THÁI ĐƯỜNG HOA LÂM VÀ NHỮNG TỒN NGHI | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ
THÁI ĐƯỜNG HOA LÂM VÀ NHỮNG TỒN NGHI
THÁI ĐƯỜNG HOA LÂM VÀ NHỮNG TỒN NGHI
ĐVSKTT (Ngô Sĩ Liên) viết: “Kiến Trung thứ 8 (1232) … Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý… Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái đường Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết (Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây) ”.

 Trần Phước Bình - Họ Trần Quảng Nam

Để xem xét tồn nghi lịch sử này, có mấy vấn đề bài viết này mong muốn nghiên cứu làm rõ như sau:

I.                  Họ Trần giúp nhà Lý khôi phục lại chính thống:

Năm 1209, trước đó Cao Tông sai Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bĩnh Di đem quân châu Đằng đi đánh Phạm Du ở Nghệ An làm loạn… Đến đây vua lại tin lời Phạm Du, giết chết Phạm Bĩnh Di và con là Phụ. Quách Bốc là thuộc tướng của Bĩnh Di hay tin đem quân vào kinh thành cứu Phạm Bĩnh Di, nhưng không kịp, bèn làm loạn, lập con thứ của Cao Tông là Thầm lên làm vua. Vua Cao Tông lánh đến miền Quy Hóa giang. Hoàng thái tử (Sảm) lánh đến thôn Lưu Gia ở Hải Ấp, nghe tiếng con gái của Trần Lý, có nhan sắc bèn lấy làm vợ. Nhà Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quân chúng, cùng nổi lên (làm giặc). Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ …

Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua (Cao Tông) về kinh, khôi phục chính thống. Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau.

Năm 2010, tháng 3, vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón Hoàng thái tử về Kinh sư, còn người con gái (Trần thị) thì về nhà cha mẹ. Bấy giờ, Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết, con thứ là Tự Khánh thay đem quân chúng về Kinh, được phong là Thuận Lưu bá.

Tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu vào nhận mệnh ký thác. Ngày 28 vua băng. Hoàng thái tử Sảm lên ngôi.

Vua sai Bố và Trung Tự đón Trần thị vào cung, lập làm nguyên phi; cho Trung Từ làm Thái úy phụ chính, phong Thuận Lưu bá Tự Khánh làm Chương Thành hầu.

Năm 1214, tháng 5, Tự Khánh đánh Đinh Khả và Bùi Đô ở châu Đại Hoàng, phá tan được.

Năm 2016, tháng 12, sách phong phu nhân (Trần thị) làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh cùng thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn…

Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, châu bá là Lý Bất Nhiễm đánh phá được.

Năm 1217 tháng 3, vua dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng … Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh …

Năm 1218 tháng 10, Chiêm Thành và Chân Lạp đến cướp châu Nghệ An, Lý Bất Nhiễm đánh tan được, thăng tước hầu, ban thực ấp 7.500 hộ, thực phong 1.500 hộ.

Năm 1223 tháng 12, Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương, lấy Trần Thừa làm Phụ quốc thái úy, khi vào chầu không xưng tên.

Giáp Thân/ 1224, (từ tháng 10 về sau là niên hiệu của Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1), … các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, ủy nhiệm cho một mình Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình. Tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng”.

Vương triều Lý suy yếu từ đời Cao Tông. ĐVSKTT chép: “… vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đó suy”.

