TÓM TẮT LỊCH SỬ DÒNG HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN, HÀ TĨNH | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Lịch sử truyền thống dòng họ
TÓM TẮT LỊCH SỬ DÒNG HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN, HÀ TĨNH
TÓM TẮT LỊCH SỬ DÒNG HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN, HÀ TĨNH
Dòng họ Trần Đắc tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được hình thành do cụ tổ tên là Trần Công Lang từ đất Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) vào làng Yên Dưỡng, xã Quyết Nhược, tổng Vân Tán, huyện Cẩm Xuyên, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh) khởi lập khoảng 1650-1670, đến nay đã xấp xỉ 350 năm, con cháu sinh ra đã bước sang đời thứ 16

Trên cơ sở các văn tự Hán Nôm mà họ còn giữ được gồm: 01 Văn bia mộc bản (Bia khắc trên gỗ năm 1852), 04 Đạo sắc do triều đình phong kiến ban vào các năm từ 1760 đến 1870; 04 Bản long văn trên vải (viết họ tên, hiệu vị của những bậc tiền nhân đã mất để phụng tế tại nhà thờ họ (1890-1940); 06 cuốn gia phả (1892-1937) cùng với các văn bản bằng chữ quốc ngữ, trong đó có bản Lịch sử họ soạn 1958, họ Trần Đắc đã hoàn thành cuốn TỘC PHẢ HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN năm 2015 và sẽ xuất bản cuốn LỊCH SỬ HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN vào quý II năm 2016.

Sau đây là tóm tắt một số nội dung tóm tắc về lịch sử dòng họ để những người con họ Trần trên mọi miền đất nước tham khảo, kết nối, tìm hiểu cội nguồn.

I . Về tên gọi của dòng họ:

Nói về dòng họ là nói về cộng đồng những người cùng huyết thống, có nguồn gốc từ một vị thủy tổ sinh ra. Ở nước ta, đến nay qua điều tra sơ bộ, chúng tôi đã thống kê được trên 10 nhóm cộng đồng mang họ “Trần Đắc” trên cả ba miền Trung Nam Bắc. Tuy có cùng tên họ và chữ đệm nhưng chưa xác định được các cộng đồng này là cùng chung nguồn gốc huyết thống. Trong khi đó trên vùng đất huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) từ trước tới nay chỉ có duy nhất một dòng họ Trần Đắc được sinh ra từ vị Thủy tổ Trần Công Lang. Do đó chúng tôi quy ước gọi “Họ Trần Đắc Cẩm Xuyên” là để phân biệt với các dòng họ Trần Đắc ở những địa phương khác. 

II. Nguồn gốc dòng họ Trần Đắc Cẩm Xuyên:

 Hiện nay có 3 thư tịch Hán Nôm khẳng định về nguồn gốc của dòng họ:

+ Văn bia mộc bản (Bản khắc trên gỗ - 1852): “Trần tộc Ái nhân dã. Tiên thế công Lang di vu Hoan, dĩ nông vi nghiệp” có nghĩa là: Họ Trần là người Châu Ái. Người đầu tiên là Ông Lang vào Châu Hoan, làm nghề nông.

+ Câu đối ghi trên 2 cột Nhà thờ từ khi xây dựng (1846): Tự tích tiền nhân quán tại Ái Châu, Nông Cống huyện. Lưu truyền hậu thế di vu Cẩm Xuyên, Yên Dưỡng thôn” có nghĩa là: Tiền nhân quê tại huyện Nông Cống, châu Ái. Lưu truyền hậu thế tại thôn Yên Dưỡng,  huyện Cẩm Xuyên.

+ Cuốn Gia phả soạn vào năm Thành Thái thứ 4 (1892) viết: “Ngã tộc tiên thế Ái Châu, kim Thanh Hóa tỉnh, Nông Cống huyện, nhân dã. Ngã Tiên tổ húy Công Lang nhã ái sơn thủy lai trách, vu tư kim Yên Dưỡng thôn, biệt vi thủy tổ, sinh hạ tử tôn”. Nghĩa là: Đời đầu tiên của họ ta là người châu Ái, nay là huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Vị Tiên tổ, húy là Công Lang đến thôn Yên Dượng, sinh ra con cháu, trở thành Thủy tổ…”.

