Đi tìm về cội nguồn Tổ tiên và sưu tầm biên soạn bộ phổ hệ gia Tộc | | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Kết nối dòng họ   /  Kết nối dòng họ
Đi tìm về cội nguồn Tổ tiên và sưu tầm biên soạn bộ phổ hệ gia Tộc
Đi tìm về cội nguồn Tổ tiên và sưu tầm biên soạn bộ phổ hệ gia Tộc
Trần Phẩm - Nhà Giáo Ưu tú, Tộc Trần Phước, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam

Từ ngày xưa ông bà ta đã dạy:
Cây có gốc, nước có nguồn; người sống phải có tổ tiên dòng họ.
Và nhân dân ta ở các tỉnh miền Nam, ai ai cũng biết rằng: Tổ tiên ta từ ngàn xưa từ đất nước Đại Việt, đã lần hồi chuyển cư vào phía Nam để mở mang bờ cõi, khai cơ lập nghiệp, sinh ra con cháu làm cho đất nước ta bao la dài rộng như ngày nay.
Trước đây, nhiều thế hệ ông cha chúng ta đã có tâm nguyện tìm về cội nguồn, nối lại dòng huyết thống tổ tiên dòng họ. Nhưng hoàn cảnh đất nước ta lúc bấy giờ chưa cho phép, nên mọi tâm nguyện hoài bão đành phải gác lại. Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, nhân dân ta đã quét sạch bóng quân thù ra khỏi đất nước ta, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà… Bao ước nguyện tìm về cội nguồn, tổ tiên từ lâu chôn chặt trong lòng, lại trỗi dậy. Đó đây đã có những gia tộc bắt đầu đi tìm về nguồn gốc tổ tiên, nhưng chưa có mấy nơi thành công !


Ngày 12 tháng 3 năm Nhâm Thìn (1992), nhân ngày Giỗ Tổ tại nhà thờ Tộc Trần Phước làng Thanh Châu, Hội đồng gia tộc tộc Trần Phước đặt vấn đề đi tìm nguồn gốc của Cụ tổ Trần Phước Thiện, người từ miền Bắc vào góp phần mở mang bờ cõi, định cư lập nghiệp, sinh hạ con cháu, dần hình thành các gia tộc. Tộc Trần Phước ở Thanh Châu, huyện Duy Xuyên; Lộc Đại, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn; Núi Lở huyện Đại Lộc; Phú Triêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, được con cháu nội ngoại về dự giỗ tổ đồng tình ủng hộ và tôi được Hội đồng Gia tộc ủy thác thực thi nhiệm vụ đầy khó khăn ấy.


Đã từ lâu, con cháu trong dòng họ tộc Trần Phước không ai biết rõ từ nguồn thông tin nào mà trên bia mộ Tổ Trần Phước Thiện ghi: “…. Tổ Trần Phước Thiện quê làng Thái Xá, huyện Đông Thành, Phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An…” và cũng không ai rõ tấm bia ấy được phụng lập từ bao giờ? Nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tôi đã viết thư gởi ra Nghệ An để hỏi địa danh làng Thái Xá xa xưa ấy. Sau đó không lâu tôi nhận được thư trả lời của Sở Thông tin - Văn hóa tỉnh Nghệ An cho biết làng Thái Xá thuở xa xưa, nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu… Thế là từ đấy, tôi có đầu mối liên lạc trong việc tìm về cội nguồn tổ tiên. Giữa tôi và Hội đồng gia tộc Tộc Trần làng Thái Xá cũng là những người có cùng tâm nguyện mong muốn đi tìm nguồn gốc tổ tiên, nên giữa chúng tôi có nhiều thư từ qua lại, trao đổi với nhau những vấn đề mà đôi bên hằng quan tâm…


