TRƯỞNG LÃO ĐÀO TRẦN QUANG VINH
TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ PHẨM CHẤT CÁCH MẠNG
VÀ TẤM LÒNG CAO CẢ VỚI DÒNG HỌ
Đào Trần Quang Cát
Trưởng lão Đào Trần Quang Vinh, ở quê bà con thường gọi một cách nôm na, trìu mến là cụ Đào Vĩnh, năm nay 90 tuổi là cố vấn của họ Đào Trần xã Quang húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và là ủy viên Hội đồng Trưởng lão dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.
Cụ sinh ngày 25 tháng 5 năm 1928 trong một gia đình nghèo nhưng ham học. Chật vật lắm, gia đình mới thu xếp được cho cụ đi học muộn ở trường tiểu học huyện Hưng Hóa tỉnh Phú thọ. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, bọn thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, mỗi huyện chỉ mở một trường tiểu học, và đến năm 1943, cụ mới thi bằng sơ học yếu lược (như lớp ba ngày nay) rồi nghỉ học. Năm ấy cụ đỗ đầu toàn huyện.
Trở về, cụ lao động giúp gia đình. Được giác ngộ cách mạng, tháng 3 năm 1945, cụ liên lạc bí mật với chiến khu Vạn Thắng ở huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, cùng một số cán bộ cách mạng tổ chức Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám tại địa phương.
- Tháng 01 năm 1946, sau Tổng tuyển cử, cụ được bầu vào Hội đồng nhân dân lâm thời xã Đống Đa (xã Quang Húc ngày nay) và là Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã.
- Tháng 01 năm 1949, cụ được kết nạp vào Đảng, tiếp năm 1949 được bầu là ủy viên Thường vụ chi ủy xã Đống Đa.
- Tháng 01 năm 1950, làm Bí thư huyện đoàn Thanh niên cứu quốc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang thời kỳ Tổng phản công, cụ được điều sang hoạt động thanh niên xung phong phục vụ chiến trường.
- Suốt 4 năm liền, từ tháng 5 năm 1951 đến hết năm 1954, cụ làm Đại đội trưởng Đại đội TNXP 407, đội 40 Tây Bắc thuộc Thanh niên xung phong Trung ương, phục vụ liên tiếp các chiến dịch Hòa Bình (1951 - 1952), Tây Bắc (1952 - 1953), Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1953 - 1954).
- Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, cụ được cử sang hoạt động sửa sai cải cách ruộng đất. Tử năm 1955 đến cuối năm 1957, cụ làm Cụm trưởng sửa sai ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn Tây.
- Năm 1958, 1959 cụ được bổ nhiệm làm Ủy viên rồi Phó ban Thanh tra tỉnh Sơn Tây - Phú Thọ.
- Năm 1960, làm Phó ty rồi Quyền Trưởng ty Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ và là Bí thư Đảng ủy ngành.
- Từ năm 1961 đến 1965, cụ được đi học đào tạo tại trường Đại học Giao thông ở Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
- Từ giữa năm 1965 đến tháng ba năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học, cụ được điều về làm Vụ phó Vụ Tổ chức Bộ Giao thông vận tải ở Hà Nội.
- Từ tháng 7 năm 1966 đến năm 1975, cụ được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia ở nước bạn Lào. 9 năm công tác, cụ được chính phủ Lào tặng thưởng huân chương chiến thắng và danh hiệu anh dũng diệt Mỹ của nước Lào. Tháng 4 năm 1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai của nhân dân Lào thành công, cụ về nước.
- Từ năm 1975 đến năm 1977, Cụ được cử đi học trường lý luận cao cấp Nguyến Ái Quốc.
- Từ năm 1978 đến năm 1990, cụ là Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh và là Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc - Phú Thọ). Cụ đã có thành tích nổi bật trong việc xây dựng cầu Phong Châu phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mặc dù buổi đầu còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng với tầm nhìn cao, xa, cụ đã chỉ đạo xây chiếc cầu lớn mà đến nay đất nước chuyển sang thời kỳ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chiếc cầu vẫn phát huy hiệu quả cao, không phải tu sửa gì về kiến trúc trong khi nhiều nơi khác phải xây lại cầu mới. Nhân dân địa phương thường thân thiết gọi là “cầu ông Vĩnh”.
Năm 1990, cụ về hưu tại gia đình ở khu 4 xã Quang Húc, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Là cán bộ cách mạng, ở cương vị nào, nhiệm vụ nào, cụ cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được tín nhiệm cao. Cụ được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước: 3 huân chương: Kháng chiến hạng nhất, chiến thắng hạng ba, chiến công hạng ba và nhiều bằng khen của Thủ tướng chính Phủ, Thanh tra Nhà nước và các Bộ ngành. Chính phủ Lào tặng thưởng cụ Huân chương chiến thắng hạng nhất, huy chương anh dũng diệt Mỹ của nước Lào.
Về hưu tại quê nhà, cụ lại chăm lo đến công việc họ. Trước hết, cụ tập trung viết xong quyển gia phả họ Đào Trần xã Quang Húc. 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, gia phả bị giặc đốt cháy, cụ phải sưu tầm viết lại. Cụ họp bà con thành lập nên Ban trị sự họ Đào Trần Quang Húc, đưa vào hoạt động có nề nệp. Không những thế, cụ lại cắt đất thổ cư của gia đình cung tiến cho họ 180 m2 kêu gọi bà con cùng chung sức xây dựng tử dường họ Đào Trần Quang Húc khang trang đẹp đẽ. Cụ được bà con tin tưởng bầu làm cố vấn cho họ.
Năm 2010, được thông báo chuẩn bị thành lập dòng họ Trần Nguyên Hãn, cụ phổ biến, vận động bà con trong họ hăng hái tổ chức tham gia Đại hội dòng họ lần thứ nhất. Cụ được ban Trù bị Đại hội mời thay mặt các Trưởng lão trong toàn dòng họ đọc lời khai mạc Đại hội. Được sự hướng dẫn tận tình của Cụ, họ Đào Trần Quang Húc luôn dương cao vai trò tiên phong, đi đầu trong các hoạt động xây dựng dòng họ.
Tại Đại hội nhiệm kỳ II dòng họ Trần Nguyên Hãn ngày 29 tháng 3 năm 2017, cụ được dòng họ vinh danh “TIÊU BIỂU XUẤT SẮC DÒNG HỌ”.
05/01/2016 : | HỌ TRẦN NHỮNG LẦN THAY ĐỔI HỌ TÊN |
28/11/2015 : | HỌ TRẦN PHƯỚC ĐI TÌM CỘI NGUỒN |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 161 |
Tổng truy cập: 1367829 |