LÝ CHIÊU HOÀNG NHƯỜNG NGÔI (TRONG “AN NAM CHÍ LƯỢC” CỦA LÊ TẮC) | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ
LÝ CHIÊU HOÀNG NHƯỜNG NGÔI (TRONG “AN NAM CHÍ LƯỢC” CỦA LÊ TẮC)
LÝ CHIÊU HOÀNG NHƯỜNG NGÔI (TRONG “AN NAM CHÍ LƯỢC” CỦA LÊ TẮC)
Trần Phước Bình - Họ Trần Quảng nam An Nam chí lược (ANCL) là bộ sử Việt cổ nhất tồn tại đến nay, gồm 19 quyển do viên quan nhà Trần là Lê Tắc quy hàng quân Nguyên năm 1285, biên soạn năm 1335 tại Trung Quốc; Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch năm 1960; Viện Đại học Huế xuất bản năm 1961.

 Sách có những ghi chép về Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng và những sự kiện liên quan, đó là:

 Quyển 1: Tống tự

- Trang 5: Họ Lý truyền ngôi được 8 đời, không có con trai, con gái là Chiêu Thánh nối ngôi. Trong năm Canh Dần niên hiệu Thiệu Định nhà Tống (1230), Chiêu Thánh nhường ngôi cho chồng là Trần Nhật Cự (tức Trần Cảnh), vua Tống lại phong Nhật Cự làm An Nam quốc vương.

Quyển 12, từ trang 104:

- Long Trát (tức Cao Tông), con của Anh Vương lập lên làm vua. Mùa đông tháng 10 năm Thuần Hy thứ 6 (1179), Tống đế phong làm An Nam Quốc Vương … lại gia phong Tế Mỹ công thần. Sau oai thanh họ Lý sa sút, giặc trộm nổi dậy khắp nơi, họp vây La Thành. Long Trát chạy qua Quy Hóa giang, nương tựa nhà Hà Vạn. Nhờ ngoại thích anh em họ Trần họp hương binh dẹp loạn, rước vua về cung. Ngày Quý Dậu mùa hạ, tháng 5 năm Gia Định thứ 5 (1212) đời vua Tống Ninh Tông, Long Trát mất, nhà Tống khiến sứ qua điếu (Long Trát ở ngôi 30 năm, thụy hiệu Cao Vương, con là Hạo Sám nối ngôi)

- Hạo Sám (tức Huệ Tông), lúc ấy tướng giặc châu Quốc Oai là Nguyễn Niên (Nộn) xưng hiệu Kim Thiên Đại Vương, cùng với người Hồng Lộ là Đoàn Ma Lôi nổi dậy làm phản. Trần Thừa cùng em là Kiến Quốc (Trần Tự Khánh) đánh không yên được, bèn giảng hòa với Ma Lôi, họp sức đánh Niên, bị Niên đánh bại. Sau Niên chết, loạn mới yên. Thừa có công đánh giặc, xin cho con kết hôn với công chúa Chiêu Thánh. Vương bằng lòng. Hạo Sám không có con trai, lập Chiêu Thánh nối ngôi, lui ở chùa Chân Giáo học Phật rồi mất (ở ngôi 16 năm, thụy hiệu Huệ Vương)

- Chiêu Thánh, lên ngôi được 1 năm, năm Canh Dần (1230) trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều đổi ra họ Nguyễn để dứt lòng dân trông nhớ  (Lúc nhà Lý truyền ngôi được 3 đời, Vương Võ Xứng nhà Tống làm sách ĐÔNG ĐÔ SỰ LƯỢC GIAO CHỈ PHỤ LỤC có nói rằng: “Lê Hoàn cướp họ Đinh, truyền 3 đời thì nước mất. Công Uẩn cướp họ Lê đã mấy đời còn được yên, há chẳng phải may hay sao ?”. Nay họ Lý truyền ngôi tám đời hơn 220 năm. Huệ Vương không con, truyền nước cho rễ. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn, kể sự may thì may biết bao nhiêu ?)