Tháng 5 năm 1995, tôi ra Nghệ An tìm về làng Thái Xá. Tôi đã được Hội đồng Gia tộc và bà con trong dòng họ Trần Thái Xá tiếp đón niềm nở, cộng tác chặt chẽ. Tôi được đọc nhiều tài liệu quan trọng và lâu đời, nhất là được xem cuốn gia phả của Tộc Trần làng Thái Xá… Trong cuộc hội ngộ lần đầu tiên này, giữa chúng tôi đã có ngay sự nhất trí rằng: Làng Thái Xá, huyện Đông Thành xa xưa nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu và làng Thái Xá… ghi trên bia mộ Tổ Trần Phước Thiện tại làng Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cách đây hàng trăm năm là “một”. Thế là làng Thái Xá, một địa danh mà hậu duệ của Tổ Trần Phước Thiện qua nhiều thế hệ mong mỏi đi tìm, nay đã tìm được ! Nhưng cũng ngay trong buổi hội ngộ lần đầu tiên này, một vấn đề rất quan trọng được nêu lên, đó là mối quan hệ giữa Tổ Trần Phước Thiện của Tộc Trần Phước Thanh Châu và Tổ Trần Phúc Đức của Tộc Trần làng Thái Xá như thế nào? Nếu có quan hệ ruột thịt thì ai là cha, ai là con? hoặc nếu là anh em thì ai là anh, ai là em?. Trong gia phả của tộc Trần làng Thái Xá ghi: “Cụ Trần Phúc Đức là Thỉ tổ… Nhưng ngay bên dưới, lại ghi tiếp 2 câu chú thích, 8 chữ nhỏ hơn: “Tiền thử vị tường” và “Huynh đệ vị tường”. Đây là một vấn đề rất hệ trọng và vô cùng khó khăn, khó bề giải đáp khi chưa tìm ra những tư liệu để chứng minh thì không một ai dám có ý kiến khẳng định được. Đây cũng chính là vấn đề quyết định sự thành bại trong việc đi tìm về nguồn gốc tổ tiên của tôi.


Được sự giới thiệu của Hội đồng Gia tộc Trần làng Thái Xá, tôi đã liên lạc được và trao đổi ý kiến với ông Trần Thanh San là người Tộc Trần thôn Đậu Vinh, xã Diễn Phong, Trưởng ban lão tộc và một số vị cũng là thành viên trong Ban liên lạc… Tộc Trần dòng Trần Nguyên Hãn, tỉnh Nghệ Tĩnh. Ông San là người vừa chủ biên cuốn Tân Phả Tộc Trần dòng Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh… Các ông đã có nhiều thư trả lời tôi, trong thư, các ông đã khẳng định rằng: “Ông Trần Phúc Đức của Tộc Trần làng Thái Xá không có quan hệ gì với Tổ Trần Phước Thiện…, tại Diễn Phong có mộ Tổ Trần Phúc Thiện, nhưng đó là mộ “gió”, mộ thật của ông Trần Phúc Thiện ở đâu thì không rõ”; Đồng thời các ông đã khuyên tôi: Chú từ Quảng Nam ra tìm nguồn gốc tổ Trần Phúc Thiện thì hãy tìm thêm một số nơi khác mới mong thành công được !”.


Tôi đã trao đổi lại với các ông ở Ban liên lạc dòng họ Tộc Trần Nghệ Tĩnh và các cụ trong Hội đòng gia tộc làng Thái Xá: Thái Xá là địa danh tôi đã tìm được theo văn bia trên mộ Tổ Trần Phước Thiện, thì hãy từ nơi đây kiên trì để tìm quê hương sinh quán và thân thế của ngài, nếu vội vàng… sẽ mất phương hướng !


