TRẦN THÁI TÔNG (1218 - 1277) | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ
TRẦN THÁI TÔNG (1218 - 1277)
TRẦN THÁI TÔNG (1218 - 1277)
Người mở nghiệp đế triều Trần là Hoàng đế Trần Thái Tông. Trần Thái Tông sinh ngày16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), húy Cảnh, còn gọi là Bồ, là con thứ hai của Thải tổ Trần Thừa. Lên tám tuổi, ông vào làm Chánh thủ Chi hậu chính chi ứng cục. Trần Cảnh có thể cách hiền nhân quân tử, mũi cao, mặt rồng, Lý Chiêu Hoàng trông thấy rất mến yêu. Dưới sự sắp xếp của chú họ là Trần Thủ Độ, Trần Cảnh kết duyên với Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý. Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, ông lên ngôi Hoàng đế mở đầu cho một triều đại mới – triều đại nhà Trần. Trần Cảnh khi lên ngôi đổi niên hiệu Kiến Trung (1225 - 1231) hiệu là Thái Tông.

                                                                 TRẦN THÁI TÔNG (1218 - 1277)

                                                                      Trần Quang Trung tổng hợp


Người mở nghiệp đế triều Trần là Hoàng đế Trần Thái Tông. Vua quê ở hương Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay là thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng ngoại thành Nam Định); sinh ngày16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218), húy Cảnh, còn gọi là Bồ, sử nhà Nguyên chép là Nhật Cảnh, là con thứ hai của Thải tổ Trần Thừa. Lên tám tuổi, ông vào làm Chánh thủ Chi hậu chính chi ứng cục, (gồm con em các quan trong triều được hầu cậntrong cung vua Lý Chiêu Hoàng). Trần Cảnh có thể cách hiền nhân quân tử, mũi cao, mặt rồng, Lý Chiêu Hoàng trông thấy rất mến yêu. Dưới sự sắp xếp của chú họ là Trần Thủ Độ, Trần Cảnh kết duyên với Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý.

Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng, ông lên ngôi Hoàng đế mở đầu cho một triều đại mới – triều đại nhà Trần. Trần Cảnh khi lên ngôi đổi niên hiệu Kiến Trung (1225 - 1231) hiệu là Thái Tông.

Hoàng đế Trần Thái Tông phong Trần Thủ Độ làm Quốc Thượng phụ, chưởng lý thiên hạ sự (xếp đặt mọi việc trong nước), mời cha là Trần Thừa làm Thái Thượng Hoàng giúp tạm coi giữ quốc chính, Trần Thủ Độ làm Thái sư Thống quốc hành quân vụ chính thảo sự,chuyên lo đánh dẹp loạn bốn phương. Vua giành nhiều thời gian để học tập, rèn luyện thành nhà vua đức, tài trọn vẹn.

Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), do mưu lược của Trần Thủ Độ đã ép Trần Thái Tông giáng Chiêu Hoàng xuống làm công chúa sau 12 năm chưa có con, rồi đem người chị ruột của Chiêu Hoàng là Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu vào làm Hoàng hậu vì đã có thai được ba tháng. Trần Liễu giận nổi loạn, nhà vua áy náy, không yên, nên đang đêm cùng vài người hộ giá rời bỏ ngai vàng, lẻn lên núi Yên Tử đi tu.

Trần Thái Tông bỏ đi, ngày hôm sau Trần Thủ Độ đem các quan đến đón vua về kinh sư, nhưng ông khước từ không về. Trần Thủ Độ cố nài xin hai ba lần nhưng vua không nghe nên bảo mọi người rằng: Xa giá ở đâu tức triều đình ở đấy. Nói rồi cho người cắm nêu trong núi, chuẩn bị cho xây dựng hành cung. Trước tình hình đó nhà vua phải trở về cung. Sau này, trong sách “Thiền tông chỉ nam” Trần Thái Tông viết: “Bấy giờ, Trần Công là chú của Trẫm thống thiết nói: “...Bệ hạ vì mục đích tu lấycho riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn Quốc gia xã tắc thì sao? Ví để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy chính bản thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ? Nhà vua nếu không nghĩ lại, quần thân chúng tôi cùng nhân dân xin cùng chết ngay hôm nay, quyết không trở về”.

Thấy Thái sư và các bô lão, quần thần đều không có ý bỏ Trẫm, Trẫm mới đem lời Thái sư nói với Quốc sư. Quốc sư nắm lấy tay Trẫm mà rằng: “Phàm làm đấng nhân quân phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tâm thiên hạ làm tâm của mình. Nay thiên hạ muốn đón nhà Vua về cung, nhà Vua không về sao được?”. Bởi vậy Trẫm với mọi người trong nước lại trở về kinh, cố gắng mà lên lại ngôi vua.