*Quyển 13 trang 105: “Gia thế họ Trần:

- Đời thứ 1 (tức Trần Thừa): Người Giao Chỉ, ngoại thích của nhà Lý. Cuối cuộc loạn đời Lý, Trần Thừa cùng em là Kiến Quốc đánh giặc có công, được phong chức Thái úy; Kiến Quốc được làm đại tướng quân. Con trai lấy con gái của Lý Huệ Tông là Chiêu Thánh, nhân đó được truyền ngôi (Thừa chết, truy tặng Thái Tổ)

- Đời thứ 2: Con giữa của Thái Tổ (tức Thái Tông), tính người khoan nhân thông tuệ, văn võ toàn tài, lấy tư cách con rễ nhà Lý kế vị quốc vương. Chiêu Thánh hậu không con. Cảnh lại lấy người em vợ sinh được 3 người con trai. Đầu đời Thiệu Định (1228- 1233), nhà Tống khiến sứ tiến cống, (Tống) Lý Tông phong làm An Nam quốc vương chức Kiểm hiệu thái úy, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, cho hiệu là Hiệu Trung Thuận Hóa, bảo tiết thủ nghĩa, hoài đức qui nhân, Tỉnh hải quân tiết độ, quan sát xử trí đẳng xứ, thực ấp 11.000 hộ, thật phong 4.200 hộ… Tháng 12 năm Đinh Tỵ (1257), đời Đại Nguyên, đại súy Ngột Lương Hợp Đãi đem binh từ Vân Nam đi quan biên ấp An Nam. Người trong nước kháng cự, bị quan quân đánh phá, sợ phải đầu hàng. Qua năm Mậu Ngọ (1258), vương đổi tên là Quang Bính, khiến bồi thần dâng biểu nạp khoản, xin giữ chức phận phụng công. Năm ấy vương nhường ngôi cho con tức Thánh Tông …Năm Chí Nguyên thứ 14 (1277), Trần Vương mất. (ở ngôi 18 năm (*), thọ 60 tuổi, thụy hiệu Thái Vương) …”.

          An Nam chí lược, nói anh em nhà Trần Thừa có công dẹp loạn giúp nhà Lý lập lại chính thống, sau xin cho con (là Trần Nhật Cảnh) kết hôn với công chúa Chiêu Thánh. Vương (Huệ Tông) bằng lòng. Vương không có con trai, lập Chiêu Thánh nối ngôi, lui ở chùa Chân Giáo học Phật rồi mất (ở ngôi 16 năm, thụy hiệu Huệ Vương). Chiêu Thánh lên ngôi được một năm thì trao quốc chính cho chồng  ... Rất rõ là không có chữ nào nói việc họ Trần phế vua Lý Huệ Tông và bị Trần Thủ Độ bức tử chết tại chùa Chân Giáo, cũng không nói nói việc Trần Thủ Độ giết hết người tôn tộc nhà Lý tại Thái đường Hoa Lâm vào năm 1232. Đây là nguồn sử liệu đáng tin cậy, bởi ANCL được Lê Tắc soạn vào năm 1335 tại Trung Quốc, chỉ sau sách Việt Chí của Trần Tấn nay không còn, nhưng trước cả Việt sử lược năm 1377 của tác giả vô danh, và chính sử vương triều Trần (ĐVSK) do Phan Phu Tiên biên soạn nơi triều Lê Sơ vào năm  Diên Ninh thứ 2 (1455). Lê Tắc là sử gia độc lập, dòng dõi gốc họ Nguyễn làm quan xuyên suốt từ triều Lý kế nối triều Trần. Lời tự sự của tác giả viết: “Tắc người An Nam, dòng dõi Nguyễn Phu, Thứ sử Giao Châu thời Đông Tấn. Đã nhiều đời ở Ái Châu, tằng tổ tên Khôn, khoảng cuối đời Lý làm chức Đông thượng các môn sứ, ông nội tên Trưng đầu đời Trần làm chức Ngoại lang, cha tên Viễn Vọng làm Lệnh thư xá, cưới con gái của Hứa Thúc Tôn ở Chư Vệ, sinh ra Tắc, cho ông cậu là Lê Bỗng người Chư Vệ làm con nuôi. Tắc được dạy cho học, chín tuổi thi khoa thần đồng. Trần Thái Vương (Thái Tông) lưu Tắc ở hầu cận tả hữu để đọc thơ … làm quan đến chức Thị lang, đổi qua giúp việc dưới trướng Tịnh hải quân Tiết sứ Chương Hiến Thượng hầu (Trần Kiện)… Năm 1285, nhà Nguyên đem quân vào nước ta (lần thứ 2), Lê Tắc theo Chương Hiến thượng hầu Trần Kiện đầu hàng quân Nguyên… Lê Tắc được vua Nguyên phong sắc tòng Thị lang, lãnh chức Chỉ huyện lệnh doãn … Năm Nhâm Thìn (1292), Tắc được ban cấp sắc điệp hàm Phụng sự lang, lĩnh hư chức Đồng tri châu An Tiêm. Đầu lúc bản quốc (An Nam) loạn lạc, cha mẹ, gia quyến ly tán, Tắc vào Trung Châu, mười năm sau cưới tôn nữ họ Lý, con quốc vương trước, làm vợ. Lý tôn nữ theo cha nuôi là Chương Hoài hầu (Trần Văn Lộng) hàng phụ Trung Quốc … (đoạn này thiếu)”.

