Kính thưa quý vị, những người anh em trong Đại gia đình dòng họ Trần Nguyên Hãn!
Kính thưa quý vị quan khách!
Tôi xin thay mặt đoàn đại biểu các gia tộc Tộc Trần Phước ở Quảng Nam, hậu duệ của Tổ Trần Phước Thiện trân trọng gửi lời chào mừng thân thiết nhất đến những người anh em cùng chung dòng huyết thống, sau hàng trăm năm cách biệt và quý vị quan khách tại buổi hội ngộ ngày hôm nay.
Kính thưa quý vị!
Từ ngàn xưa ông bà ta đã dạy: “Cây có gốc, nước có nguồn, người sống có tổ tiên dòng họ!”.
Vì vậy đã từ lâu, nhiều thế hệ ông cha chúng tôi đã ấp ủ tâm nguyện muốn trở lại đất Đại Việt xa xưa để tìm nguồn gốc tổ tiên, nối lại dòng huyết thống dòng tộc. Nhưng do tình hình đất nước lúc bấy giờ không cho phép, mãi đến sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã quét sạch bóng quân thù xâm lược, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà, đã tạo ra cơ hội cho bao ước mơ thầm kín từ lâu bị chôn chặt trong lòng mình trở thành hiện thực.
Đầu năm 1992, các gia tộc họ Trần Phước làng Thanh Châu huyện Duy Xuyên, Lộc Đại huyện Quế Sơn, núi Lỡ huyện Đại Lộc và Phú Triêm huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, qua bàn bạc đã thống nhất cử người đi tìm nguồn gốc của cụ Tổ Trần Phước Thiện, người từ đất Đại Việt đã vào Nam góp phần mở mang bờ cõi, khai cư lập nghiệp, sinh hạ con cháu, dần hình thành các gia tộc chúng tôi như ngày nay.(1)
Sau hơn 15 năm ra vào đất Nghệ An, gặp gỡ các gia tộc họ Trần ở huyện Diễn Châu, được trực tiếp xem các bản gia phả lâu đời của nhiều tộc họ Trần . . .chúng tôi đã tìm được nơi sinh và cả nơi ra đi vào Nam của cụ Tổ Trần Phước Thiện, nối lại dòng huyết thống giữa các gia tộc vốn là anh em ruột thịt con trai của cụ tổ Trần Phước Thiện trước khi đi vào Nam.(2) Đồng thời trong cùng thời gian này vừa đi tìm nguồn gốc của Tổ Trần Phước Thiện, chúng tôi vừa đi tìm và tập hợp tư liệu để chuẩn bị cho việc biên tập bộ phổ hệ của gia tộc.
Đến cuối năm 2007, đầu năm 2008, chúng tôi cũng đã hoàn thành việc biên tập bộ phổ hệ (tức gia phả) của tộc Trần Phước, trực hệ dòng Trần Phước Thiện, bắt nguồn từ vị thế cao cao tổ Trần Tự An (1010 – 1077), một nhân vật kiệt xuất trong giới võ lâm Đại Việt, và chính người đã đặt tên cho võ đường của mình là “Đông A”. Sau khi Trần Tự An qua đời, theo lời dặn của cha, ông Trần Tự Mai và con trai Trần Tự Kinh đã chuyển võ đường Đông A từ Kinh Bắc về làng An Sinh, huyện Đông Triều. Khi ông Trần Tự Kinh trưởng thành, trên đường đi làm ăn đã chuyển cư về Tức Mặc, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định... Xuống đến các thế hệ chúng tôi ngày nay là 37 và 38 đời người. Tổ Trần Phước Thiện là cháu 8 đời của Tổ Trần Nguyên Hãn và từ Tổ Trần Phước Thiện xuống đến lớp chúng tôi có 14 đời, đó là chưa kể lớp con, cháu nội và kể cả chắt nội.
Kính thưa quý vị!
