BẢO VỆ SỰ TRONG SÁNG CỦA LỊCH SỬ VIỆT NAM
KHÔNG THỂ ĐƯA NHÂN VẬT HƯ CẤU
TRẦN HOẰNG NGHỊ VÀO QUỐC SỬ
Trung nguyên
Ngay sau khi Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông (LSVNPT) năm 2018 gồm 9 tập do Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) biên soạn, trong đó tập 3 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên, phần viết về nhà Trần (1225 - 1400) đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận xã hội, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần. Nguyên nhân chủ yếu là do trong tập 3, PGS-TS Nguyễn Minh Tường đã đưa nhiều thông tin sai lệch, không chính xác, thậm chí đưa một nhân vật hư cấu tên là Trần Hoằng Nghị vào chính sử quốc gia.
Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Quang Ân đã phải thốt lên: “Quốc sử quán mà viết bậy như thế thì người dân biết tin vào đâu?”. Còn nhà văn Hoàng Quốc Hải (Hội Nhà văn Việt Nam), tác giả của hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Lý, Trần không giấu nổi sự bức xúc: “Họ khinh nhờn lịch sử dân tộc đến thế là cùng. Sự giả dối chỉ có thể đánh lừa được một số người nhưng không thể đánh lừa được cả một dân tộc”. Nhà văn tin tưởng: “Sự thật, chân lý sẽ chiến thắng, đó là tất yếu của lịch sử”.
Thiếu tướng - PGS Đào Trần Quang Cát, nguyên Phó Tổng cục trưởng về chính trị Tổng cục II - Bộ Quốc phòng cho rằng, việc đưa một nhân vật hư cấu, không có trong lịch sử dân tộc vào quốc sử để truyền bá trong nhân dân và phổ cập trong các nhà trường để giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam là điều rất nguy hiểm, gây ra những hệ lụy, tác động xấu về mặt tâm lý, nhận thức, khiến cho hậu thế khó phân biệt được thực, giả, hạ thấp lòng tin và giá trị của các tri thức lịch sử.
Nhà sử học Đặng Hùng (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), quê Thái Bình đã có hàng chục năm nghiên cứu về các triều đại nhà Trần khẳng định: Không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam. Điều này là hoàn toàn có cơ sở. Thứ nhất, các bộ quốc sử từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn như: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, An Nam Chí lược của Lê Tắc, Đại việt thông sử của Lê Quý Đôn, Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú… đều không nói rõ thân phụ của Trần Thủ Độ là ai và cũng không đề cập đến nhân vật lịch sử nào có tên là Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Các bộ quốc sử chỉ nêu: Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với bác là Trần Lý, được Trần Lý coi như con... Thứ hai, các tài liệu khảo sát di tích của tỉnh Thái Bình do Sở Văn hóa tỉnh lập vào các năm 1958 - 1962; 1977 - 1980 và 1995 - 1996 đều xác định: thôn Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) không có đền thờ nào thờ Trần Hoằng Nghị hay Hoằng Nghị đại vương. Thứ ba, các tài liệu của tỉnh Thái Bình xuất bản trong những năm gần đây, như Tự điển Thái Bình xuất bản năm 2010, dày khoảng 500 trang, trong đó có 36 trang nói về những người họ Trần quê hương Thái Bình không có tên Trần Hoằng Nghị. Trước đó, cuốn sách “Danh nhân Thái Bình” xuất bản năm 2002, có độ dày gần 450 trang, tập hợp các nhân vật nổi tiếng quê Thái Bình trong các thời kỳ lịch sử, như Lý Bí, Bùi Quang Dũng, Trần Thủ Độ, Vũ Thị Thục nương, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Lê Quý Đôn… nhưng cũng không có Trần Hoằng Nghị.
Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, một nhân vật chưa rõ gốc tích, không có tên tuổi và công lao gì trong thời kỳ khởi nghiệp của nhà Trần vẫn “lọt” qua được các “cửa ải” là Viện Sử học và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, quả là chuyện “xưa nay hiếm”. Bởi vì, đây là hai cơ quan chủ chốt giúp Đảng và Nhà nước cho ra đời những tác phẩm kinh điển, tiêu biểu cho lịch sử dân tộc nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc cho người dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần, ngày 14-6-2018, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn đã gửi công văn yêu cầu Viện Sử học báo cáo giải trình. Ngày 26-6-2018, Giám đốc - Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã có văn bản báo cáo Chủ tịch Viện Hàn lâm. Theo đó, ông Viện trưởng biện minh rằng, việc tìm hiểu lai lịch của một nhân vật lịch sử cách đây 800 năm trong điều kiện tài liệu, thư tịch rất thiếu thốn là một khó khăn rất lớn đối với các nhà sử học. Vì vậy, “việc đưa ra kết luận Trần Hoằng Nghị là thân phụ Trần Thủ Độ chỉ là một giả thuyết khoa học, chưa phải là kết luận cuối cùng”. Cách lý giải thiếu sức thuyết phục của ông Viện trưởng Viện Sử học khiến dư luận càng thêm bức xúc, bởi vì một nhân vật chưa rõ gốc tích, còn đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu, chưa được các nhà sử học chân chính công nhận mà đã vội đưa vào Quốc sử rõ ràng là một việc làm tùy tiện, thiếu trách nhiệm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân và uy tín quốc gia.