II.               Chiêu Hoàng đến với Trần Cảnh và nhường ngôi:

“Năm Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2/ 1225 (từ  tháng 12 về sau là niên hiệu Trần Thái Tông Kiến Trung năm thứ 1), tháng 10, xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như  Lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu, Nội nhân thị nội, ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu. Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi vệc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gọi Thủ Độ bằng chú bác là Trần Bất Cập làm cận thị thực lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ (sau là Trần Thái Tông). Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vóc nước té nước ướt cả mặt Cảnh. Cảnh không nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: “Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây” (một câu nói rất tư duy, không thể nói là không biết chữ nghĩa). Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh. Cảnh lạy rồi nói: “Bệ hạ có tha tội cho thần không ? Thần xin vâng mệnh”. Chiêu Hoàng cười và nói: “Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó”. Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”. Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng: “Ngày xưa nước Nam Việt đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng  hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiên nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy. Khốn nỗi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề ? Trẫm đậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cán đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi. Kinh thi có nói: “Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay”. Nay trẫm suy tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người có văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù có Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được. Sớm hôm nghĩ chín từ lâu, nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người đều biết”. Tháng 12 ngày 11 Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng bằng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc trong nước. Thủ Độ nói: “Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng. Đoàn Thượng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiên nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng không gánh vác nổi, mới ủy thác cho nhị lang. Nhưng nhị lang chưa am hiểu việc nước, chính sự nhiều chỗ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruỗi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm Thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang”. Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính”.  

Qua những trang sử triều Lý, cho thấy việc thái tử Sảm (Huệ Tông) gặp Trần thị (Dung) con gái Trần Lý tại nhà cậu ruột Tô Trung Từ ở Hải Ấp thôn Lưu Gia như là lương duyên thiên định. Họ Trần có công giúp nhà Lý khôi phục lại chính thống, đánh dẹp giặc loạn, trong quá trình ấy Trần Lý (thân phụ của bà Dung) đã hy sinh, anh ruột (bà Dung) là Thái úy phụ chính Trần Tự Khánh mất năm 1223, được truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương, cậu ruột là Tô Trung Từ làm Thái úy phụ chính và một tướng công Trần Thủ Độ chỉ huy sứ đầy tài năng …

III.           Nhà Trần cải Lý triều làm Nguyễn triều:

ĐVSKTT, “Kiến Trung thứ 8 (1232) mùa hạ tháng 6, ban chữ quốc húy và miếu húy. Vì Nguyên Tổ tên húy là Lý mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn và lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý”. [Hán tự ghi: cải Lý triều vi Nguyễn triều thả thuần dân chi hoàng Lý thị dã]. Viện sử học dịch câu này là chưa ổn, bởi chữ thả còn có nghĩa là “tạm”, tức việc cải Lý triều làm Nguyễn triều tạm như thế để dứt bỏ lòng tưởng nhớ của dân đối với nhà Lý. Và thực tiễn trong chính sử vẫn tồn tại xuyên suốt những danh nhân họ Lý, như:  “Thiệu Long thứ 11 (1268) tháng 6, ngoại thích (họ ngoại của vua Trần) là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi xét hỏi trị tội thấy hắn có chứng điên, bèn đánh trượng rồi tha”; “Đại Khánh năm thứ 4 (1318), mùa thu tháng 8, sai Huệ Vũ đại vương Quốc Chẫn đi đánh Chiêm Thành. Tộc tướng nhà Lý là Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận”; “Canh Thìn (1400), tháng 8, Quý Ly mở khoa thi thái học sinh. Lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người. Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn…”; Thời hậu Trần, Hưng Khánh năm thứ 1[1407] viết: “Người Minh lùng tìm những người ẩn dật … những người có tiếng tăm một chút đều hưởng ứng ra làm quan. Duy có Bùi Ứng Đẩu từ chối, lấy cớ đau mắt, bọn hạ trai học sinh Lý Tử Cấu mấy người lui ẩn không chịu ra mà thôi”. Ngoài ra, còn có văn bia đình An Hạ tại thôn Miễu, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình cho biết: “An Hạ vương là cháu của Lý Anh Tông, vợ là Đàm thị em gái của hoàng hậu Cao Tông. Ngài phụng mệnh đi dẹp giặc Chiêm, được nhân dân ủng hộ theo về. Xét công lao ấy mà phong tước An Hạ vương, cho trấn nhậm đất Nghệ An. Đến Trần quốc triều, năm Mậu Thìn – Thiệu Long thứ 11 (1268) tháng 8 nhuần ngày mồng 3, vương và phu nhân mất. Được tin, vua Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, cho làm lễ truy niệm, cho khắc vào bia đá để truyền mãi đời sau. Công lao to lớn của Ngài … xứng đáng được lưu truyền muôn thuở trong sử sách. Gia phong hoàng tông vinh tộc quý thịnh linh ứng diễn phúc phù tộ hoằng độ thâm lược An Hạ đại vương, bà phi được phong Đàm thị tộc huân hạnh tiêu Chiêu Trinh phu nhân…”. (trích bản dịch văn bia của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân - Viện nghiên cứu Hán Nôm). Ngoài ra, còn có Lý Tế Xuyên soạn sách “Việt điện u linh tập”, lời tựa sách đề Khai Hựu nguyên niên (1329) đời Trần Hiến Tông.