Trần Liễu do yếu thế nên đến xin hàng nhà vua, Trần Thủ Độ được tin liền đem quân đến định giết, Trần Thái Tông đã lấy thân mình che chở cho anh ruột. Với hành động này, ông đã thực sự làm chủ được vai trò của mình, vai trò của người đứng đầu đất nước. 

Cũng từ đấy Trần Thái Tông với tư cách là một vị Hoàng đế đầu tiên của vương triều Trần, đã chính thức điều hành chính sự và đã có những đóng góp nổi bật mang nhiều ý nghĩa lịch sử nhằm củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền.

Tháng ba năm 1230, Trần Thái Tông ban hành Quốc triều thông chếgồm 20 quyển, để xác định rõ các tổ chức chính quyền và các quy chế hành chính. Nhiều cơ quan chuyên trách mới của Nhà nước ra đời để đáp ứng với yêu cầu phát triển của bộ máy hành chính, trong đó có những cơ quan văn hóa, giáo dục như Quốc sử viện, Thái y viện và các cơ quan tư pháp như Thẩm hình viện, Tam ty viện.

Bộ máy hành chính được xây dựng thành một hệ thống chặt chẽ. Năm 1242, Trần Thái Tông chia nước thành 12 lộ, đặt quan chức, duyệt kê hộ khẩu đến từng đơn vị xã. Ngay đầu năm sau triều đình lại hạ lệnh cho các lộ phải làm sổ dân đinh để báo lên. Tại các cấp lộ, châu, huyện, các quan lại hành chính đồng thời phụ trách cả việc tư pháp, xét xử tội phạm.

Bên dưới hàng ngũ quý tộc, hoàng tộc, tầng lớp có nhiều đặc quyền đặc lợi là một bộ máy quan lại từ Trung ương đến địa phương được đào tạo bài bản, nghiêm túc. Chế độ tuyển dụng quan lại bằng thi cử ngày càng đi vào nề nếp. Năm 1227, vua Trần Thái Tông  mở khoa thi Tam giáo. Năm 1232, mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên để chon đệ nhất giáp, đệ nhị giáp và đệ tam giáp. Từ đây thể lệ thi cử và các học vị được quy định thành những thể thức cứ 7 năm, triều đình tổ chức thi Thái học sinh một lần (tương đương với thi Tiến sĩ sau này) để chọn người tài cho đất nước. Năm 1247 khoa thi bắt đầu lấy chức Tam khôi, khoa thi này đã chọn được Trạng nguyên Nguyễn Hiền (làng Dương A, Nam Trực, Nam Định); Bảng nhãn Lê Văn Hưu và Thám hoa Đặng Ma La. Lê Văn Hưu sau này trở thành nhà sử học uyên bác, có tinh thần dân tộc cao. Năm 1272, ông đã biên soạn xong bộ Đại Việt sử ký. Trong những năm mở khoa thi, nếu tháng hai mở khoa thi Thái học sinh thì tháng tám nhà vua cho mở khoa thi Tam giáo; khoa thi này cũng định ra người đỗ cao thấp bằng các bậc giáp, ất để phân biệt. Việc làm này của nhà Trần đã góp phần động viên mọi nhân tài phục vụ cho đất nước. Năm Quý Sửu (1253), Trần Thái Tông cho lập Quốc học viện để giảng tứ thư, ngũ kinh và mở võ đường để luyện tập võ nghệ. Đặc biệt nhà Trần quy định chức Tể tướng chỉ chọn những người trong họ tôn thất, nhưng phải là người hiền tài, có đức hạnh, biết lục nghệ (lễ nghi, âm nhạc, cưỡi ngựa, bắn cung, viết chữ và tính toán) đồng thời phải thông hiểu kinh thi, kinh thư. Các quan dù là văn hay võ cứ 15 năm khảo duyệt một lần, nếu đạt được thăng một chức và 10 năm thăng tước lên một bậc.