Chúng tôi rất vinh dự được cử về dự lễ giỗ lần thứ 583 của Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Hôm qua tại đền thờ, chúng tôi đã dâng hương và thành kính tưởng niệm quan Đại Tư Đồ - Tả Tướng Quốc; hôm nay tại nơi đây, trước các Bác, các Chú và các anh chị em của Đại gia đình dòng họ Trần Nguyên Hãn, chúng tôi xin báo cáo và xin được qui tụ về cội nguồn dòng họ sau bao nhiêu năm cách biệt. Đồng thời xin nói lên lòng tự hào về tổ tiên, ông cha chúng ta qua bao thế hệ từ thuở các vua Trần cho đến thời đại Hồ Chí Minh vinh quang, nguyện sao cho xứng đáng với tổ tiên dòng họ, phát huy hào khí Đông A, góp phần bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu: “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thưa quý vị! Đoàn chúng tôi đồng tình là tại Đại hội này nên bàn bạc để thành lập Ban Liên Lạc của dòng tộc Trần Nguyên Hãn, với thành phần gồm các vị có tâm huyết với dòng họ và có điều kiện nhất định để hoạt động được. Theo chúng tôi, những gia tộc ở các tỉnh xa không nhất thiết phải có người tham gia làm thành viên Ban Liên Lạc, vì xa xôi đi lại khó khăn mà nên từ Thường trực Ban Liên Lạc thông qua các vị trưởng gia tộc để tạo nên thuận lợi cho hoạt động của Ban Liên Lạc đạt hiệu quả thiết thực hơn, mà tổ chức lại được gọn nhẹ hơn.
Cuối cùng chúng tôi xin cảm ơn quý vị, kính chúc quý vị an khang và tràn đầy hạnh phúc!
Xin cám ơn!
Ngày 22 tháng 02 năm 2012
Thay mặt tộcTrần Phước tỉnh Quảng Nam
Trưởng đoàn đại biểu tộc Trần Phước: Trần Phước Màu
_______________________________
Ghi Chú:
(1) - Trên bia mộ Tổ Trần Phước Thiện từ xa xưa con lưu lại chỉ có ghi:"...Tổ Trần Phước Thiện quê làng Thái Xá, huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An..." Sau khi gửi thư thăm hỏi tìm địa danh Thái Xá xưa, được Sở Thông tin Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết làng Thái Xá xưa nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Tin này là cơ sở ban đầu cho việc đi tìm nguồn gốc họ Trần Phước ngày nay.
(2) - Sau nhiều lần đi lại trao đổi đối chiếu, ngày 16 -5-2002 các đại biểu Hội đồng gia tộc của các chi họ tộc Trần hậu duệ Tổ Trần Phước Thiện họp mặt tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã hoàn toàn nhất trí:
Tổ Trần Phước Thiên, cháu 4 đời của cụ Tổ Trần Chân Tâm có các con là:
1- Trần Phúc Đức, trưởng nam, nay có nhà thờ tộc ở làng Thái Xá , xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu.
2- Trần Phúc Nhân, nhị lang, có nhà thờ tộc ở thôn Đậu Vĩnh, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu
3- Trần Đăng Đài, tam lang, có nhà thờ tộc ở Ngọc Sơn, huyện Đô Lương.
4- Trần Văn Quán, tứ lang, có nhà thờ tộc tại Đông Lũy xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu
5- Trần Phước Biền, quý lang (con út), con bà Nguyễn Thị Lan, vợ thứ của Tổ Trần Phước Thiện,
có nhà thờ tại làng Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Sự nhất trí trên đây được lập thành văn bản và tất cả mọi người có mặt đều ký tên bảo đảm.
09/05/2018 : | TRƯỞNG LÃO ĐÀO TRẦN QUANG VINH TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ PHẨM CHẤT CÁCH MẠNG VÀ TẤM LÒNG CAO CẢ VỚI DÒNG HỌ |
05/01/2016 : | HỌ TRẦN NHỮNG LẦN THAY ĐỔI HỌ TÊN |
LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM... (25/11/2018) |
Đại hội Đại biểu Dòng họ... (02/05/2013) |
Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (17/10/2012) |
Mái trường Trần Nguyên Hãn (07/06/2012) |
Online: 161 |
Tổng truy cập: 1367813 |