Tôi đã nhiều lần liên tục ra Nghệ An về làng Thái Xá, tìm và đọc nhiều gia phả của các tộc Trần ở các xã thuộc huyện Diễn Châu, các gia phả ấy được phụng lập khá lâu từ những năm thuộc thế kỷ 16, 17… và cuốn Tân Phả của ông Trần Thanh San vừa biên soạn xong… Nhờ đó, tôi biết được cụ Trần Phước Thiện khi còn ở miền Bắc đã có vợ là bà Phạm Thị Tứ Khánh và ông bà đã sinh được 4 người con trai, ông Trần Phúc Đức là con trai trưởng… Trong tân phả tộc Trần dòng Trần Nguyên Hãn Nghệ Tĩnh ghi rõ: “Ông Trần Phúc Đức Giáp Chi ly tổ ra vùng Phà Ghép Tĩnh Gia Thanh Hóa, đã hơn 100 năm qua biệt vô tin tức” do “Ông Trần Sỹ Đôn ghi lại năm 1789” có lẽ chính từ những tư liệu này mà ông Trần Phúc Đức tộc Trần làng Thái Xá từ lâu không được công nhận là người con trưởng của Tổ Trần Phước Thiện và Tộc Trần làng Thái Xá không có mối quan hệ nào với các Tộc Trần ở Diễn Châu !


Qua nhiều suy nghĩ, từ thực tiễn trong những năm Mỹ Diệm thống trị miền Nam Việt Nam, với chính sách tố cộng, diệt cộng khủng bố những người kháng chiến cũ và những người dân yêu nước ở miền Nam; nhiều người đã bị chúng bắt, giam cầm, tù đày, giết hại, nhiều gia đình tan nát, tâm tình khốn khổ lo âu… Những người chưa bị sa vào tay chúng đã phải lìa bỏ quê hương, gia đình chạy chốn, chuyển cư đi nơi khác, thay tên đổi họ… Hòng che dấu tung tích quá khứ của mình mới hy vọng bảo toàn tính mạng… Đối với ông Trần Phước Thiện, sinh ra và lớn lên trong những thập niên ở cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, sau khi triều đại nhà Trần sụp đổ, Hồ Quý Ly ra tay tung hoành hãm hại những quan chức trung thành với triều đình cũ và cả với con cháu nhà Trần, rồi quân xâm lược nhà Minh tràn vào đánh tan nhà Hồ, tiếp đến cuộc chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc, rồi Trịnh, Nguyễn phân tranh chém giết lẫn nhau, dân tình đói khổ… Từ những bài học của Tổ tiên thủa trước, để bảo tồn dòng dõi gia đình dòng tộc, ông Trần Phước Thiện phải rời bỏ gia đình vợ con, chỉ đem theo người con trưởng Trần Phúc Đức đến một nơi khác ẩn cư… Để tránh mọi sự theo dõi của những kẻ phản phúc, nên trước lúc ra đi, ông Trần Phước Thiện đã nói vợ con của mình là cha con ông sẽ đi ra vùng Phà Ghép, Tĩnh Gia, Thanh Hóa sinh sống… Vì vậy, bà Từ Khánh vợ ông đâu có nghĩ rằng chồng và đứa con đầu lòng của mình đang làm ăn sinh sống tại làng Thái Xá đầm lầy hẻo lánh, cách Đông Lũy quê hương ông không xa ! Chính vì vậy, sau năm 1789 ông Trần Sỹ Đôn mới ghi là: “… Đã hơn 100 năm qua biệt vô tin tức…” thêm nữa, khi còn sinh sống ở Thái Xá ông Trần Phước Thiện chưa hoặc không muốn cho Trần Phức Đức biết về người mẹ và các em đang sinh sống tại Đông Lũy; Và việc đi vào Nam của ông Trần Phước Thiện hình như gấp gáp, bất ngờ, không được chuẩn bị trước nên Trần Phúc Đức con ông không biết cha mình đi đâu !?; Chính vì vậy mà về sau, khi trở thành thỉ tổ của Tộc Trần làng Thái Xá, ông Trần Phúc Đức phải chịu mấy chữ “Vị tường”.


