SỰ THẬT VỀ NGÔI TỪ ĐƯỜNG VÀ NGUỒN GỐC
HAI BÀI VỊ CỦA GIA ĐÌNH ÔNG TRẦN VĂN SEN
Trần Hoàng Quân
Hiện tượng Trần Hoằng Nghị bắt đầu hình thành từ ngôi từ đường của gia đình ông Trần Văn Sen, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hương Sen.
Để chuẩn bị cho cuộc hội thảo “Hoằng Nghị Đại vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La”, tháng 4 năm 2006, PGS - TS Nguyễn Minh Tường đã cùng một số nhà sử học tổ chức một cuộc khảo sát điền dã tại thôn Phương La. Dựa theo lời kể của ông Trần Văn Sen, PGS - TS Đinh Khắc Thuần viết về ngôi từ đường của gia đình ông Trần Văn Sen như sau: “Năm 1984 - 1985, ông Trần Văn Sen xây dựng lại ngôi từ đường họ Trần do gia đình ông phụng thờ. Từ đường gồm một ngôi nhà Tổ và một căn nhà lưu niệm. Hầu hết các di vật ở nhà lưu niệm đều mới được khôi phục, kể cả những đôi câu đối, bức đại tự và các bài vị. Từ đường là một gian nhà cổ kính vốn là chuôi vồ của đền thờ tổ được chuyển về”(?). Ông Trần Văn Sen đã giới thiệu với các nhà sử học đây là nhà thờ do tổ tiên của ông để lại.
Một số nhà sử học địa phương tỉnh Thái Bình đã đi tìm hiểu về ngôi từ đường này và được biết cụ thể như sau: Từ đường vốn là một ngôi nhà cổ của một gia đình có truyền thống nho giáo từ thời Nam triều nhà Nguyễn đời vua Bảo Đại (trước cách mạng tháng Tám năm 1945). Chủ nhân của ngôi nhà cổ này là cụ Hoàng Nhân, Cử nhân nho giáo, ở thôn Kỳ Trọng, xã Tứ Hải, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình (nay là xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ngôi nhà chính 5 gian (gồm 3 gian nhà giữa và 2 gian buồng ở hai đầu) và 3 gian nhà thờ hình chuôi vồ phía sau bằng gỗ lim, được xây dựng khoảng năm 1925 - 1926. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình cụ cử nhân bị quy là địa chủ, bị tịch thu nhà chia cho hai gia đình nông dân tên là ông Nhừng và ông Xuyên. Một thời gian sau, hai ông bán cho ông Đặng Văn Kiện, người cùng làng Kỳ Trọng. Năm 1980, ông Trần Văn Sen mua lại của ông Kiện với giá hơn 20 cây vàng, bao gồm cả hoành phi, câu đối, và một bức đại tự khảm trai bài thơ của Trình Hiệu (nhà thơ thời nhà Tống Trung Quốc), là học trò cụ cử Hoàng Nhân tặng thầy khi làm nhà. Bức đại tự này, ông Sen đã mang về treo ở nhà lưu niệm của từ đường nhà ông.
Ngày 17 - 5 - 2010, ông Hoàng Văn Nguyện, cháu nội cụ cử Hoàng Nhân đã tìm đến thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà thăm lại ngôi nhà xưa và chụp ảnh làm kỷ niệm, mặc dầu ngôi nhà có thay đổi chút ít ở mái hiên và hai cửa buồng. Các vết sứt ở cánh cửa trước do mảnh đại bác bốt Đông Các bắn về nổ ở sân nhà năm 1951 vẫn còn nguyên. Ông Nguyện đã chụp ảnh lấy nguyên mẫu chữ “Ninh đức duy” và “Vi thiện bảo” – chữ Hán, khắc trên hai hồi của 3 gian nhà ngoài để về khắc bản mới đặt trong nhà thờ mới xây lại năm 2013 tại thôn Đồng Tâm, làng Kỳ Trọng, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Như vậy, thực tế ngôi từ đường này không phải do tổ tiên ông Trần Văn Sen để lại như lời ông Sen nói.
