* Thuỷ tổ họ Trần là Trần Kinh vốn gốc ở An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh, lấy vợ ở Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, sau sang cư trú tại Hải An, còn gọi là Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình. Đây là quê của Đàm Hậu, vợ Lý Cao Tông và Trần Thị Dung, vợ Lý Huệ Tông.
* Ông của Trần Thừa là Trần Hấp. Bố đẻ Trần Thừa, Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung là Trần Lý.
Nhờ có công phò tá triều Lý, dẹp loạn Quách Bốc, khôi phục được kinh thành Thăng Long, năm Bính Tý (1216), Trần Thừa được Lý Huệ Tông phong làm Nội thị phán thủ, rồi Thái uý phụ chính
* Từ đó, quyền bính trong nước dần dần về tay họ Trần. Năm 1210, Lý Huệ Tông lập Trần Thị Dung làm Nguyên phi, đến giữa năm 1216, lại tấn phong làm Hoàng hậu.
* Trần Thị Dung và Lý Huệ Tông sinh được 2 gái: Thuận Thiên công chúa gả cho Trần Liễu, Chiêu Thánh công chúa tức Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh. Lý Huệ Tông đi tu rồi chết.
* Tháng 12 năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Tháng 8 năm 1226, vợ goá của Lý Huệ Tông là Trần Thị Dung được gả cho Thái sư Trần Thủ Độ.
* Họ Trần sản sinh được nhiều nhân vật kiệt xuất, có công với triều đại nhà Trần và cả đất nước ta, xây dựng được một chế độ phong kiến hùng mạnh, như: Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Chế Nghĩa, Trần Khát Chân, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An... Công trạng lớn lao đối với tổ quốc là nhà Trần đã đoàn kết được toàn dân phát huy được lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông một cách vẻ vang.
* Trần Nguyên Hãn chính là hậu duệ của dòng họ Trần anh hùng, tài trí này. Trần Nguyên Hãn là con Trần Án, cháu nội của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán.
Để mưu việc cướp ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly đã thẳng tay sát hại tôn tộc nhà Trần. Năm 1399, Hồ Quý Ly giết Trần Thuận Tông, và các tướng: Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hãng, Trần Nhật Đôn, Hà Đức Lân... tổng số trên 370 người, tịch thu toàn bộ gia sản của họ. Con gái bị bắt làm nô tì. Con trai bị dìm chết hoặc chôn sống.
* Trước tình thế đã tiên liệu được, năm Ất Sửu (1385), bà Lê Thị Hoàn đang lúc bụng mang dạ chửa đã phải chạy lên lánh nạn ở trang Sơn Đông thuộc tổng Cao Mật, huyện Lập Thạch, trấn Sơn Tây, nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc; ngay sau khi ông Trần Án là chồng bà và con trai cả của bà bị Hồ Quý Ly sát hại.
* Trần Nguyên Hãn được sinh ra ở trang Sơn Đông và trở thành người Vĩnh Phúc là vì thế.
Truyền thuyết về Đá mài gươm của Trần Nguyên Hãn
* Bà Lê Thị Hoàn mang trong mình giọt máu họ Trần, một lòng kiên trinh tiết nghĩa, xứng đáng với danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà chịu bao nỗi đắng cay vò xé, gia đình tan nát, sống trong cảnh thiếu thốn bần hàn. Mặc dầu xuất thân quý tộc, nhưng bà nhanh chóng hoà đồng với cư dân Sơn Đông, học được cách nấu dầu trẩu làm kế sinh sống, không quản vất vả nắng mưa, tần tảo để nuôi Trần Nguyên Hãn nên người. Bà Lê Thị Hoàn thật xứng đáng một vị Thánh Mẫu, một bà mẹ Việt Nam anh hùng thế kỷ XIV, người đã sinh ra một vị Khai quốc công thần triều Lê là Trần Nguyên Hãn, lập nên những chiến công vô cùng oanh liệt, giải phóng Tổ quốc, đem lại độc lập tự do cho đất nước.
Bà Lê Thị Hoàn đã rau cháo nuôi con ăn học, trong hoàn cảnh thiếu đói, mẹ goá con côi. Bà lùng tìm mua sách binh thư cho con đọc, kèm cặp sớm khuya cho con, thường kể cho con nghe về công trạng to lớn của tổ tông họ Trần, về ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông để nâng cao niềm tự hào huyết thống anh hùng, truyền thống đấu tranh của dân tộc. Bà dạy con nhớ mối thù nhà, không quên đền nợ nước, phải luôn luôn chịu khó rèn văn, luyện võ.
