VÀI NÉT VỀ TỘC TRẦN PHƯỚC QUẢNG NAM | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  LỊCH SỬ DÒNG HỌ
VÀI NÉT VỀ TỘC TRẦN PHƯỚC QUẢNG NAM
Lịch sử dân tộc mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước với biết bao sự nghiệp thăng trầm, nghiệt ngã. Thân thế và sự nghiệp của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn của chúng ta là một minh chứng...

 Lịch sử dân tộc mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước với biết bao sự nghiệp thăng trầm, nghiệt ngã. Thân thế và sự nghiệp của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn của chúng ta là một minh chứng. Đến hậu duệ đời thứ 5, Trần Công Ngạn dòng Thái Xá - Công thần Trung hưng nhà Lê lập hành cung tại huyện Lôi Dương - Thanh Hóa, lại bị chính đương triều mà Ngài có công lập nên khai tử sau cuộc chính biến đầy máu và nước mắt tại hành cung Vạn Lại năm Quý Dậu - 1573. Song, mệnh nhà còn có phúc lớn, trước đó 15 năm, gia đình người con trưởng Trần Nhất Lang - tự Phúc Thiện đã ứng nghĩa vào Nam cùng Đoan quận công Nguyễn Hoàng lập nên nhà nước Xứ Đàng Trong do Ngài đứng đầu hàng Công thần khai quốc, sinh hạ dòng Thanh Châu, Gia Lộc Đại, Bình Cư, Phú Triêm, Cù Bàn…và có thể còn thất truyền đâu đó nữa. Dòng thứ Trần Nhị Lang tự Phúc Tín gia phả chép “Tự Vô Ý công Tướng công”. Trong cuộc chính biến năm Quý Dậu, vị Tướng công chỉ kịp cõng một người con trai “Nhất phụ Nhất tử” thoát chết chạy về vùng đất thuộc tổng Hòe Nha, thay tên đổi họ lập nên dòng họ Cao Trần Nha Chử ngày nay. Dòng Trần Tam Lang tự Chân Không nay chưa rõ dấu tích.


Dòng Trần Phúc Thiện nơi vùng đất phương Nam có thể khẳng định, trong 8 đời đầu đã từng có công lớn với nước, với dân, góp phần làm rạng danh tông tổ dòng dõi danh môn. Tại đời thứ 4 của ngài Phúc Thiện có Tổ Trần Môn húy Phúc Tường, một vị Văn thần có công lớn dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Lan, được phủ Chúa ban cho đất Nha hàng lập nên Thanh Châu tộc tại Quảng Nam. Đến đời thứ 7, ngài Cai phủ Thuật Chức tử Trần Phước Lộc phương danh Văn Hiếu cũng được phủ Chúa ban tước Tử và ban cho đất lập nên Cổ Tháp tộc bên cạnh Thanh Châu tộc, nơi có ngôi song mộ của ông bà Thỉ tổ Trần Đại Lang Quý Công tự Phúc Thiện. Nhưng sau đó không lâu, vận nước thay đổi, khiến dòng tộc gặp phải nạn lớn. Ngài Trần Văn Kỷ, người con trai thứ 5 của ông bà Cai phủ Thuật Chức tử, buổi đầu làm quan tại phủ Chúa, sau lui về ở ẩn do nạn quyền thần Trương Phúc Loan. Đến năm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chiếm thành Phú Xuân, Ngài Trần Văn Kỷ được vua Quang Trung mời ra làm quan đến hàng Trung thư lệnh.

Đến triều Nguyễn trung hưng, năm Gia Long, Ngài Trần Văn Kỷ bị hành hình và bị tịch thu tài sản. Gia tộc của Ngài tại Cổ Tháp và Thanh Châu như được bỏ ngõ, không bị bắt tội nhờ sự chiếu cố đối với dòng dõi Công thần Khai quốc thời Nguyễn Sơ. Nhưng đến năm Minh Mạng, do sự kiện triều đình yêu cầu thu hồi đất đai của phủ Chúa đã ban cho dòng họ của Ngài Kỷ trước đó. Được triều thần ủng hộ, sắc chỉ được ban xuống, đất đai của dòng họ Cổ Tháp bị thu hồi, bà con thân quyến trong họ bị đẩy đuổi ra khỏi làng, sử sách, phổ hệ của dòng tộc do dòng Trưởng gìn giữ bị tịch thu, công lao bao đời Tiên tổ bị Sử quán triều Nguyễn chối từ không ghi chép. Hệ quả tất yếu là sự tích của Tổ tiên bị thất truyền từ đây.


Song phúc trạch thay, dòng Văn Hiếu – Thuật Chức tử còn có người con trai thứ 7 là út nam Trần Văn Tiên xuất gia đầu Phật, trở thành vị danh tăng Pháp Chuyên – Luật Truyền – Diệu Nghiêm thiền sư có tên tuổi nơi xứ Đàng Trong, đã để lại tập hành trạng 21 trang Hán tự, mãi đến năm Kỷ Sửu – 2009 mới về đến dòng tộc Cổ Tháp, tức đã tồn tại nơi đất khách Phú Yên trên dưới 200 năm.
Với nguồn tư liệu này đã xác nhận ngôi mộ và mộ chí Thanh Giang Nguyên Lịch triều Thí Sinh Trần Trọng Phủ tự Sở Tiên Hoàn Nhân chi nhất Mộ…tại xứ đất A Thiên của dòng tộc, chính là Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ anh trai của Ngài và là chìa khóa quan trọng giúp hậu duệ hôm nay lần tìm ra những trang sử vẻ vang của Tổ Tiên.


