Sự hình thành, phát triển và hoạt động của họ Trần Nguyên Hãn Thanh-Nghệ-Tĩnh | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Kết nối dòng họ   /  Kết nối dòng họ
Sự hình thành, phát triển và hoạt động của họ Trần Nguyên Hãn Thanh-Nghệ-Tĩnh
Sự hình thành, phát triển và hoạt động của họ Trần Nguyên Hãn Thanh-Nghệ-Tĩnh
Họ Trần Nguyên Hãn Thanh-Nghệ-Tĩnh là một trong những họ được hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ thứ XV, sau khi Tướng công Trần Pháp Độ từ quan ở Triều đình về Tống Sơn, Thanh Hóa...

 Họ Trần Nguyên Hãn Thanh-Nghệ-Tĩnh là một trong những họ được hình thành và phát triển từ những năm 70 của thế kỷ thứ XV, sau khi Tướng công Trần Pháp Độ từ quan ở Triều đình về Tống Sơn, Thanh Hóa. Ở Thanh Hóa được 6 năm, Ngài để vợ là Bà Lê Thị Từ Quang và người con thứ 2 là Trần Đạo Tín ở lại, Ngài đưa Trần Công Sủng và Trần Thiện Tính tiếp tục vào Nghệ An, đến Tổng Quan Trung, xã Thái Xá, làng Phì Cam. Ngài đã vào trụ trì tại chùa Liên Hoa-một ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ thời Nhà Trần để làm nghề Nội đạo.
Sau một thời gian ổn định, Ngài đưa người con trai đầu là Trần Công Sủng trở lại Thanh Hóa, vào ở tại Chùa Sải, Thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, rồi trở về Nghệ An với người con út là Trần Thiện Tính.
Ở Nghệ An, Ngài đã tổ chức chiêu dân, khai hoang, lập ấp tại xứ Nương Mao. Đây là một vùng sinh lầy, hoang vu, bốn bề sông nước, lúc bấy giờ chỉ có một xóm nhỏ là Kẻ Đìn (phía Tây Phú Hữu ngày nay).
Ngài đã lập nên những làng mới như Phú Điền, Phú Lai, Tường Lai, Mã Lai. Mở mang các làng cũ như Phì Cam, Hào Cường, Phú Lâm, Trung Xá mà trung tâm cho cả khu vực là Xứ Nội Đìn (tức là Trung Hậu, Phú Hữu) và Xứ Nội Hạp (Trung Xá).
Tấm lòng của Ngài là rất thương dân, luôn lo cho dân an cư lạc nghiệp và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không có động cơ làm giàu cho riêng mình.
Mở mang một khu vực rộng lớn từ một vùng đất hoang vu, dân cư thưa thớt, biết bao vất vả gian nan, vì đây là vùng rốn nước, luôn bị lũ lụt tàn phá, nhưng Ngài không giữ phần riêng. Con cháu của Ngài cũng phải tự làm lấy mà ăn. Chính vì vậy, Thần phả ghi Ngài là "Thần Khai canh".
Bên cạnh việc tổ chức khai hoang, Pháp Độ còn hướng dẫn nhân dân làm thêm nghề phụ để nâng cao đời sống.
Gặp lúc thiên tai, mất mùa, Ngài vận động con cháu và các tổ chức xã hội quyên góp để chẩn bần cứu đói cho dân.
Trần Pháp Độ vốn là người có trình độ học vấn cao, xuất thân từ cái nôi văn hóa của đất nước nên Ngài đã sớm nghĩ đến việc tổ chức học hành cho con em trong vùng. Đó là một ý tưởng táo bạo, là tầm nhìn cao rộng về tương lai, là tâm huyết vì dân, vì nước nhằm khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, phát triển giáo dục.
Theo Ngài, khai hoang để thoát khỏi nghèo đói, học hành để thoát khỏi lạc hậu, hủ tục, vì thế, Ngài đã chăm lo mở trường học tại địa phương, mời các danh nhân về dạy. Số người theo học ở vùng này mỗi ngày một đông thêm. Những con em nhà nghèo học giỏi được Ngài đem về nuôi cho đến lúc trưởng thành.
Theo văn hóa làng xã Nghệ An, thì Thời Lê ở Phì Cam đã có 3 Cử nhân, 2 Tú tài; Phú Hữu có 4 Cử nhân, 19 Tú tài; Phú Điền có 1 Tiến sĩ, 3 Cử nhân, 19 Tú tài. Số người thành đạt đầu tiên ấy đã làm bừng sáng văn minh, văn hóa, tri thức, lễ giáo ở một vùng đất âm u, hẻo lánh này và tiếp tục phát triển mãi đến các đời sau, tạo nên một nền văn hiến của xứ sở.
Trần Pháp Độ là một con người rất giàu lòng nhân ái, tính nhân văn, biết nhìn xa trông rộng, có tư duy sâu sắc và tình yêu thương dân vô hạn. Do đó, Ngài luôn được dân tin theo, ủng hộ.
