SỰ TÍCH RỪNG THẦN | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  LỊCH SỬ DÒNG HỌ
SỰ TÍCH RỪNG THẦN
Thời Lê Lợi có đạo Sơn Tây, phủ Tam Đái, huyện Lập Thạch có người ở xã Sơn Đông họ Trần húy Án, vợ là Lê thị húy Hoàn, Hai ông bà vốn sống gần sông nước hàng ngày làm nghề đánh cá để sinh nhai, sau trở nên giàu có...

...
Vợ chồng ông sống rất phúc hậu luôn có lòng thương người và giúp đỡ kẻ khó. Dân làng đều gọi ông là một nhà tích thiện, thật là có phúc lớn. Vợ chồng ông tuổi đã cao vậy mà vẫn chưa có con trai, miền đất ông ở có danh sơn thắng cảnh rất đẹp, gần đó lại có đền linh động. Lo cho tuổi già, ông bà không yên tâm, suy nghĩ rồi sửa lễ cầu xin. Một ngày nghe đồn ở miền đất phủ Đoan Hùng, huyện Tam Dương có dãy núi Tam Đảo trên có chùa Tây Thiên thờ thánh mẫu, rất linh ứng, cầu gì được nấy như ý muốn, vợ chồng ông chỉnh biện lễ vật tiền lương lên cáo yết.

Sau khi xem hết cảnh núi non hùng vĩ, vợ chồng ông bàn tán về vùng đất nổi tiếng này, nước suối trong suốt, có thác sâu, núi lúc nào cũng bừng sáng như có trăng soi, ông bà cho là đất linh ứng. Ông đốt hương khấn khứa, đêm đến cùng ngủ trong chùa suốt 4 canh giờ, ông mơ màng đi đi, lại lại, chợt thấy có một người mình mặc áo hồng, mũ áo nghiêm chỉnh lạ thường lại gần và tự xưng: "Ta vốn là sơn thần phụng mệnh thiên đình biết rõ chư thần và bảo rằng: nhà ngươi đức hậu lắm, trời đã chiếu rồi đấy, sau sẽ cho một người con trai, vốn là con ta xuất thế, còn sinh đẻ sớm hay muộn, ta đã định, ngươi không phải lo". Một lúc sau thì thần nhân cưỡi mây đi mất, ông tỉnh dậy biết mình nằm trong mộng, ông định ngày hôm sau làm lễ bái tạ thần mộng.
Vợ chồng ông trở về nhà, đêm đó, bà bỗng mơ thấy có một đám mây hồng sà người. Bà hốt hoảng chạy vào trong chùa, tỉnh lại thì thấy ánh hào quang, lòng bà thoải mái.
Trong mộng, bà thấy có một người con trai đi theo từ ngoài đường vào bảo rằng: "Ta đầu nhập vào làm con" nghe nói xong thì bà hết mộng.
Khi tỉnh dậy, bà kể chuyện lại với chồng, chồng bà nói rằng "Hẳn là có điềm mừng rồi". Từ đó, bà thấy trong người khang khác. Hai vợ chồng rất vui mừng, cho đến ngày 01 tháng 2 năm Nhâm Ngọ, Bà sinh hạ một người con trai hình dung rất lạ, diện maọ phi thường, ông thấy hình dạng đứa trẻ rất giống thần linh ứng nghiệm nên rất yêu chuộng. Ông đặt tên gọi là Hãn, ông bà chăm nom, nuôi dưỡng chu đáo. Đến năm 15 tuổi, thiên tư sáng suốt, học vấn tinh thông, am hiểu võ lược binh thư. Sau lớn lên học võ nghệ, tay chỉ cầm một thanh đao muôn người tài mấy cũng không địch nổi.
Năm Trần Nguyên Hãn 18 tuổi, cha mẹ đều mất cả, ông đã tìm đất tốt làm lễ chôn cất. Trong nhà hương hoa phụng thờ theo nghi lễ. Đến khi hết tang bố mẹ, ngày ngày, ông thường đến đền Bạch Hạc học tập võ nghệ, ông học binh pháp rất tinh thông, có tài võ lược, ông luôn nuôi chí đến vùng loạn lạc để cứu dân tình.
Một ngày kia, nghe tin giặc nhà Minh đem quân sang xâm chiếm nước Nam, ông đêm ngày nằm trăn trở trong đền thờ đến hết 3 canh, thấy Tản Viên sơn thánh hiện lên bảo: "Bạch Hạc thần". Ông có lệnh Thượng đế, người ở đất Lam Sơn là Lê Lợi làm vua nước Nam.
Sau đó, ông vào Thanh Hóa, tìm gặp vua Thái Tổ tâu rằng: "Thần nghe giặc nhà Minh sang xâm chiếm nước Nam, nhà vua cho thần xin hết lòng giữ nước dẹp giặc". Vua Thái Tổ rất mừng cùng Trần Nguyên Hãn khởi binh từ Lam Sơn rồi mở hội thi chọn nhân tài.

