KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỔ TRẦN PHÁP ĐỘ TẠI THÔN PHÚ HỮU, XÃ NHÂN THÀNH, YÊN THÀNH, NGHỆ AN | Dòng chảy thông tin | Cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn
Dòng chảy thông tin   /  HÀNH HƯƠNG, LỄ GIỖ
KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỔ TRẦN PHÁP ĐỘ TẠI THÔN PHÚ HỮU, XÃ NHÂN THÀNH, YÊN THÀNH, NGHỆ AN
Nhà thờ Tổ Trần Pháp Độ tại thôn Phú Hữu được xây dựng từ lâu đời (không rõ năm nào). Trải qua năm tháng, gió mưa, nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của con cháu trong chi họ quyết định tôn tạo, xây dựng lại nhà thờ trên khuôn viên đất cũ bảo đảm rộng rãi, khang trang để thờ cúng Tổ. Ngày 16/01 âm lịch năm 2015, nhà thờ được khởi công xây dựng. Sau hơn 4 tháng thi công, đến nay nhà thờ cơ bản đã hoàn thành. Ngày 05/7/2015, tức 20 tháng 5 năm Ất Mùi, Chi họ Trần tại thôn Phú Hữu, xóm Trung Hậu, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ giỗ và khánh thành nhà thờ Tổ Trần Pháp Độ, con trai út Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.

                                                                KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ TỔ TRẦN PHÁP ĐỘ

TẠI THÔN PHÚ HỮU, XÃ NHÂN THÀNH, HUYỆN YÊN THÀNH, NGHỆ AN

                                                   Cao Trần Bá Khoát

Ngày 05/7/2015, tức 20 tháng 5 năm Ất Mùi, Chi họ Trần tại thôn Phú Hữu, xóm Trung Hậu, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An tổ chức lễ giỗ và khánh thành nhà thờ Tổ Trần Pháp Độ, con trai út Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Gần bốn trăm con cháu họ Trần Pháp Độ thuộc các chi họ tại các huyện trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh… đã về dự. Đoàn đại biểu Ban Liên lạc Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam gồm các ông: Cao Trần Bá Khoát, Phó ban Thường trực và ông Trần Quang Trung, Chánh văn phòng Ban Liên lạc từ Hà Nội vào dự. Đoàn đã trao tặng nhà thờ lá cờ Dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam.

Tổ Trần Pháp Độ là con trai út (con bà ba) Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Sau khi Đức Tổ Trần Nguyên Hãn bị nạn (26/02/1429 ÂL), ông cùng với mẹ bị triều đình nhà Lê đưa về quản thúc tại Thăng Long. 26 năm sau, năm Diên Ninh thứ hai (1455) vua Lê Nhân Tông xuống chiếu minh oan cho Tả tướng quốc, mẹ con ông được trả tự do. Ông làm quan dưới triều Lê, từng giữ chức Thiết chế lễ tướng công. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông xin hưu quan, đưa vợ là bà Lê Thị Từ Quang cùng ba con trai là Trần Công Sủng, Trần Đạo Tín và Trần Thiện Tính về ở Tống Sơn, nay thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Sáu năm sau, ông để bà Từ Quang và con thứ Trần Đạo Tín ở lại Tống Sơn, còn ông và 2 con Trần Công Sủng, Trần Thiện Tính đi vào Nghệ An. Ông chọn chùa Liên Hoa, làng Phì Cam để ở, làm nghề Thuần danh nội đạo. Sau khi ổn định cuộc sống, ông đưa con trưởng Trần Công Sủng trở lại định cư tại chùa Sải, thôn Kim Cốc, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, ông vào Nghệ An cùng con út Trần Thiện Tính tổ chức khai dân, lập xứ Nương Mao, nay là vùng đất thuộc các xã Vĩnh Thành, Nhân Thành, Hợp Thành, huyện Yên Thành, và một số xã thuộc huyện Diễn Châu (giáp với huyện Yên Thành), tỉnh Nghệ An.

