NGUỒN GỐC HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN, GIAO THỦY, NAM ĐỊNH - Cao Trần Bá Khoát. | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Kết nối dòng họ   /  Kết nối dòng họ
NGUỒN GỐC HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN, GIAO THỦY, NAM ĐỊNH  -           Cao Trần Bá Khoát.
NGUỒN GỐC HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN, GIAO THỦY, NAM ĐỊNH - Cao Trần Bá Khoát.
Họ Cao Trần xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, do Thái tổ Trần Bong, tự Vô Ý, từ làng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa ra làng Hoành Nha (nay là xã Giao Tiến), khai cơ, lập nghiệp, đổi từ họ Trần sang họ Cao. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của họ Cao Trần xã Giao Tiến, tôi xin trích đăng "Bản tổng hợp và lược ghi biên bản hội thảo, khảo cứu lịch sử để tìm nguồn gốc, xuất xứ và tên thật của Thái Tổ họ Cao ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định sáng lập ra họ Cao Trần Giao Tiến vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII” mà họ Trần Nghệ Tĩnh và họ Cao Trần Giao Tiến đã xác nhận vào năm 2000.

            Họ Cao Trần xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, do Thái tổ Trần Bong, tự Vô Ý, từ làng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) ra làng Hoành Nha (nay là xã Giao Tiến), khai cơ, lập nghiệp, đổi từ họ Trần sang họ Cao. 

Để các thế hệ hậu duệ của dòng họ Cao Trần sau này biết về cội nguồn của mình, các thế hệ tiền bối của dòng họ đều tổ chức biên tập Gia phả để truyền lại cho đời sau. Bản Gia phả đầu tiên của họ Cao Trần xã Giao Tiến được viết bằng chữ Hán, ghi chép từ đời thứ Nhất đến đời thứ Tám. Năm 1993, họ tổ chức dịch từ bản chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và biên tập tiếp đến đời thứ 13, được hoàn thành vào năm Đinh Sửu (1997).

Bản Gia phả gốc bằng chữ Hán có lời tựa:

Phiên âm:

Thiên tử tính dĩ lập tôn bản, hệ tự sở xuất, khởi gia xưng toán tổ, kế tự đương tự bất vong. Ngã Cao tộc phát tích tự Trần gia, kiến cơ trụ vu Nha Chử, tiền tác hậu thuật, khẳng cấu khẳng đường, ngưỡng thâm khải hựu chi nhân, cánh thiết tác cầu chi niệm, viên thị tập vi phả lục, vĩnh thị tôn diêu, thứ hồ tự sự khổng minh nhi thế thứ khả kỷ dã”.

Dịch nghĩa:

Tạo hóa cho dòng họ để làm gốc, từ đó xây dựng và phát triển, kế thừa mãi mãi không dứt. Họ ta phát tích từ họ Trần, dựng nề nếp từ Nha Chử, đời trước kể lại đời sau ghi chép, khẳng định cơ sở cội nguồn, chịu ơn sâu tiên tổ, mở mang dòng họ, tâm niệm ghi nhớ không quên. Nay biên tập phả này để con cháu đời đời sáng tỏ, các thế hệ đời đời nối dõi”

Để con cháu đời sau biết được gốc tích của dòng họ mình, tại từ đường họ Cao ở xã Giao Tiến xây từ thời Lê Vĩnh Thịnh đầu thế kỷ XIX, có ghi đôi câu đối:

“Khởi gia tự tích Ái châu lai.

 Truyền thế đương sơ Trần duệ xuất”

Dịch nghĩa:

Gốc nhà từ châu Ái tới đây.

Nối đời là hậu duệ của họ Trần vậy”.