Rất may, trang Sơn Đông lúc bấy giờ có nhiều bậc anh tài, lầu thông kinh sử và tinh thục “thập bát ban võ nghệ”, vẫn giữ được “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo. Nhờ đó, Trần Nguyên Hãn được thụ giáo có bài bản và mau chóng tiến bộ. Trần Nguyên Hãn lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan. Giặc Minh đã chiếm được nước ta. Thấy quân Minh cướp bóc, tàn sát nhân dân, Trần Nguyên Hãn càng bầm gan tím ruột, ra sức văn ôn võ luyện, nghiền ngẫm binh thư để mong mai sau “đền nợ nước, trả thù nhà”.
Thấy con trưởng thành và có chí lớn, bà Lê Thị Hoàn đã trao cho con thanh kiếm gia truyền của cụ tổ bảy đời là Thượng tướng Thái Sư Trần Quang Khải và nhắc nhở con:
- Cha con (Trần Án) đã quý thanh kiếm này hơn cả tính mạng mình. Cụ tổ bảy đời đã dùng nó để đánh giặc Nguyên Mông. Mẹ đã liều chết giữ gìn thanh kiếm và bí mật đem được về đây, để có hôm nay trao lại cho con, đặt niềm tin vào con. Nay giặc Minh đã sang giày xéo đất nước ta, giết hại dân mình, con là người có chí, có tài, hãy biết giữ lấy nó, làm rạng danh cho tổ tông.
Trần Nguyên Hãn nghẹn ngào hứa với mẹ:
- Con hiểu lòng mẹ. Con sẽ không để danh tiếng của thanh bảo kiếm này bị mai một. Con sẽ mài cho nó thêm sắc và dùng nó vào việc đại nghĩa
* Tại cuộc hội thảo về Trần Nguyên Hãn tháng 10 năm 1988, các nhà khảo cổ đã tìm vào rừng Thần, rồi sang Ao Tó, theo ngòi dẫn cách Sông Lô 150m, hơn 1 năm đào bới thì phát hiện ra hòn đá mài gươm của Tả Tướng quốc. Hòn đá in rõ vết mài của thanh Thượng phương bảo kiếm mà Trần Nguyên Hãn thời trai trẻ đã từng khổ luyện nhiều đường gươm bí truyền để chờ dịp cứu nước, luôn luôn mài cho thanh gươm sắc bén.
Hòn đá được tìm thấy ở độ sâu 2m do phù sa Sông Lô vùi lấp, chiều dài khoảng 2,50m, chiều dày độ 1m, có mặt phẳng hằn vết mài vũ khí như đao, kiếm. Phiến đá cổ tích này được chính quyền và nhân dân xã Sơn Đông trục vớt, đem về đặt trên bệ thờ trong Phương đình 4 mái cong để mọi người dễ chiêm ngưỡng. Phương đình có 3 mặt thoáng, thiết lập bên trái phía trước, cận kề với cột phương đăng đền thờ Tả tướng quốc, chứng minh một hiện thực lịch sử đầy bi tráng, nhưng cũng rất tự hào.
* Bức hoành phi trên chính điện của đền thờ Tả Tướng quốc.
Tại tiền sảnh, trên chính điện nơi thờ Tả Tướng quốc treo một bức hoành phi cỡ lớn, lọt vào giữa hai cột cái, chạy dài suốt gian giữa, có 4 chữ đại tự thiếp vàng, nổi bật trên nền gỗ sơn then. Đó là 4 chữ “Khai Quốc Nguyên Huân”.
“Khai Quốc” có nghĩa là “Mở Nước”, dựng nên một triều đại mới, thiết lập một quốc gia có lãnh thổ, có nhân dân, có chủ quyền, định được bản đồ và quan chế.
“Nguyên Huân” có nghĩa là công lao to lớn, công lao xếp hàng đầu, trên mọi người.
Bốn chữ này nhằm tôn xưng, ca ngợi Trần Nguyên Hãn, người làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch.
* Cuộc khởi nghĩa 10 năm do Lê Lợi lãnh đạo, đánh đuổi giặc Minh, Trần Nguyên Hãn tham gia ngay từ buổi đầu còn trứng nước.
