HỌ TRẦN THỊNH XÁ, SƠN TỊNH, HƯƠNG SƠN, HÀ TĨNH TÌM VỀ CỘI NGUỒN
(Trần Đình Đa. Số ĐT: 0932343794)
Từ nhiều đời trước truyền lại, quê gốc của Ngài Trần Đăng Nhàn ở Thủ Hộ, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Nhân có chuyến đi khâm sai hành khiển ở Hương Sơn thấy phong cảnh nơi đây có núi sông, trên bến dưới thuyền, đất đai rộng rãi mới chiêu dân lập ấp ở làng Thịnh Xá (nay là xã Thịnh Xá huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Từ đây Ngài trở thành thủy tổ của dòng họ Trần Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Nhờ ơn trời đất, phúc ấm Tổ tiên, hậu duệ kế tục của Ngài có đến hàng chục chi tộc, hàng ngàn cháu con làm ăn sinh sống khắp mọi miền.
Nhiều năm trước, do thời gian, thiên tai, chiến tranh và biến cố lịch sử nên Thế phổ hư hại và thất lạc nhiều. Với tâm nguyện phải tìm cho được cội nguồn, để tri ân công đức các thế hệ cha ông đã gây dựng và để con cháu tự hào, kế tục cơ nghiệp của dòng họ. Cụ Trần Văn Nhạ, cháu đời thứ 6, cùng một người trong họ ra Thanh Hóa để tìm nhận Tổ tiên, nhưng không có bằng cứ gì. Đời vua Thành Thái, tú tài Trần Đình Bạt, thi sỹ Trần Xuân Cẩm, Trần Đình Hòe, Trần Liêm là cháu đời thứ 7, lại ra Thanh Hóa, hỏi thăm Tổ tích nhưng cũng mơ hồ không rõ.
Đến năm Tân Dậu (1921), người trong họ xem bói được phán rằng: Nguyên Tổ ở làng Diệu Ốc, xã Giai Lạc, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thầy bói cho biết:
Tổ Trần Đăng Chất phụng mệnh ở Thanh Hóa, có lấy một bà thiếp, sinh hai người con trai là: Trần Đăng Nhàn và Trần Đăng Đoan. Trong lời phán kể rõ ràng thế thứ, tên tuổi và sự nghiệp, nhưng dòng họ cũng chưa có điều kiện đi tìm hiểu để nhận họ.
Vào tháng 2 năm Bảo Đại thứ 8, Quý Dậu (1933), cháu đời thứ 7 cụ Trần Đức Nghị (cụ Nại, ông nội của cụ Trần Đình Đa), có làm việc tại Tòa công chính, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nhân đó hỏi được Tổ tích đúng như lời phán của thầy bói. Cụ Nại trở về đưa các cháu đời thứ 8, là Hàn lâm viện đại chiếu là Trần Văn Đại cùng ra làng Diệu Ốc, đến nhà quan cử nhân kiểm thảo Trần Văn Hun làm giám tự thì hỏi được tổ tích rõ ràng.
Tháng 8 năm 1933 cụ Nại lại dẫn các cháu đời thứ 8 là tú tài Trần Đình Huy, thi sĩ Trần Đình Đối cùng với trưởng tộc Trần Ngôn ra làng Diệu Ốc, bái yết trước phủ thờ, rồi xin giám tự Trần văn Hun cho sao thế phổ và đi đến làng Võ Kỳ dâng lễ vật, bái yết tại nhà thờ cụ Trần Đăng Chất và xin rước bản sao thế phổ về phụng sự ở nhà thờ Đại tôn họ Trần làng Thịnh Xá.
Cụ Nại có câu “Hải huy nguyên” (nghĩa là nước có nguồn) hiện nay vẫn còn đặt trước bái đường nhà thờ cụ Trần Đăng Dinh, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Cũng từ đây biết thêm cụ Trần Đăng Đoan (sau đổi tên là Trần Xuân Láng) vào lập nghiệp ở làng Nam Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, và trở thành thủy tổ của một dòng họ lớn tại đây.
Tháng 10 năm 1988, khi nhận được thông báo, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc, phối hợp với Viện sử học Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học về Danh nhân Trần Nguyên Hãn. Dòng họ Trần Sơn Thịnh, đã cử ba cụ, đang sinh sống ở Hà Nội, gồm:
1. Cụ Trần Văn Khuông, hơn 70 tuổi, tộc trưởng họ Trần ở Diệu Ốc, đỗ tú tài thời Pháp thuộc, cán bộ cách mạng, nguyên Chuyên viên Cục lưu trữ Trung ương đã nghỉ hưu.
2. Cụ Trần Đình Dục hơn 70 tuổi, nguyên Vụ trưởng, Tổng cục Bưu Điện (dòng họ Trần Thịnh Xá) đã nghỉ hưu
3. Ông Trần Văn Quý hơn 60 tuổi, nguyên Chuyên viên UB KHXH (dòng họ Trần Nam Trạch) đã nghỉ hưu.
Tại buổi hội thảo, ngày 12-10-1988, ông Trần Văn Quý có trình bày chuyên đề về phổ hệ, con cháu dòng Trần Nguyên Hãn ở Nghệ Tĩnh. Từ đây đã kết nối dòng họ được liền mạch, sau gần 600 năm phân chi xa cách.
Với tình cảm sau lắng và tỏ lòng biết ơn đối với Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, con cháu họ Trần Nghệ Tĩnh thuộc dòng Phúc Quảng, Huyền Thông, Huyền Linh đã về nhà thờ họ Đào Trần ở phường Minh Nông, Việt Trì, Phú Thọ, thắp hương nhận họ. Đoàn cũng đã về dâng hương bái yết Ngài Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn tại nhà thờ Tả tướng quốc ở thôn Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
Trước anh linh Đức Tổ, các thế hệ con cháu dòng họ Trần Thịnh Xá, nguyện sống xứng đáng là hậu duệ của người.
Nhân ngày về dâng hương tại Đền thờ Tả tướng quốc, ngày mùng Một tháng Hai năm Canh Ngọ (1990), tôi đã xúc động viết bài thơ:
VỀ VỚI CỘI NGUỒN
Chim đi tìm tổ, người tìm tông
Con cháu miền Trung quyết một lòng
Lần theo sử sách tìm nguồn cội
Khắc khoải trong lòng vẫn ước mong.
Nay được về đây với Sơn Đông
Vùng quê phía Bắc ngã ba sông
Như đàn chim nhỏ bay về tổ
Ríu rít bên nhau, rực nắng hồng.
Thỏa lòng nguyện ước nỗi chờ mong
Tay nắm tay nhau, thật ấm nồng
Con cháu nhớ ngày về giỗ Tổ
Tạ ơn Người, đất nước ghi công.
Thắp nén hương thơm bái yết người
Kính dâng Tả tướng đóa hoa tươi
“Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa
Lô Thủy thần tâm đối nghĩa thiên”.*
Về với Sơn Đông với mẹ hiền
Minh Nông - Nghệ Tĩnh trọn lời nguyền
Sát cánh bên nhau xây tổ ấm.
Vun gốc Đông A mãi vững bền.
* Đôi câu đối trong đền Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, có nghĩa là:
"Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này
Lòng trung quân của người bầy tôi trên dòng sông Lô là có trời biết".