Cùng với việc xây dựng từ đường, ông Sen thuê làm hai chiếc bài vị giống nhau, một chiếc đặt ở nhà thờ của gia đình, một chiếc đặt ở ngôi miếu gốc đa cạnh cánh đồng Phương La. Hai bài vị có nội dung như sau: “Phụng Đại vương thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị đồng tứ vị phu nhân”, có nghĩa là “Phụng thờ vị đại vương Thượng đẳng phúc thần Trần Hoàng Nghị cùng bốn bà vợ” và “Trần Hoàng Nghị đại vương thượng đẳng phúc thần linh vị, Mệnh phụ phu nhân Trần môn linh vị: Tiên Dung hoa nương hiệu Hoàng Đức Mây, Tô thị hoa nương, Quế thị hoa nương”. Các tên húy này thường được gia đình ông Sen và người thân truyền khẩu là “Tô thị nàng, Quế huê nàng, Dong huê nàng, Hoàng Đức Mây”. (Bài viết của PGS - TS Đinh Khắc Thuần). Ông Sen nói với các nhà sử học: “Bài vị cũng là của tổ tiên để lại”, nhưng chỉ cần lướt qua, cũng có thể dễ dàng nhận ra bài vị mới được làm trong thời gian gần đây. Hơn nữa các bài vị này có hai điều khác lạ:
- Bài vị viết bốn bà vợ nhưng văn tự viết thành chỉ có ba, Tiên Dung hoa nương hiệu Hoàng Đức Mây là một bà, còn lại 2 bà chỉ có họ mà không có tên: Tô thị hoa nương nghĩa là bà họ Tô, Quế thị hoa nương là bà họ Quế. Thực chất chỉ có một bà “Tiên Dung hoa nương hiệu Hoàng Đức Mây”, không phân biệt tên nào là húy, tên nào là hiệu, chứng tỏ chủ nhân làm bài vị không biết rõ tên tổ tiên của mình, chữ khắc không đúng là một bài vị chính thống. Ngay cái tên Trần Hoàng Nghị cũng là do ông Trần Văn Sen tự đặt ra cho ông tổ của mình.
- Gọi là đền thờ danh nhân mà tên danh nhân và 4 bà vợ cùng chung trên một bài vị là không đúng phong cách Việt Nam.
Nhà sử học địa phương Đặng Hùng là khách mời đến dự khánh thành ngôi từ đương đã nói: “nhìn bằng mắt thường cũng thấy bài vị này chỉ mới xuất hiện thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, có nghĩa là được chế tác cùng với một số câu đối, hoành phi mới. Thì ra bài vị này còn là tác phẩm kết hợp của cụ Dương Quảng Châu. Có một số nhà sử học khi đến thăm nhà cụ Châu, (tiếc là nay cụ đã mất không còn người để chứng minh) tình cờ gặp cụ Châu đang viết chữ mẫu lên bài vị để cho thợ khắc (theo ý kiến của ông Trần Văn Sen!). Như vậy là đã rõ, bài vị mới làm chứ không phải do tổ tiên để lại như ông Trần Văn Sen nói. Vậy tại sao các nhà sử học lại không nhận ra.
Miếu gốc đa là loại miếu rất phổ biến ở thôn, xóm nông thôn miền Bắc Việt Nam. Nếu thống kê đầy đủ, nông thôn miền Bắc Việt Nam có thể tính tới hàng nghìn. Nếu đã là một ngôi đền thờ một danh nhân của đất nước thì dù bị thiên tai, địch họa tàn phá đến mức nào, nơi ấy nhân dân vẫn gọi là đền, không bao giờ chuyển gọi là miếu. Vậy mà PGS - TS sử học Nguyễn Minh Tường lại nói “40 năm trước đền rất to lớn, nay do chiến tranh tàn phá, đền thu nhỏ thành miếu gốc Đa”. Bản thống kê di tích lịch sử của tỉnh Thái Bình đã xác định rõ, thôn Phương La không có “di tích đền nhà ông”, không có đình đền nào thờ Trần Hoằng Nghị./.
21/05/2024 : | TỰ HÀO NGƯỜI CON ƯU TÚ CỦA DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
03/02/2023 : | KHÔNG PHẢI LÀ ĐỀN THỜ TỔ HỌ TRẦN VIỆT NAM |
21/09/2022 : | MỘT TỜ BÁO XUYÊN TẠC LỊCH SỬ VƯƠNG TRIỀU TRẦN |
12/07/2022 : | THÊM MỘT CUỐN SÁCH XUYÊN TẠC LỊCH SỬ |
26/11/2021 : | TRAO ĐỔI VỀ NGUỒN GỐC HỌ TRẦN VIỆT NAM |
01/06/2021 : | CÓ PHẢI TRẦN THỦ ĐỘ SÁT HẠI TÔN THẤT NHÀ LÝ? |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 154 |
Tổng truy cập: 1380743 |