TRẦN THỦ ĐỘ VÀ ĐỀN THANH NHÀN
Trần Quang Trung tổng hợp
Vào thời Lý Chiêu Hoàng, Thái sư Trần Thủ Độ được nhân dân vùng Đông Hưng, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang lập đền thờ sống, bởi công lao quan tâm đến việc trị thủy, giết chết mãng xà trừ hại cho dân. Con mãng xà hung dữ ở trong hang núi Nham Biền từng ăn thịt người, ngay cả cung nữ cũng bị hãm hại, khiến mọi người không dám đến khu vực này, kể cả đắp đoạn đê sông Cầu gần đấy để chống lụt cũng đành bó tay.
Làng Hương Tảo có tên Nôm là làng Cáu, thuộc tổng Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, xưa có núi Nham Biền ở ven sông. Trong núi có hang sâu và là ổ của mãng xà (trăn núi). Quái vật thường xuất hiện bắt người cùng gia súc ăn thịt nên mọi người lo sợ không dám bén mảng đến khu vực này.
Trong kế hoạch trị thủy của triều đình thì phải đắp đoạn đê sông Cầu qua phía Đông núi Nham Biền. Trước nạn quái vật, các chức sắc địa phương tấu trình cùng Thái sư. Thái sư về tận nơi nghe dân làng kể sự việc, ông lại thân hành khảo sát địa bàn, rồi lẳng lặng lập mưu để giết quái vật. Trước tiên Thái sư cho người thám thính quy luật hoạt động của mãng xà, cứ ngày ngày từ khe Róc um tùm của dãy núi Nham Biền trườn ra bò thành vệt ngoằn ngoèo trên bãi cát. Đến địa điểm làng Hương Tảo ngày nay thì nằm rình chực, có người đi qua thì lao ra nuốt chửng. No mồi, mãng xà lại trườn trên bãi rồi lao xuống sông Cầu làng Đông Hương ngày nay uống nước và trườn về khe Róc nằm ngủ. Đến nay khe Róc dân còn gọi là Suối Rắn, các hang rắn là những vòm đá ăn sâu trong lòng núi Nham Biền đến nay vẫn còn.
Thái sư rước vua về xem ngài trừ quái vật, nay dãy Nham Biền 99 ngọn, có một ngọn tên gọi Non Vua. Ngài cho đặt trên đường cả chục gánh trứng vịt, mỗi gánh chừng năm chục quả rồi cho người nhử mãng xà ra và quả nhiên khi nó ăn trứng vịt thỉ không nuốt người nữa, nuốt hết chục gánh trứng vịt, nó vặn mình cho trứng vỡ ra rồi xuống sông uống nước và trườn về hang.
Lâu dần thành lệ, cho đến một hôm, Thái sư cho khoét vỏ ba trăm quả trứng, dốc lòng trứng ra, dồn vôi bẹ vào cũng xếp vào gánh và đặt lên đường như thế.
Mãng xà mắc mẹo trườn ra nuốt chửng ba trăm quả trứng chứa đầy vôi sống, khi quen vặn mình cho trứng vỡ thì vôi tỏa ra làm nó nóng ruột và khát nước vô cùng, nó trườn vội xuống sông uống nước, càng uống ruột càng nóng và càng khát, cho đến lúc vôi sủi ùng ục nổ tung ruột gan và nó quằn quại trườn về giãy chết trên cánh đồng Hương Tảo. Cả cánh đồng Hương Tảo ruộng chiêm lầy thụt ngày nay còn mang tên Vũng Rắn.
Thái sư vung kiếm chém mãng xà đứt làm ba khúc, khúc đầu chôn ở Cầu Đá làng Hương Tảo, khúc giữa chôn ở địa phận làng Yên Hồng, còn khúc đuôi vùi ở làng Phấn Lôi ngày nay.
Nhân dân trong vùng cảm kích trước sự sâu sát, sáng tạo tiêu diệt quái vật của Thái sư nên đã lập đền thờ bốn mùa hương khói.