Thái tổ tên húy là Bong gốc họ Trần, quê ở vùng Bến Mía, xã Thịnh Mỹ, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa (nay là thôn Tứ Trụ, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Vào năm Quý Hợi (1683), đời Vua Lê Hy Tông, Niên hiệu Chính Hòa năm thứ 3, Tổ đưa người con trai thứ hai đến ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) làm ăn, sinh sống và đổi từ họ Trần sang họ Cao (Họ Cao-Trần). Tổ là người sáng nghiệp, khai cơ ra dòng họ Cao Trần xã Giao Tiến bắt đầu từ đây.

Những ngôi vị được Tổ Vô Ý đưa từ quê cũ ra quê mới để thờ:

(Phiên dịch từ bản gốc chữ Hán gia phả họ Cao - Trần Giao Tiến)

-                 Trần Quý Công tự Vô Tâm

-                 Trần Nhất lang tự Phúc Thiện

-                 Trần Nhị lang tự Phúc Tín

-                 Trần Tam lang tự Chân Không

-                 Trần Quế Hoa Nương

“Dĩ thượng chư Chân linh phần mộ nguyên tại cựu quán. Vô Ý Công thiên vu tư địa ấp, biên gia phả tương Trần tính duệ hiệu, thư vu thế phả chi thượng sử tử tôn tri thế hệ chi sở tự xuất dã”

 Dịch nghĩa:

“Các vị Chân linh đời trước tổ Vô Ý, phần mộ nguyên ở quê cũ. Tổ Vô Ý đến đất mới, biên tập Gia phả, đem nguyên duệ hiệu họ Trần viết trước thế phả để con cháu biết xuất xứ của dòng họ”

Lời khảo cứu:

Ngôi Trần Quý Công tự Vô Tâm có thể là ngôi hàng trên trực hệ của tổ Vô Ý, các ngôi: Nhất lang, Nhị lang, Tam lang, Trần Quế Hoa Nương có thể là hàng trên hoặc cùng hàng với tổ Vô Ý.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, cho đến nay đã nhiều lần họ Cao tổ chức  vào khảo cứu ở vùng Thanh Hoá, nơi gốc của Thái tổ ra đi như được ghi trong Gia phả, để tìm hiểu rõ thêm về nguồn gốc và thân thế sự nghiệp của Thái tổ, nhưng chưa có kết quả. Do vậy nguyên nhân việc Thái tổ đổi từ họ Trần sang họ Cao và chuyển cư từ châu Ái ra ấp Hòe Nha hàng trăm năm sau vẫn còn là điều bí ẩn.

May mắn thay, năm 1999, ngẫu nhiên một cháu sinh viên trong họ là Cao Trần Thắng đọc được cuốn “Tân phả Họ Trần Nghệ Tĩnh” ở thành phố Nam Định về báo cáo với họ. Qua nghiên cứu, thấy trong gia phả họ Trần Nghệ Tĩnh có thờ Tổ Cô Trần Quế Hoa Nương, trùng với ngôi thờ của họ Cao xã Giao Tiến, đồng thời cũng có một số ngôi bậc tương đồng với các ngôi bậc mà Tổ Vô Ý đưa từ quê cựu ra nơi đất mới thờ phụng, nên Hội đồng gia tộc họ Cao quyết định cử phái đoàn đi vào Nghệ An để khảo cứu thực tế xem có mối liên hệ nào chăng?

Qua nhiều lần khảo cứu tại Nghệ An và Nam Định, nghiên cứu các văn tự gốc bằng chữ Hán, các cuốn gia phả, hoành phi, câu đối trong từ đường của cả họ Trần và họ Cao… cuối cùng hai bên đã chắp nối, tái hiện được sự thật lịch sử về thân thế hành trạng của Thái tổ Vô Ý họ Cao chính là Trần Công Ngạn, chi trưởng của dòng Phúc Quảng, Tổ đời thứ Tư dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh ngày nay. 