Những lập luận và lý giải trên đây, ngay từ đầu đã được Hội đồng Gia tộc Tộc Trần làng Thái Xá hoàn toàn nhất trí. Song các chi họ Tộc Trần khác hậu duệ của Trần Phước Thiện ở Diễn Châu và cả ông Trần Thanh San vẫn còn do dự, không có ý kiến chính thức. Mãi gần 6 năm sau, khi các cụ được mời vào viếng mộ Tổ Trần Phúc Thiện và thăm nhà thờ Tộc Trần Phước ở Thanh Châu, đọc và nghiên cứu bản dự thảo Phổ hệ Tộc Trần Việt Nam - Tập 1 dòng Trần Phước Thiện của tôi gửi ra, ngày 16/ 5/2012, các vị đại diện Hội đồng Gia tộc của các chi họ Tộc Trần hậu duệ của Tổ Trần Phước thiện đã có cuộc gặp mặt tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An, sau khi thảo luận đã hoàn toàn nhất trí với nhau rằng:


Tổ Trần Phước Thiện là cháu 4 đời của Cụ Tổ Trần Chân Tâm, có các người con là:
- Trần Phúc Đức, nhất lang nay có nhà thờ tộc ở làng thái Xá xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu…
- Trần Phúc Nhân, Nhị Lang có nhờ tộc ở thôn Đậu Vinh xã Diễn Phong huyện Diễn Châu.
- Trần Đăng Đài, tam lang có nhà thờ tộc ở Ngọc Sơn, huyện Đô Lương.
- Trần Văn Quan, tứ lang có nhà thờ tộc tại xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
- Trần Phước Biền, quý lang con bà Nguyễn Thị Lan thứ thất của Tổ Trần Phước Thiện, có nhà thờ tại làng Thanh Châu, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam…
Sự nhất trí trên đây được lập thành văn bản và tất cả những người có mặt đều ký tên bên dưới. Sau đó các cụ đã gởi văn bản ấy vào cho tôi để làm cơ sở kết thúc thành công việc đi tìm về nguồn gốc tổ Trần Phước Thiện.


Thế là ngót 12 năm, tôi đã hoàn thành sứ mệnh đi tìm nguồn gốc tổ tiên. Thành công này đã tạo được sự đồng thuận và gắn kết được mối quan hệ ruột thịt giữa các họ Tộc Trần hậu duệ của cụ Tổ Trần Phúc Thiện từ Thái Xá, xã Diễn Thái, Diễn Châu, Đông Lũy, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Ngọc Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cho đến các chi họ Trần Phước ở Thanh Châu xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Lộc Đại xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Núi Lở, huyện Đại Lộc và Phú Triêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sau hàng trăm năm cách biệt.


Những năm tháng đi tìm nguồn gốc của Tổ Trần Phước Thiện cũng là những năm tháng tôi tìm đọc được những gia phả của nhiều Chi tộc Trần ở các xã thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đồng thời tìm mua đọc những sách báo có các bài viết liên quan đến tộc Trần Việt Nam… Qua các tài liệu nói trên đã cho tôi những tư liệu cần thiết để có thể biên soạn dự thảo Bộ Phổ hệ Tộc Trần Việt Nam - tập 1, trực hệ dòng họ Trần Phước Thiện. Song những gia phả của các Chi họ Tộc Trần ở các xã thuộc huyện Diễn Châu, cũng như sách “Các Triều Đại Việt Nam” tập 1 của Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng và sách các “Danh tướng Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần đều nói tổ tiên tộc Trần Việt Nam là ông Trần Quốc Kinh (hay Trần Kinh) ở Đông Triều, làm nghề chài lưới trên sông nước rồi dừng chân định cư ở Tức Mạc… Đã có người hỏi tôi : Vậy ông Trần Quốc Kinh từ đâu đến Đông Triều ? …


Đến năm 2004, tôi đọc tạp chí “Hào khí Đông A” số 3, tờ thông tin nội bộ của Ban Liên lạc dòng họ Trần Việt Nam, trang 23, 24 có bài viết “Đâu là gốc tích họ Trần”. Qua đó đã giúp tôi có thể trả lời câu hỏi nói trên và giúp tôi có thể chỉnh sửa, bổ sung vào bản dự thảo Phổ hệ tộc Trần Việt Nam - tập 1….


