TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN
VÀ CÁI CHẾT OAN KHUẤT
Trần Nguyên Trung
Ngày 26 tháng 2 năm Canh Tý (tức ngày 19-3- 2020) là ngày kỷ niệm 591 năm ngày mất của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, một danh tướng kiệt xuất họ Trần, là người có công lớn đánh thắng giặc Minh xâm lược, lập nên triều đại nhà Lê. Tại sao một người được xếp vào bậc “Khai quốc công thần” của nhà Lê lại phải chịu tai họa “từ trên trời rơi xuống” dẫn đến cái chết bi thảm trên bến Đông Hồ khi mới 39 tuổi (?). Gần 600 năm trôi qua, cái chết của vị tướng huyền thoại của dân tộc vẫn còn là nỗi đau nhức nhối trong lòng người dân cả nước nói chung, con cháu dòng họ Trần Nguyên Hãn nói riêng. Nhân dịp kỷ niệm 591 năm ngày mất của ông, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về cái chết oan khuất của Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.
CÔNG TRẠNG LỚN VÀ TAI HỌA BẤT NGỜ
Chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang là đòn quyết định cuối cùng đập tan ý chí xâm lược của nhà Minh, khôi phục lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Trần Nguyên Hãn là người có công rất lớn trong việc đánh chiếm thành Xương Giang và tiêu diệt 15 vạn quân tiếp viện của nhà Minh do Liễu Thăng- Mộc Thạnh chỉ huy. Nhà Bác học Lê Quý Đôn, trong Lê triều thông sử viết: “Có lẽ từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc, chưa có trận nào lớn như vậy”. Chiến thắng Chi Lăng- Xương Giang không chỉ là một dấu mốc lịch sử quan trọng đập tan ảo mộng chiếm đóng lâu dài nước Đại Việt của nhà Minh, mà còn báo hiệu sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của đạo quân phương Bắc đang chiếm giữ thành Đông Quan, buộc Tổng binh Vương Thông phải chấp nhận giảng hòa (thực chất là đầu hàng). Sách Đại Việt sử ký toàn thư (trang 282- tập 2) viết: Ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Mùi (tức ngày 29-12-1427), giặc Minh bắt đầu rút quân về nước, đến ngày 03-1-1428, tên lính cuối cùng của đạo quân xâm lược phương Bắc cuốn gói ra khỏi bờ cõi nước ta. Theo Lịch triều Hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cho biết thêm: “Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh kết thúc, ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Trần Nguyên Hãn được gia phong Tả tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật đại sứ, được cấp 114 mẫu ruộng”.
Sau một thời gian ngắn phụng sự trong triều đình nhà Lê, Trần Nguyên Hãn bắt đầu nhận thấy sự rạn nứt manh nha hình thành ngay trong nội bộ cung đình, trong đó có cả các mối quan hệ vua-tôi. Ông đã phát hiện sự nghi ngại sâu kín của nhà vua đối với những vị tướng tài có công lớn nhưng không thuộc dòng tộc nhà Lê. Ông từng chia sẻ với người tâm phúc: “Nhà vua có tướng như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên ta không thể yên hưởng vui sướng được”. (Câu Tiễn có tướng cổ dài, mép quạ, tức là tướng chim). Ông cũng nhận thấy ngay trong triều đình bắt đầu xuất hiện những tranh chấp, mưu hại lẫn nhau giữa các thế lực phong kiến. Vì thế, Trần Nguyên Hãn quyết định xin cáo quan về trí sĩ tại quê hương (Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Theo sách Đại Việt thông sử: Đầu năm Kỷ Dậu 1429, Trần Nguyên Hãn xin về hưu. Lê Lợi chuẩn y cho Nguyên Hãn được về nhưng dặn rằng, cứ một năm hai lần phải vào triều chầu vua.
Sau khi trở về quê hương, ông cho dựng lại ngôi nhà trên nền đất cũ đã bị hư hỏng, xuống cấp do không có người trông nom, chăm sóc trong suốt thời gian đi đánh giặc cứu nước. Xây dựng phủ thờ tổ tiên, bố mẹ, đóng thêm chiếc thuyền đánh cá và phục vụ cho việc đi lại. Những việc làm chính đáng này của Trần Nguyên Hãn đã không lọt qua mắt bọn gian thần (gồm Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư…) vốn có tư thù, đố kỵ, ganh ghét từ lâu, nhân cơ hội này đã câu kết với nhau dâng mật tấu lên vua, đặt điều vu cáo ông xây phủ đệ lớn, đóng thuyền to, tuyển tráng binh, chở binh khí, luyện tập thủy binh để làm phản. Nhà vua tin lời kết tội Trần Nguyên Hãn lộng hành và có âm mưu phản nghịch. Ngày 26 tháng 2 năm Kỷ Dậu (tức ngày 30-3-1429), Lê Lợi nghe theo lời xiểm nịnh của bọn gian thần bèn sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều hỏi tội.
Trên đường về kinh thành, khi thuyền đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, ông ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Tôi với Hoàng Thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng Thượng nghe lời gièm của kẻ xấu mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho" rồi trầm mình xuống sông. Sách Đại Việt thông sử mô tả rằng, sau lời than của ông, bỗng gió to nổi lên làm lật thuyền khiến ông và 42 lực sĩ đều chết. Chỉ có 2 gia đồng sống sót.
Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt vợ con ông về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu. Mãi đến năm 1455, nhận thấy ông bị oan trái, vua Lê Nhân Tông (1443-1459) mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là "Phúc thần", cho gọi con cháu ra làm quan nhưng không có ai ra. Đời nhà Mạc, ông được truy phong là "Tả tướng quốc, Trung liệt đại vương". Đây cũng là trường hợp rất hiếm hoi đối với các công thần khai quốc nhà Lê như Trần Nguyên Hãn nhưng lại được nhà Mạc (vốn thù địch với nhà Lê) tưởng nhớ và truy phong. Đời nhà Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), triều đình ban sắc phong cho ông là “Tuấn hương, lương trực Tả tướng quốc Trần phủ quân chi thần”
Đến nay, có nhiều ý kiến phân tích về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Trần Nguyên Hãn. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì cái chết của Trần Nguyên Hãn có thể do nhiều nguyên nhân sâu xa. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất được bắt nguồn từ những tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Lê thời hậu chiến. Nguyên nhân thứ hai là trong lòng Lê Lợi vẫn có mối nghi ngại đối với triều đại cũ, mà Trần Nguyên Hãn lại xuất thân là dòng dõi quý tộc nhà Trần. Chính điều này, cộng với sự tâu bẩm, sàm tấu của những kẻ nịnh thần đã khiến Lê Thái Tổ trong giây phút nóng vội đã bức tử một bậc khai quốc công thần.
Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, vua Thái Tổ tuổi già, lắm bệnh, sợ ngày sau chúa nhỏ (Thái tử Nguyên Long mới lên 8) cầm quyền, các đại thần như Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo "sẽ có chí khác". Vì vậy, bề ngoài Lê Lợi "tỏ ra trọng vọng nhưng bên trong vẫn nghi ngờ. Bọn gian thần Trình Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua tranh nhau dâng mật sớ khuyên vua sớm trừ đi".
Có tài liệu cho rằng, sau khi Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị trừ bỏ, vua Lê tỏ ra hối hận, thương hai người bị oan, hạ lệnh cho những kẻ tố cáo ông về sau không được tố cáo ai nữa và dù có tài cũng không được dùng nữa.
AI SẼ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ CÁI CHẾT CỦA TRẦN NGUYÊN HÃN?
Đã gần 600 năm trôi qua, câu hỏi này vẫn còn đang bỏ ngỏ. Một số người vẫn đưa ra quan điểm, nhận định, phân tích theo hướng bênh vực nhà vua. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn tỏ ra nghi ngờ về cái chết oan khuất của Trần nguyên Hãn và không tin ông là “kẻ phản nghịch”. Bởi lẽ, từ khi ông cáo quan về quê chưa đầy 3 tháng, làm sao có chuyện “thay lòng đổi dạ” nhanh đến thế? Hơn nữa, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này làm sao Trần Nguyên Hãn có thể “xây nhiều biệt đô, biệt cung, đóng nhiều thuyền bè chuyên chở vũ khí, tập hợp tráng binh và tậu trâu, tậu voi từng đàn đi lại rầm rập…” như lời sàm tấu của bọn gian thần (?) Thế mà vua vẫn cứ tin rồi sai người đi bắt Trần Nguyên Hãn? Sử làng Sơn Đông có ghi lại rằng: Gia nhân và lính hầu của nhà ông Hãn đông, nhiều người giỏi võ nghệ, họ rất tức tối và khuyên ông chống lại lệnh vua. Nhưng ông nói “…Việc lớn đã thành, nay vua muốn giết ta… Ta không thể sống được với nhà vua, nhưng nếu ta ra mặt chống lại, nhà vua sẽ viện cớ đó tàn sát, giết hại hết con cháu họ Trần. Nay chỉ để mình ta và gia quyến chịu chết là hơn”.
Tại cuộc hội thảo khoa học về Thân thế, sự nghiệp Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn do UBND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) tổ chức năm 1988, GS sử học Văn Tạo đã kết luận: “Ông Hãn chết tại Lập Thạch, chết không bình thường, chết không phải vì bức tử mà vì không thể sống được với bọn gian thần, với công lao và vị trí của ông, trước sự bối rối của Lê Lợi, sau khi đã chiến thắng giặc Minh nhưng thế lực chưa đủ mạnh để giữ ngôi Hoàng đế của mình”.
Rõ ràng ở đây Lê Lợi đã nghe theo lời dèm pha của những vị quan vốn có tư thù, đố kỵ, hiềm khích cá nhân với Trần Nguyên Hãn nên mới ra lệnh bắt ông về triều để xét hỏi. Trong xã hội phong kiến ở Việt Nam, quyết định của nhà vua là đại diện cho pháp luật. Tuy nhiên, nếu chiểu theo pháp luật hiện hành thì vua Lê Lợi có phần trách nhiệm về cái chết của Trần Nguyên Hãn, vì muốn kết tội một con người phải có đủ căn cứ pháp lý mới tránh được kết tội oan. Nếu xem xét hành vi này, theo quy định tại Điều 100 Bộ Luật hình sự năm 1999 thì Lê Lợi khó thoát khỏi tội bức tử. Trong trường hợp này, nhà vua đã tin theo những lời sàm tấu (nhưng không được kiểm chứng) mà đã ra lệnh đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều xét xử. Lệnh bắt này được xem như hành vi làm nhục, khiến cho Trần Nguyên Hãn vừa cảm thấy phẫn uất vừa xấu hổ mà không biết kêu ai dẫn đến hành động trầm mình tự vẫn, lấy cái chết để bày tỏ tấm lòng trung quân của mình.
TNT
23/02/2017 : | TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN |
22/03/2014 : | TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN BỊ HẠI |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 164 |
Tổng truy cập: 1367887 |