Tại Bản Lịch sử Họ bằng chữ quốc ngữ được soạn năm 1958 viết: “Vào thế kỷ thứ 17, cuối đời Hậu Lê, Ông Trần Công Lang quê ở làng An Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá thuộc châu Ái cũ, di cư vào làng Yên Dưỡng, xã Quyết Nhược, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tịnh thuộc châu Hoan cũ, sinh sống bằng nghề nông. Ông kết duyên với một bà người họ Nguyễn quê làng Yên Xá ”. So với các văn bản Hán Nôm, trong bản này có thêm chi tiết là quê Ông ở làng An Nông và Bà là người họ Nguyễn, quê làng Yên Xá.

Như vậy Thủy tổ họ Trần Đắc Cẩm Xuyên có tên là Lang, gốc người huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

III. Thời điểm Thủy tổ Trần Công Lang đến lập nghiệp tại Cẩm Xuyên.

            Để xác định thời điểm Thủy tổ Trần Công Lang vào lập nghiệp tại làng Yên Dưỡng, chúng ta có thể suy luận từ các căn cứ sau đây:

           1) Tại Văn bia mộc bản về việc tạo tác Từ đường 1846 viết: “Hợp tộc nhị chi vi Yên Dượng thôn nhất cự tính. Thiệu Trị lục niên…” nghĩa là họ ta lúc đó đã từ 2 nhánh hợp lại thành một họ lớn tại thôn Yên Dưỡng. Điều này nói lên lúc đó con cháu đã khá đông. Trong bản Long văn số 2 và Gia phả Chi tộc II có tên 2 ông Trần Đắc Miện (1792-1862) đời thứ 8 và Trần Đắc Dư (1816-1875) đời thứ 9. Vào năm Họ ta dựng Nhà thờ (1846) ông Miện 54 tuổi, ông Dư 30 tuổi, còn các vị đời thứ 10 mới được sinh ra. Như vậy lúc đó con cháu trong họ đang thuộc thế hệ thứ 8 đến thế hệ thứ 10, cách ông Lang trung bình 8 đời. Theo cách tính đời trong việc lập gia phả, mỗi đời lấy cách nhau trung bình 25 năm, ta có thể suy ra đến thời điểm xây dựng Nhà thờ, Ông Trần Công Lang đã đến Cẩm Xuyên được 200 năm, tức vào khoảng năm 1650.

2) Lấy thời điểm hiện tại làm mốc (2015), con cháu họ ta đã qua 15 đời (đời thứ 16 mới có 2 cháu), cách Ông Lang 14 đời (350 năm). Tính ra ông Lang vào đất Cẩm xuyên khoảng năm 1665.

Theo Dư địa chí huyện Cẩm Xuyên (2009), nhiều dòng họ tại địa phương có nguồn gốc từ phía Bắc, phần nhiều là từ Thanh Hóa. Vị Thủy tổ của các dòng họ đã vào đây trên 300 năm trong các đội quân của nhà Trịnh. Trong gần 50 năm của 7 lần chiến sự Trịnh-Nguyễn kéo dài từ 1627 đến 1672 trên đất Hà Tĩnh, trong số các binh lính và chỉ huy của quân Trịnh có mặt trên đất Cẩm Xuyên hẳn nhiều người đã lập gia đình, lấy vợ tại địa phương, sinh con đẻ cháu mà hình thành dòng họ (“Quân Trịnh thất bại, cho quân lính giải ngũ, lấy vợ lập làng tại chỗ” - Địa chí Cẩm Xuyên, 2009). Trên đất làng Yên Dưỡng, trong cuốn Di tích lịch sử văn hóa Đền Sò, Miếu Nhà quan, và Chùa Mướp (Ngô Văn Kỳ, 2008) có đoạn đại ý: Tại thôn Trại Trâu, từ năm Đinh Dậu (1657) có một kho quân lương của quân Trịnh lập ra để tiếp ứng cho các đội quân đóng tại các đồn Hà Trung, Lạc Xuyên và Đại Nài. Lương thảo và binh khí được chở bằng thuyền từ phía Bắc vào. Kho biên chế 300 vệ binh luân phiên trông coi kết hợp tăng gia sản xuất (mở trại nuôi trâu), tồn tại đến năm 1774. Thủy tổ Trần Công Lang của Họ Trần Đắc cũng lập nghiệp tại làng Yên Dưỡng trong thời gian đó nên nhiều khả năng ông cũng là một trong những quân sĩ thuộc đội quân nhà Trịnh. Bản thân sự việc “khi đời sống đã ổn định, lòng vẫn nghĩ đến nguồn gốc, nghĩ đến quê cha đất tổ, Ông trở về Thanh Hoá thăm quê hương cũ” (Bản Lịch sử Họ 1958), chứng tỏ việc ra đi của Ông trước đó là bị động, không chủ ý từ trước.