 

Có thơ rằng:
"Thất tải kinh doanh vương nghiệp tòng
Mưu đàm sam tán nhất đồng tâm
Hậu lai nhật đổ Lam Sơn lục
Khải thưởng trung thành đệ nhất công"

Dịch là:
"Bảy năm theo nghiệp kinh vương
Mưu bàn tiến lui cùng một lòng
Sau rồi ngày mai Lam Sơn chép
Khải niệm lòng chung người cao nhất".


Vua Thái Tổ giao cho Trần Nguyên Hãn đem binh tỏa đánh bốn phương và lập được nhiều chiến công hiển hách. Sau đó, ông đưa quân trở về quê, vừa đến huyện Lập Thạch - xã Sơn Bình - khu Đức Lễ, Ông thấy có vùng đất đẹp: "Long hổ hoàn bão". Rồng hổ chầu nhau sơn thủy, hữu tình, núi không cao, có cánh đồng tích thủy, làm giếng nước rất tiện nghi. Ông tưởng tượng đây là một nơi thắng cảnh phong quang, ông liền cho dựng ở đây một đồn làm căn cứ để sau đi dẹp giặc. Lúc này, già trẻ, trai gái khu Đức Lễ đều nể phục kéo đến xin được làm thần tử. Trần Nguyên Hãn hứa đồng ý cho làm thần tử. Từ đó, làng Đức Lễ ai cũng mang ân Trần Nguyên Hãn, dân làng đề nghị rằng xin trước làm đồn sở sau được lập đền thờ. Hãn cũng ưng hứa cho làm như vậy và tuyển được trong khu 15 người cường tráng làm gia thần nội thủ. Ông mở yến tiệc, mời phụ lão trong bản đến yến ẩm. Người bảo các cụ Đức Lễ rằng: "Khu đất các ngươi thật là đức hậu, ta cũng rất quý trọng, ta ghi tạc để lại cho muôn đời sau"…


Trần Nguyên Hãn thưởng cho dân khu Đức Lễ 10 cân vàng để đến ngày sau mua ruộng nương làm hương hỏa cúng tế ở đền.
Ngày hôm sau, thấy có chư thần đem chiếu của thiên tử mời Hãn về đồn sở cùng vua Thái Tổ đem binh đi đánh giặc. Vua Thái Tổ ra sắc phong cho Trần Nguyên Hãn là:
"Đại tư đồ Tả tướng quân"
Trong ngày ấy, đêm đêm ngủ ở miếu thần. Ông luôn cầu thần linh âm phù giúp cho việc đánh giặc ngoại xâm được yên ổn và sẽ phong sắc cho các ngài.


Đêm hôm ấy đến đầu canh tư, Hãn mộng thấy có 3 người con trai áo mũ chỉnh tề ngồi trong miếu thần tự xưng là "Đương cảnh chi thần" Tản viên sơn thánh sẽ âm phù cho Người. Nghe thần nhân nói xong, Hãn tỉnh ra mới biết là thần linh ứng mộng giúp ta vậy. Sáng hôm sau, ông mời phụ lão trong khu Đức Lễ lại hỏi, các cụ phụ lão tâu rằng: Quả là chúng con trong khu phụng sự một vị thần hiệu như vậy. Hãn bảo bản khu rằng:
"Về sau, các buổi tế lễ tiệc thì kính mời Tam vị tản viên sơn thánh tuấn tĩnh, cao sơn, Quý minh đại vương cùng hiến hưởng. Bấy giờ, Trần Nguyên Hãn mới đem binh hồi đồn (Đồn thần) cùng vua Thái Tổ đại phá quân Minh một trận bắt được Liễu Thăng ở vùng ải Chi Lăng từ đấy thiên hạ được thái bình.


Lúc này, Thái Tổ lên ngôi Hoàng Đế. Nhà vua hậu thưởng các tướng sỹ. Trần Nguyên Hãn nhân đó tâu vua rằng: "Giặc nhà Minh ta đã đánh tan, việc này cũng phần lớn nhờ sức của âm phù thần trợ". Vua Thái Tổ bèn tặng phong cho bách thần tam vị: "Phổ tế cương nghị uy linh đại vương thượng đẳng thần". Và chuẩn hứa cho xã Sơn Bình-khu Đức Lễ phụng sự. Việc trước đánh giặc ngoại xâm đem lại vinh quang cho đất nước, Trần Nguyên Hãn đệ nhất công (có công cao nhất).