Để con cháu trong dòng họ hiểu rõ hơn về nguồn gốc của họ Cao Trần xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, tôi xin trích đăng "Bản tổng hợp và lược ghi biên bản hội thảo, khảo cứu lịch sử để tìm nguồn gốc, xuất xứ và tên thật của Thái Tổ họ Cao ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (nguyên là trấn Sơn Nam hạ) sáng lập ra họ Cao Trần Giao Tiến vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVII” mà họ Trần Nghệ Tĩnh và họ Cao Trần Giao Tiến đã xác nhận vào năm 2000. 

CĂN CỨ ĐỂ KHẢO CỨU

1. Cuốn gia phả họ Cao Giao Tiến (phần mở đầu tiền phả ký, tập chữ Hán).

2. Tập Trần gia tân phả Nghệ Tĩnh, do ông Trần Đa ở Nam Định cho xem (tập phả này chi trưởng Tướng quốc, Thái sư Trần Quang Khải).

3. Tập gia phả chữ Hán chi Tổ Trần Chân Tịch (Đời thứ Tư dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh) đã phiên âm quốc ngữ.

4. Câu đối tự sự và hoành phi ở từ đường họ Cao Giao Tiến viết từ thời Lê Vĩnh Thịnh, câu đối và đại tự ở từ đường họ Trần ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An (nhà bà cụ giáo Tụy).

5. Những ý kiến trao đổi và cung cấp của cụ Trần Miễn, Trần Đẩu, Trần Thanh San và các ông Trần Nguyên Thái, Trần Nguyên Trang (Thường trực Ban liên lạc họ Trần Nghệ Tĩnh) ở Diễn Hồng, Diễn Châu, Nghệ An.

6. Những tư liệu thu thập được từ chuyến khảo sát thực địa ở Thịnh Mỹ, Lôi Dương, Thanh Hóa (1997) và chuyến khảo sát ở Nghệ Tĩnh (10.1999).

7. Đối chiếu niên đại để xác minh dựa vào tập “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú.

Từ những căn cứ sử liệu kể trên, Ban nghiên cứu gia phả đã sử dụng phương pháp khảo cứu, phân tích, so sánh, quy nạp để tìm ra sác suất tiềm ẩn của lịch sử tổng hợp nêu lên 4 vấn đề chính như sau:

1* Như có tâm linh báo trước, thiên nhân tương cảm, âm dương tương ứng chăng? Mấy năm nay họ Cao Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định quy tập lăng Tổ, tôn tạo từ đường, viết lại gia phả, cúng tế truy tư, cử người đi vùng châu Ái (Thanh Hóa) khảo cứu về nguồn gốc Thái Tổ, nói nhiều, viết nhiều đến Trần Cao thế kỷ và hào khí Đông A v.v… thì ngẫu nhiên một cháu trong họ là Cao Trần Thắng là sinh viên đọc được cuốn tân phả họ Trần Nghệ Tĩnh ở thành phố Nam Định về báo cáo với họ, do đó họ mới cử người đi Nghệ An để khảo cứu thực địa mở ra hướng mới sáng tỏ hơn trước.

2* Theo phả họ Trần Nghệ Tĩnh ước lược các trường hợp không phù hợp như các chi Trần Quốc Sủng, Trần Đạo Tín (Thanh Hóa)… Nay xin trân trọng khảo cứu Tổ Trần Công Ngạn, chi trưởng dòng Tổ Trần Chân Tịch. Các thế phả họ Trần Nghệ Tĩnh đều ghi: Trần Công Ngạn vị nhận (nguyên chữ Hán, tức là biết được xuất xứ, chưa biết được hành trạng và hậu duệ của Tổ).

Cao Quý Công tự Vô Ý là Thái tổ họ Cao có mặt ở Giao Tiến vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, tính theo năm Thái Tôn quy hậu phật chùa Long Hưng, Giao Tiến khi đó Thái Tôn đã trên 60 tuổi, và Thái tổ họ Cao đã qua đời (1705 – 100) (điểm này cũng là tiền đề nghiên cứu?)