Như vậy, có thể nhận định Thủy tổ Trần Công Lang từ Thanh Hóa vào Cẩm Xuyên và lập nên Họ ta vào khoảng từ 1650-1670 và theo con đường binh nghiệp trong đội quân nhà Trịnh.

IV.  Quá trình phát triển của dòng họ Trần Đắc

             4.1. Thân thế Thủy tổ Trần Công Lang và sự thành đạt sớm của hậu duệ.

Một điểm dễ nhận thấy là con cháu ông Trần Công Lang rất sớm thành đạt. Dưới thời phong kiến dân ngụ cư bao giờ cũng bị đối xử phân biệt, phải chịu nhiều sự o ép, thiệt thòi. Ông Lang một mình từ nơi khác đến lập nghiệp nhưng ngay tại đời tiếp sau, cả 2 người con trai là Trần Công Sàng, Ông Trần Công Ngoạn đều đã được giữ chức Cai tổng ở địa phương. Văn bia mộc bản có câu:“Chí Công Sàng, Công Ngoạn vi bản tổng cai tổng”. Đến đời thứ 3 có ông Trần Đắc Danh, đời thứ 4 có ông Trần Đắc Nghĩa đã được thi hương (“Tự Công Danh, Công Nghĩa thế đăng hương khoa”). Các đời tiếp theo đều có các vị quan văn, quan võ lĩnh chức vụ và phẩm hàm cao như Trần Đắc Hiền- Đô chỉ huy sứ; Trần Đắc Xuyến-Kỵ úy trung chế trì uy tướng quân; Trần Đắc Đạo-Thái bộc tự khanh hoằng tín đại phu; Trần Đắc Ngữ-Phấn lực tướng quân, Tráng sĩ Bách hộ thăng Phó Thiên hộ v.v...

Đến đời thứ 8, Họ ta đã đủ mạnh về thế và lực để xây dựng được Từ đường uy nghi, tại một vị trí đắc địa, khuôn viên khang trang. Các bản Gia phả và Long văn của Họ cho thấy tên húy, tên hiệu, tên thụy của các bậc tiền nhân đều được lựa chọn, có chủ ý mang ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện người đặt tên có hiểu biết sâu sắc về chữ nghĩa. Nếu không có những người thành đạt và có trình độ học vấn cao thì khó có thể để lại các di sản vật thể là Từ đường và phi vật thể là hơn 20 văn bản Hán Nôm có giá trị văn hóa như vậy và lưu đến ngày nay. Thật vậy, việc thống kê từ tư liệu của Gia phả và Long văn tuy chưa đầy đủ đã cho thấy từ đời thứ 2 đến đời thứ 10 trong Họ đã có 8 vị được ban phẩm hàm từ Tòng Ngũ phẩm đến Chánh Tam phẩm, 12 vị là đội trưởng ưu binh, 7 vị sinh đồ, tú tài, 14 vị khóa sinh, 42 vị cai tổng, chánh tổng, thập lý hầu, lý trưởng, 30 vị là am nghệ mộc tượng.