Trần Pháp Độ có nguồn gốc xuất thân vô cùng hiển hách. Công tích của Ngài dưới thời Lê Thánh Tông làm quan trong Triều, chủ yếu chăm lo việc học hành, phát triển giáo dục. Lúc hưu quan, Ngài vẫn tiếp tục đem hết tâm lực, trí tuệ cống hiến cho dân, cho nước. Lịch sử ghi nhận, Ngài là người có công khai phá mở đường, gây dựng nền móng đầu tiên, tạo đà phát triển toàn diện, biến một vùng đất hoang sơ ở Nghệ An thành khu dân cư đông đúc, trù phú, văn minh, văn hóa ngày càng phát triển rực rỡ.
Công đức và sự nghiệp của Trần Pháp Độ đã để lại dấu ấn ở địa phương. Ơn sâu, nghĩa nặng còn tồn đọng trong tâm thức của nhân dân qua truyền đời, truyền tông: "Một Ông Quan Họ Trần nhân từ và đức độ".
Không phải ngẫu nhiên mà các Triều đình phong kiến trước đây đã phong Ngài tới Thượng Thượng Đẳng Thần với 11 đạo sắc. Trong các Sắc phong của Nhà Vua đều ghi:
Hách trạc chi thần: ý nói về đức độ sáng ngời
Hộ quốc Tỷ dân: Ý là có công giúp nước, cứu dân.
Khi tuổi cao sức yếu, Trần Pháp Độ chuyển sự nghiệp lại cho các con, và Ngài đã tạ thế vào năm Thống Nguyên thứ 2(1523), Triều Vua Lê Cung Hoàng.
Ngài qua đời, nhân dân trong vùng vô cùng thương tiếc đã để tang 7 ngày. Nhiều địa phương đã lập Đền Thờ và tôn Ngài làm Thành Hoàng.
Thời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) đã phong Ngài với Thần vị: "Thượng Thượng Đẳng Pháp Độ Tôn Linh Thần Thái Xá phụng sự".
Thời Khải Định năm thứ 2 (Triều Nguyễn) phong sắc:
"Sắc lệnh ban: Thôn Phú Hữu, xã Thái Xá, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An đang phụng thờ Vị Thần Pháp Độ hiển hách chói lọi đất Sơn Nam giúp nước cứu dân.
Đã hiểu hiện rõ sự linh ứng. Nay vâng mệnh lớn.
Mệnh lớn sáng tỏ, cao xa nghĩ về điểm tốt của vị thần, trứ phong vượt bậc Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Chuẩn y thờ phụng vị thần này cùng với các vị thần linh ứng cùng che chở và bảo vệ cho dân ta phải kính cẩn tuân theo!.
Khải Định năm thứ 2, ngày 18 tháng Ba".
Năm 1997, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã cấp bằng công nhận di tích Lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia cho một trong những đền thờ của Ngài tại thôn Đan Trung, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Từ nơi này, các con của Ngài đã không ngừng phát triển thành những giòng họ lớn: Trần Công Súng, Trần Đạo Tín chủ yếu ở xứ Thanh Hóa; Trần Chân Thường với các chi, giòng phát triển ở khắp Nghệ An, Hà Tĩnh.
Theo "Trần Tộc Tông Đồ tại Quảng Nghĩa" huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thì còn có giòng thứ 4 là Trần Bảo Tín cũng là một giòng họ lớn của Trần Pháp Độ.
Trải qua các giai đoạn phát triển và thăng trầm của đất nước, nhiều hậu duệ của Ngài cũng bị cuốn theo giòng lịch sử:
- Như Trần Công Ngạn, người con đầu của Tổ Trần Chân Tịch-Phúc Quảng, tham gia sự nghiệp Cần Vương thời Lê Trung Hưng. Tới năm 1573, trong vụ biến chính trị, Trịnh Tùng bắt giết Lê Anh Tông, tận diệt các trung thần và vây cánh của Lê Anh Tông. Trần Công Ngạn đem một người con là Dự Nghĩa Công Trần Công Bật trốn ra Bắc, xuống miền biển huyện Giao Thủy thuộc trấn Sơn Nam Hạ, trú ngụ tại Ấp Hòe Nhai, mai danh ẩn tích, thay tên, đổi họ, từng bước sáng lập ra họ Cao Trần ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy ngày nay.
Theo "Cổ Tháp Gia Phố Sự' của chi họ Trần Văn Cổ Tháp, thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì "Tộc Trần Phước, Thanh Châu là một trong những chi họ thuộc giòng họ Trần Thiện Tính-Chân Thường, xã Thái Xá", "Thỉ Tổ Trần Phước Thiện nguyên là Bình luận công ứng nghĩa đi cùng Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, vâng mệnh Vua Lê vào Nam trấn thủ xứ Thuận Hóa, đã lập kinh ấp tại Gò Phù Sa, xã Ái Tử năm Mậu Ngọ -1558. Từ đó đến nay, hậu duệ của Ông Bà đã truyền nối trên 17 đời".
