến Đức gần đó.
Chúng tôi yêu cầu những người quản lý “Đền nhà ông” phải hạ ngay biển đề “Đền thờ Tổ họ Trần Việt Nam” bởi dòng họ Trần Việt Nam không cho phép nơi đây tiếp tục có những hành động sai trái. Đề nghị Cơ quan an ninh văn hóa - Bộ Công an và các cơ quan chức năng cần điều tra sự việc đã mời các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã về thăm “Đền nhà ông” (Miếu cây đa) để làm rõ trách nhiệm của những người báo cáo sai sự thật, đồng thời để ngăn chặn những vi phạm có thể tái diễn về các cuộc viếng thăm tại “Đền nhà ông” ở xã Thái Phương do ông Trần văn Sen xây dựng, quản lý. Hãy chấm dứt vụ lừa dối lịch sự siêu đẳng này!
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 155 |
Tổng truy cập: 1371855 |