Thông thường một người khi đến lập thân tại một nơi xa lạ thì phải dựa vào bên nhà vợ, nhưng Ông Lang tuy kết hôn với bà quê ở làng Yên Xá nhưng định cư tại làng Yên Dưỡng, con cháu lại sớm có vị thế cao trong trong vùng. Dưới chế độ phong kiến điều này chỉ có thể có được khi ông Lang là người có uy thế, chẳng hạn có chức tước trong đội quân của chúa Trịnh. Sở dĩ các di văn của Họ ta không nói gì về thân thế, sự nghiệp, công trạng của Thủy tổ Trần Công Lang vì các thư tịch đó đều được lập dưới thời nhà Nguyễn. Lúc này, những người có công trạng dù to hay nhỏ đối với nhà Trịnh đều phải “mai danh, ẩn tích” dấu mình, tránh bị phiền nhiễu cho con cháu. Một số bậc tiền nhân của Họ ta có tiểu sử “Đi Lê, về Nguyễn” như trường hợp ông Trần Đắc Ngữ thuộc đời thứ 6là Phấn lực tướng quân, tráng sĩ Phó Thiên hộ, có 2 đạo sắc thời Lê Trung Hưng nhưng đã không được nhắc đến trong Văn bia mộc bản.  

Những suy luận trên đây cho phép nhận định Thủy tổ Trần Công Lang xuất phát không phải là người dân di cư bình thường mà là một người có vị thế và thực lực.

      4.2. Sự hình thành các chi tộc, tiểu chi tộc của Họ Trần Đắc.

Bản Lịch sử Họ 1958 viết: “Ông Trần Công Lang kết duyên với một bà người họ Nguyễn quê làng Yên Xá sinh được hai người con trai là Trần Công Ngoạn và Trần Công Sàng. Khi cuộc sống đã ổn định, nghĩ đến nguồn gốc, Ông trở về thăm quê cha đất tổ ở Thanh Hóa, chẳng may bị bệnh mất, mộ táng ở ngoài đó. Cụ Bà nuôi hai con trưởng thành, về sau bà mất ở làng Yên Xá. Hiện nay không còn tài liệu nào viết về tên tuổi, ngày mất và nơi đặt mộ của Bà”.  Ông Trần Công Sàng và Trần Công Ngoạn lớn lên lập gia đình, tiếp tục sinh sống tại làng Yên Dượng, Từ đó con cháu các đời sau tiếp tục sinh ra và phát triển thành dòng họ như hiện nay.

Theo lệ thường, một họ khi con cháu đã đông, để tiện lợi và chu đáo hơn trong việc phụng tế thì xuất chi (tách nhánh). Trước đây tất cả các bộ phận tách ra từ một dòng họ để tế lễ riêng đều gọi là các nhánh hoặc chi họ.  Theo cách phân cấp hiện nay, các nhánh tách ra từ họ Đại tôn được thống nhất gọi là Chi tộc, còn các nhánh tách ra từ các Chi tộc gọi là Tiểu chi tộc. Vị tổ các Chi tộc họ Trần Đắc đều thuộc đời thứ 6 trở về trước, vị tổ các Tiểu Chi tộc thuộc đời thứ 9, thứ 10. Hiện nay dòng họ Trần Đắc ở Cẩm Xuyên có 4 Chi tộc và 4 Tiểu chi tộc.