Năm 1415, Trần Nguyên Hãn đã dẫn đầu nghĩa quân Rừng Thần, chiêu tập trong vùng Sơn Đông - Sông Lô, hạ được thành Tam Giang, làm chủ cả vùng Bạch Hạc (Vĩnh Phúc), làm giặc Minh phải kinh hồn bạt vía.
Giáp Tết Mậu Tuất (1418), Trần Nguyên Hãn đem 200 quân Rừng Thần, Sơn Đông, Sông Lô cùng hàng trăm ngựa chiến từ vùng Bạch Hạc về tụ nghĩa với nghĩa quân Lam Sơn.
Năm Ất Tỵ (1425), theo sáng kiến của Trần Nguyên Hãn, nghĩa quân đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hoá, mặt khác Trần Nguyên Hãn đem 1 nghìn quân đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hoá để mở rộng địa bàn hoạt động và tránh thế bị đánh gọng kìm.
Năm Bính Ngọ (1426), Trần Nguyên Hãn thống lĩnh các lực lượng thuỷ binh đánh mũi phía Đông. Lê Lợi chỉ huy đại binh đánh mũi phía Tây. Cả hai cánh quân phối hợp đánh dốc vào Đông Quan, giết được nhiều giặc; Vương Thông vô cùng khốn đốn, phải rút vào thành cố thủ.
Ngày 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), Trần Nguyên Hãn nhanh chóng hạ thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng đến. Chiến trận diễn ra chưa đầy 1 canh giờ, tướng giặc gồm Kim Dận, Lý Nhậm, Cố Phúc, Phùng Trí đều bị bắt sống hoặc bị giết trong đám loạn quân.
Thành Xương Giang ở Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, cách thị xã Bắc Giang 4km, bên cạnh quốc lộ 1A đi Lạng Sơn. Khi trước, nghĩa quân Lam Sơn bao vây 6 tháng không hạ được, Lê Lợi phải giao nhiệm vụ cho Trần Nguyên Hãn.
Là người tinh thông binh pháp và có tài dùng binh, sau khi xem xét địa thế, Trần Nguyên Hãn đã có kế sách đánh thành Xương Giang hết sức táo bạo.
Ông cho đào hầm ngầm và dùng xe phá thành, mộc bọc da trâu để đỡ tên, xe xung sát áp đảo 4 cửa thành. Tướng Minh hoảng sợ, phải leo lên mặt thành đốc chiến, bỏ sơ hở bên trong.
Từ phía nhà ngụy quan, quân ta thuyết phục chúng đầu hàng chính nghĩa, nên tập trung sức lực, đào đất xuyên qua chân thành, luồn một mũi vào từ phía trong thành đánh ra, mở toang cả 4 cửa. Thế quân Nam như hùm beo. Trống thúc, chiêng khua rầm trời dậy đất. Dận và Nhậm biết thành đã mất, rút gươm đâm cổ tự sát.
Thành Xương Giang bị thất thủ về tay Trần Nguyên Hãn quá nhanh, nên quân cứu viện của Tổng Binh - Chinh Lỗ tướng quân, Thái tử, Thái phó, An viễn hầu Liễu Thăng vẫn không hay biết gì. Trần Nguyên Hãn dùng kế dụ địch, trên mặt thành Xương Giang, ông vẫn treo cờ Minh. Ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (10/10/1427), Liễu Thăng kiêu ngạo tự đốc xuất quân tiên phong từ ải Pha Luỹ tràn xuống Chi Lăng, bị sa vào trận địa mai phục của ta. Liễu Thăng bị mất đầu ở sườn núi Mã Yên. Suốt tuyến đường từ Chi Lăng về Xương Giang, 10 vạn viện binh của giặc chết như ngả rạ. Trong chiến công vang dội ấy, Trần Nguyên Hãn nổi lên như ngôi sao sáng chói.
Sau chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, Trần Nguyên Hãn là một trong những đại diện cao cấp của nghĩa quân Lam Sơn, tên ông được xếp ngay sau tên của Lê Lợi, dẫn đầu phái đoàn vào hội thề ở thành Đông Quan. Thực chất là Trần Nguyên Hãn vào Đông Quan nhận cho Vương Thông được đầu hàng.
* Tháng 11 năm Mậu Thân (1428), Trần Nguyên Hãn được luận công ban thưởng chức Tả Tướng Quốc, một chức võ quan cao cấp nhất thời đó, và được phong tặng 4 chữ "Khai Quốc Nguyên Huân".
Nguyễn Quý Đôn (Sở VHTT - DL Vĩnh Phúc)