3* So sánh một số tên tự, tên hiệu của các vị có liên quan:

A. Họ Cao Giao Tiến, tiền phả có ghi 5 ngôi để thờ:

- Trần Quý Công tự Vô Tâm

- Trần Nhất lang tự Phúc Thiện

- Trần Nhị lang tự Phúc Tín

- Trần Tam lang tự Chân Không

- Trần Quế Hoa Nương (Tổ cô)

B. Phả họ Trần Nghệ Tĩnh ghi:

- Đời 14: Trần Thiện Tính (húy Quốc Khương, hiệu Chân Thường)

- Đời 15: Trần Chân Tịch (húy Phúc Quảng, hiệu Huyền Nghiêm)

- Đời 15: Trần Chân Tính (hiệu Huyền Thông)

- Đời 15: Trần Chân Thiên (hiệu Huyền Linh)

- Trần Quế Hoa Nương (Tổ cô).

Tổ Vô Ý lo việc truy tư Tiên Tổ trực hệ, không thể bỏ mà phải đổi họ. Từ 2 điểm A và B trên, ta so sánh: Đổi tên để không lộ tông tích nên Vô Ý Công di chúc lại viết lên trang đầu văn khấn cho con cháu. Từ đó suy ra:

- Trần Quý Công tự Vô Tâm có thể là Trần Thiện Tính (thờ ở từ đường xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

- Trần Nhất lang tự Phúc Thiện có thể là Trần Chân Tịch (thờ ở từ đường xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

- Trần Nhị lang tự Phúc Tín có thể là Trần Chân Tính (thờ ở từ đường xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An).

- Trần Tam lang tự Chân Không có thể là Trần Chân Thiên (thờ ở từ đường xã Yên Thịnh, huyện Yên Thành, Nghệ An).

- Trần Quế Hoa Nương (Tổ cô) giữ nguyên không đổi.

Những tên hiệu Vô Ý, Vô Tâm,  Phúc Thiện, Phúc Tín, Chân Không với Chân Tịch, Chân Tính, Chân Thiên đều là từ phật giáo, có ý nghĩa liên quan, có lô gic cho phép ta so sánh xác nhận.

Vô Ý Công khi trở lại Sơn Nam, gia nhập xã Giao Tiến còn mang theo người con thứ là Trần Công Bật, đổi sang họ Cao thành Cao Công Bật, vị này được tập tước là Dự Nghĩa Công. Vậy con là Công Bật, bố có thể là Công Ngạn. Trần Công Ngạn, Trần Công Bật (bố đổi họ dấu tên, con giữ tên đổi họ). Từ ngữ có liên quan? Các vị sau Công Bật (đời thứ 2) là Công Cái, Công Tuyển, Công Lại (đời thứ 3)….

4* Vô Ý Công trở ra Sơn Nam từ điểm quá giang đã lập nghiệp ở xã Thịnh Mỹ, Lôi Dương, Thanh Hóa. Đã kết phối với bà Hoàng Thị Nhất Nương hiệu Từ Tín, sinh hạ được 3 trai, 4 gái đều đã trưởng thành. 2 con trai đầu đều được tập tước Công là Bình Luận Công và Dự Nghĩa Công, sau đó vì sao gặp biến cố bà và các con đều qua đời tại đó (quê cựu)? chỉ còn 1 bố, 1 con thứ chạy ra ngoài Bắc đổi họ, đổi tên thành họ Cao Trần Giao Tiến ngày nay. Ở điểm này đều rất tế nhị và lý thú: Bố không có chức tước mà con lại được tập tước? Hổ phụ há lại không sinh hổ tử? Như vậy màn khói che dấu vết trên 400 năm, nay đã được luồng gió mới xua tan (theo gia phả họ Cao Giao Tiến).