Vào dịp Tết Trung Nguyên Ất Mùi (2015) họ đã hoàn thành cuốn “TỘC PHẢ HỌ TRẦN ĐẮC CẨM XUYÊN”, liệt kê được danh vị hầu hết các thành viên nội tộc từ đời thứ nhất đến đời thứ 16. Thông tin về các vị tiền nhân từ đời thứ 10 trở về trước được trích lục từ các di văn Hán Nôm còn đối với các vị và con cháu từ đời thứ 11 trở về sau được sưu tập thống kê đến thời điểm tháng 7 năm 2015. Nội dung Tộc phả được lập thành 8 bảng riêng theo 4 Chi tộc và 4 Tiểu Chi tộc, bao gồm họ và tên, con ông bà, năm sinh (và năm mất), học vấn, nghề nghiệp, nơi ở hiện nay. Với cách trình bày như vậy, các thông tin cơ bản của toàn thể mọi người trong họ gồm con trai, con gái, con dâu, con rể đều được đề cập. Kèm theo trong cuốn Tộc phả là 9 bản Phả đồ giới thiệu diễn thế qua các đời của họ đại tôn và các Chi tộc, Tiểu chi tộc. Tổng số con cháu nội tộc Họ Trần Đắc qua các đời đã thống kê được tên tuổi 1704 người (1011 nam, 693 nữ), trong đó số còn sống hiện nay là 1.054 người (574 nam, 480 nữ).

V.  Nhà thờ Họ.

 Nhà thờ Họ đại tôn Trần Đắc là một trong số rất ít những công trình kiến trúc cổ còn giữ được đến nay tại địa phương. Nhà thờ được khởi công xây dựng tháng 6 năm Thiệu Trị Lục niên (1846) và hoàn thành tháng 12 năm đó. Văn bia mộc bản viết : “Hợp tộc nhị chi vi Yên Dượng thôn nhất cự tính. Thiệu Trị lục niên, lục nguyệt, hội tài tính lực, cấu tác Từ đường, nhất toạ nhất gian, nhất toạ tam gian, nhị hạ. Bản niên thập nhị nguyệt, công bản nhân tế tôn Phó bảng Bùi Hoạn vu kinh, trưng văn dĩ ký” (Nghĩa là: Bấy giờ, Họ ta từ hai chi tộc đã hợp nhất thành một họ lớn tại làng Yên Dượng. Tháng 6 năm Thiệu trị thứ 6, đã đóng góp tiền của tạo tác Từ đường, một tòa một gian, một tòa ba gian, hai chái. Tháng 12 năm đó nhân có người cháu rể là Phó bảng Bùi Hoạn vào kinh, nhờ lập văn bia này).

 Nhà thờ của Họ được xây dựng trên một khuôn viên riêng biệt, chọn địa thế đẹp, phong thủy tốt (hình vuông, mỗi chiều 40m, mặt tiền quay hướng Tây Nam (Cấn Mão hành long, Quý Đinh thủ hướng”). Ngay phía trước Nhà thờ là con đường Quan, một trục giao thông chủ yếu từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh qua huyện Thạch Hà đi vào Cửa Nhượng.  Nhà thờ là một công trình kiến trúc tế tự uy nghiêm, vĩnh cữu gồm Thượng điện, Tả vu, Hữu vu và Bái đường. Từ đường xây xong, Họ nhờ người vào kinh thành Huế thuê soạn thảo và khắc văn bia trên gỗ (Văn bia mộc bản). Văn bia do các vị Nguyễn Vĩ Nguyên, giải nguyên khoa Đinh Mùi soạn thảo, thám hoa họ Mai hiệu đính, cử nhân khoa Nhâm Tý họ Đặng viết. Tên của các vị đã đóng góp xây dựng Từ đường đã được khắc vào văn bia gồm có thủ hợp Trần Đắc Điện, hương thân Trần Dưỡng Hiên, lý trưởng Trần Đắc Miện, lý trưởng Trần Đắc Tượng, cai xã Trần Đắc Ngạn, tú tài Trần Đắc Tăng.

Với kiến trúc độc đáo được bảo tồn có niên đại 170 năm cùng với hiện vật là trên 20 văn tự Hán Nôm khắc trên gỗ, viết trên vải và trên giấy, Nhà thờ Họ Trần Đắc đang được Sở VH-TT Hà Tĩnh đưa vào kế hoạch xét công nhận Di tích VHLS cấp tỉnh. Hiện nay trong khuôn viên Nhà thờ có phòng trưng bày giới thiệu các hiện vật lịch sử đó để con cháu trong họ và nhân dân chiêm ngưỡng.