Hàng chục gia phả cổ tại Nghệ An, trong đó có dòng Trưởng Đông Tháp đều ghi chép gốc tổ xã Thái Xá, tức cùng một dòng Trần Thiện Tính – Chân Thường. Gia phả cổ Thanh Châu cũng chép như vậy, nhưng nếu không có gia phả dòng Cao Trần Nha Chử, thì khó có thể nhìn nhận chính xác quan Đại thần Trần Công Ngạn là thân sinh của Thỉ tổ Trần Phúc Thiện thụy Nguyên Trưởng Phủ Quân chi Thần Vị. Ngược lại, gia phả Thanh Châu giúp dòng Nha Chử làm sáng tỏ hơn gốc tổ Thái Xá và ngôi vị quan Đại thần Trần Công Ngạn gặp nạn vào năm 1573. Phúc lớn của Tổ tiên Thái Xá là vậy, Lời tựa và những trang đầu của gia phả Chi họ Nha Chử có thể nói là bậc nhất trong kho tàng gia phả Việt Nam, bởi hoàn cảnh xuất thân của tác giả chính là vị Tướng công sáng nghiệp khai cơ của Chị họ đang hồi bị triều đình truy nã sau cuộc chính biến. Xét về nghệ thuật dùng chữ, gia phả chép: Trần Quý Công tự Vô Tâm, đến Cao Quý Công tự Vô Ý đã chuyển tải được nội dung khẳng định cha con Ngài không có tâm ý hại vua Lê Anh Tông như phán quyết của triều thần sau đó. Các nhà sử học ngày nay có thể xem xét và minh oan cho cha con Ngài.


Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Thanh Châu là một trong những đơn vị sớm nhất về Thái Xá tìm dòng họ, và mãi nhiều năm sau mới được dòng Đông Lũy trực thuộc Thái Xá nhìn nhận trong điều kiện bia đá, Hán tự của Tổ tiên Thanh Châu để lại chưa được khảo cứu, nên đã mô phỏng sự tích vào Nam không phù hợp, và trái với thế đại, thân thế, sự nghiệp của quan Đại thần Trần Phúc Thiện tại phủ Chúa Tiên. Đây là nguyên nhân phát sinh nội tại tạm thời che khuất phần nào công đức của Tiền nhân.


Văn tế Từ đường Thanh Châu, đoạn Viết cung duy chép:
“Bắc dịa tòng vương – Nam thiên lập ấp. Kiến cơ tạo nghiệp, hữu hương ấp, hữu nhân dân. Lập bộ khai trưng, hữu công điền, hữu tư thổ.
Triệu bồi di tích tử tôn sáng tạo toàn bằng Tông tổ. Khái tưởng tiền nhân công liệt đổng trí Sơn hải…
Chi Nam lương thức chiêu tự sự hinh hương hạt phò trì thù báo chi hỗ tư nhân”.
Tất cả những sự tích cô đọng chứa trong án văn tế, đã được chứng minh khá rõ trong tập Cổ Tháp gia phổ sự vừa mới cơ bản hoàn thành, bản Văn cầu an hàng năm tại Công đình La Tháp Châu, Bi ký Công đình La Tháp Châu, đến tư liệu về Gia tộc Chánh tổng Đông An đầu tiên đã tiếp quản đất đai họ Trần Cổ Tháp dưới triều Minh Mạng…là những trang tư liệu khách quan và có giá trị.


Có thể thấy, lịch sử của dòng Phúc Thiện là quá rõ ràng, nhưng để được cơ quan chức năng Nhà nước công nhận là cả một quá trình không đơn giản, bởi sự che khuất và cấm chỉ của triều Nguyễn trung hưng, sự ra đời và phát triển chữ Quốc ngữ dưới triều Nguyễn, gắn liền với sự bài xích Hán học đã làm cho nhiều sử tích của dòng họ thật sự bị lãng quên. Theo ngài Thiều Chửu, tác giả của bộ Hán Việt tự điển đã mô tả khá rõ về sự mai một của nền văn hóa Hán học truyền thống trong lời nói đầu. Chúng tôi mong rằng, Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam sẽ phối hợp với các nhà Sử học, các nhà Gia phả học tiếp tục quan tâm nghiên cứu, thẩm định để lịch sử của Tổ tiên Thanh Châu sớm được Nhà nước công nhận.


Về nội lực của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục quan hệ với các nhà nghiên cứu thuộc Ban đại diện họ Trần tỉnh Thừa Thiên Huế, để ngôi vị Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đã được Nhà nước công nhận tại Chi họ Trần Văn – Vân Trình, sớm trở về với chính dòng họ Văn Hiến của Ngài tại làng Cổ Tháp, Quảng Nam.
Đây cũng là tâm nguyện lớn thứ 2 trong chuyến hành hương về nguồn sau nhiều thế kỷ chiến tranh loạn lạc của đoàn hậu duệ Quảng Nam.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1274189
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