Tới đây xét về bước đi của Tổ Trần Công Ngạn từ Thọ An (Trung Chính, Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) là đúng vì phả ở Nghệ An được viết từ năm 1624. Vì sao lại ly tán? Vì cuộc khởi nghĩa của Phan Công Tích phối hợp với Nguyễn Kim đưa Lê Duy Ninh (tức Lê Trang Tông) từ Lào về nước chống nhà Mạc, mở đầu ra triều Lê Trung Hưng, gây ra cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều kéo dài hàng nửa thế kỷ (1543-1592) bắt đầu từ vùng Nghệ An (châu Hoan). Trần Công Ngạn theo quân Lê Trung Hưng ra đánh chiếm Tây Đô (tức thành nhà Hồ - Vĩnh Lộc), sau đó ở lại lập nghiệp tại Thịnh Mỹ, Lôi Dương, Thanh Hóa (Hành doanh của các vua Lê lúc đó).

Vì sao Trần Công Ngạn phải lưu tán một bước nữa? Vì chiến tranh ác liệt, quân Mạc thường niên tấn công để giành lại Tây Đô. Có chiến dịch 2 bên đã huy động tới hơn 10 vạn quân đối kháng. Trần Công Ngạn còn gặp phải vụ việc Tả tướng Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) giết vua Lê Anh Tông lập vua Lê Thế Tông (1573), sát hại các cận thần nhà Lê như Lê Cập Đệ. Một số cận thần khác như Cảnh Hấp và Đình Ngạn (Công Ngạn) bị liên lụy phải chạy trốn. Vì vậy, vợ con Trần Công Ngạn bị chết cả, tài sản mất sạch, chỉ còn lại 1 bố, 1 con đều đã cao tuổi (con ông khi đó đã được tập tước Công) phải chạy trốn ra Sơn Nam hạ gia nhập xã Giao Tiến để thoát thân, giữ lấy dòng giống cho sau này.

Vì sao phải dấu tên, đổi họ? Vì bị Trịnh Tùng truy đuổi sát hại, nếu không thay tên đổi họ, dấu tung tích, quê quán… thì sẽ bị lộ, khi đó không thể bảo toàn được tính mạng của mình và của cả gia tộc. Vì đất Sơn Nam lúc đó còn thuộc nhà Mạc? hoặc còn vì lý do mâu thuẫn từ thời tiền sử (Lê – Trần) và ngay cả với triều Lê Trung Hưng lúc đương thời? Bước đi của cuộc đời Trần Công Ngạn – nối tiếp với bước đi của Vô Ý Công như trên đã được tái hiện.

Với 4 cứ liệu lịch sử đã phân tích, so sánh trên quan điểm thực tiễn, khách quan, khoa học để tìm ra nguồn gốc: đó là Trần Công Ngạn (Thọ An) là Vô Ý Công họ Cao (Giao Tiến) sống vào giữa thế kỷ thứ XVI. Vậy Trần Công Ngạn chính là Vô Ý Công, Thái tổ họ Cao Trần Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định ngày nay. Ẩn số của nhà thờ họ Cao Giao Tiến ghi trên đôi câu đối tự sự có từ thời Lê Vĩnh Thịnh đầu thế kỷ XIX đã được giải đáp:

Khởi gia tự tích Ái Châu lai

Truyền thế đương sơ Trần Duệ xuất

Nghĩa là:

Dựng nhà nếp cũ từ Châu Ái

Nối nghiệp nền xưa gốc họ Trần

Họ Trần đây chính là dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh, dòng dõi vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) quê gốc ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, lộ Thiên Trường (tỉnh Nam Định).

Đáp số đã được giải. Năm 2000, Hội đồng gia tộc họ Trần Nghệ Tĩnh đã tổ chức hội thảo và quyết định thừa nhận họ Cao Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định là một biệt phái và là Chi trưởng của dòng Phúc Quảng, Tổ đời thứ Tư dòng họ Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh.

BAN NGHIÊN CỨU GIA PHẢ HỌ CAO TRẦN GIAO TIẾN

Tôn trưởng:   Cao Xuân Thiệu

       Cao Quang Thạnh

       Cao Ngọc Đình

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 153
Tổng truy cập: 1274390
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