BỊA RA NHÂN VẬT LỊCH SỬ RỒI LẬP ĐỀN THỜ | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  TÀI LIỆU LICH SỬ
BỊA RA NHÂN VẬT LỊCH SỬ RỒI LẬP ĐỀN THỜ
Tạp chí LÀNG VIỆT số ra tháng 5- 2019 mục Văn hóa Nghệ thuật (trang 22, 23) tác giả HUY VĂN có bài "Bịa ra nhân vật lịch sử rồi lập đền thờ" nói về Đền Nhà Ông ở Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình là một ngôi đền thờ nhân vật không có thật Trần Hoằng Nghị và lại được cho là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Xin đăng tải chia sẻ cùng bạn đọc.

 

BỊA RA NHÂN VẬT LỊCH SỬ RỒI LẬP ĐỀN THỜ

                                                                  Huy Văn

Đền Nhà Ông ở Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình là một ngôi đền thờ nhân vật không có thật Trần Hoằng Nghị và lại được cho là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.

Đền thờ, nhất là đền thờ nhân thần có công với làng, với nước xưa nay luôn được nhân dân nhiều đời gìn giữ. Do vậy, việc lập ra một ngôi đền để thờ một nhân vật không có thật chắc chắn sẽ phản tác dụng.

Thiếu tướng, PGS Đào Trần Quang Cát – Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam (HĐHTVN) cho biết: Mới đây, HĐHTVN có đơn gửi Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) phản ánh việc tại thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình mọc lên một ngôi đền hoành tráng gồm 3 tầng, cao tới 41m trên khuôn viên rộng 5 ha đất nông nghiệp. Đền thờ một nhân vật hư cấu, không có sử sách, hay văn bia, sắc phong, thần tích nào đề cập đến. Ngày 13/3/2019, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản số 154/DSVH-DT gửi tới Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình. Nội dung công văn đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình phối hợp với chính quyền địa phương tìm hiểu quá trình xây dựng Đền thờ Trần Hoằng Nghị (Đền Nhà Ông) và đề xuất quan điểm xử lý với Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Thái Bình. Cũng liên quan đến vụ việc xây dựng Đền thờ Trần Hoằng Nghị này, trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn số 1479/VPCP-V.I ngày 22/2/2019 gửi UBND tỉnh Thái Bình đề nghị xem xét, giải quyết làm rõ sự việc. Tuy nhiên, đến nay, Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình và UBND tỉnh Thái Bình vẫn chưa có văn bản trả lời.

                                                      

Đền nhà Ông được biến thành Đền thờ Trần Hoằng Nghị rồi Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam.

Tại sao một ngôi đền thờ ở địa phương lại gây sự chú ý của dư luận và khiến cơ quan quản lý có văn bản chỉ đạo xử lý như vậy?

Nguồn cơn sự việc như sau: Ngày 26/4/1994 đã diễn ra hội thảo về Trần Thủ Độ do Viện sử học và Sở VHTT tỉnh Thái Bình tổ chức. Trong các bài tham luận có bài của ông Dương Quảng Châu (cán bộ hưu trí tại xã Thăng Long, huyện Đông Hưng, Thái Bình, một nhà nghiên cứu lịch sử ở địa phương) với nhan đề “Trần Thủ Độ với Thái Bình”. Năm 1995, các bài tham luận tại hội thảo năm 1994 này được Sở VHTTDL tỉnh Thái Bình tập hợp và in thành sách. Trong bài viết của mình, ông Dương Quảng Châu viết theo kiểu đi “điền dã”, nhưng ông khá “tùy tiện” khi không đưa ra được người kể chuyện cụ thể là ai, bao nhiêu tuổi. Theo bài viết thì ở thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình có đền thờ An Hạ vương là con trai Trần Hoằng Nghị, anh Trần Thủ Độ. Và Trần Hoằng Nghị quê ở Bến Trấn, Tinh Cương lộ Long Hưng, nay thuộc xã Thái Phương huyện Hưng Hà. Nhà nghiên cứu lịch sử Đặng Hùng và hai nhà hán học Nguyễn Tiến Đoàn và Vũ Công Hoan đã cất công điều tra tại các địa danh mà ông Dương Quảng Châu nêu. Kết quả, An Hạ vương được thờ ở đình Miễu thôn Tô Hiệu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình là cháu của vua Lý Anh Tông, được phong Quốc tính họ Trần chứ không phải là gốc họ Trần, càng không phải là con của Trần Hoằng Nghị nào đó hay anh trai của Thái sư Trần Thủ Độ.