Giặc tan, đất nước thanh bình, Hãn tâu vua: "Ngật quy hưu nhàn" xin về nghỉ ngơi. Từ đó, nhà Vua mỗi năm sai sứ giả triệu thỉnh mời Trần Nguyên Hãn về cung vua dự tiệc, dự hội.
Việc nước dưới thời vua Lê Thái Tổ thật là công tâm.Thế mà tự nhiên sau đó, có một tên nịnh thần xiểm nịnh khiến vua tin theo và ra chiếu chỉ bắt Trần Nguyên Hãn xử tội chết, ông không chịu để vua giết, ông đem tất cả gia thần và lực sỹ, kẻ ăn, người ở ra bến sông làng gốm xuống cùng một chiếc thuyền. Trần Nguyên Hãn ngửa mặt kêu trời: "Tôi cùng vua Lê đồng mưu cứu nước, cứu dân, nay giặc lớn đã dẹp yên, lại nói là công kẻ nịnh thần, vua có biết đâu xin cho chiếu giám". Bỗng dưng trời đất nổi phong ba bão lớn, thuyền trôi ra xa đắm giữa dòng sông. Trần Nguyên Hãn cùng 42 người đều chết vào ngày 01 tháng 10. "Thiết y ở đáy sông quyên sinh". Trần Nguyên Hãn mất, sau có linh ứng, dân làng khu Đức Lễ-xã Sơn Bình lập đền thờ Người cùng tam vị sơn thần lúc này thuộc triều Lê. Đều là niệm chú linh ứng. Khu Đức Lễ lập đền thờ cho nên nhiều đời vua sau đều gia phong mỹ tự: Cũng vào thời đó có giặc nhà Mạc nổi loạn. Vua Bính (Lê Anh Tông) cho sửa lễ đến miếu cầu xin thần trợ. Trận đó, Vua đã đánh thắng giặc nhà Mạc. Đất nước thanh bình, vua phong sắc cho ngài Trần Nguyên Hãn mỹ tự:
"Trung liệt đại vương thượng đẳng phúc thần hưng quốc đồng hưu".
Vĩnh viễn khu Đức Lễ để lòng thành kính.

 

Có thơ rằng:
"Vương nghiệp kinh doanh dự thủy ngưu
Tọa sát bá việt giữ bình Ngô
Long nhan nhược thí đồng biểu tước
Cải tảo thiên dan biến ngũ hồ"
Dịch là:
Việc vua kinh lược trừ mưu chước
Ngồi viết sử việt cùng bình Ngô
Mắt rồng bằng ví tiếng chim hót
Đã sớm gieo mình xuống sông Lô


Từ đó, xã Sơn Bình-khu Đức Lễ tổ chức dâng hương cúng tế thờ ngày sinh, ngày hóa của Ngài, dưới hình thức mở tiệc.
Đồng thời cấm ngặt không được ai nói đến tên có chữ Hãn. Chuẩn hứa cho Đức Lễ khu phụng sự.


Trong nghi lễ cấm không được mặc quần áo, hài, mũ màu vàng và đỏ làm lễ.
1. Phần thứ nhất
Thờ thần trợ sơn thần tam vị đại vương (Tuấn Tĩnh, Cao Sơn, Quý Minh). Vào ngày 15 tháng giêng mở hội ca hát. Lễ vật trên chai bàn (Lễ chay), dưới hạ bàn xôi, lợn đen, rượu, bánh tròn trắng.
2. Phần thứ hai
Thờ Trần Nguyên Hãn
- Ngày sinh: Ngày 01 tháng 02 âm lịch chính tiệc, vui chơi ca hát 3 ngày mới thôi. Lễ vật trên thượng ban: Lễ chay, dưới hạ ban lợn đen, xôi, rượu, bánh tròn trắng, bánh chưng vuông.
- Ngày hóa.
Ngày 01 tháng 10 âm chính tiệc.
Lễ vật trên thượng ban lễ chay, dưới hạ ban lợn đen, xôi, rượu, trâu, lợn đen, bánh tròn trắng, bánh chưng vuông, cấm ca hát vui chơi.
Sự tích được viết vào một ngày tốt tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên sửa lễ hoàn đồng cáo các miếu, gà, chim do Hàn lâm lễ viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn chính bản.
Vào năm Duy Tân tháng 10 ngày Mùi, Nguyễn Văn Long thừa sao sự tích.
Nội quyển có 7 trang ghi ơn cụ cố Nguyễn húy Thiềng cung cấp phủ lục giữ được ngày 04 tháng 11 năm Kỷ Mão tức ngày Đinh Dậu tháng Bính Tý năm Kỷ Mão (1999) trước năm cuối cùng của thế kỷ 20, thừa sao sự tích Từ Phủ Lục.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 155
Tổng truy cập: 1274764
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