Theo Di tích nhà thờ Tộc Họ Trần (Vua Bân - Mộ Đức):
Vào cuối thế kỷ XVI, Nguyễn Hoàng chiêu mộ dân từ vùng Thanh Nghệ Tĩnh vào khai phá đất Thuận - Quảng. Trong đó có hai anh em là Trần Văn Đức và Trần Văn Huy từ thành Cựu Thổ, Huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, Đạo Nghệ An, dừng chân định cư ở vùng đồng bằng phía nam Sông Vệ, tổ chức khai cơ, lập ấp, quy tụ lưu dân, khai phá một vùng đất hoang rộng lớn, lập làng Hoa Bân (sau này đổi thành Văn Bân). Đây là vùng hoang vu, hẻo lánh, nguyên là đất của Chiêm Thành do Vua Lê Thánh Tông đánh chiếm từ năm 1470. Đến Triều Nhà Nguyễn, hai vị được Triều đình ghi vào danh sách phong thần với Thần hiệu: "Dực bảo Trung Hưng Linh phù Tôn Thân". Chuẩn cho Xã Văn Bân được phụng thờ ở đình làng.
Và từ đây, Họ Trần Xã Văn Bân đã phát triển thành một chi họ lớn thuộc Huyện Mộ Đức, Tỉnh Quảng Ngãi.
Cũng theo "Trần Tộc Tông Đồ" tại Quảng Ngãi: Tổ tiên Họ Trần ở đây, vốn giòng Vua Quan Nhà Trần là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi.
Đến đời Trần Bảo Tín (cháu nội Tả Tướng quốc Trần Nguyễn Hãn) làm quan đến chức Lại Bộ Tả Thị Lang. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Lê, ông ẩn cư ở núi Hành Sơn rồi mất ở đó. Thời Lê Trung Hưng, truy tặng ông chức Thượng Thư, Phong Phúc Thần.
Ông có người con là Trần Văn Đức, học giỏi, thi đậu cử nhân, làm Quản cơ (chức vụ Trưởng khai hoang, lập Binh điền của Chúa Nguyễn) từ xã Đức Chính đến xã Đức Nhuận thuộc huyện Mộ Đức ngày nay. Mãi đến các đời sau, dòng Họ phát triển từ phía Nam Mộ Đức đến Đức Phổ.
Như vậy, hậu duệ của Đức Tổ Trần Pháp Độ đã phát triển, trải dài từ Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thành phố Hồ Chí Minh…
Lịch sử còn ghi danh, ở nơi đâu, thời nào cũng có những hiền tài cứu dân, giúp nước là hậu duệ của Đức Tổ Trần Pháp Độ:
Bảng Nhãn có Cụ Trần Bảo Tín, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Hoàng Giáp có các cụ: Trần Đức Mậu (Can Lộc); Trần Dực (Đức Thọ); Trần Phú Hựu (Đức Thọ); Trần Danh Dĩnh (huyện Đông Thành).
Tiến sĩ có 9 cụ: Trần Sảnh, Trần Viết Thứ, Trần Danh Tố (Thạch Hà); Trần Tước (Đức Thọ); Trần Huy Phác, Trần Hữu Dực, Trần Đình Phong (Yên Thành); Trần Sĩ Trác (Nghi Xuân); Trần Đình Tuấn (Nam Đàn).
Phó Bảng có 4 cụ: Trần Mậu (Thạch Hà); Trần Văn Hy (Quỳnh Lưu); Trần Khánh Tiến (Can Lộc); Trần Nguyên Trinh (Diễn Châu).
Đặc biệt, có Liêm Quận Công Trần Đăng Dinh (huyện Yên Thành).
Từ thế kỷ XX trở đi, nhất là từ khi có Đảng, hàng ngàn người con ưu tú của đất nước là hậu duệ của Đức Tổ Trần Pháp Độ đã và đang cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc, nhiều người đã trở thành niềm tin, tự hào của toàn dân tộc:
Trần Phú, huyện Đức Thọ, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương.
Trần Đức Lương, huyện Đức Phổ, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Trần Văn Cung, Lão thành cách mạng thời kỳ Xô viết Nghệ tĩnh.
Trần Văn Quang, Thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trần Ân, Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4.
Trần Phồn, Thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an Tỉnh Nghệ An.
Nhiều người con của dòng họ đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc như các anh hùng liệt sĩ: Trần Cam, Trần Văn Trí, Trần Văn Kiểu…
Trên lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, trong giảng đường các trường Đại học cũng có rất nhiều con em Họ Trần đã và đang cống hiến sức mình cho Tổ quốc.
Tóm lại, Đức Tổ Trần Pháp Độ có nguồn gốc xuất thân vô cùng hiển hách. Hậu duệ của Ngài rất vẻ vang, đời nối đời đều hiển đạt, thực sự là Một Danh Gia Vọng Tộc, đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ vào sự phát triển lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 158
Tổng truy cập: 1367810
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