         VI. Những vấn đề cần tìm hiểu thêm.

          1. Có phải họ ta từ Trần Công đổi thành Trần Đắc? .

Bản Lịch sử Họ 1958 viết: “Họ chúng ta lúc đầu gọi là Trần Công, sau đổi thành Trần Đắc”. Điều này thể hiện tại 6 cuốn Gia phả và 4 bản Long văn, cụ thể là các vị ở đời thứ nhất và đời thứ 2 mang chữ lót “Công” (Trần Công Lang, Trần Công Sàng, Trần Công Ngoạn) còn các vị từ đời thứ 3 trở về sau mang chữ lót “Đắc” (Trần Đắc Dụng, Trần Đắc Danh, Trần Đắc Nghĩa…).

Hiện nay chúng ta không có di văn hay giai thoại truyền khẩu nào nói về sự việc và nguyên do của việc đổi từ “Trần Công” sang “Trần Đắc”. Theo sách Gia phả dòng tộc (NXB VHTT-HN 2013), dưới thời phong kiến người ta đổi họ (cho cả dòng họ) vì các lý do như tránh phạm húy hoàng thân, tránh bị trừng phạt khi triều đình quy tội...và thường đổi hẳn sang họ khác như Lý chuyển thành Nguyễn, Mạc chuyển thành Thái, Trần chuyển thành Đặng, Trình, Đào…, chứ không chỉ đổi riêng chữ lót. Do đó trường hợp họ ta nếu có thay đổi thì cũng không phải là đổi họ mà chỉ đổi chữ lót nên không phải liên quan đến việc quan pháp, triều đình. Tìm hiểu thực tế cho thấy ở nước ta có một số dòng họ khi xuất chi (tách nhánh) thì đổi chữ lót.  Họ ta không thuộc các trường hợp kể trên.

 Theo chúng tôi có 2 khả năng sau đây:

1) Họ ta đã đổi từ Trần Công sang Trần Đắc từ đời thứ 3.

Về khả năng này có thể lý giải như sau: Các bậc Tiên tổ của Họ ta là những người có học, hay chữ nên đã chủ ý chọn chữ lót mới là “Đắc” thay cho chữ “Công” với ý nguyện mong cho dòng họ thành đạt. Chữ “Đắc” trong Hán tự có nghĩa là “thành công”, là “đạt được”, ví dụ đắc thắng, đắc tài, đắc lộc, đắc đạo, đắc địa, đắc nhân tâm… Điều này cũng được thể hiện qua cách đặt tên, rất nhiều tên húy, tên hiệu của các bậc tiền nhân họ ta đều mang ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp, sang trọng.

2) Họ ta từ đầu vẫn là Trần Đắc, chữ “Công” dùng cho một số đời, một số vị Tiên tổ chỉ là cách gọi tôn xưng.

Về ý nghĩa chữ Công trong Hán tự, nhà sử học Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm trong quyển “Quang Trung Anh hùng dân tộc” khi viết về Nguyễn Công Hãng đã chú thích như sau: “Chữ Công ngày xưa là tiếng tôn xưng. Chẳng hạn khi chép về Nguyễn Hãng các cụ xưa thường viết là Nguyễn Công Hãng thì tức như bây giờ viết là Nguyễn Hãng. Vậy thiết tưởng nhiều chữ Công trong tên người xưa phần đông không phải là chữ đệm”. Nhà Hán Nôm học Hoàng Văn Ngữ, khi dịch Văn bia mộc bản của Họ ta cũng đã dịch các chữ  “Công Lang, Công Sàng, Công Ngoạn” là "Ông Lang, Ông Sàng, Ông Ngoạn”. Quyển Gia phả Họ Phan do GS Phan Huy Lê hiệu đính (2006) cũng ghi “Phan Gia Công Phả” với ý nghĩa tôn xưng. Trong văn khấn thỉnh các vị Tiên tổ vẫn thường dùng là Trần Quý Công, Hồ Quý Công, Nguyễn Quý Công…

Ngay tại Văn bia mộc bản, tuy trong cùng một văn tự nhưng ở  phần xưng danh các bậc có công trạng, có chức vị cao thì dùng chữ đệm “Công” (Công Danh, Công Nghĩa, Công Đạo, Công Hiền, Công Xuyến), mặc dù các vị đó thuộc đời thứ 3 về sau,  còn ở phần ghi tên những vị góp công của xây dựng Nhà thờ thì lại dùng chữ đệm “Đắc” (Đắc Điện, Đắc Tượng, Đắc Ngạn, Đắc Tăng…). Như vậy việc dùng chữ “Công” trong Văn bia mộc bản như trên chỉ là một cách tôn xưng, thể hiện sự kính trọng.