Đoạn nói về Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, ANCL còn dẫn sách Đông đô sự lược Giao Chỉ phụ lục của Vương Võ Xứng sử gia nhà Tống rằng: “Lê Hoàn cướp họ Đinh, truyền 3 đời thì nước mất. Công Uẩn cướp họ Lê đã mấy đời còn được yên, há chẳng phải may hay sao ?”, và Lê Tắc khen nhà Lý “Nay họ Lý truyền ngôi tám đời hơn 220 năm. Huệ Vương không con, truyền nước cho rễ. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn, kể sự may thì may biết bao nhiêu ?”. Chính vì lẽ này nên Trần Thái Tông sớm được vua nhà Tống là Lý Tông phong làm An Nam quốc vương vào năm 1229 (ĐVSK), tức chưa đầy 4 năm sau ngày Lý Chiêu Hoàng trao quyền quốc chính cho chồng. Điều này chứng minh họ Trần không hề giết hại tôn tộc nhà Lý để soán ngôi.

Sự tích lũy sử liệu của nhà Lê Tắc còn thể hiện ở đoạn chép về nơi phát tích của nhà Trần và huyệt đất phát vương rằng:

Thiên Trường phủ, tên cũ là Tức Mặc hương, nơi phát tích họ Trần. Đến khi họ Trần được nước, xây một hành cung tại đó, mỗi năm đến một lần, để tỏ ra không bỏ quên chỗ phát tích của ông bà, rồi đổi tên làm Thiên Trường phủ, chỗ ấy có (sông) nước thủy triều chảy quanh thành, hai bên bờ mọc nhiều cây hoa, khí thơm ngát người, họa thuyền qua lại, giống như cảnh tiên vậy”. Đúng như ĐVSK và gia phả một số dòng hậu duệ đã chép về hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường là nơi phát tích nhà Trần.

Long Hưng phủ, tên cũ là Đa Cương hương. Tổ tiên họ Trần lúc còn hàn vi, ban đêm đi qua một cái cầu khe, khi qua rồi ngoảnh lại, không thấy đâu nữa. Chẳng bao lâu họ Trần được nước, người ta gọi khe ấy là Long Khê, nên đổi tên làm Long Hưng”. Sự tích này, gia phả dòng Trần Nguyên Hãn nói hương Tinh Cương (xã Thái Đường) nơi táng mộ Tổ nhà Trần, huyệt mộ phát đế vương do thầy địa lý trả ơn sau khi được họ Trần cứu mạng, hiện trạng các đời vua Trần và hoàng hậu về sau đều táng ở hương này …