Khi Tổ Trần Pháp Độ qua đời (không rõ ngày mất), mộ ông táng tại xứ Tường Lai, Hào Kiệt, nay là xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Đền chính thờ Tổ Trần Pháp Độ được xây tại thôn Đan Trung, xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm Khải Định thứ 2 (1917), vua Khải Định sắc phong “Pháp Độ Trung đẳng thần”. Ngày 20/5/1997, đền thờ được Nhà nước CHXHCN Việt Nam cấp “Bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa”.

 Ngày 20 tháng 5 năm Kỷ Mão (không rõ năm nào), mộ Tổ Trần Pháp Độ được cải và táng tại thôn Phú Hữu, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành. Cũng tại thôn Phú Hữu, bà con trong chi họ sở tại đã làm nhà thờ để hương khói thờ phụng ông. Vì không rõ ngày mất, nên chi họ lấy ngày cải táng ông (20/5) để làm ngày giỗ Tổ hàng năm.

Nhà thờ Tổ Trần Pháp Độ tại thôn Phú Hữu được xây dựng từ lâu đời (không rõ năm nào). Trải qua năm tháng, gió mưa, nhà thờ bị xuống cấp nghiêm trọng. Thể theo nguyện vọng của con cháu trong chi họ quyết định tôn tạo, xây dựng lại nhà thờ trên khuôn viên đất cũ bảo đảm rộng rãi, khang trang để thờ cúng Tổ. Ngày 16/01 âm lịch năm 2015, nhà thờ được khởi công xây dựng. Sau hơn 4 tháng thi công, đến nay nhà thờ cơ bản đã hoàn thành. Khu Thượng điện là gian thờ chính cũ được nâng cấp bảo tồn. Khu Trung điện (nhà giữa) được xây mới hoàn toàn. Khu Hạ điện (nhà Bái đường) được tôn tạo, nâng cấp. Một số đồ thờ tự được mua sắm mới. Chi phí xây dựng nhà thờ đến trước khi khánh thành hết 418 triệu đồng, cùng với hơn 300 công bà con đóng góp xây dựng (trị giá khoảng 70 triệu đồng). Với tấm lòng thành kính Tổ tiên, các con cháu trong chi họ sở tại, các con cháu làm ăn xa, các cháu gái, cháu rể và các nhà hảo tâm đã phát tâm công đức, đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ để xây dựng nhà thờ Tổ.

Về dự lễ giỗ và khánh thành nhà thờ Tổ hôm nay, con cháu ở khắp mọi nơi, từ già đến trẻ đều hân hoan tay bắt mặt mừng. Mọi người kính cẩn cúi dâng lễ vật, thành kính thắp nén tâm hương trước bàn thờ Tổ, cầu mong Đức Tổ phù hộ độ trì cho tất cả các con cháu trong dòng tộc luôn luôn mạnh khỏe, phát huy truyền thống của Tổ tông, phấn đấu để trở thành cháu con hiếu thảo trong gia tộc, người công dân tốt trong xã hội, góp phần xây dựng gia đình, dòng họ, quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Dường như đức Tổ ở trên trời cao rất linh thiêng. Giữa những ngày hè nóng nực của mảnh đất miền Trung gió Lào, cát trắng, chiều hôm trước (19/5 ÂL) khi chi họ tổ chức lễ cúng cáo yết, trời bỗng nổi cơn giông rồi đổ một trận mưa to khoảng 20 phút. Bầu trời đang nóng như thiêu như đốt, bỗng trở nên mát mẻ vô cùng. Ngày giỗ chính (20/5 ÂL), trời trong, gió mát, không mưa khiến cho các con các cháu về dự lễ giỗ và khánh thành nhà thờ Tổ càng thêm vui vẻ.

 

Liên kết website
Tìm kiếm
Hỗ trợ trực tuyến
Mr. Trung : 0913 985 589
Thông báo dòng họ
Video
   LỄ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG LÂM THỜI HỌ TRẦN VIỆT NAM
Thống kê truy cập
Online: 156
Tổng truy cập: 1261518
Nội san dòng họ
  • QUÝ HƯƠNG TỨC MẶC HỌ TRẦN VÀ NGUYÊN TỔ HOÀNG ĐẾ TRIỀU TRẦN RỪNG THẦN Nội san dòng họ Nội san dòng họ