Chúng tôi đã đến viện Hán Nôm tham khảo tài liệu này và để có căn cứ hơn, chúng tôi đã nhờ dịch rõ lại bằng chữ quốc ngữ để mọi người dễ tham khảo. Qua đọc kỹ đi lại nhiều lần, chúng tôi thấy rằng “Trần gia ngọc phả” thực chất là bản gia phả của một dòng họ Trần ở xã Nhị Khê có tổ họ là Trần Thuần Đức, cháu nội Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán. Phần gia phả viết rất đầy đủ, chi tiết suốt 19 đời liên tục nhưng phần tiền phả viết về các tổ tiên họ Trần thì có nhiều sai lệch so với “Đại Việt sử ký toàn thư” (viết tắt là Toàn thư), các sách sử khác và văn bia tại các đến thờ. Chưa rõ vì sao có hiện tượng này. Nhiều khả năng người chấp bút gia phả thiếu tài liệu đối chiếu mà chỉ viết theo trí nhớ nên bị sai lệch. Chúng tôi xin nêu lên những điều khác biệt để bà con cùng xem xét. Trần gia ngọc phả viết:
1- Trần Lý sinh được 4 con trai,1 con gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần An Quốc, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung (trang 7 - 8). Viết như vậy có nghĩa là Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung là anh em ruột?
Theo Toàn thư và sách sử thì Trần Lý sinh được 2 trai, 2 gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Tam Nương và Trần Thị Dung. Trần An Quốc (tên húy là Trần Thẩm) và Trần Thủ Độ là cháu ở với Bác họ.
2- Trần Cảnh là con trai thứ hai của Trần Thừa. Hậu là con gái thứ của Lý Huệ Tông tên là Kim. Bà sinh được ba con trai: con trưởng là Trần Quốc Khang, con thứ hai là Trần Hoảng, con thứ ba là Trần Quang Khải (trang 13).
Toàn thư viết: Trần Cảnh được vợ là Lý Chiêu Hoang nhường ngôi. Đến năm 19 tuổi, Lý Chiêu Hoàng vẫn không sinh con nên bị giáng xuống làm công chúa (sau này lấy tướng quân Lê Phụ Trần). Chị của Lý Chiêu Hoàng là Lý Thuận Thiên, vợ Trần Liễu thay làm vợ Trần Cảnh sinh ba con trai: Trần Quốc Khang, Trần Hoảng, Trần Quang Khải.
3- Trần Quốc Tuấn là con trai trưởng của Trần Liễu. Phu nhân là người họ Lý, con gái của Lý Huệ Tông, sinh được 4 con trai: con thứ hai là Hiến, con thứ ba là Úy, con thứ tư là Tảng, con thứ năm là Hiện ? (trang 16 – 17).
Theo Toàn thư thì phu nhân của Trần Liễu(cha của Trần Quốc Tuấn) là Lý Thuận Thiên, con gái trưởng của Lý Huệ Tông. Lịch sử và phả hệ họ Trần viết: Trần Liễu có 2 con trai, một con gái. Con trưởng là Trần Tung, đi tu hiệu là Thượng sỹ Trần Tung, con trai thứ hai là Trần Quốc Tuấn, con gái út là công chúa Thiên Cảm. Phu nhân Trần Quốc Tuấn là công chúa Thiên Thành, con gái trưởng của Trần Thái Tông (không phải công chúa họ Lý). Trần Quốc Tuấn có 5 con trai: 1- Trần Quốc Nghiễn, 2- Trần Quốc Uy (Uất), 3- Trần Quốc Tảng, 4- Trần Quốc Hiện, 5- Trần Hưng Hồng. (Trần Hưng Hồng hiện nay còn đền thờ ở làng Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
4- Trần Quang Khải, con trai thứ ba của Trần Cảnh, phu nhân là Ứng Thụy công chúa, người họ Lê, tên hiệu là Từ Nghi, là con gái của Lê Phụ Trần, bà sinh được một con trai (trang 18)
Toàn thư và các sách viết: Đầu năm 1258, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, Trần Thái Tông làm mối để Lý Chiêu Hoàng tái giá với Lê Phụ Trần. Cuối năm 1259, Chiêu Hoàng sinh con trai là Lê Phụ Hiền, sau được ban quốc tính đổi là Trần Bình Trọng. Cuối năm 1261 sinh con gái là Lê Thị Ngọc Khuê được phong là Ứng Thụy công chúa, sau được gả cho trạng nguyên Trần Cố.