IV.           Trần Thủ Độ hành trạng sau khi Trần Cảnh lên ngôi:

“-Bính Tuất/ 1226, … Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ thảo sự. Tháng 2, sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các man… Đến năm 1229, thì dẹp được.

-Đinh Dậu 1237, … Lấy công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa … Trần Thủ Độ và Quốc mẫu phu nhân (công chúa Thiên Cực nguyên là hoàng hậu của Huệ Tông) bàn kín với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu hợp quân ra sông cái làm loạn. Vua trong lòng áy náy, ban đêm ra khỏi Kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân (quốc sư là bạn của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó. Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về Kinh sư … Thế rồi Thủ Độ cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh, sai người xây dựng. Quốc sư nghe thấy thế, tâu rằng: “Bệ hạ nên gấp quay xã giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử”. Vua bàn trở về Kinh đô. Liễu tự lượng thế cô … ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng. Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, anh em nhìn nhau khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn: “Giết thằng giặc Liễu”. Vua giấu Liễu trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Độ: “Phụng Càn Vương (tên hiệu của Liễu hồi còn nhà Lý) đến hàng đấy”, rồi lấy thân mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận nghịch thế nào ?”. Vua nói hòa giải, rồi bảo Thủ Độ rút quân về.

- Năm Mậu Tuất 1238 thán 2, sai Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ duyệt định sổ số đinh phủ Thanh Hóa.

- Năm Đinh Tỵ 1257 (chống quân Nguyên lần 1) … (thế giặc đang hung) vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lơi: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác”.

- Năm Giáp Tý 1264 tháng giêng, Thái sư Trần Thủ chết (thọ 71 tuổi), truy tặng Thượng phụ thái sư Trung Vũ Đại Vương. Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ, đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.

Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao ?”. Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo, và nói hết những lời người ấy cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời: “Đúng như những lời hắn nói”. Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy.

Linh Từ quốc mẫu (công chúa Thiên Cực, phu nhân của Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ: “Mụ này (thiếp) làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”. Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: “Người ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa”. Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, Quốc mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên, quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mổ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến, Thủ Độ bảo hắn: “Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt người khác”. Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa.

Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng. Thủ Độ tâu: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao ?”. Vua bèn thôi.

Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông …”.

Chính sử nhận xét về Trần Thủ Độ có lẽ là chưa đủ, bởi Trần Thủ Độ còn là một vị tướng trận mạc quyết đoán tài tình, là một trong những nhân tố quyết định việc đánh bại cuộc xâm lăng của quân Nguyên lần thứ nhất, lại giỏi về lãnh đạo chính trị, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi là việc hệ trọng, đã diễn ra trong hòa bình, trăm quan triều Lý đều thuận theo. Người Man và một số người nổi lên làm giặc cướp từ thời vua Cao Tông, lần lượt bị ông đánh dẹp, đất nước dần ổn định và bước vào thời kỳ hưng thịnh nơi vương triều Trần; việc nước việc nhà ông luôn chu toàn, hành xử chính trực, chí công vô tư … Vương triều Trần có được phần lớn nhờ công sức và tài năng của ông.