Điều đáng lưu ý ở đây là, nhân vật hư cấu này đã được đưa vào bộ “Lịch sử Việt Nam thức thức” - một trong 6 đề tài cấp Bộ do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam giao cho Viện Sử học thực hiện từ năm 2009-2010. Theo Viện trưởng Đinh Quang Hải, đề tài “Lịch sử Việt Nam thức thức” được phân chia theo các thời kỳ lịch sử Việt Nam (từ khởi thủy đến năm 2000). Tháng 6-2014, Nhà xuất bản Giáo dục in “Lịch sử Việt Nam thức thức” thành 2 tập. Tập 1 từ khởi thủy đến năm 1858 (trong đó phần thứ 2: Việt Nam từ đầu thế kỷ X đến năm 1858 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên). Tập 2 từ 1858 đến năm 2000. Số lượng in và phát hành 1000 cuốn. Năm 2018, Viện Sử học ký hợp đồng liên kết với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật cho tái bản bộ sách trên lấy tên sách là LSVNPT gồm 9 tập, trong đó, tập 3 do PGS-TS Nguyễn Minh Tường làm chủ biên. Thì ra là như vậy, cái sai lầm sau được tiếp nối từ sai lầm trước do tác giả chủ biên vẫn “kiên định lập trường”.
Tôi cũng không hiểu được Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam gồm những ai, có đủ kiến thức, năng lực và sự am hiểu về lịch sử dân tộc hay không mà lại dễ dàng bỏ qua một “nhân vật lịch sử” hư cấu Trần Hoằng Nghị rồi vẫn đặt bút chấm điểm đề tài đạt loại khá (??). Dư luận cho rằng, việc để lọt những “hòn sỏi lớn” vào Quốc sử, trách nhiệm chính thuộc về Viện Sử học và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, do đó, việc cần làm ngay là tiến hành thu hồi toàn bộ số sách LSVNPT đã phát hành để chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện trước khi phát hành rộng rãi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Cục xuất bản, in và phát hành Bộ TT-TT.
Theo thông tin mới nhất, ngày 12-10-2018, Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải đã có công văn số 187/VSH gửi Thiếu tướng - PGS Đào Trần Quang Cát, Trưởng ban liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam cho biết: Viện Sử học đã gửi công văn thống nhất với lãnh đạo Nhà xuất bản chính trị Quốc gia - Sự thật trong sách tái bản này sẽ cắt bỏ những đoạn câu chưa đủ cơ sở tư liệu để kết luận về nhân vật Trần Hoằng Nghị (là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ - PV) và nhận định quê Trần Thủ Độ ở Bến Trấn, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay thuộc xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Trao đổi với chúng tôi, PGS Đào Trần Quang Cát hoan nghênh sự tiếp thu của Viện Sử học về những kiến nghị của con cháu hậu duệ họ Trần, nhưng ông vẫn tỏ ra băn khoăn về việc liệu Viện Sử học có cho thu hồi số lượng lớn sách LSVNPT đã được phát hành để chỉnh sửa lại hay không? Hơn nữa, do công văn trả lời không nêu cụ thể thời gian thực hiện nên việc chỉnh sửa LSVNPT tập 3 có được tiến hành ngay trong lần tái bản này hay chờ tái bản lần sau???
07/10/2018 : | ĐỪNG SÁNG TẠO LỊCH SỬ |
18/05/2018 : | TRẦN THỦ ĐỘ VÀ ĐỀN THANH NHÀN |
13/12/2017 : | VĂN BIA THỜ CÔNG CHÚA PHỤNG DƯƠNG |
13/12/2017 : | PHẨM CÁCH TRẦN THỦ ĐỘ |
07/01/2017 : | DÒNG DÕI TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN |
10/04/2016 : | TRẦN THỦ ĐỘ, NGƯỜI DỰNG NGHIỆP TRIỀU TRẦN |
26/08/2015 : | HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN |
26/03/2013 : | MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 163 |
Tổng truy cập: 1367889 |