Trừ xong quái vật, quốc thái dân an, đến thời nhà Trần, Thái sư chọn một khu đất trong ấp của Linh Tử Quốc Mẫu Trần Thị Dung giữa hậu cứ quan trọng của nhà Trần dựng một ngôi đền gọi là đền Thanh Nhàn (Thanh Nhàn từ) để khi kinh lý vùng Đông Bắc ông hạ trại nghỉ ngơi và lập bài vị thờ Thần Rắn.
Đền Thanh Nhàn tọa lạc tại trung tâm thôn Minh Phượng ngày nay. Trải qua các triều đại phong kiến, nhiều lần tôn tạo nên dấu tích ngôi đền có sự pha tạp phong cách kiến trúc của các triều đại. Đền bị tàn phá trong chiến tranh, nay công trình kiến trúc và cảnh quan được nhân dân thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn tu bổ lại, nhưng trong di tích vẫn bảo lưu được cổ vật quý như lò thiêu hương bằng gang đúc năm đầu niên hiệu Thành Hóa triều đại Minh 1465, cây hương đá, cột đá khắc câu đối. Lúc đầu câu đối mang tính tuyên ngôn địa lý:
Tây Bắc Yên Hồng tú lĩnh triều tiền,
Đông Nam Đương Mại thâm khê nhiễu hậu.
(Phía Tây Bắc Yên Hồng núi đẹp chầu trước,
Hướng Đông Nam Đương Mại khe sâu vây sau).
Tả Nham Biền sơn tú khí địa lý sơn chung,
Hữu Nguyệt Đức giang thánh thiên thiên thư tố định.
(Bên trái là núi Nham Biền nơi chung đúc khí địa linh,
Phía phải nọ sông Nguyệt Đức giữa trời xanh đã định).
Thái sư Trần Thủ Độ còn dạy dân đắp đê quai vạc ngăn lũ lụt, khơi mương lấy nước chống hạn, chế tạo cạm bẫy trừ bắt các loài thú từ núi Nham Biền rậm rạp ra phá hoại mùa màng, nên khi ông mất, nhân dân Minh Phượng lập bài vị thờ ông và Linh Tử Quốc Mẫu tại đền với câu đối:
Thúc phụ Đông A triều, vạn lý sơn hà đáp khí,
Thái sư Nam Việt quốc, thiên thu thảo mộc tri danh.
(Xứng bậc cha chú vương triều Trần, vạn dặm núi sông dậy khí,
Làm Thái sư nước Việt, nghìn thu cây cỏ lưu danh).
Đức trạch nguy nga sơn hữu sắc
Vinh uy hạo đãng thủy vô ba.
(Ân đức sáng trong ngời sông núi
Uy danh cao rộng cảm nước non).
Và:
Cảm ứng linh thông hồn bất diệt
Giúp dân trừ ác đức nghìn thu.
Trong đền có biển trích lời khảng khái của ông trước vua Trần:
Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo!
Ôi! Có công với dân thì dân thiết lập đền thờ, đó là lẽ đương nhiên của đạo lý. Còn đối với các triều đại thì thể theo nguyện vọng của dân mà ban cấp sắc phong. Đình Cáu thôn Đông Hương, xã Nham Sơn hiện tại còn 4 đạo sắc phong thời Hậu Lê – thế kỷ XVIII.
Hàng năm vào ngày mồng Tám tháng Tư và ngày mồng Một tháng Mười một (âm lịch), tối trước dân làm lễ mộc dục, tế xong thụ lộc, sáng sau mở cửa đền kéo hội có hát chầu văn, đấu vật, cờ người và không thể thiếu hai trò truyền thống là múa bong, đánh bệt tượng trưng cho việc nhử rắn và tiêu diệt rắn./.
07/10/2018 : | ĐỪNG SÁNG TẠO LỊCH SỬ |
13/12/2017 : | VĂN BIA THỜ CÔNG CHÚA PHỤNG DƯƠNG |
13/12/2017 : | PHẨM CÁCH TRẦN THỦ ĐỘ |
07/01/2017 : | DÒNG DÕI TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN |
10/04/2016 : | TRẦN THỦ ĐỘ, NGƯỜI DỰNG NGHIỆP TRIỀU TRẦN |
26/08/2015 : | HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN |
26/03/2013 : | MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 163 |
Tổng truy cập: 1367886 |