V.              Quá trình làm sử vương triều Lý và Trần:

Trần triều, Nhâm Thân [Thiệu Long] thứ 15 [1272], Mùa Xuân tháng giêng, Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký, từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 tập …

Lê triều, Ất Hợi [Diên Ninh] năm thứ 2 [1455], sai Phan Phu Tiên soạn bộ Đại Việt sử ký, từ Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước (Năm 1448 tháng 12, lấy An phủ phó sứ Thiên Trường là Phan Phu Tiên làm Quốc tử giám bác sĩ)

Lê triều, Kỷ Hợi [Hồng Đức] năm thứ 10 [1479] tháng giêng, Sai sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển. Tựa ĐVSK ngoại kỷ toàn thư, Ngô Sĩ Liên viết: “… Văn Hưu là đại thủ bút thời Trần, Phu Tiên là bậc cố lão của thánh triều ta, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử của nước ta, tìm thêm các sách sử còn sót lại, gom hợp thành sách để cho người xem đời sau không có gì phải tiếc nữa là được. Song ghi chép còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn… Riêng có bộ Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc làm, ghi chép sự việc thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được. Nhưng sau khi binh lửa, sách ấy không truyền. Như vậy hoàn thành bộ sử thật rất khó … Khoảng năm Quang Thuận (1460-1469), xuống chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay, do các tư nhân cất giữ, đều ra lệnh dâng cả lên để sẵn tham khảo. Lại sai các nho thần thảo luận biên sắp, thần lúc trước ở Sử viện đã được dự vào việc ấy. Đến khi thần lại vào Sử viện thì sách ấy đã dâng lên chứa ở Đông các, không được trông thấy nữa.

Trộm nghĩ rằng: May gặp thời trong sáng, thẹn không chút báo đền, bèn không tự lượng sức mình, lấy hai bộ sách của tiên hiền ra hiệu chính, biên soạn lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, tất cả gồm mấy quyển, lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư. Có việc nào quên sót thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thỏa đáng thì cải chính, văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi, thỉnh thoảng gặp việc thiện ác có thể khuyên ren được thì góp thêm ý kiến quê mùa ở sau … Tuy chưa thể nhận định công bằng lời phải trái cho muôn năm, song cũng có thể giúp đỡ đôi chút cho việc tra cứu vậy”.

Lê triều, Đại Việt thông sử (Tựa, Văn nghệ chí) của Lê Quý Đôn viết: “Về thời toàn thịnh dưới triều Trần, văn học cưc thịnh, luật lệ giấy tờ thật đầy đủ. Hồi đầu đời Nghệ Tông (1370-1372), Chiêm Thành đem quân đánh ta, đốt phá, cướp bóc hầu hết. Sau đó các sách vở dần dần thu thập lại được. Đến đời Nhuận Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ (1406) lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng (kinh đô nhà Minh). Triều ta dẹp loạn, lập lại trị bình, các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Phan Phu Tiên cùng nhau sưu tầm các sách vở, giấy tờ, nhặt nhạnh từng tờ giấy sót lại, nhưng sau cuộc binh hỏa, mười phần còn được bốn năm phần …”.

Với những ghi chép trên thì chính sử vương triều Trần được soạn tại triều Lê, do vua Nhân Tông sai Phan Phu Tiên soạn từ Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước, trong tình trạng sách vở cổ kim của nước ta bị Trương Phụ nhà Minh lấy hết đem về nước. Mặt khác, theo Lê Quý Đôn việc soạn sử triều Trần không chỉ có Phan Phu Tiên mà còn có các bậc danh Nho như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn cùng nhau sưu tầm các sách vở ... Đến triều Lê Thánh Tông được sử thần Ngô Sĩ Liên hiệu chính biên soạn lại, bởi theo ông ĐVSK do Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên soạn còn có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn … và có việc nào quên sót thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thỏa đáng thì cải chính, văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi đi ... Cho thấy Ngô Sĩ Liên đã có một số bổ sung “việc còn quên sót”, trên cơ sở các sách sử còn sót lại … Và với bộ Việt sử cương mục do Hồ Tông Thốc làm, Ngô Sĩ Liên đã từng đọc sách ấy nên có nhận xét:  “ghi chép sự việc thận trọng mà có phương pháp, bình luận sự việc thiết đáng mà không rườm rà, cũng gần hy vọng được”, nhưng đến sau cuộc binh lửa với quân Minh thì sách ấy không còn. Một số bổ sung của Sĩ Liên nay còn nhận biết nhờ có phụ chú: “việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”, và có lẽ cũng còn có những bổ sung khác mà không để lại dấu tích.