Một điểm phải lưu ý là trong cả 6 cuốn gia phả và 4 bản Long văn, tất cả các vị từ đời thứ 3 đến đời thứ 10, trải qua trên 250 năm đều chép họ là “Trần Đắc”, chỉ có 2 trường hợp dùng tên hiệu với chữ lót khác. Điều này nói lên việc sử dụng chữ lót “Đắc” là một quy lệ được tuân thủ nhất quán qua nhiều đời trong toàn Họ và hẳn mọi người con của Họ đều cảm thấy hài lòng và tự hào với chữ lót đó. Trong khi có một số dòng họ không duy trì cố định chữ lót mà chọn đặt tùy ý từng người, từng nhà thì việc giữ nguyên gốc chữ lót qua mọi thế hệ là một bản sắc của nhiều dòng họ, trong đó có họ ta.

            2. Có phải làng An Nông là cố quán của họ?

Để làm sáng tỏ hai vấn đề trên cần phải tiếp tục tìm về cội nguồn viễn tổ trên đất huyện Nông Cống (cũ) xem có dòng họ Trần Đắc, Trần Công nào không. Qua nhiều lần khảo sát, trên đất huyện Nông Cống hiện nay chưa tìm thấy dòng họ Trần Đắc hoặc Trần Công, tuy nhiên tại xã An Nông huyện Triệu Sơn hiện có dòng họ Trần Công với trên 60 hộ gia đình và 200 con cháu đang sinh sống, là một dòng họ lâu đời. Huyện Triệu Sơn mới được hình thành từ tháng 12 năm 1962 bằng việc tách 20 xã của huyện Như Xuân và 13 xã của huyện Nông Cống (trong đó có xã An Nông) lập nên. Như vậy có thể  vào những năm 1957-1958, các vị Trần Đắc Đào, Trần Năng Hà… đã từng về Nông Cống và tìm được tại làng An Nông có dòng họ Trần Công nên viết trong Bản Lịch sử Họ 1958: “Họ chúng ta lúc đầu gọi là Trần Công, sau đổi thành Trần Đắc” và thêm địa danh “làng An Nông, huyện Nông Cống”.

 

3. Mối quan hệ với các dòng họ Trần Đắc, Trần Công khác.

Hiện nay đã tìm được các dòng họ Trần Đắc tại một số địa phương như Nam Định, Quảng Nam, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế, Thị trấn Can Lộc Hà Tĩnh. Họ Trần Công cũng gặp tại nhiều địa phương: Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, nhiều địa phương miền Nam và cả ở Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên….Trong đó có những dòng họ lớn, có chữ lót là Đắc hoặc Công nhất quán từ đời Thủy tổ đến nay.

Thiết nghĩ việc quan hệ, tìm hiểu nguồn gốc để xác định xem có mối liên quan nào giữa các dòng họ đó với dòng họ chúng ta là việc làm cần thiết, có nhiều ý nghĩa.

Các dòng họ Trần  Đắc ở các địa phương

 

STT

Địa phương

Đặc điểm và địa chỉ liên hệ

1

Hà Tĩnh: Thổ Sơn (nay ở khối  Phúc Sơn, TT  Nghèn, Can Lộc).

Dòng họ lớn, nhà thờ 100 năm, có gia phả. Họ của nhà văn Trần Đắc Túc-nguyên trưởng phòng tại Đài PTTH  Hà Tĩnh

2

Quảng Nam:  Thôn Cẩm Phô, xã Cẩm Nam, quận Hiếu Nhơn. 

