TỔ TRẦN ĐẠO TÁI (TỔ 5 ĐỜI TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN) LÀ CON AI? | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ   /  Danh nhân nhà Trần
TỔ TRẦN ĐẠO TÁI (TỔ 5 ĐỜI TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN) LÀ CON AI?
TỔ TRẦN ĐẠO TÁI (TỔ 5 ĐỜI TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN) LÀ CON AI?
Tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội có lưu trữ một văn bản đánh số A 2046. Đó là cuốn “Trần Gia Ngọc phả”. Nhiều tác giả viết sách hoặc nghiên cứu dựa vào văn bản này sáng tác nên đã có những sai lạc rất đáng tiếc. Nhầm lẫn có nhiều tập trung chủ yếu vào hai nhân vật lớn là Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải. Văn bản viết: Phu nhân Trần Quốc Tuấn là công chúa nhà Lý (con gái của Lý Huệ Tông). Trần Quốc Tuấn có 5 con, con trưởng là Trần Đạo Tái do Ứng Thụy công chúa, phu nhân của Trần Quang Khải sinh ra. Văn bản còn viết Trần Lý sinh được 4 trai, một gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần An Quốc, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung... Đây là một sai lầm lớn, chúng ta cần phảỉ phân tích làm rõ Tổ Trần Đạo Tái, Tổ 5 đời Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là con ai?

      TỔ TRẦN ĐẠO TÁI (TỔ 5 ĐỜI TẢ TƯỚNG QUỐC  TRẦN NGUYÊN HÃN) LÀ CON AI?

                                               Trần Quang

Tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội có lưu trữ một văn bản đánh số A 2046.  Đó là cuốn “Trần Gia Ngọc phả”. Nhiều tác giả viết sách hoặc nghiên cứu dựa vào văn bản này sáng tác nên đã có những sai lạc rất đáng tiếc. Nhầm lẫn có nhiều tập trung chủ yếu vào hai nhân vật lớn là Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải. Văn bản viết: Phu nhân Trần Quốc Tuấn là công chúa nhà Lý (con gái của Lý Huệ Tông). Trần Quốc Tuấn có 5 con, con trưởng là Trần Đạo Tái do Ứng Thụy công chúa, phu nhân của Trần Quang Khải sinh ra. Văn bản còn viết Trần Lý sinh được 4 trai, một gái là Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần An Quốc, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung. Viết như vậy có nghĩa là Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung là anh em ruột. Ngoài ra còn nhiều sai lạc khác.Ngay tại Sơn Đông có bản thần tích: “Sơn Đông nhị vị thành hoàng thần tích diễn ca” dựa vào văn bản này nên viết: Trần Nguyên Hãn là “Cháu bảy đời đức Trần Hưng Đạo, chắt đức Trần Nguyên lão Băng Hồ”!

          Là con cháu hậu duệ của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, chúng ta cần tìm hiểu cho rõ sự việc này. Đọc kỹ văn bản Trần Gia Ngọc phả thì thấy một số điểm đáng chú ý như sau:

          - Đây là gia phả của một dòng họ nhỏ ở thôn Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín Hà Nội có Tổ họ là Trần Thuần Đức, con trai của An Viễn tướng quân Trần Thúc Quỳnh, con trai thứ ba của Chương Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán. Phần gia phả kể từ Trần Thúc Quỳnh trở xuống viết tỉ mỉ liên tục 20 đời nhưng phần viết về tổ tiên họ Trần thì có nhiều điều mơ hồ.Vì là gia phả của một gia đình, nó không phải là một văn kiện có tính quốc gia để làm chuẩn nên khi sử dụng phải tra cứu, đối chiếu lại.

          - Văn bản này chưađảm bảo quy cách của một quyển gia phả chính thức: không có tên người viết (soạn thảo), không có tên người hiệu đính (nhuận sắc), không có tên người kiểm tra, phê duyệt, không có tên người đứng chủ lập gia phả. Gia phả còn viết: Việc biên tập và chép lại phả cũ được tiến hành từ ngày đầu tháng Giêng năm Mậu Thìn cho đến tháng Hai năm Mậu Tý nhưng cũng không có tên người chép lại và chép của ai, không nói thuộc triều vua nào nên khó xác định niên đại của gia phả. Cuối gia phả viết gia phả được hoàn thành vào ngày đầu tháng 12 năm Canh Dần. Có thể nói cuốn gia phả này chưa đủ điều kiện là một cuốn gia phả chuẩn.