Sử vương triều Trần trải qua quá trình ấy, nay nhận thấy có một vài chỗ không nhất quán như sau:

* Năm 1224 tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử. Vua (Huệ Tông) xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội // Năm 1226 [Kiến Trung năm thứ 2] lại ghi: “… Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời Huệ Tông đến chùa Chân Giáo, bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt”.

* Chiêu Hoàng năm 1225, tháng 12 ngày 11 Mậu Dần, Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế // Kỷ nhà Trần – Thái Tông Hoàng Đế, năm 1225, mùa đông, tháng 12 ngày 12 Mậu Dần, nhận thiện vị của Chiêu Hoàng.

*Năm 1226 tháng 8, Giáng hoàng hậu (Trần thị) của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu Lạng làm ấp thang mộc //  Năm 1264, Trần Thủ Độ mất, sử chép: “Thủ Độ tuy làm tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất… Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẫn tránh với đời sau vậy”.

Trần Thái Tông nhận thiện vị từ Lý Chiêu Hoàng và lên ngôi hoàng đế là minh bạch, được trăm quan tôn hiệu là KHẢI THIÊN LẬP CỰC CHÍ NHÂN CHƯƠNG HIẾU HOÀNG ĐẾ, nước Chiêm sang cống vào tháng 10 năm 1228, Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương năm 1229, so với Lý Thái Tổ([1]) ngày trước thì sớm hơn nhiều; các giặc cướp đều được dẹp yên … Và một sự kiện rất có ý nghĩa về sau là việc hai vua (Thái Tông và Thánh Tông) sai Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký, từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 tập vào năm Thiệu Long thứ 15 [1272], bộ quốc sử đầu tiên với tên gọi Đaị Việt sử ký ra đời từ đây, đến Ngô Sĩ Liên gọi Đại Việt sử ký toàn thư. Việc này còn được An Nam chí lược của Lê Trắc (Tắc) đời Trần, chép: “Trần Tấn(có bản chép là Phổ) được Thái Vương (tức Trần Thái Tông) dùng làm tả tàng, thăng đến Hàn trưởng từng làm sách Việt chí và Lê Hưu là người có tài có đức, làm phó quan của Chiêu Minh Vương (Trần Quang Khải), thăng làm Kiểm pháp quan, sửa sách Việt chí”, đều xác nhận Trần Thái Tông lập Quốc sử viện và sai sử quan soạn quốc sử. Trần Tấn (Phổ), Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kiến Trung năm thứ 8 [1232] tháng 2, thi thái học sinh, đỗ đệ tam giáp là Trần Chu Phổ; “Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 20 [1251], … Vua ban yến ở nội điện. Đến khi say, mọi người đứng dậy cả, dang tay mà hát. Ngự sử Trung tướng (sau đổi là Trung úy) Trần Chu Phổcũng dang tay theo mọi người, nhưng không hát câu gì khác, chỉ nói “Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng”. Vậy Trần Tấn hay Trần Phổ chép trong An Nam chí lược hẵn là Trần Chu Phổ.

Nhà Trần phụng thờ các vua nhà Lý, ĐVSKTT chép: “Giáp Thìn [Hưng Long] năm thứ 12 (1304) tháng 7, xuống chiếu rằng các chữ húy về miếu hiệu, tên vua thì viết bớt nét. Tháng 8, cấm chữ húy miếu hiệu nhà Lý 8 chữ: Uẩn, Mã, Tôn, Đức, Hoán, Tộ, Cán, Sảm, viết bớt nét”. Vua các triều đại trước nhà Lý, không thấy việc ban hành chữ quốc húy, điều này cho thấy các vua Trần không quên việc Chiêu Hoàng nhường ngôi ngày trước và luôn quý trọng biết ơn các vua triều Lý.