Nền kinh tế bị suy sụp nặng nề vào những năm cuối đời Lý, nên đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Trần Thái Tông sau khi lên ngôi đã từng bước phục hồi nền kinh tế và tiếp tục phát triển. Triều đình cho phép các vương hầu, quý tộc chiêu tập dân nghèo đi khai hoang. Để phục vụ sản xuất, việc đắp đê phòng lũ lụt được quan tâm và mở rộng hàng năm với quy mô rộng khắp mọi nơi. Năm 1248, Trần Thái Tông ra lệnh cho các lộ đắp đê từ đầu nguồn đến tận bờ biển, gọi là đê Đỉnh Nhĩ (quai vạc), đặt các chức Hà đê Chánh sứ và Phó sứ để trông coi, đốc thúc việc đắp và bảo vệ đê. Nhờ chính sách đúng đắn này mà hệ thống đê dọc sông Hồng và các sông lớn trong nước cơ bản được xây dựng và thường xuyên được bồi đắp, tu bổ.

Vào cuối thế kỷ XII do sự suy yếu của triều Lý, Chiêm Thành luôn đưa quân sang cướp phá nước ta, nhằm thăm dò và đòi đất cũ.Trước tình hình đó sau khi Trần Thái Tông lên ngôi đã cho sứ sang lấy đức vỗ về, phân biệt phải trái giữ ổn định tình hình. Để khẳng định rõ thái độ, Trần Thái Tông đã thân chinh cầm quân đi dẹp đánh Chiêm Thành vừa để răn đe đồng thời tỏ rõ chủ quyền của mình.

Đối với nhà Tống phương Bắc, Trần Thái Tông vừa giữ hòa hiếu nhưng có thái độ cương quyết đối với chủ quyền dân tộc.

Trong lúc nhà Trần đang ra sức xây dựng đất nước thì đế quốc Nguyên-Mông đe dọa nghiêm trọng nền độc lập dân tộc ta. Cuối năm 1257, kẻ thù cho sứ giả sang dụ vua Trần đầu hàng. Thể hiện khí phách anh hùng, Trần Thái Tông đã ra lệnh tống giam sứ giả và cả nước được lệnh chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu với quân thù. Ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Tỵ (đầu năm 1258 dương lịch), đạo quân Nguyên Mông khoảng ba vạn tên theo lưu vực sông Hồng tiến đánh nước ta một cách ồ ạt. Trần Thái Tông đã trực tiếp chỉ huy đánh địch ngay những trận đầu. Thế địch quá mạnh, để bảo toàn lực lượng, Vua quyết định tạm thời rút lui khỏi kinh thành về đóng giữ ở căn cứ Thiên Trường, Nam Định với chủ trương vườn không nhà trống. Quân giặc chiếm được thành Thăng Long, nhưng không tìm đâu ra bóng người và lương thảo. Chỉ sau 12 ngày đêm đặt chân lên đất nước ta, ngày 24 tháng chạp năm Đinh Tỵ, Vua và Thái tử Hoảng trực tiếp cầm quân phản công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu, đánh bật địch ra khỏi kinh thành buộc chúng phải cắm đầu chạy thục mạng về nước, không dám dừng lại cướp bóc dọc đường, dân ta gọi châm biếm chúng là giặc phật.

Sau chiến thắng 1258, vua Trần Thái Tông truyền ngôi cho con là Thái tử Hoảng, tức Thánh Tông Hoàng đế, lui về ở Bắc cung làm Thái Thượng Hoàng vào ngày 28 tháng 2 cùng năm. Như vậy Trần Thái Tông làm vua từ khi 8 tuổi, trị vì 33 năm và năm 41 tuổi làm Thái Thượng Hoàng thêm được 19 năm nữa. Thời gian tại vị cũng như lúc làm Thái Thượng Hoàng, Trần Thái Tông luôn tỏ là người ham học hỏi, nghiên cứu đạo Thiền, viết sách, làm thơ bồi dưỡng đạo đức, kiến thức để xứng với vị thế quốc chủ. Trần Thái Tông là ông vua hiền có bản lĩnh, có năng lực làm nhân chủ, có ý thức dân tộc trong việc chỉ huy đánh quân xâm lược phương Bắc và bình giặc Chiêm ở phương Nam. Việc trị quốc thì định hình luật, mở khoa thi chọn hiền tài, khoan thư sức dân, chú ý đến đời sống vật chất cũng như tinh thần cho dân. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương cho nên có thể mở nghiệp truyền sau, đặt rường giăng mối, chế độ nhà Trần tốt đẹp”.

Trần Thái Tông mất ngày 01 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) tại cung Vạn Thọ kinh đô Thăng Long, hưởng thọ 60 tuổi. Vào mùa đông tháng 10 ngày mồng 4 táng tại Chiêu Lăng (thuộc xã Tam Đường, nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1265405
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