          Với Trần Quốc Tuấn, Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần, năm Tân Hợi (1251) viết cụ thể việc Vua Trần Thái Tông đem trưởng công chúa Thiên Thành gả cho Trần Quốc Tuấn. Các sách sử ghi lại: Trần Quốc Tuấn có 5 con. Công chúa Thiên Thành sinh 4 con, con trưởng là Trần Quốc Nghiễn không phải Trần Đạo Tái), các con tiếp theo là Trần Quốc Úy, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện. Bốn con đều có chữ lót là “Quốc” theo tên húy của Trần Quốc Tuấn. Bà đệ nhị cung phi tên là Quế Hoa quê ở thôn U Trì, làng Đại Trạch, tổng Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sinh con trai thứ năm tên là Trần Hưng Hồng, chữ lót là “Hưng” theo tên tước của Hưng Đạo Vương.

          Với Trần Quang Khải, Trần gia ngọc phả viết: Phu nhân là Ứng Thụy công chúa người họ Lê, là con gái của Lê Phụ Trần, bà sinh được một con trai (trang 18). Trần Đạo Tái là con trai trưởng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sinh năm Bính Dần (1266).

Đối chiếu với Đại Việt sử ký toàn thư và Văn bia tại đền thờ Trần Quang Khải thì điều này sai lạc rất lớn. Đại Việt sử ký toàn thư kỷ nhà Trần, chương Trần Thái tông,năm Tân Sửu (1241) viết mùa Đông tháng 10: “Hoàng tử thứ ba là Quang Khải sinh”.Sách “Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió”, tác giả Lê Thái Dũng, nhà xuất bản Văn học, 2011 viết: năm Tân Dậu (1261), Chiêu Thánh sinh con gái đặt tên là Lê Thị Ngọc Khuê (sau được phong là Ứng Thụy công chúa) và được gả cho Trạng nguyên Trần Cố. Đối chiếu năm sinh của từng người thì Trần Quang Khải hơn Ứng Thụy công chúa 20 tuổi. Thuở xưa, nam nữ  thường lấy vợ lấy chồng sớm từ 15, 16 tuổi, khi ấy Ứng Thụy công chúa chưa sinh. Ứng Thụy công chúa hơn Trần Đạo Tái 5 tuổi, làm sao sinh raTrần Đạo Tái được?

Văn bia thờ công chúa Phụng Dương tại đền thờ Trần Quang Khải do chính Trần Quang Khải lập bia viết: “Công chúa về làm dâu nhà tướng từ tuổi còn nhỏ”, “Công chúa được bảy người con. Con trưởng mất sớm, công chúa thương tiếc khôn nguôi bèn nuôi quan nội hầu quốc công thay con. Đó là con nuôi công chúa. Người thứ hai là Văn Túc vương Đạo Tái. Vương là người tài văn có thể giúp cho chính sự đương thời, tài võ có thể dẹp yên loạn nước, lấy con gái Tĩnh Quốc đại vương là công chúa Bao Tư, Thứ nữa là Vũ Túc vương Đạo... (mất một chữ) lấy công chúa Bảo Chân, con gái thứ tư vua Thánh Tông. Con gái lớn là công chúa Quỳnh Huy, húy là Thụy Hữu... Con gái thứ là công chúa Quỳnh Tư, húy là Thụy Nhu... Thứ nữa là công chúa Thụy Bảo húy là Thụy Ân... Thứ nữa là công chúa Quỳnh Thái húy là Thụy Tự. Quỳnh Huy, Quỳnh Tư, Vũ Túc đều mất sớm. Cháu có mười ba người, bảy trai, sáu gái”.

Công chúa mất ngày 22 tháng Ba năm Tân Mão (22-4-1291), niên hiệu Trung Hưng. Công chúa thọ được 282 ngày Giáp Tý (Tính ra được 46 năm 4 tháng 10 ngày), như vậy công chúa sinh vào năm 1244. Công chúa về làm dâu khi tuổi còn nhỏ, ước tính thường là 15 hoặc 16 tức vào năm 1259 - 1260. Những điều trên đây đã đủ chứng minh Trần Đạo Tái là con trai Trần Quang Khải, không liên quan gì đến Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần gia ngọc phả đã sai lầm lớn.


Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1276241
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