ĐVSKTT về sau còn trải qua các lần hiệu chính của các sử thần Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ và Lê Hy, song vẫn còn giữ lại được một số câu nói rất bình dị của vua quan nhà Trần như: Linh Từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, (bà) về dinh khóc bảo Thủ Độ “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”; Tại sự kiện Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên sập báu, trút áo bào nhường ngôi …, các quan mặc triều phục vào chầu … Thủ Độ nói: “Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruỗi đông tây để chống giặc cướp…”, câu ấy của Thủ Độ là sự khiêm nhường trước bá quan rằng mình là quan võ, học hành không được nhiều, Trần Thủ Độ có lần tự tay ông ghi chép, từng được sai đi duyệt định sổ số đinh các phủ và xem cách hành xử của ông nơi chốn quan trường đủ biết ông là người có học mới được như thế, nay có học giả cho rằng ông không biết chữ là sự ngộ nhận. Năm Trần Liễu nổi loạn, sau về hàng … Thủ Độ tức lắm, ném gươm xuống sông nói: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các ngươi thuận nghịch thế nào ?”; Thượng hoàng Anh Tông có lần ban bữa ăn cho vua (Minh Tông). Vua nhai rất kỹ, Thượng hoàng nói: “Đàn ông phải ăn như rồng nút, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ”; hay như Trần Dụ Tông đem chính sự trao cho Chu An (Chu Văn An), ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: “Ông ta là người không thể bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta”…

KẾT LUẬN:

Vào năm 1222 tháng 2, cuối triều Lý Huệ Tông cả nước chia làm 24 lộ, lộ chia cho các công chúa làm ấp thang mộc, mà không thấy nói đến các hoàng tử.

Trần Thủ Độ và anh em họ Trần có công dẹp loạn, rước vua (Cao Tông) về kinh, khôi phục chính thống, sau được Chiêu Hoàng nhường ngôi là ân lớn, và Lý Chiêu Hoàng[2] đã là Chiêu Thánh hoàng hậu đương triều Trần.

Theo Cương Mục triều Nguyễn chua: “Hoa Lâm là tên xã; Thái Đường là tên thôn thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, chỗ này là hành cung nhà Lý trước”. Nếu tại thôn Thái Đường xã Hoa Lâm là nơi đặt hành cung nhà Lý thì cần gì phải làm nhà tạm để tế lễ các vua Lý ? Hơn nữa nhà Lý buổi đầu lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dựng Thái miếu tại nơi phát tích là châu Cổ Pháp (phủ Thiên Đức) cũng là nơi cất táng lăng mộ các vua nhà Lý. Mặt khác, theo Wikipidia([3]): Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ) là con thứ 7 của Lý Anh Tông và Hiền phi Lê Mỹ Nga … Năm 1226 (Kiến Trung 2), Lý Long Tường đã bí mật về Bắc Ninh, vái lạy tạ liệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng 6.000 gia thuộc, qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa, vượt biển sang sang Đài Loan, sau đó đến bán đảo Triều Tiên định cư”. Như vậy, tôn thất nhà Lý tại quê nhà đến đây còn lại không nhiều, và nếu nguồn Wikipidia là xác thực thì vào năm 1232, số người tôn thất còn ở lại vẫn có thể tổ chức tế lễ các vua Lý tại Thái miếu hoặc Đình Bảng nơi phủ Thiên Đức.

Lại theo tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương (21/9/2009): “Mới đây, GS-TS sử học Nguyễn Quang Ngọc nêu những dẫn chứng: Bia “Lý gia linh thạch” ở chùa Tiêu Sơn, Bắc Ninh ghi: “Bấy giờ có Phạm mẫu người Hoa Lâm, Đông Ngàn hay qua vãng cảnh chùa”, và câu đối ở hậu cung thôn Thái Đường (nay thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) ghi: “Lý triều quốc mẫu cố hương tại” (Phạm mẫu là mẹ của vua Lý Thái Tổ), thì Thái đường là Từ đường (cũng là tên thôn) phụng thờ ông bà ngoại (thường là 3 đời tiên tổ họ ngoại) của vua Lý Thái Tổ ở xã Hoa Lâm, thì không phải là nơi tế lễ các vua nhà Lý. Sử triều Trần được làm nơi triều Lê sau này nên tính khách quan càng lớn, và bộ sử ấy ngoài Phan Phu Tiên trực tiếp biên soạn, còn có sự tham gia sưu tầm của Lý Tử Tấn và Nguyễn Trãi.