Mặt khác, theo Wikipidia: “Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ) là con thứ 7 của Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga … Năm 1226 (Kiến Trung 2), Lý Long Tường đã bí mật về Bắc Ninh, vái lạy liệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng 6.000 gia thuộc, qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa, vượt biển gặp sóng to phải dừng lại ở Đài Loan, sau đó đến bán đảo Triều Tiên định cư”. Như vậy, Lý Long Tường cùng 6.000 gia thuộc đã sang Triều Tiên (Cao Ly) muộn nhất vào cuối năm 1226. ĐVSK – Nhà Trần do Phan Phu Tiên biên soạn năm Diên Ninh thứ 2 (1455), đến năm Hồng Đức thứ 10 (1479), Ngô Sĩ Liên hiệu chính bổ sung: “Kiến Trung thứ 8 (1232) … Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý… Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái đường Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết (Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây) ”, sự này là điều không thể có bởi 6.000 gia thuộc nhà Lý trước đó mấy năm đã di cư sang Triều Tiên, số còn ở lại là rất ít và vẫn có thể tổ chức lễ tế các vua Lý tại Thái miếu hoặc Đình Bảng nơi phủ Thiên Đức, không có có lý do gì để tổ chức tại Thái đường Hoa Lâm nơi thờ họ ngoại của vua Lý Thái Tổ. Lời tự sự của Lê Tắc viết: “Đầu lúc bản quốc (An Nam) loạn lạc, cha mẹ, gia quyến ly tán, Tắc vào Trung Châu, mười năm sau cưới tôn nữ họ Lý, con quốc vương trước, làm vợ. Lý tôn nữ theo cha nuôi là Chương Hoài hầu (Trần Văn Lộng) hàng phụ Trung Quốc …”. Lý tôn nữ làm con nuôi Trần Văn Lộng thì không thể là con của quốc vương nhà Lý, mà là cháu chắt của một thân vương nhà Lý, bởi Trần Văn Lộng là con của Nhân Thành hầu Trần Duyệt, cháu nội của quốc thúc Thái sư Trần Thủ Độ. Năm 1285, Lê Tắc hàng phụ nhà Nguyên và 10 năm sau mới cưới Lý tôn nữ làm vợ, tức cưới vào năm 1295, năm đó Lý tôn nữ độ 20 tuổi, tức tại năm 1275, hoặc trước đó mấy năm vẫn còn người tôn thất nhà Lý sinh hạ Lý tôn nữ. Nếu Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông và giết hết người tôn thất nhà Lý vào năm 1232, thì Lê Tắc không thể không chép vào sử để biện minh cho những người như ông quy hàng quân Nguyên vào năm 1285.

Trần Thái Tông nhận thiện vị từ Lý Chiêu Hoàng và lên ngôi hoàng đế vào tháng chạp năm 1225 là minh bạch, được trăm quan tôn hiệu là KHẢI THIÊN LẬP CỰC CHÍ NHÂN CHƯƠNG HIẾU HOÀNG ĐẾ, nước Chiêm sang cống vào tháng 10 năm 1228, Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương năm 1229, so với nhà Lý ngày trước thì sớm hơn nhiều. Chính vì lẽ đó nên Trần Thái Tông là người đầu tiên sáng lập Quốc sử viện và sai Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn bộ quốc sử, từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 tập hoàn thành vào năm Thiệu Long thứ 15 [1272], bộ quốc sử đầu tiên của nước Đại Việt với tên gọi Đaị Việt sử ký, sau là Đại Việt sử ký toàn thư ra đời từ đây.

Sự tồn tại của An Nam chí lược đến nay là một trong những cứ liệu khá thuyết phục nói về quá trình trao quyền quốc chính từ nhà Lý sang nhà Trần là tại thời Lê Sơ không thể tìm thấy đã làm sáng tỏ ý tứ và câu từ của Ngô Sĩ Liên: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”, là không có việc này. Hay chăng vào năm 1479, Ngô Sĩ Liên hiệu chính bộ ĐVSK do hai vị tiên hiền Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên soạn, bấy giờ nhận thấy người họ Lý đương thời quá ít, lại không có thông tin về 6.000 gia thuộc nhà Lý đã theo Lý Long Tường di cư sang Hàn Quốc, lại có người vẽ chuyện vụ thảm sát ở Thái đường Hoa Lâm, khiến Sĩ Liên phải tạm ghi vào chính sử. Và việc giết vua Lý Huệ Tông (nhạc phụ của Trần Thái Tông) tại chùa Chân Giáo cũng đều không có căn cứ, sử phả dòng Lý Long Tường ở Hàn Quốc cũng không thấy có câu chữ nào được trích dẫn về hai sự kiện này.


                                                                              Ngày 04/01/2022

Ghi chú:

*ANCL: “Nhờ ngoại thích anh em họ Trần họp hương binh dẹp loạn …”

*VSL (Việt sử lược): “Năm 1210, Dĩ Mông (em trai Đàm thái hậu) đem người ở Gia Miêu và người phủ Thanh Hóa đánh hương Tức Mặc, bị hại, nên các đạo binh nghe thấy thế đều lui về”.

Tức Mặc hương là quý hương của nhà Trần đúng như ĐVSK đã chép.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1265504
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