VĂN BIA THỜ CÔNG CHÚA PHỤNG DƯƠNG | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  LỊCH SỬ DÒNG HỌ
VĂN BIA THỜ CÔNG CHÚA PHỤNG DƯƠNG
Công chúa họ Trần, tên được ban là Phụng Dương. Cha là Tướng quốc Thái sư (Trần Thủ Độ), mẹ là phu nhân Tuệ Chân. Khi còn bé, công chúa được khen là hiền hậu và thông minh, vua Thái Tông yêu quý, nuôi làm con. Đến khi gả cho Thượng tướng Thái sư (Trần Quang Khải), vua xuống chiếu ban cho xe và quần áo theo như con gái vua. Đó là nghi thức khi công chúa đi lấy chồng.

 Bấy giờ Thái sư có một người thiếp yêu nên đối với công chúa không đằm thắm. Tướng quốc và phu nhân Tuệ Chân ngăn cản định không cho Thái sư làm theo ý mình. Công chúa cho là không nên, thưa với cha mẹ:

Con đã về làm vợ Thái sư, được hòa hợp hay không là do mệnh mà thôi. Ý của cha mẹ con cái cố nhiên không được cưỡng lại, nhưng còn cái nghĩa lớn phải theo chồng thì làm thế nào?

        Tướng quốc và phu nhân Tuệ Chân nghe vậy, bèn thôi. Đó là lòng trinh tiết của công chúa.

        Công chúa thờ chồng một lòng kính thuận, đối với thứ thiếp của chồng một lòng khoan thứ. Nếu có người nào làm cho Thái sư giận la mắng, thì công chúa lấy lời lẽ nhẹ nhàng giảng giải, khiến họ không phàn nàn oán hận. Công chúa cư xử như thế, các bậc liệt phu thời xưa cũng không hơn được.

        Đến việc Thái sư khen thưởng các nhân vật trong triều đình, công chúa tự coi đó không phải là phận sự của đàn bà, nên chưa từng vì cớ gần gũi mà tự tiện xen vào những việc quan trọng. Đó là đức tốt của công chúa.

        Tướng quốc Thái sư ốm, công chúa chăm nom thuốc thang, phụng dưỡng cơm cháo suốt một năm trời, đến nỗi áo chẳng kịp cởi, nằm không yên giấc. Đó là cách công chúa hầu hạ cha khi đau yếu.

        Tướng quốc Thái sư mất, công chúa để tang hết lễ, xót thương đau đớn đến hầu như muốn chết, người trong nước trông thấy không ai cầm được nước mắt. Đó là công chúa giữ lễ khi cư tang.

        Phu nhân Tuệ Chân ở góa hơn 20 năm, công chúa sớm hôm vấn an, đích thân hầu hạ cơm nước, không chút trễ nải. Gặp khi phu nhân có điều gì, công chúa khúm núm nhận lỗi, không dám tự coi mình cao sang mà ra vẻ. Đó là công chúa thờ mẹ một lòng hiếu thảo.

        Khi phu nhân Tuệ Chân mất, công chúa héo hon, gầy guộc, ai thấy cũng khen. Sản nghiệp của cha mẹ để lại, công chúa chia đều cho anh em, còn mình không một chút tơ hào. Lại dốc cả gia sản để bố thí cho sư và cúng Phật. Kẻ đói thì cho ăn, kẻ rét thì cho mặc. Đem của cải cầu phúc cho cha mẹ, đó là việc công chúa chu đáo với việc sau, nhớ ơn những người trước.

Thái sư ở cương vị Tướng quốc, hàng ngày rất bận, chẳng có thì giờ đoái hoài đến việc nhà, ông ủy thác cho công chúa khu xử với kẻ già người trẻ, trông nom sắp xếp tài sản. Mọi việc công chúa làm không điều gì không vừa ý Thái sư. Đó là cách thức công chúa trông nom cai quản việc nhà.

         Việc kim chỉ vá may, muối mơ nấu nướng, tài nội trợ của công chúa càng giỏi, người đàn bà tầm thường không thể nào sánh được. Đó là công chúa thành thạo việc nội trợ.

         Đối với nô tỳ, công chúa không to tiếng, chỉ sai bảo bằng nét mặt. Nếu kẻ nào nỡ lấy trộm vật gì, công chúa chỉ tùy tiện truy hỏi mà không nỡ để lộ điều xấu xa của chúng. Đó là lòng nhân của công chúa.

Ngày thường, những khi rỗi rãi, đối với đám tỳ nô công chúa thường thăm hỏi, an ủi, chưa từng dùng roi vọt, cho nên những kẻ xấu cũng cảm phục. Đó là lòng khoan thứ của công chúa.

         Công chúa về làm dâu nhà tướng từ tuổi còn nhỏ, công việc bận rộn, chưa từng có lúc rảnh rang để học hỏi. Đến khi về già, công chúa đặc biệt thích đọc sách nhà Phật. Tuy chưa hiểu cặn kẽ từng câu, từng chữ, nhưng nét đại quát về cái tâm “đại giác” cũng đã hiểu được, ngoài ra những giới luật lặt vặt thì không câu nệ. Đó là công chúa đã thông về tâm và tính vậy.