Trần Quang Khải sinh năm 1241, hơn Ứng Thụy công chúa 20 tuổi. Người xưa lấy vợ sớm từ 15 – 16 tuổi, khi ấy Ứng Thụy công chúa chưa ra đời.
5- Trần Đạo Tái là con trai trưởng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, phu nhân là con gái của quan hành khiển Đỗ Hoành, sinh được một con trai là Trần Văn Bích. Trần Hiến là con trai thứ hai của Hưng Đạo vương. Trần Úy là con trai thứ ba, Trần Tảng là con trai thứ tư, Trần Hiện (Kiến) là con trai thứ năm của Hưng Đạo vương.(trang 20 – 21)
Do Trần gia ngọc phả viết như trên nên một số người đã biện luận rằng Trần Quang Khải yếu không có con nên vợ là Ứng Thụy công chúa (đây là sai lệch lớn) xin con của Trần Quốc Tuấn rồi sinh ra Trần Đạo Tái và giải thích rằng Trần Đạo Tái có nghĩa là Trần Hưng Đạo tái sinh? (Trần Hưng Đạo đang còn sống tại sao lại tái sinh?)
Một số chi họ hậu duệ Trần Nguyên Hãn vì thế chuyển sang nhận tổ họ là Trần Quốc Tuấn.
Đền thờ Trần Quang Khải được lập trên nền nhà cũ của Người ở thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định có mộ và bia thờ phu nhân Trần Quang Khải do chính Trần Quang Khải soạn văn bia viết: “Phu nhân là công chúa Phụng Dương, con Tướng quốc Thái sư (tức Trần Thủ Độ) và phu nhân Tuệ Chân, sinh được bảy người con: con đầu chết yểu, bà nuôi quan nội hầu quốc công thay con làm con nuôi. Con thứ hai là Trần Đạo Tái, có tài văn võ được phong Văn Túc Vương,. Con trai thứ ba là Trần Đạo … (bia mòn mất tên) được phong Vũ Túc vương và bốn con gái là các công chúa Quỳnh Huy, Quỳnh Tư, Quỳnh Bảo, Quỳnh Thái.
Tác giả Lê Kim Thuyên, trong bài tham luận tại hội thảo Về Trần Nguyên Hãn năm 1988 và trong sách Trần Nguyên Hãn viết tên một số sách chép Trần Nguyên Hãn là dòng dõi Trần Hưng Đạo nhưng tôi đến trực tiếp đọc sách tại viện Nghiên cứu Hán nôm thì không như vậy. Sách Sơn Tây chí viết rất rõ: “Trần Hãn, Tư đồ Trần Nguyên Đán chi hậu”. Sách Đại Nam Nhất Thống chí viết chữ lớn, gọn rõ như sau: “Trần Nguyên Hãn, người Sơn Đông, hữu học thức, tinh binh pháp, dòng dõi Trần Quang Khải.
Đào Trần Quang Cát
07/10/2018 : | ĐỪNG SÁNG TẠO LỊCH SỬ |
18/05/2018 : | TRẦN THỦ ĐỘ VÀ ĐỀN THANH NHÀN |
13/12/2017 : | VĂN BIA THỜ CÔNG CHÚA PHỤNG DƯƠNG |
13/12/2017 : | PHẨM CÁCH TRẦN THỦ ĐỘ |
10/04/2016 : | TRẦN THỦ ĐỘ, NGƯỜI DỰNG NGHIỆP TRIỀU TRẦN |
26/08/2015 : | HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN |
26/03/2013 : | MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ VỀ DÒNG HỌ TRẦN NGUYÊN HÃN |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 161 |
Tổng truy cập: 1367853 |