Như vậy, tổ tiên dòng dõi tộc Trần Việt Nam có mặt trên đất nước Việt Nam từ thuở xa xưa; Năm 227 trước Công Nguyên, ông Trần Tự Minh Tưởng phò vua An Dương Vương xây đắp thành Cổ Loa… Sau đó, Vua An Dương Vương bị cha con Triệu Đà - Trọng Thủy đánh bại, thành Cổ Loa lọt vào tay quân Nam Hán, ông Trần Tự Minh lui về ẩn cư ở vùng Kinh Bắc… Hơn một ngàn năm sau đó, ông Trần Tự Minh đã sinh hạ con cháu như thế nào, tôi chưa tìm thấy có tài liệu nào ghi chép lại. Mãi đến đời ông Trần Tự An (1010 - 1077), một nhân vật Võ Lâm kiệt xuất trong giới Võ Lâm Đại Việt xuất hiện. Lúc bấy giờ trên đất Đại Việt có nhiều phái Võ Lâm nổi tiếng, như phái võ Lĩnh Nam, phái võ Lâm Hoa Sơn và phái Võ Lâm của ông Trần Tự An được đặt lên là “Đông A”. Cả ba phái Võ Lâm nói trên đều có lòng tự tôn dân tộc, nhưng có sự khác nhau về thân phận và võ thuật… Trước khi qua đời, ông Trần Tự An đã khuyên dặn lại người con trai của mình là Trần Tự Mai: Nên tìm cách di chuyền Võ đường Đông A đi nơi khác để tránh mọi sự xung đột có thể xảy ra. Lúc đầu, ông Trần Tự Mai chuyển võ đường về An Sinh, Đông Triều, khi người con trai của ông Mai trưởng thành là ông Trần Tự Kinh, chuyên nghề đánh bắt cá trên sông nước đã dừng chân định cư ở Tức Mạc, Phủ Thiên Trường, Nam Định…


Kể từ ông Trần Tự An là đời thứ nhất, cha truyền con nối, thì ông Trần Tự Kinh là đời thứ ba, Trần Hấp là đời thứ 4, thứ 5 là ông Trần Lý, thứ 6 là ông Trần Thừa, thứ 7 là ông Trần Cảnh (Vua Trần Thái Tông), Trần Quang Khải là đời thứ 8, Trần Đạo Tái đời thứ 9, Trần Văn Bích thứ 10, Trần Nguyên Đán thứ 11, Trần Án (Thuần Đức) đời thứ 12, Trần Nguyên Hãn đời thứ 13, Trần Quốc Duy (Pháp độ công), đời thứ 14, Trần Thiện Tính đời 15, Trần Chân Tịch đời thứ 16, Trần Chân Tâm đời thứ 17, Trần Chính Đạo 18, Trần Văn Tuyết 19, Trần Văn Lý đời thứ 20 và Trần Phước Thiện đời thứ 21. Sau khi vào Nam, Tổ Trần Phúc Thiện đã sinh hạ đến nay được 18 đời. Và như vậy, dòng dõi Tộc Trần trực hệ qua dòng Trần Phước Thiện đến nay có cả thẩy 39 đời người.


Thế là ngót 17 năm, tôi đã hoàn thành sứ mệnh của Hội đồng Gia tộc giao phó, tìm được nguồn gốc tổ tiên và biên soạn xong Bộ Phổ hệ Gia tộc gồm 2 tập… kết nối gắn kết dòng huyết thống dòng họ sau hàng trăm năm cách biệt. Với tấm lòng thành kính đối với tổ tiên và trách nhiệm với con cháu mai sau, tôi đã cố gắng hết sức mình, song không tránh khỏi những điều sai sót nhất định. Hy vọng các thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung làm cho Bộ Phổ hệ Gia tộc ngày một hoàn chỉnh hơn.

_____________________________________________
Địa chỉ liên lạc: Trần Phẩm - K36/19 Phạm Văn Nghị, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Điện thoại bàn: 0511.656863 - Di động: 0905.690.234.

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 160
Tổng truy cập: 1367824
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