Những tưởng việc phóng bút hư cấu của ông Dương Quảng Châu rơi vào quên lãng. Ai dè, PGS.TS Nguyễn Minh Tường công tác tại Viện Sử học lại “vớ lấy” và đề nghị Hội khoa học lịch sử phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo “Hoằng Nghị đại vương và việc bảo tồn – tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Phương La, Thái Phương, Hưng Hà, Thái Bình”. Năm 2015, một số tham luận được tập hợp in thành sách do NXB Thế giới xuất bản.

Có sách, có hội thảo, ông Trần Văn Sen quê ở Phương La bèn tiến hành xây dựng đền thờ. Nhưng đơn xin và văn bản đồng ý cho xây dựng đền thờ không thể cho nhân vật Trần Hoằng Nghị với tư cách là bố Trần Thủ Độ được. Vậy là một cái tên được nghĩ ra là Đền Nhà Ông đã được đưa vào các văn bản. Ngày 13/5/2002, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Hoàng Đình Thạch đã ký văn bản số 618/UB-VX cho phép xây dựng Đền Nhà Ông. Theo giải thích của PGS. TS Nguyễn Minh Tường thì cách gọi đó được hiểu là “con ông, cháu cha”. Đền được xây dựng trong 9 năm từ 2002 đến 2011 thì khánh thành. Trong đền tượng đồng dát vàng Trần Hoằng Nghị nặng 5.082kg. 20 pho tượng đồng dát vàng khác đều nặng từ 350 kg đến 700 kg.

                                 

                              Tượng Trần Hoằng Nghị tại Đền nhà ông. 

Lẽ tất nhiên, Thái sư Trần Thủ Độ phải có bố. Nhưng quyết không thể áp đặt nhân vật bịa Trần Hoằng Nghị là bố Trần Thủ Độ được. Bởi vì chính sử không ghi chép về thân phụ của Trần Thủ Độ. Và không có một bằng chứng lịch sử nào thấy nổi lên cái tên Trần Hoằng Nghị gắn với Trần Thủ Độ. Vậy mà, PGS. TS Nguyễn Minh Tường tiếp tục đưa nhân vật không có thật này vào sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” tập 3 do mình chủ biên được NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản tháng 3/2018. Rất may Thiếu tướng PGS Đào Trần Quang Cát – Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam (HĐHTVN) và Đại tá Trần Nguyên Trung, nguyên Tổng biên tập tạp chí Hậu cần quân đội, Tổng thư ký HĐHTVN đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng. Cuối cùng, Cục Xuất bản in và phát hành, Viện sử học và NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật đã phải dừng phát hành để sửa chữa, loại bỏ nhân vật Trần Hoằng Nghị ra khỏi cuốn sách.

GS.Vũ Khiêu khi kết thúc hội thảo về Trần Hoằng Nghị năm 2007 dù rất muốn ủng hộ Hội Khoa học lịch sử và UBND tỉnh Thái Bình nhưng cũng phải nêu ý kiến đây là nhân vật còn tồn nghi. Tồn nghi mà còn lập đền thờ và tổ chức cúng bái mời lãnh đạo đến dự? Nếu cứ mỗi danh nhân thời phong kiến của đất nước mà tồn nghi thêm một nhân vật nữa là ông, là bố... của danh nhân nữa thì đất nước không biết sẽ có mấy ngàn đền thờ nữa xuất hiện?

Vậy nên, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý sự việc này.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1274709
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