Trần Đắc Đợi. Nhà thờ xây 1903, phường Cẩm Nam, TP. Hội An. Nguồn gốc từ Thanh Hóa, 1558-1580-1600 vào Quảng Nam. Gia phả 13 đời, 844 người nội, ngoại

3

Vĩnh Long: Thôn Vĩnh Trường, tổng Trà Bình, huyện Trà Vinh (?).

Trần  Đắc Nguyên thuộc dòng Trần Đắc Đợi di vào (Gia phả khớp nhau). Nguồn gốc từ Quảng Nam vào lập nghiệp năm 1810. Gia phả 13 đời, 844 người nội, ngoại

4

Quảng nam: Thôn Thái Sơn, xã Đại Hưng, h. Đại Lộc.

Viễn tổ Trần Đắc Hiền (Thanh Hóa). Thủy  tổ Trần Đắc Tánh. Từ Thanh Hóa vào khoảng 1600. Gia phả 14 đời, 314 người.

5

Quảng Nam: Tại 2 xã Quế Long, Quế Hiệp, h. Quế Sơn.

Chưa có thông tin

6

Thừa Thiên Huế: Xã Hương Vân, huyện Hương Trà

Họ của ông Trần Đắc Lợi,  Phó CT Liên hiệp các Tổ chức  Hữu nghị VN. Nguồn gốc từ phía Bắc vào. Khoảng 5-6 đời

7

Thừa Thiên Huế: xã huyện chưa rõ.

Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

8

Hà Nam: Xã An Nội, h. Bình Lục.

Họ của  PGS TS Trần Đắc Sửu- nguyên Đại biểu QH, Hiệu trưởng ĐH hàng hải Hải Phòng.

9

Hà Nam: Xã Hòa Hậu, Lý Nhân (xã Đại Hoàng, Tổng Cao Đà, huyện Nam Xang cũ, làng Vũ Đại của Chí Phèo)

Họ của PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục YTDP, Bộ Y tế. Dòng họ đã có 6 đời, được tách ra từ một họ Trần (thành Trần Hữu, Trần Đức, Trần Đắc…. Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Trí thuộc chi Trần Hữu. Như vậy Trần Đắc ở đây không phải là tên gọi gốc.

10

Nam Định: Thôn Ngõ Quan, xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản.

Họ của PGS.TS Trần Đắc Sử  Hiệu trưởng ĐH GTVT HN và Trần Đắc Xuân, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Xăng dầu Khu vực II.

11

Thái Bình:  Xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng.

Trần Đắc Ngọc, hiện ở Lâm Đồng viết thư tìm họ gốc. Từ Trần Công đổi Trần Đắc (Tổ là Trần Công Trí, đổi từ  đời Trần Đắc Huân…), 5 đời

12

Hải Dương: Thôn Sự, xã Minh Đức, Tứ Kỳ, Hải Dương

Họ của LS Trần Đắc Quỳnh (1945-1967). Theo thông báo tìm mộ liệt sĩ trên mạng. Liên hệ: Trần Đắc Tuynh

 

Gần đây theo bài viết của TS Nguyễn Đức Nhuệ và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tâm (viện Sử học) chúng tôi được biết trên quả chuông của thôn Ứng Mão, xã Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đúc năm Chính Hòa thứ 9 (1688) có bài Tân tạo hồng chung linh ứng tự ký khắc tên 171 người đã công đức đúc chuông. Trong số 45 người họ Trần có 2 người Trần Đắc là là Trần Đắc Danh và Trần Đắc Thọ. Như vậy ở Thái Bình từ giữa thế kỷ XVII đã có dòng họ Trần Đắc.

 

Hy vọng các thông tin trên đây sẽ có ích cho việc tìm hiểu kết nối con cháu các dòng họ Trần Đắc trên mọi miền đất nước trong quá trình tìm hiểu xác định cội nguồn dòng tộc.

Người viết: PGS TS. Trần Đắc Công Huấn.

E-mail: conghuancnvb@gmail.com.  Điện thoại: 01652114550; 0982201551

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 158
Tổng truy cập: 1277111
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