Việc cải Lý triều làm Nguyễn triều chỉ là giải pháp tạm thời để dứt bỏ lòng tưởng nhớ của dân đối với triều Lý. Và thực tiễn trong sử triều Trần vẫn còn người tôn thất nhà Lý làm quan, như Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến tại năm 1318; An Hạ vương là cháu của Lý Anh Tông (cùng hàng với Huệ Tông), phụng mệnh đi đánh dẹp giặc Chiêm, có công lớn được phong tước An Hạ vương, cho trấn nhậm đất Nghệ An. Đến Trần quốc triều, Mậu Thìn – Thiệu Long thứ 11 (1268) tháng 8 nhuần ngày mồng 3, vương và phu nhân mất. Được tin, vua Trần Thánh Tông vô cùng thương xót, cho làm lễ truy niệm, Gia phong hoàng tông vinh tộc quý thịnh linh ứng diễn phúc phù tộ hoằng độ thâm lược An Hạ Đại vương, và  cho khắc vào bia đá (An Hạ, có lẽ là Lý Bất Nhiễm được sử chép tại năm 1217-1218).

Do đó, việc nói Trần Thủ Độ cho người đến Thái đường Hoa Lâm quê ngoại của vua Lý Thái Tổ đã trên 200 năm, ngầm đào hố sâu, dựng nhà lên trên làm nơi tế lễ các vua nhà Lý, để chôn sống hết người họ Lý là không lô gich, do đó sự hoài nghi của Ngô Sĩ Liên về sự kiện này là hợp lý. Tồn nghi việc Trần Thủ Độ giết hết người họ Lý ở Thái đường Hoa Lâm chỉ là sự suy diễn của người đời sau do người tôn thất họ Lý bấy giờ không nhiều, tức thiếu thông tin về phần lớn người họ Lý đã sang Triều Tiên định cư. Vấn đề còn lại là Thái đường Hoa Lâm nơi phụng thờ 3 đời tổ tộc Phạm, họ ngoại của vua Lý Thái Tổ là còn bia đá lưu truyền, nay con cháu Phạm tộc, từ đường và gia phả nói gì, chưa thấy có tài liệu nào đề cập ?

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của triều Nguyễn sau hơn 600 năm lại xóa bỏ câu chú của Ngô Sĩ Liên về Trần Thủ Độ mà không cứ liệu chứng minh, đã biến Thủ Độ trước là việc tồn nghi, sau này thành việc có thực. Thật đáng chê trách!

                                                                               Ngày 08/11/2021

 

 



[1] :  Lý Thái Tổ người châu Cổ Pháp, Bắc Giang. Lý Thái Tổ lên ngôi đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức. Năm Thuận Thiên thứ 11 (1019) mùa xuân tháng giêng, dựng Thái Miếu ở Thiên Đức (ĐVSKTT chú: Cổ Pháp tên châu, từ thời Đinh về trước gọi châu Cổ Lãm, sau đổi gọi Cổ Pháp, Lý Thái Tổ lên ngôi đổi làm phủ Thiên Đức. Nay là đất huyện Tiên Sơn, tỉnh  Bắc Ninh).

[2]:   Chiêu Thánh hoàng hậu muộn sinh con, cải làm công chúa, sau  gả cho Lê Phụ Trần sinh được 2 con, nam tên Tông được ban tước Thượng Vị hầu Tông, nữ là Khuê được ban tước hiệu Ứng Thụy công chúa Khuê.

[3] :   Đền Lý Bát Đế, còn gọi Đền Đô, hoặc Cổ Pháp điện là một quần thể kiến trúc thờ 8 vị vua nhà Lý. Tôn tạo năm 1604. Địa chỉ: khu phố Thượng, phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 154
Tổng truy cập: 1273180
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