         Mùa đông năm Giáp Thân (1284), giặc Nguyên sang cướp nước Nam, Thái sư xuống thuyền lánh giặc. Nửa đêm có chiếc thuyền bốc cháy, lúc đó Thái sư đang ngủ, công chúa tưởng giặc đến, khẽ đánh thức Thái sư dậy, đưa cho ngài chiếc mộc, rồi lấy thân mình che cho chồng. Lòng dũng cảm như vậy, Phùng Phụ đời xưa cũng không hơn được. Đó là công chúa hiểu biết việc nghĩa và trí dũng cảm.

        Công chúa vốn có lòng nhân từ bác ái, không phân biệt con vợ lẽ vợ cả, hễ ai làm được điều gì tốt, dù nhỏ cũng khen trước mặt Thái sư, ai làm điều gì xấu dù nhỏ cũng rỉ tai răn dạy. Giấu cho việc xấu, nêu khen việc hay, công chúa đã có phong cách của bậc quân tử thời xưa. Đó là công chúa lòng không ghen ghét.

         Công chúa thân yêu họ hàng nội ngoại, nhưng ai không có tài thì thà cho tiền của chứ không dám trao cho trọng trách. Đó là công chúa lòng không riêng tư.

         Khi ốm nặng công chúa không hỏi gì đến con cháu, chỉ một lòng yêu thương, lo nghĩ đến chồng. Thái sư viết thư đặt vào tay công chúa nói: “ Kiếp sau xin được làm chồng vợ như xưa”. Đó là công chúa một lòng trong tình yêu đối với Thái sư vậy.

         Công chúa được bảy người con. Con trưởng mất sớm, công chúa thương xót khôn nguôi bèn nuôi Quan nội hầu Quốc công thay con. Đó là con nuôi công chúa. Người thứ hai là Văn Túc Vương Đạo Tái. Vương là người lấy con gái Tĩnh quốc Đại vương, là công chúa Bảo Tư. Thứ nữa là Vũ Túc Vương Đạo, lấy công chúa Bảo Chân, con gái thứ tư vua Thánh Tông. Con gái lớn là công chúa Quỳnh Huy húy là Thụy Hữu, hai lần gả chồng đều không hòa hợp. Con gái thứ là công chúa Quỳnh Tư, húy là thụy Nhu, gả cho Kiểm hiệu Thái úy. Thứ nữa là công chúa Quỳnh Bảo húy là Thụy Ân, lấy con trưởng Tĩnh quốc Đại vương là Nhân Quốc Vương. Thứ nữa là công chúa Quỳnh Thái, húy là Thụy Tư, làm vợ kế Kiểm hiệu Thái úy. Quỳnh Huy, Quỳnh Tư, Vũ Túc đều mất sớm. Cháu có 13 người, 7 trai, 6 gái. Công chúa Chân Từ, húy là Thụy, lấy con trai Phán thủ thượng vị Vũ Ninh Hầu tên là Chiểu. Ngoài ra đều còn nhỏ. Đó là tất cả con, cháu ngành đích của công chúa.

`        Ngày 22 tháng 3 năm Tân Mão (22-4-1291), niên hiệu Trùng Hưng, công chúa mất, táng tại thôn Độc Lập, phủ Thiên Trường. Ngày táng là 11-4 niên hiệu Hưng Long năm đầu (18-5-1293). Người chủ tang công chúa đến xin bài minh để táng là Văn Túc Vương. Người bàn luận với Thái sư về những điều hay điều tốt của công chúa để viết bài minh là Thiếu bảo Lê Củng Viên. Bài minh rằng:

           “Làm thiện tất được phúc chừ, là điều thường tình

           Nói nhân tất được thọ chừ, trời đâu chẳng linh

           Sống có nết na chừ, chết được lưu danh

           Làm vợ của tướng chừ, đời đời khen mình

           Nơi thôn độc lập chừ, xứ cao mồ xanh

           Không phải Hàn quân chừ, lạm viết bài minh.”

 

 

 

 (- Hàn lâm thị giảng Nguyễn Sĩ Liêm viết,

 - Hàn lâm hiệu thư lang Đới miện Chu Thiện Chúng khắc,

 - Khu tử Vinh lộc đại phu Thiếu bảo kiêm tri kiểm định thiên hạ  tụng trạng ty Lê Củng Viên soạn,

 - Ngày 12 tháng 4 năm Quý Tỵ (19-5-1293), niên hiệu Hưng Long năm đầu, chồng là Nguyên lão bốn triều Bình chương quan quốc trọng sự lập bia.

 - Ngày 1 tháng 6 năm Nhâm Ngọ (18-7-1822), niên hiệu Minh Mệnh thứ ba khắc lại).

 

         LÊ TƯ LÀNH

 

     Thơ văn Lý - Trần

(Theo Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải, Bảo tàng Nam Hà, 1994).

Trần Đức Lưu sưu tầm

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 162
Tổng truy cập: 1367892
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